Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 39)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

le-dai-hanh-1638495682.jpg
Tranh minh họa: Lê Đại Hành đại phát quân Tống. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 39.

Thủy quân Tống với 400 chiến thuyền, 4 vạn quân dàn quân ở cửa biển sông Bạch Đằng, cờ vàng viết chữ đen “Đại Tống” bay rợp trời, rợp biển. Lính Tống quân phục màu đen, vũ khí đầy người đứng chật cứng trên các con thuyền chiến. Sóng vỗ theo gió thổi vi vu xạc xào. Lưu Trừng bảo một tùy tướng:

- Sang mời Đại Đô đốc Trần Khâm Tộ sang lâu thuyền của ta bàn việc tác chiến.

- Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Thuyền Trần Khâm Tộ áp mạn thuyền của Lưu Trừng. Trần Khâm Tộ bước sang lâu thuyền sang trọng của Lưu Trừng. Lưu Trừng rót ra hai bát rượu, hai tướng uống xong, Lưu Trừng nói:

- Nhiệm vụ của tướng quân là vào Tây Kết, chọc thủng phòng thuyến Bình Lỗ để đánh vỗ vào mặt Đông của thành Hoa Lư. Nhiệm vụ của hạ quan là phải tới sông Lục Đầu Giang rồi vào sông Cầu đưa bộ binh của Tôn Toàn Hưng và Chủ soái Hầu Nhân Bảo qua sông đánh Đại La để phối hợp cùng tướng quân đánh Hoa Lư từ mặt Bắc.

Trần Khâm Tộ nói:

- Mạt tướng rõ rồi.

Lưu Trừng nói:

- Nhưng không phải đơn giản dễ dàng như vậy đâu. Trước mắt ta phải đánh tan thủy quân Đại Cồ Việt trên sông Bạch Đằng để mở đường vào Tây Kết (Khoái Châu) và Lục Đầu Giang. Nhưng cửa sông Bạch Đằng đã bị đóng cọc. Lê Đại hành đang sử dụng lại kế của Tiền Ngô Vương phá quân Nam Hán năm xưa. Nay ta phải tương kế tựu kế…

- Là thế nào?

- Chờ cho sóng lên cao, phủ hết cọc, ta sẽ vượt qua cọc, đem thủy binh vào sông Bạch Đằng. Thủy Binh Đại Cồ Việt chờ ở phía trên khi thủy triều rút sẽ đánh ta để ta lui vào bãi cọc. Đại đô đốc đem 2 vạn thủy quân ta đi vào sông Giá đánh tập hậu thủy quân Việt thì chúng sẽ bị đánh tan và bị tiêu diệt.

Trần Khâm Tộ vỗ đùi cười ha hả:

