Hiệp định Paris và đánh địch lấn chiếm

Đầu tháng 1 năm 1973, đơn vị tôi được lệnh quay trở lại cứ Đức Vinh, Bắc Chơn Thành. Ngày 11 tháng 1 năm 1973, tôi vinh được kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam, có quyết định kết nạp từ tháng 12/1972, nhưng vì nhiệm vụ đơn vị chi bộ chưa họp để kết nạp nên mới để sang năm 1973).

Buổi Lễ kết nạp diễn ra cũng rất đơn giản, chỉ căng một lá cờ, cả chi bộ cũng chỉ còn hơn chục người ở cứ còn lại phải đi xuống các hướng. Vì có Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Đảng nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam lãnh đạo, thực chất vẫn là một Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian này, các hoạt động quân sự của cả ta và địch tự nhiên có phần giảm đi rõ rệt. Mãi sau này, tôi mới biết do Mỹ đã thua ta trận: “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972.

tu-lieu-1636297625.jpg

Toàn cảnh Hội nghị Paris. tháng 1/1973. Ảnh sưu tầm

 

Hiệp định Paris, chấm dứt cuộc chiến tranh can thiệp của Mỹ ở Đông Dương, đồng thời tạo tiền đề cho cách mạng giải phóng miền Nam kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.  Sau này tôi mới biết mình không tấn công chi khu Dầu Tiếng nữa là do sắp ký kết Hiệp định Paris. Năm ấy, chúng tôi ăn tết Nguyên Đán (Quý Sửu- 1973-1974), tại cứ Đức Vinh, Chơn Thành, Bình Dương.Vì thiếu thốn quá nên cũng chả có bánh trái gì. Chúng tôi còn ủ giá bằng bao tải đay, đổ đỗ xuống san đều ra rồi phủ một lớp đất mỏng lên trên, sau đó cứ việc tưới nước giữ ẩm. khoảng gần 1 tuần là có thể dỡ lên lấy giá đỗ ăn được. Đơn vị còn ngâm gạo xuống suối cho mềm ra rồi cưa một thân cây  dùng li non quấn xung quanh, đổ gạo đã ngâm vào rồi dùng chày để giã thành bột nước làm bún và làm bánh trôi để ăn. Đúng là lính tráng có rất nhiều sáng kiến. Ngày ấy, chúng tôi thường được nghe bài hát: “Việt Nam Trên Đường Chúng Ta Đi” của nhạc sĩ Huy Du, thật là khí thế.

Sau đó, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân gấp lên Tây Ninh, đóng quân ở Bàu Cỏ cạnh sông Tha Na, gần núi Bà Đen, (Tây Ninh). Cắm cờ giữ đất, giành dân sau Hiệp định Paris, nếu không, quân ngụy sẽ bung ra chiếm. Hồi đó chiếm đất càng nhiều càng tốt, cứ chỗ nào có cờ của bên nào là đất của bên ấy. (Có một sử liệu là: Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam  (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam) ở Hội nghị Bốn bên tại Paris, được một kí giả hỏi: “thế vùng giải phóng ở đâu?” bà Bình trả lời: “Cứ chỗ nào mà quân Mỹ- ngụy ném bom, bắn phá thì đấy là đất của Mặt trận Giải phóng!”. Một câu trả lời thật là hay. Chúng tôi cũng nghĩ rằng có thể sẽ có hòa bình rồi, có lúc còn đi tát hố bom bắt cá, hái rau muống rau rừng gần nhau, hai bên lính tráng còn nói chuyện hỏi thăm nhau, mời nhau hút thuốc, uống nước rất chi là cởi mở thân thiện. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn sau đó, chúng tôi được quán triệt là cuộc chiến còn phải kéo dài. Đây chỉ là tạm thời hòa bình mà thôi, không được chủ quan, lạc quan tếu, thế nào quân Ngụy cũng vi phạm hiệp định trước để đánh phá ra vùng giải phóng và lấy cớ kêu gọi Mỹ quay trở lại miền Nam Việt Nam, hỗ trợ cho chính quyền Sài Gòn. Dù đã được Mỹ trang bị từ đầu đến răng, cùng các cố vấn quân sự, dân sự, nhưng tinh thần chiến đấu đã có dấu hiệu giảm sút sau khi quân Mỹ rút về nước.

