Nam Đế nào ?

(Về bài thơ QUA SÔNG NHƯ NGUYỆT, CẢM TẤM LÒNG TRUNG NGHĨA CỦA TRƯƠNG TƯỚNG QUÂN...của Lê Quý Đôn)

chuy-vbl1-1638519913.jpg
Sông Cầu, tức sông Như Nguyệt, hay sông Nguyệt Đức. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Lê Quý Đôn có thời kỳ giữ chức Đốc đồng Kinh Bắc. Ở đây, ông có dịp đi nhiều, viết nhiều về Kinh Bắc. Riêng thơ chữ Hán, cũng đã có tới hàng trăm bài.

QUA SÔNG NHƯ NGUYỆT,

CẢM TẤM LÒNG TRUNG NGHĨA CỦA TRƯƠNG TƯỚNG CÔNG, KÍNH GHI

Một nhà hai anh em đều là anh hùng,

Vằng vặc tấm lòng báo quốc thề dốc lòng trung.

Đã định phận vì Việt Vương, do đó biết được tấc lòng thành trong trắng,

Lại khiến Nam Đế phải sợ hãi phong thái còn lại của ông.

Oai thần đến đâu, dân còn được yên ổn,

Sau khi câu thơ ngâm lên, đội quân kỵ của giặc phải chạy tan.

Núi sông Viêm bang ngàn xưa còn đó,

Rạng rỡ thay, điển lệ thờ phụng nêu cao người có công đầu.

Dịch thơ

Anh em hào kiệt một nhà,

Lòng trung báo quốc sáng lòa trời cao.

Thờ Việt Vương, há đổi sao,

Khiến Nam Đế sợ khí hào còn thiêng.

Oai thần còn để dân yên,

Thơ ngâm, giặc Bắc cuồng điên phải tàn.

Viêm bang còn mãi giang san,

Tiếng thơm công đức vẻ vang mãi truyền.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Bài thơ thể hiện cảm xúc của Lê Quý Đôn, khi tác giả có dịp viếng thăm đền thờ hai anh em Trương Hống và Trương Hát, tướng của Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục). Đôi bên bờ sông Cầu, tức sông Như Nguyệt, hay sông Nguyệt Đức, còn có khá nhiều đền thờ anh em Trương Hống và Trương Hát. Dân gian còn gọi là đền thờ Thánh Tam Giang, đời Tiền Lý. Thời điểm này, Lê Quý Đôn đang làm quan trấn thủ Kinh Bắc.

Anh em hào kiệt một nhà,

Lòng trung báo quốc sáng lòa trời cao.

Hai câu thơ mở đầu, tác giả khái quát về danh tiết của hai vị Trương tướng quân như vậy. Phần tiếp theo, nói rõ thêm hình ảnh hai anh em Trương tướng quân một lòng một dạ trung thành với Việt Vương (Triệu Quang Phục). Tấm lòng hai vị tướng quân vằng vặc như trăng sao, khiến Nam Đế (Lý Phật Tử) phải kinh sợ. Sao vậy? Chả là trước đó, Lý Bí (503-548), tức Nam Việt Đế lập nước VẠN XUÂN, đem ba vạn quân chống quân Lương, do danh tướng nhà Lương là Trần Bá Tiên chỉ huy. Lý Bí xưng là Nam Việt Đế, có lẽ là muốn nối tiếp sự nghiệp của Nam Việt Đế Triệu Đà chăng? Mấy phen giao chiến ở khu vực hồ Điền Triệt (Phú Thọ) đều thua trận, Lý Bí phải chạy vào động Khuất Lão (nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), rồi mất ở đó. Lý Phật Tử (cháu Lý Bí) kế tục sự nghiệp của cha là Lý Nhã Lang (con trai Lý Bí), tiếp tục chiếm cứ vùng thượng du.