- Thật là diệu kế. Hay…

Chiều muộn, nước triều dâng lên. Cửa sông Bạch Đằng sóng mênh mông che hết bãi cọc mà quân Đại Cồ Việt đã cắm xuống hoặc gia cố thêm bãi cọc xưa của Tiền Ngô Vương. Nhân triều dâng lên, 200 chiến thuyền và 2 vạn quân của Lưu Trừng lướt qua vào sông Bạch Đằng. Thanh la, chiêng trống và tiếng reo hò của quân xâm lược man rợ vang động cả một vùng. Lưu Trừng đứng trên lâu thuyền cao nhất chỉ huy, hò hét thúc quân tiến tới. Thủy quân Việt do Trịnh Tú chỉ huy đánh cầm chừng chờ nước thủy triều rút xuống sẽ phản công và phóng hỏa. Thốt nhiên, phía sau chiến thuyền của thủy quân Việt xuất hiện 200 chiến thuyền và 2 vạn quân Tống đánh tập hậu, phía trước, thủy quân Việt bị thủy quân Lưu Trừng đánh vào. Tên bay như mưa từ hai phía, quân Việt gục xuống quá nhiều nhưng vẫn nằm xuống kiên cường bắn trả. Quân Tống cũng không thể xáp lại gần và cũng chết vô kể. Canh giờ sau, thế trận quân Việt hoàn toàn tan rã, binh sĩ hy sinh nhiều, tên đạn đã gần hết. Đang lúc nguy nan, bỗng nhiên đạo thủy binh của Trần Khâm Tộ phía sau rối loạn đội hình. Thì ra thủy quân Việt do Đại tướng Lã Lang chỉ huy khi được thám mã báo đã nhanh chóng từ sông Kinh Thầy gần đó tiếp ứng cho Trịnh Tú. Trịnh Tú vui mừng mở hết sức lực tấn công vào chiến thuyền Trần Khâm Tộ. Bị đánh từ hai phía, Trần Khâm Tộ chỉ huy binh thuyền chạy ra sông Giá thoát vòng vây. Đạo thủy binh của Trịnh Tú thiệt hại lớn, 5000 thủy binh hy sinh, hỏng nặng 50 thuyền chiến. Lã Lang và Trịnh Tú phải rút về phòng thủ Lục Đầu Giang. Lưu Trừng cho thủy binh tiến lên Lục Đầu Giang, vừa là truy kích thủy quân Việt, vừa là tiến vào sông Cầu để đón bộ binh qua sông. Thủy quân Trần Khâm Tộ tiến vào Tây Kết, phá phòng tuyến Bình Lỗ để tiến về Hoa Lư theo kế hoạch.

Lê Đại Hành đang trong Tổng hành dinh thì có thám mã về báo:

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, quân địch không trúng cái bẫy của ta ở sông Bạch Đằng, chúng lại bày mưu, đạo của Lưu Trừng lúc triều dâng vào cửa sông Bạch Đằng, đạo từ sông Giá của Trần Khâm Tộ cũng ra sông Bạch đằng hợp vây, thuỷ quân ta thiệt hại nặng nề.

- Thiệt hại bao nhiêu.

- Dạ bẩm Hoàng thượng, Lã Lang đã từ thượng nguồn xuống cứu Trịnh Tú, đánh tập hậu Trần Khâm Tộ. Quân ta mất 50 chiến thuyền, 5000 binh sĩ hy sinh.

Lại thám mã về báo:

- Dạ bẩm Hoàng thượng, thủy quân Lưu Trừng đang truy kích Trịnh Tú, Lã Lang và sắp đến Lục Đầu Giang.

Lại thám mã về cấp báo:

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, thủy binh Trần Khâm Tộ đang tiến gần vào Tây Kết.

Lê Đại Hành ra lệnh:

- Ngươi hãy về Đằng Châu nói với lão tướng Phạm Phòng Át đem quân ra tiếp ứng cho Tây Kết. Việc quân lương giao cho nữ tướng Hoàng Thị Đậu. Nói với lão tướng bảo với đại tướng Trần Thăng, bảo vệ Tây Kết bằng mọi giá, Mất Tây Kết là mất Hoa Lư. Rõ chưa?

- Dạ, mạt tướng đi ngay.

Lê Đại Hành lại ra lệnh:

- Ngươi đi nói với Lã Lang, Trịnh Tú đem toàn bộ thuyền chứa chất cháy dàn ở cửa sông Lục Đầu Giang, nơi giao lưu giữa sông Lục Đầu với sông Cầu, sông Đuống. Thủy quân ta cho đậu phía Bắc, tức là phía sau các bè phóng hỏa, đối diện với thủy binh địch phía Đông và bên kia thuyền có chất cháy của ta. Kiên quyết không để địch lọt vào sông Cầu chở bộ binh Tống. Rõ chưa?

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, rõ, mạt tướng đi ngay.

Lê Đại Hành cho gọi các tướng Phùng Thường, Đào Trực:

- Hai tướng quân đem 2 vạn quân mai phục bờ Bắc Lục Đầu Giang. Nếu thủy binh Tống đổ bộ lên bờ thì kiên quyết tiêu diệt. Rõ chưa?

