Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 54)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

        

duong-lam-1633662704.jpg
Cổng vào làng cổ Đường Lâm - Vùng đất hai vua thuộc thị xã Sơn Tây - ngoại thành Hà Nội. Nguồn: Internet.

      

Kỳ 54.

CHƯƠNGVI                                                              

BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG
 

An Nam đô hộ phủ thuộc Đường năm 761, bình minh đang thức dậy rải ánh nắng ban mai xuống Đường Lâm thuộc Phong Châu. Đồi núi cao thấp đủ hình thù kỳ quái chìm trong màu xanh cây lá, mơ màng xạc xào trong gió. Những thung lũng lúa đang thì con gái của vụ chiêm xanh ngát. Mây trôi lơ lững trên bầu trời đi lang thang. Vài đàn chim tung cánh bay về phương Nam xa xôi. Có tiếng cuốc kêu trong đồi xa gọi hồn nước khản cả cố, tiếng ve than khóc trên cành thảm thương. Một con đường nhỏ um tùm cây lá dẫn vào một ngôi nhà lợp ngói, tường gạch ngã sang màu xám. Cạnh ngôi nhà ngói ba gian là gian bếp lợp tranh tre vuông góc với nhà chính, nối liền phía trước nhà là cái sân gạch nhỏ, cạnh sân là một giếng nước, vài cây cau nhô cao vổng lên trời lắc lư theo gió như sắp gãy. Góc vườn, vài ba cây mít đang sai quả, vài bụi tre đưa kẽo kẹt với gió thổi xạc xào. Một con chó vàng gầy nằm giữa sân, mắt lim dim như ngủ, vài con gà chạy quanh vườn kiếm ăn cục tác.

Chủ nhân ngôi nhà này là Đỗ Hàn Anh, khoảng 30 tuổi, người gầy dáng thư sinh, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, khoác áo dài nâu, tóc búi cao. Cha mẹ Đỗ Hàn Anh làm nghề nông nhưng Đỗ Hàn Anh được học ít chữ Nho và đọc được nhiều sách, cho nên được gọi là trí thức của vùng Đường Lâm, xóm làng gọi Đỗ Hàn Anh là Nho sĩ, là anh đồ. Thực ra chàng cũng chưa đi thi bao giờ. Mà dưới chế độ nhà Đường, trí thức Việt đi thi thực là khó khăn. Thi trạng nguyên, tiến sĩ phải khăn gói gạo tiền đến  kinh đô nhà Đường là Trường An bên tận Trung Quốc, xa 12.000 dặm đường theo đường chim bay mà chưa chắc đã đỗ, đỗ xong chưa chắc đã được bổ nhiệm làm quan, nhưng trước hết là không có gạo tiền để ăn học và đi thi. Chế độ dị tộc này chưa chắc đã trọng dụng nhân tài, nhất là nhân tài đó không phải là người Hán.

  Gia nhân của Đỗ  Hàn Anh đem cho chủ nhân một ấm nước chè xanh buổi sáng theo thường lệ. Đỗ Hàn Anh rót và bê bát nước uống một ngụm, đôi mắt lim dim thưởng thức hương vị đậm đà của nước lá chè xanh trên những đồi của vùng Đường Lâm ngon có tiếng. Không hiểu từ bao giờ ai đặt cho quê hương chàng cái tên Đường Lâm. Đường Lâm có nghĩa là rừng ngọt như đường, có nghĩa là chè ngọt như đường, có nghĩa là đường rừng. Không biết nghĩa nào đúng. Nhưng với Đỗ Hàn Anh chè ngọt như đường là đúng nhất đối với những người nghiện nước chè lá xanh quê hương.

  Đỗ Hàn Anh đang lim dim thưởng thức hương vị của chè và say mê trong suy tưởng thì con chó vàng gầy ngoài sân gừ gừ và sủa toáng lên. Chàng nhìn ra thì thấy một người cao lớn, lực lưỡng, mặt mày như một võ quan, mặc áo dài màu nâu, đầu buộc khăn nâu, tay nải màu nâu trên lưng đang đứng chờ chủ nhân xua chó. Đỗ Hàn Anh bước ra và bảo:

-Vàng, đi vào!

