Miếu Gàn

Một buổi sáng đạp xe xuống công viên Yên Sở để chụp phượng đỏ, phượng vàng, bằng lăng. Trên đường về đi theo phố Linh Đường dọc phía nam của hồ Linh Đàm. Nhởn nhơ vừa đi, đỗ, chụp, lại đi đến ngang đường vào thôn Bằng. Bên phải đường thấp thoáng một ngôi đền.

mieu-1-1636287767.jpg

 

Dừng xe gửi chị hàng nước rồi chụp cái cổng. Đi dần vào bên trong, tới một cái cầu phía dưới toàn súng. Súng ở đây thật to, mập, hồng, thẳng và vươn cao. Hý hoáy chụp bằng iphone và KTS, chợt phía sau vang lên câu nói:

- Đẹp không, tôi quay người nhìn lại. Một cụ già với khuôn mặt hiền, tươi cười vận bộ quần áo nâu

Tôi đáp: Dạ,đẹp ạ và hỏi - Cụ trông nom nơi này

- Phải, tôi trông nom ở đây. Tôi nói: dạ, xin phép cụ cho tôi chụp đền được không

Cụ đáp: Được, anh cứ tự nhiên. Nhìn hai cây muỗn to, cao  quả chín rụng đầy sân tôi hỏi :

 - Sao cụ không trẩy ăn hoặc bán? Cụ nói: Giờ có ai ăn, rụng đầy  quét vứt đi. Anh có ăn thì hái về

Tôi đáp : Dạ, cảm ơn cụ, cháu nhà còn nhỏ chưa dùng đến thứ này được. Nói rồi tôi đi chụp chung quanh. Trước đền có một ao sen thật tốt nhưng tiệt không có mống hoa nào, tôi nghĩ chắc là bị lốp . Tôi xin phép chụp vào trong đền rồi lấy tờ hai chục đặt giọt dầu. Trong gian thờ các đồ vật sơn son, thếp vàng trông thật uy nghiêm. Tôi chuẩn bị chào ra về thì cụ nói:  vào làm miếng nước đã

 - Dạ, tôi cởi giầy và bước vào bên trong  gian có con ngựa và cái bàn uống nước. Hoá ra trong lúc tôi chụp ảnh thì cụ đã hãm trà. Cụ nhẹ nhàng rót ra hai chiếc chén mắt trâu. Tôi đưa chén lên môi nhấp một ngụm nhỏ, một vị chát, thanh, ngọt nơi đầu lưỡi và thấm dần trong huyết quản. Một mùi hương thật nhẹ phảng phất đâu đây. Tôi buột miệng - trà nhài.

di-tich-1636287844.jpg
Bằng chứng nhận di tịch Miếu Gàn

 

Tôi xin phép được chụp cụ, cụ cười hiền và nói: Chụp à. Ngước nhìn lên, một tấm bằng đã ngả mầu được treo ngay ngắn phía trên cao. Tôi đứng lên đọc đó là:  Bảng công nhận di tích lịch sử văn hoá Miếu Gàn.

mieu-2-1636287799.jpg

 

 - Ô hay! Nghe nói đã lâu và thỉnh thoảng vẫn hay qua đây, mà nay mới biết nơi đây là Miếu Gàn. Cái tên nghe thật ngộ nhưng rất đỗi thân thương. Hoá ra, các cụ ngày xưa khi quý mến ai thì thường gọi người đó là: anh gàn, anh dở, cô cún, cái tĩn vvv..

Thời nhà Trần, có thầy Chu Văn An về đây mở lớp dậy học. Học trò về dự rất đông, có một anh học trò cứ học xong về đến đầm tròn là biến mất. Thầy Chu biết đó là thần hồ nhưng không nói ra

Năm đó, hạn hán kéo dài, chim chóc, cây cối thiếu nước.  Đồng ruộng nứt nẻ, cây lúa vàng teo. Dân trong vùng đã lập đàn cúng tế, nhưng tiệt không có mống mưa nào. Khi đó thầy Chu mới gọi người học trò đó đến và bảo: Con hãy giúp dân làm mưa cứu đói. Chàng học trò liền đáp: Trời có luật của trời, con sợ trời phạt. Lúc đó thầy Chu nghĩ rằng chắc chỉ phạt sơ sơ thôi liền nói: Anh cứ làm đi, có gì thầy cùng gánh. Anh học trò liền dạ và bảo: Để con thử xem sao ...Tối hôm đó, sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước. Cơn mưa thật lạ, chỉ mưa trong phạm vi mấy thôn và nước đủ chống hạn rồi tạnh hẳn. Cuối trận mưa có một tiếng sét thật to, nước mưa có màu đen và mùi hơi tanh. Sáng hôm sau, dân làng nhìn thấy xác một con thuồng luồng bị chặt mất đầu nổi trên đầm tròn. Nước đầm có màu đen ( nên gọi là đầm mực ) trên bờ có một nghiên mực mất một nửa.

Thầy Chu thấy vậy liền khóc lóc và kể cho mọi người nghe câu chuyện. Dân làng liền vớt lên và táng tại con lạch mà nước ở đầm tròn chảy ra sông Nhuệ (gần cầu Bươu). Dân các làng còn lập miếu để thờ con trai thủy thần, nay là miếu Gàn (thuộc thôn Bằng B giáp với hồ Linh Đàm). Dân các làng qua các thời kỳ vẫn tôn tạo và xây dựng Miếu Gàn khang trang như ngày nay.

Chào cụ từ ra về, cụ nói với theo: Khi nào rảnh, lại xuống chơi. Ra cổng trả cô hàng nước tiền trông xe. Cô khoát tay ra hiệu, đi đi không lấy tiền đâu

Miệng cám ơn, đạp xe về vừa cười và lẩm bẩm: Sáng nay ra ngõ gặp ai. À đúng rồi, gặp hai cô đồng nát đang bới ni lông đầu ngõ.

Theo Trái Tim Người Lính

Bài và ảnh: Hoàng Mạnh Quyết

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/mieu-gan-a8008.html