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, chúng mạt tướng tuân lệnh.

Trong khi đó Lưu Trừng thuận buồm xuôi gió, tinh thần phấn chấn do chiến thắng trong trận chiến Bạch Đằng, liền từ Bạch Đằng vượt sông Kinh Thầy tiến về Lục Đầu Giang. Lưu Trừng nhớ lại rất nhiều lần quân Hán đã thắng lợi ở Lục Đầu Giang do kết hợp bộ binh và thủy binh đánh tập hậu. Lưu Trừng ra lệnh cho thuyền ghé vào bờ, cho một vạn quân do Vương Soạn chỉ huy đổ bộ lên và đi bộ đến Lục Đầu Giang đánh bộ binh Việt ở phía Đông, còn một vạn quân đi thuyền tiếp đổ bộ đánh ở phía Tây, kẹp quân Việt vào giữa mà tiêu diệt. Thuyền quân Tống tiến vào Sông Lục Đầu, đã thấy đầu sông giáp với sông Cầu, những bè chất cháy của quân Việt đã dàn hàng ngang chắn lối vào, phía sau không xa là Thủy quân Việt dàn thế trận chờ sẵn. Thủy quân Tống tiến thoái lưỡng nan, tiến lên thì bị hỏa công tiêu diệt, khi đó đang là mùa đông, gió mùa đông bắc rất mạnh. Đúng như dự đoán của Lưu Trừng, các bè hỏa công đã phát hỏa như những núi lửa cháy dữ dội, khói bốc mù mịt lưng trời theo gió đang trôi về chiến thuyền quân Tống. Đi sau các bè lửa là thủy quân Đại Cồ Việt. Hai bên gần bờ Lục Đầu Giang, chiêng trống, tù và vang động, các thuyền nhỏ của dân binh và của dân chài đang di động dày đặc ven bờ chuẩn bị tấn công quân Tống hỗ trợ cho thủy quân. Lưu Trừng hốt hoảng ra lệnh chèo cật lực, dương cả buồm lên chạy thật nhanh một mạch ra sông Kinh Thầy và về sông Bạch Đằng. Đạo thủy binh đi bộ của quân Tống đi đến bãi Kiếp Bạc bị quân của Phùng Thường, Đào Trực mai phục đổ ra chặn đánh. Phía sau quân Tống lại bị dân binh các làng đổ ra chém giết. Quân Tống chết theo đủ kiểu: Trúng tên, bị chặt cụt đầu, bị đâm, máu chảy như suối tràn xuống đỏ ngầu Lục Đầu Giang, 1 vạn tên thịt nát máu phun không một tên nào sống sót. Tướng giặc Vương Soạn cũng tử trận.

Lưu Trừng đang rút chạy, chợt nghe âm thanh cuộc chiến trên bờ vọng xuống, tiếng la hết kinh hoàng của quân Tống, tiếng thanh la chiêng trống rung trời của quân Việt. Lưu Trừng ngửa mặt lên trời kêu lên:

- Ta đã đẩy 1 vạn con người vào đất chết rồi!

Một tùy tướng đứng cạnh nói:

- Không phải tướng quân đẩy họ vào chỗ chết mà chính Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo xúi hoàng thượng. Ai bảo Hầu Nhân Bảo dâng sớ xin Hoàng thượng đánh Đại Cồ Việt. Mạt tướng và tướng quân, kể cả Hầu Nhân Bảo chắc gì được sống sót trở về mà có về cũng bị tù ngục mà chết do chiến bại.

Lưu Trừng như mở mắt ra:

- Nhà ngươi nói đúng. Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo thật đáng ghét. Chúng ta chết thật rồi.

Từ đó Lưu Trừng và các tùy tướng lâm vào một tâm trạng lo lắng buồn rầu cho một tương lai đen tối của cuộc đời những tên tướng viễn chinh.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-39-a8586.html