Quả đúng như vậy, trong những ngày này, ta đang thực hiện kế hoạch “Thời cơ” thì địch cũng chủ trương thực hiện “Tràn ngập lãnh thổ”. Ngay sau giờ Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, thực hiện âm mưu “ngừng chiến không ngừng bắn” của Nguyễn Văn Thiệu, ở hầu khắp các nơi, tiếng súng địch vẫn không ngừng nổ. Ở khu vực Sư đoàn 7 đảm nhiệm, cùng một lúc địch tung ra nhiều mũi đánh vào các chốt của ta. Tiểu đoàn 3 chiến đoàn 7 và chi đoàn 3 thiết giáp liên tục đánh vào 2 chốt của Trung đoàn 205 ở Đông Bắc Bến Cát. Tiểu đoàn 1 chiến đoàn 7 và chi đoàn 2 không ngừng công kích chốt của Đại đội 13 Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 209 ở Tây Kiến Điền. Vài ngày sau, địch lại dùng bom pháo đánh phá các chốt của Trung đoàn 141 trên đường 13 (Bắc Bàu Bàng). Còn ở khu vực chốt của Tiểu đoàn 6, đêm đêm dịch mò ra nhổ cờ ta, cắm cờ ba sọc lấn đất. Ở suối Đá (Tây Ninh), tình hình êm ắng hơn nên các phân đội Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5 và các đơn vị trực thuộc Trung đoàn 165 được dịp tranh thủ huấn luyện, học tập bổ sung. Tháng này là tháng cao điểm của mùa khô, nhiều năm dân vùng này không vào rừng bắt cá nên cá rất nhiều, có một hố bom bộ đội bắt được hơn trăm kí, nào cá kho, cá nấu canh chua lá giang, lá bứa, nào nướng, chiên xù, ngày nào cũng có cá ăn, ăn tươi không hết, còn phơi khô để dành ăn dần.

Cuộc chiến lại bắt đầu dần tăng lên, do quân ngụy mở các cuộc hành quân đánh phá ra các vùng giải phóng, nhất là vùng xôi đỗ - xen kẽ giữa ta và địch. Thế là các đơn vị quân giải phóng lại phải rút vào rừng để bảo toàn lực lượng và tổ chức đánh chặn các cuộc hành quân lấn chiếm của địch.

Đơn vị tôi (Trung đoàn 165) lại về Đông đường 14 xuống đứng chân ở Đông Nam Phước Hòa và Đông Bắc Bình Mỹ, đảm nhiệm đánh địch trên hướng đường 14, đoạn Bố Lá - Phước Hòa, đường 16 từ “cua Pari  (ngã ba đường 14, 16) đến Bắc Bình Cơ. Địa bàn mới này, ngoài bọn bảo an ở Phước Hòa, Phước Vĩnh, Nước Vàng, còn có sư đoàn 5 và sư đoàn 18 ngụy, chúng thường xuyên đưa lực lượng khai thông đường 13 lên Bình Long và đường 14 lên Đồng Xoài - Phước Long. Cuối tháng 5 năm 1973, địch tung hầu hết lực lượng của sư đoàn 5 mở cuộc hành quân lấn chiếm đường 14.

Vào thời gian này, địch ráo riết bao vây kinh tế, Nguyễn Văn Thiệu gào thét “không để một hạt gạo, một cân đường, hộp sữa… vào tay Cộng sản”. Gạo cung cấp không đủ tiêu chuẩn gạo của bộ đội tụt xuống còn có 4,8 lạng một ngày. Lương thực thiếu hụt, nhưng yêu cầu nhiệm vụ phải đạt chất lượng cao. Thời điểm này trời lại mưa liên miên, rừng lầy lội ẩm thấp, sức khỏe bộ đội giảm sút. Nhưng với kinh  nghiệm sống lâu năm ở rừng, các chiến sĩ đã đi hái rau rừng như lá bép, lá bướm, đi hái măng (có lúc phải trèo lên giữa các bụi tre để chặt măng, vì cây măng đã lên cao), đi đào củ mài, củ nho, củ chụp, không hiểu sao mà ở miền Đông các loại củ này nó cũng rất nhiều, củ chụp đào nông đã tới củ, có gốc được đến cả chục kí, ăn sống rất ngọt và mát như củ đậu. Hậu cần các đơn vị bám vào các ấp mua gạo, đậu xanh, đậu phộng (lạc), củ mì (sắn)… nhờ đó mà bữa ăn hàng ngày cũng đỡ đói, đảm bảo sức khỏe để học tập, huấn luyện.

(Còn tiếp)

- Trích Tự truyện Nam chinh Bắc chiến – Phần 2: Nhập ngũ Nam chinh

(Sách in khổ 16x24 cm, dày hơn 450 trang. Mọi sự quan tâm xin liên hệ số điện thoại Hà Minh Sơn, 0982.311.693. Trân trọng cảm ơn)

Theo Trái Tim Người Lính

Hà Minh Sơn

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/hiep-dinh-paris-va-danh-dich-lan-chiem-a8013.html