Triệu Quang Phục (524-571) vốn là Tả tướng của Lý Bí, được Lý Bí (Lý Nam Đế) ủy thác kế nhiệm, đánh đuổi được tướng nhà Lương, tự xưng Triệu Việt Vương, dân gian tôn vinh ngài là Dạ Trạch Vương. Triệu Việt Vương lấy thành Long Biên, tức thành Luy Lâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay làm thủ phủ.

Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục hòa hiếu, kết giao làm thông gia. Nhưng Lý Phật Tử bỗng dưng phản trắc, đang đêm đem quân đánh úp Triệu Quang Phục. Quang Phục không đề phòng, thua to, phải chạy về cửa sông Đáy mạn Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày nay. Cùng đường, Triệu Quang Phục phải nhảy xuống sông tự vẫn.

Lý Phật Tử (Nam Đế) chiêu dụ anh em Trương Hống và Trương Hát theo mình, nhưng anh em họ Trương quyết giữ lòng trung với Triệu Việt Vương (Quang Phục), nên không theo Nam Đế (Lý Phật Tử). Nhà thơ ca ngợi tấm lòng trung nghĩa của tướng quân họ Trương. Thậm chí, “Oai thần đến đâu, dân đều được yên ổn”. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống của nhà Hậu Lý (Lý Công Uẩn), oai thần của Trương tướng quân vẫn còn được thể hiện. “Sau khi câu thơ ngâm lên, đội quân kỵ của giặc phải chạy tan”. Tác giả nhắc chuyện ở thời Hậu Lý (1009-1225), Thái úy Lý Thường Kiệt đem quân ngăn chặn giặc Tống ở đây (sông Như Nguyệt). Đang đêm yên tĩnh, nghe có tiếng thần linh sang sảng ngâm bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ, tương truyền, do Lý Thường Kiệt sáng tác. “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Giặc Tống nghe thần nhân ngâm thơ, rất kinh sợ. Quân Đại Việt vô cùng phấn khích. Lý Thường Kiệt cho quân vượt sông tấn công mãnh liệt. Quân Tống tan vỡ…Kết thúc bài thơ, Lê Quý Đôn viết:

Sông núi Viêm bang ngàn xưa còn đó,

Rạng rỡ thay, điển lệ thờ phụng nêu cao người có công đầu!

Viêm Bang, tức địa danh người Tàu gọi vùng đất Giao Châu, hay là nước Việt ta. Núi sông Viêm Bang từ ngàn xưa vẫn còn đó. Mà đền miếu thờ phụng các vị anh hùng tiền bối vẫn còn đây. Mãi mãi.

Ở đây, chúng tôi xin được nhấn mạnh vài chi tiết để bạn đọc dễ hiểu, dễ nhớ. Thứ nhất, thời phong kiến nước ta có hai triều đại nhà Lý. Tiền Lý, tức Lý Bí xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đắp thành lớn ở cửa sông Tô Lịch, Hà Nội ngày nay làm Kinh đô. Để phân biệt với Nam Việt Đế Triệu Đà (Triệu Vũ Đế), cho nên thường gọi Lý Bí (Lý Bôn) là LÝ NAM ĐẾ. Triệu Quang Phục kế tục sự nghiệp của LÝ NAM ĐẾ, xưng là Triệu Việt Vương. Ở bài thơ này, Lê Quý Đôn gọi Lý Phật Tử là Nam Đế, nhưng đây là thời kỳ HẬU LÝ NAM ĐẾ. Lý Phật Tử là con trai Lý Nhã Lang, tức cháu Lý Bí. Điều này tưởng đơn giản, nhưng rất nhiều người nhầm lẫn giữa Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) với Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục).

Hậu Lý (1009-1225), để gọi nhà Lý do Thái tổ Lý Công Uẩn là người khai cơ (mở nghiệp). Lại có triều đại Tiền Lê (980-1009) ngắn ngủi (Lê Hoàn, tức Lê Đại Hành, khai cơ). Hậu Lê (1428-1427) do Thái tổ Lê Lợi dựng nghiệp. Thời Lê Trung hưng còn gọi là thời kỳ vua Lê chúa Trịnh…

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục 

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/nam-de-nao-a8603.html