  Con vàng mừng rỡ nhìn chủ nhân phe phẩy cái đuôi và đi ra góc sân nằm quan sát. Người khách chắp tay thi lễ:

-Xin chào Hàn tiên sinh

Đỗ Hàn Anh đáp lễ:

-Không dám, không dám. Đại nhân tìm nhà ai?

-Tại hạ tìm nhà Đỗ tiên Sinh.

-Chính là tại hạ, Đỗ Hàn Anh.

Đỗ Hàn Anh dẫn khách vào bàn trà, chủ khách an tọa. Đỗ Hàn Anh rót nước ra một bát khác:

-Mời đại nhân xơi nước.

  Khách bê bát nước chè xanh còn bốc khói uống một hơi ngon lành, đặt bát xuống bàn và nói:

-Chè Đường Lâm có khác, ngon quá.

  Đỗ Hàn Anh rót tiếp một bát nữa và hỏi:

-Đại nhân tên gì? Tìm tại hạ có việc gì?

Người khách uống nước tiếp. Bây giờ thì không tu một hơi mà uống từng ngụm, sau đó đặt bát xuống bàn và nói:

-Tiên sinh đừng gọi là đại nhân gì gì nữa, nghe khách sáo xa lạ, cứ gọi là huynh hay đệ gì đó. Tại hạ tên là Bồ Phá Lặc, có khi còn gọi là Bồ Phá Cần, năm nay 35 tuổi, người Ái Châu. Ở Ái Châu, quan lại tay chân nhà Đường, mà cụ thể là tay chân của quan đô hộ Cao Chính Bình tàn bạo, tham lam, hà hiếp dân mình quá đáng. Tôi không chịu nổi nữa mới ra đây nhờ Đỗ tiên sinh tiến cử tôi với Phùng đại nhân để lo việc lớn.

Đỗ Hàn Anh nói:

-Tại hạ 30 tuổi, vậy tại hạ kém tuổi hơn, phải gọi đại nhân là huynh. Bách tính khổ vì giặc nhà Đường mà cụ thể là Cao Chính Bình và tay chân của hắn thì không chỉ có Ái Châu mà toàn thể  An Nam Đô hộ phủ. Khắp nơi dân chúng rên xiết căm thù, muôn vùng dậy mà xé xác chúng ra. Nhưng muốn vùng dậy thì phải có người lãnh đạo, trung tâm lãnh đạo tổ chức. Sau sự nghiệp của Mai Hắc Đế, bây giờ trong khắp An Nam thì trung tâm đó bây giờ là ở Đường Lâm của anh em  họ Phùng mà thôi.

Bồ Phá Lặc hỏi:

-Nghe nói cơ nghiệp ngày nay của ba anh em họ Phùng đã được cụ thân sinh là Phùng Hạp Khanh chuẩn bị từ vài chục năm nay rồi. Nghe nói cụ có tham gia khởi nghĩa của Mai Hắc Đế, làm tới Đại tướng, Tổng trấn Phong Châu phải không?

Vấn đề Bồ Phá Lặc đặt ra khơi đúng vào dòng hưng phấn và  tự hào của Đỗ Hàn Anh. Đỗ Hàn Anh nói:

-Đúng rồi, huynh hiểu biết chính xác. Khi Mai Hắc Đế vừa khởi sự được một năm, năm 713  cụ Phùng Hạp Khanh đã vào Diễn Châu để tham gia. Cụ đã đem theo ba người cháu gọi cụ bằng bác. Tức là ba người này là con của em gái cụ Phùng Hạp Khanh là cụ Phùng Thị Thảo. Cụ Phùng Thị Thảo kết hôn với cụ Phạm Huyền sinh ra Phạm Thị Uyển, người thứ hai là Phùng Huy, người thứ ba là Phùng Miễn. Cụ Phùng Hạp Khanh được Mai Hắc Đế phong là Đại tướng, Tổng trấn Phong Châu, cháu gái Phạm Thị Uyển được phong là Đại tướng, đệ nhất cung phi, chỉ sau hoàng hậu Đinh Ngọc Tô. Năm 714, khi Mai Hắc Đế tấn công thành Tống Bình đánh Quan đô hộ nhà Đường Quang Sở Khách thì Phùng Hạp Khanh là một trong các đạo quân được ở Gia Ninh để tạo thế cho thành Tống Bình.

