Tạp chí Thương hiệu và Công luận bị xử phạt vì thông tin sai sự thật về ngành Công Thương

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 62/QĐ-XPHC về việc xử phạt hành chính đối với Tạp chí Thương hiệu và Công luận.

ver1-qd-xpvphc-tc-thuong-hieu-va-cong-luan-hinh-anh-0-1721665739.jpg
 

Xử phạt 65 triệu đồng, yêu cầu trong 2 ngày phải cải chính, xin lỗi

Tạp chí bị phạt 65 triệu đồng vì đã đăng tải thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài viết “Tư lệnh” ngành Công Thương: Nhiều thành tích nổi bật và lắm thuộc cấp bị bắt giam, kỷ luật” đăng vào ngày 21/5/2024. 

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu trong 2 ngày kể từ ngày nhận quyết định trên, Tạp chí Thương hiệu và Công luận phải cải chính, xin lỗi và gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng, phát trên Tạp chí điện tử.

Ngoài ra, Tạp chí Thương hiệu và Công luận cũng phải báo cáo kết quả thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả về Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt hành chính.

4 thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng

Tại Quyết định số 62/QĐ-XPHC, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ 4 lỗi sai cụ thể liên quan đến bài viết “Tư lệnh” ngành Công Thương: Nhiều thành tích nổi bật và lắm thuộc cấp bị bắt giam, kỷ luật”.

Tạp chí này đưa thông tin “nhiều thuộc cấp bị bắt giam và kỷ luật”; “... sau đến Ban Lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Ông Dương Quang Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên; ông Trần Đình Nhân, Thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc; Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc...”.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, thông tin trên là thông tin sai sự thật vì thực tế EVN không phải là đơn vị do Bộ Công Thương quản lý nên không thể gọi các cá nhân bị kỷ luật và bắt tạm giam của EVN là “thuộc cấp” của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Ngày 29/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, theo đó quy định các doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.

Ngày 9/11/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1515/QĐ-TTg ban hành quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị định số 131/2018/NĐ-CP và Quyết định số 1515/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã chính thức bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu các tập đoàn, tổng công ty do Bộ Công Thương làm chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có EVN sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong chú thích ảnh “Hàng loạt thuộc cấp của “Tư lệnh” Nguyễn Hồng Diên bị bắt giam” về các cá nhân bị bắt giam có nêu tên ông Hoàng Quốc Vượng, nguyên là Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xác định đây là thông tin sai sự thật vì ông Hoàng Quốc Vượng được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2020.

Thực hiện Nghị định số 131/2018/NĐ-CP và Quyết định số 1515/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã chính thức bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu các tập đoàn, tổng công ty do Bộ Công Thương làm chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thông tin được xác định sai sự thật tiếp theo Tạp chí Thương hiệu và Công luận nêu: “Sự kiện nổi bật tiếp theo liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, thì cũng phải nói rõ ràng, hàng hóa xuất khẩu, nhất là nông, lâm, thủy sản; rau củ quả hạt... đều có nguồn gốc từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì sự nổi bật đó, cần chia sẻ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng hưởng, chứ không nên nhận vào của riêng mình...”.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng thông tin trên sai sự thật vì 10 sự kiện nổi bật của Bộ Công Thương công bố ngày 20/12/2023 đăng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Báo Công Thương không có sự kiện này, trong đó sự kiện thứ 9 của Bộ Công Thương là “ứng phó hiệu quả trong phòng vệ thương mại, bảo vệ hàng hoá xuất khẩu từ sớm, từ xa”. Đây là nhiệm vụ của Bộ Công Thương quy định tại Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Thông tin kế tiếp là: “Bộ Công Thương có bộ phận chuyên giải quyết khiếu nại, nhưng số lượng giải quyết khiếu nại đã khiêm tốn mà chất lượng giải quyết thì càng khiêm tốn hơn...”.

Đây tiếp tục là thông tin sai sự thật, vì Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương: Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm năm 2023, trong đó số vụ việc xử lý vi phạm là 9.246 vụ việc, số tiền xử phạt là hơn 92,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 118 tỷ đồng, nhiều vụ việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố, xem xét trách nhiệm hình sự.

Riêng 5 tháng đầu năm 2024, toàn lực lượng phát hiện và xử lý 6.283 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính khoảng hơn 81 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm được xử lý có giá trị hơn 67,6 tỷ đồng.

----------------------

Tạp chí Thương hiệu & Công luận là Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP).

Trước đó, vào tháng 9/2020, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng từng đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Tạp chí Thương hiệu và Công luận do "thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động". Tổng số tiền phạt 48 triệu đồng.

Vào tháng 12/2022, Sở  Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng cũng đã từng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 57,7 triệu đồng đối với Tạp chí điện tử Thương hiệu và Công luận, về hành vi vi phạm đăng, phát thông tin sai sự thật và thực hiện không đúng tôn chỉ được cấp phép.

Thế Duy

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/tap-chi-thuong-hieu-va-cong-luan-bi-xu-phat-vi-thong-tin-sai-su-that-ve-nganh-cong-thuong-a25653.html