Tuổi thơ dữ dội

Thằng Tèo không phải tuổi Thân. Vậy mà tánh tình khỉ khọt không ai chịu nổi. Gặp cái gì cũng phá. Nghe đâu, hồi còn con nít đã vậy rồi. Tay chân để yên không chịu được. Mới mấy tuổi đầu mà đã vặn nắp bình xăng cái máy đuôi tôm Kohler 4 của ba nó ra rồi đổ đầy nước vào. Lần đó, ông già giận quá nắm hai chân nó đưa lên trời, đầu chổng xuống đất, khiến bà già một phen hết hồn.

chuy-lg-qu1a-1635126947.jpg
Ảnh do tác giả sưu tầm. Nguồn: Internet.

 

Cậu của nó có con bé gái khó nuôi, lại kén ăn, nên cái mặt lúc nào cũng quạu đeo. Gặp thằng này có tính hay chọc ghẹo nên bọn chúng giống như kỵ tuổi vậy. Một lần, con nhỏ khóc nhè nên phải ngậm núm vú giả. Thằng Tèo sán lại gần giả đò nựng nịu rồi giựt cái núm vú của con nhỏ mà chạy biến đi làm nó khóc rân trời. Đến khi bị bà ngoại cầm cây rượt nó mới chịu đem cái núm vú trả lại cho con nhỏ. Chẳng may con này có tính giận dai. Lúc Tèo dỗ dành để trả lại cái đồ giả vào miệng con nhỏ không ngờ sẵn đà nó bập luôn một phát vào cẳng tay khiến thằng nọ đau điếng. Lần đó, in hẳn mấy cái dấu răng rướm máu luôn. Cho vừa cái tội chọc phá.

Chưa hết, bà ngoại nó hay tận dụng mấy khoảng đất trống xung quanh nhà để trồng ba cái thứ lặt vặt. Khi thì vài bụi hành, lúc mớ rau thơm hay mấy cây cà chua. Năm đó, bà trồng đậu bắp. Đến lúc cây ra trái được khoảng nửa ngón tay, đợi buổi trưa bà đi nghỉ, nó len lén bò xung quanh rồi lặt từng trái đậu bắp non mà bỏ vô miệng nhai sồn sột (ai từng ăn cái món này thì biết nó ngon ra sao rồi đó). Đi đêm có ngày gặp ma. Một hôm, nó bị bà bắt gặp nên lãnh hết mấy hèo vô mông. Vậy mà cũng không chừa cái thói nghịch ngợm. Lúc không có gì làm, thấy buồn là nó ra mấy bụi bồ ngót mà thẳng tay tuốt lá để xả rác. Hỏi tại sao làm vậy. Trả lời để cho vui. Người ta không có lá để nấu canh, còn nó thì lại phá. Thiệt hết chỗ nói.

Hồi học lớp năm trường làng (lúc đó đi học còn mặt quần đùi), thằng Tèo ngồi bàn cuối. Nó bèn giấu một cọng dây kẽm đem vào lớp. Đợi lúc cô giáo không để ý, nó làm một cái móc, một đầu máng vào lưng quần của thằng bạn ngồi trước, đầu kia ghì vô chân bàn. Thói thường, mỗi lần nghe trống báo hiệu ra chơi là tụi nó nhào ra ngoài liền. Lần đó, thằng bạn cũng vội vàng phóng ra và bị cọng dây níu lại nên tuột cái quần. Quê quá, nó nhào vô thằng Tèo “chưởng” liền. Vậy là thượng cẳng chân hạ cẳng tay luôn. Rồi cô giáo bắt hai thằng nằm dài lên cái bàn đầu tiên của lớp mà “giã” cho mỗi em năm roi vì cái tội đánh nhau.

Lần khác đi lao động về, thấy buồng chuối của người ta nghiêng ra đường, vậy là “xoẹt” một phát, nó lia cái dao làm rớt xuống nửa buồng. Chủ nhà bắt vô “ngồi đồng” hết một buổi. Làm hại người lớn đến xin lỗi mới được cho về. Chưa hết, lần nọ nó leo lên cây xoài trong vườn, rồi hứng chí vắt hai chân lên nhánh mà chổng đầu xuống đất để đong đưa. Xúi quẩy, cái nhánh gãy lìa nên dộng thẳng cái đầu nó xuống đất. Cũng may chỗ đó là đất mềm. Bằng ngược lại chắc bây giờ suốt ngày nó đi “dạo phố” dưới trời nắng luôn rồi.

Nhà thằng Tý nằm cạnh một cái hồ khá rộng. Nó là tận cùng của một cái lạch nhỏ từ ngoài sông xẻ vào. Đối diện phía bên kia là "tư gia" của thằng Tèo. Hai chú là bạn nối khố của nhau. Mẹ thằng Tèo có tiếng tăm lắm. Không phải do tài năng mà vì cái giọng gọi con của bà cứ lanh lảnh. Từ bên kia hồ mà vọng sang bên này nghe rõ mồn một luôn. Mỗi khi cái âm thanh đó cất lên, mấy người không ưa hay nói là cho xin thêm chút đường, rồi đặt luôn cho bà ta cái biệt danh là mẹ Chanh. Có cái miếu nằm cạnh một mương nhỏ nằm trong đất nhà thằng Tèo. Đó là ranh giới. Bởi bước qua cái mương này là lãnh thổ của hàng xóm, mặt ngoài tiếp giáp với bờ hồ. Đất rộng lắm, trồng nhiều loại cây. Tuy vậy, do đây là vườn sau của họ nên ít người lui tới. Lại thêm, có mấy cái mộ cũ cùng đám dừa nước mọc um tùm nên ai cũng ngại. Ban đêm, bờ hồ chỗ này cong hõm vào nên tối om, cảm giác ơn ớn. Chủ vườn này là một bà lớn tuổi, nổi tiếng khó tính, nên ai cũng ngán. Vì thế, người ác mồm ác miệng kêu luôn là bà Mả. Một người chanh chua. Kẻ còn lại thì khó tính. Họ ở sát vách nhau thì làm sao có chuyện cơm lành, canh ngọt được. Cho nên, hai bên chẳng thuận thảo gì. Cái câu hàng xóm tối lửa tối đèn có nhau xem ra không tồn tại.