-Còn cung phi Phạm Thị Uyển nghe nói hy sinh ở Tống Bình trong cuộc phản công của Dương Tư Húc năm 723

-Đúng vậy. Khi Dương Tư Húc và Quang Sở Khách tấn công từ Lục Châu và Hồng Châu, công chúa Ngọc Chân đã đem quân chặn địch ở Hồng Châu nhưng phần là do quân địch quá đông, thứ hai là chúng đi theo sông Bạch Đằng, sông Kinh Thầy  lên Lục Đầu Giang, đánh tập hậu sau lưng nên quân ta đại bại phải rút về Tống Bình. Quân Đường truy sát về Tống Bình, gặp quân của Cung phi Phạm Thị Uyển, hai bên kịch chiến một trận lớn ở ngoài thành Tống Bình và cung phi Phạm Thị Uyển hy sinh. Cụ Phùng Hạp Khanh từ Gia Ninh Phong Châu có đem quân về ứng cứu cho cung phi Phạm Thị Uyển nhưng không cứu vãn được, cụ đành đem tàn quân rút về Đường Lâm và ở đây bí mật gây dựng cơ nghiệp từ đó cho đến nay.

-Thế còn Phạm Huy và Phạm Miễn

-Hai người cũng được phong đại tướng, làm việc ở triều đình Vạn An và cũng hy sinh khi thành Vạn An thất thủ năm 723.

Hai người lặng đi trong xúc động và uống nước. Một lát sau Bồ Phả Lặc lại hỏi:

-Sau năm 723 thì cụ Phùng Hạp Khanh xây dựng cơ nghiệp, chuẩn bị cho khởi nghĩa như thế nào?

Đỗ Hàn Anh giọng trầm hẳn xuống:

-Tôi là người cùng làng với cụ và với Phùng Hưng nên biết nhiều và rõ ràng về cụ. Sau khi triều đình Mai Hắc Đế sụp đổ, giặc Đường lại thống trị nước ta, cụ Phùng Hạp Khanh cho tất cả binh sĩ cất dấu vũ khí. Một phần binh sĩ thì cụ cho về quê, nhưng phần lớn đều xin ở lại thì cụ cho khai hoang, mở rộng diện tích đất làm ruộng, xây dựng gia đình, dựng vợ gả chồng cho họ. Do đó, nghề nông nghiêp ở Đường Lâm vô cùng phát triển. Dân nghèo đói từ các nơi di cư về đây đều được cụ cưu mang giúp đỡ, giúp cho ruộng đất, trâu bò, sau đó khai hoang mở đất, chăn nuôi trồng trọt. Có nhưng nơi xa xôi nhưng nghe tiếng tăm của cụ, kéo cả làng xóm về về đây lập làng mới. Đó là sự nghiệp hưng dân mở đất. Các vùng lân cận, các sách, các động, các mường kéo về ngày càng đông. Cụ Phùng Hạp Khanh ân cần đón tiếp, cho trâu bò, ngựa, giống lúa, giống gia súc, gia cầm ban đầu sau đó khai hoang, mở đất. Ngoài khai hoang mở đất, Phùng Hạp Khanh chú ý hướng mọi người khai mương, đào sông, xây dựng hệ thống tưới tiêu phục vụ cho đi lại và cho nông nghiệp. Cụ còn cho mở cả lò rèn để đào tạo thợ rèn nông cụ, rèn khí giới, mở các lò vật để rèn sức khỏe cho trai tráng, mở các thao trường để luyện bắn cung, nỏ, luyện võ nghệ. Phùng Hạp Khanh đã ra sức chuẩn bị trong 20 năm trời về nhân lực, vật lực cho cuộc nổi dậy của Phùng Hưng trong nay mai.

(Còn nữa)

CVL

                                                    

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-54-a7206.html