Thường ngày, thằng Tèo đâu có làm gì. Sáng đi học. Trưa về ngủ. Xế chiều lại long nhong. Thằng Tý cũng vậy. Cái câu rảnh rỗi sinh nông nổi quả chẳng sai chút nào. Một hôm, thằng Tý sang bên kia hồ rủ Tèo đi hái trâm – một loại trái màu tím, có hình dạng tròn tròn, dài dài bằng lóng tay, ăn vào chát chát. Nghe vậy, thằng Tèo liền xách cái lồng theo liền. Dụng cụ này có cán là một cây trúc dài. Phần lồng là một lóng trúc còn nguyên mắt, khía dọc theo thân, rồi bung ra, sau đó lấy mấy thanh trúc nhỏ mà khoanh tròn lại, rồi chêm vào bên trong. Xong, cắt giữa lồng một khoảng nhỏ để làm cửa. Mục đích của cửa là để cho cái trái vào mà giật, nó sẽ rớt xuống đáy lồng. Phần lồng và cán rời nhau, khi sử dụng thì lắp vào.

Vườn bà Mả chủ yếu trồng dừa với chuối. Đây cũng là nguồn thu chính của một số nhà vườn lúc bấy giờ. Mỗi năm, bên nhà bà này thường có cái kế hoạch “tổng lực” dọn vườn để cải tạo mặt đất – nói như vậy vì vào dịp đó đông người lắm, bởi con cháu bà ta có cả hơn hai chục mạng cùng nhau làm. Nói nào ngay, nếu không làm động tác nâng cấp vườn tược như vậy thì cây trái khó phát triển và cho thu hoạch nghèo nàn lắm. Công việc thường xuyên nhất là nạo vét đáy mương để quăng sình non lên mà làm phân tự nhiên. Gốc chuối gặp thứ này thì lớn nhanh và xanh tốt lắm. Thế là buồng trổ cũng sum suê hơn. Bên cạnh đó, họ leo lên mấy cây dừa đạp bẹ cho rộng ra. Mấy cái buồng đã được hái trái chỉ còn trơ lại cuống thì bị chặt sạch, gọi là rửa cổ dừa, để chúng dễ ra bông mà cho thêm nhiều trái.

Có mấy cây trâm trong vườn nhà bà Mả. Hai thằng rình rình không có ai thì chui vô giật liên tục. Mà nói thật cái thứ trái này có quý giá gì đâu. Được một lúc thì thấy thằng cháu của bà này đi ra. Nó cũng đi lượm trái rụng. Biết ý, thằng Tý quăng cho nó mấy quả. Thằng nhỏ im re để bọn này giật. Xúi quẩy, thằng Tèo giật được một lúc thì cái lồng sứt ra, máng trên nhánh cây cao chót vót. Nó cầm cái cán chọt chọt mấy lần mà lồng vẫn lì lợm trên đầu như đùa cợt. Cây cao, nhánh nhỏ, coi bộ khó bề trèo lên để lấy. Vậy là nó nhặt một cục đất, rồi ném lên, ý muốn dùng cách này để làm cho cái lồng rớt xuống. Chẳng biết cục đất dội vào nhánh cây thế nào mà rớt trúng ngay đầu thằng nhỏ cháu bà Mả. Nó khóc thét lên rồi chạy vào nhà. Hai thằng ở ngoài cũng vọt.

Hôm sau đi học. Mặt thằng Tèo buồn thiu. Hỏi mãi không nói. Ra về ngang một bụi chuối, nó lánh vào đó rồi nói với thằng bạn “mày vô đây”. Thằng Tý đi theo. Vừa khuất mình là thằng Tèo vạch mông ra chỉ cho Tý thấy mấy lằn đỏ, rồi nói với vẻ trách móc “tại mày mà tao bị như vầy”. Rồi nó kể. Hôm đó, bà Mả đem quân qua mắng vốn nhà nó. Thế là mẹ Chanh kéo nó ra nện một trận. Đánh có bài, có bản đàng hoàng. Phân tích nguyên nhân, kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm và giao chỉ tiêu luôn. Mẹ Chanh nói mày đi “đột nhập” vườn người ta mới xảy ra cớ sự. Tội hái trộm giao năm roi. Làm u đầu con hàng xóm năm cây nữa. Tổng cộng mười roi. Cấm tiệt từ nay không được bén mảng đến đó, không giao du bạn bè, còn lặp lại là mười lăm roi. Xem ra chỉ tiêu hơi nặng nên mông nó mới đỏ như vậy. Tội nghiệp.

Bằng vào kinh nghiệm của những thằng từng bị đòn như Tý thì chỉ tiêu đó cũng đụng trần rồi. Nếu giao con số nhiều hơn chắc cái mông thằng Tèo cao hơn đầu luôn.

Đúng là thương con cho roi, cho vọt mà!

27/9/2021

Theo Chuyện làng quê

Lê Trung Lương

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/tuoi-tho-du-doi-a7705.html