Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 18)

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 18

Trong khi đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu họp báo với các Hãng thông tấn. Một phóng viên hỏi:

-Xin Tổng thống cho biết khả năng chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại mặt trận Xuân Lộc?

-Tổng thống Thiệu đáp:

-Tại Xuân Lộc đã minh chứng được khả năng chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng hòa, khả năng chiến đấu ấy đã được phục hồi mạnh mẽ đủ sức giữ vững chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tướng Lê Minh Đảo đã điện về cho tôi: “Cộng quân muốn qua Long Khánh phải bước qua xác của Đảo này”.

Phóng viên:

-Cảm ơn Tổng thống.

  Sáng 15 tháng 4 thị xã Xuân Lộc không bị bắn phá nữa. Các tuyến phòng thủ mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở phía bắc và phía nam không bị tấn công. Sáng 15 tháng 4, tướng Lê Minh Đảo nhận được điện:

-A lô, sân bay Biên Hòa đã bị Cộng quân bắn phá, máy bay của Sư đoàn 3 trúng pháo không thể cất cánh yểm trợ cho Xuân Lộc được nữa.

Lê Minh Đảo hoảng hốt:

-A lô, vậy cho Sư đoàn 4 không quân tại Trà Nóc cất cánh yểm trợ ngay. A lô.

-A lô, tôi Lê Minh Đảo đang nghe:

-A lô, báo cáo Chuẩn tướng, Cộng quân không đánh vào phía bắc và phía nam nữa, không trực tiếp đánh vào thị xã Xuân Lộc nữa, họ chuyển hướng tấn công sang hướng tây là hướng yếu nhất trong tuyến phòng thủ.

-Vậy nguy to rồi.

Ngày 15 tháng 4, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B Quân giải phóng đã tiêu diệt Chiến đoàn 52 và Chi đoàn thiết giáp số 13 tại Túc Trưng, Kiệm Tân, ngã ba Dầu Giây và cứ điểm Nguyễn Thái Học, phá vỡ phòng tuyến phía tây Xuân Lộc. Toàn bộ Chiến đoàn ngụy vài nghìn lính chỉ còn 200 người sống sót.

Ngày 16 và 17 tháng 4, Quân đoàn III Quân lực Việt Nam Cộng hòa cùng Lữ đoàn thiết giáp số 3 và Chiến đoàn 8 Sư đoàn 5 có máy bay yểm trợ 200 phi vụ, 200 pháo tại căn cứ Nước Trong, Bà Thức, Long Bình, Đại An phản kích nhằm chiếm lại ngã ba Dầu Giây. Quân lực Việt Nam Cộng hòa gặp Trung đoàn 95B đánh đuổi lên Bàu Cá. Toàn bộ các khu vực quanh thị xã Xuân Lộc bị bao vây, các Chiến đoàn 43, 48, Tiểu đoàn dù 2 bị tiêu diệt. Các lộ giao thông quan trọng nối Xuân Lộc với các địa bàn chung quanh bị cắt đứt. Các tuyến phòng thủ tại Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân của Việt Nam Cộng hòa bị phá vỡ. Ngày 19 tháng 4 năm 1975, Tướng Lê Minh Đảo gọi về bộ Tổng Tham mưu:

-A lô, Xuân Lộc đã bị bao vây rất nguy khốn, đề nghị cho rút khỏi Xuân Lộc nếu không bị tiêu diệt toàn bộ.

Đại tướng Cao Văn Viên đáp:

-Thôi đành phải như vậy. Khi rút phải giữ bí mật cho an toàn.

Cao Văn Viên thở dài:

-Cánh cửa thép đã bị mở toang, Sài Gòn nguy to rồi.

Ngày 20 tháng 4 trời  mưa như trút nước. Dưới mưa 200 xe quân sự vận chuyển các đơn vị bại trận còn lại tại Xuân Lộc di chuyển theo tỉnh lộ 2, hướng Bà Rịa-Vũng Tàu, theo đường mòn vòng về Biên Hòa. Dù rút bí mật nhưng toán quân bại trận này vẫn bị một Tiểu đoàn tỉnh đội Long Khánh truy đuổi tiêu diệt những toán đi sau cùng. Đại tá Phan Văn Phúc tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh và Trung tá phó tỉnh trưởng tử trận.

Xuân Lộc thất thủ, cánh cửa thép vào Sài Gòn đã mở. Đây là những đơn vị tổng dự bị cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt và tan rã. Sài Gòn không còn lực lượng chiến đấu nào nữa. Đại tướng Cao Văn Viên than thở: “Quân đội không còn để chiến đấu, không còn hy vọng gì thắng trận nữa”.

II

  Cùng lúc đó ngày 13 tháng 4 năm 1975, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn II gọi:

-A lô, tôi Nguyễn Hữu An đây, tôi ra lệnh cho Sư đoàn 325 tấn công phòng tuyến Phan Rang từ hướng tây-bắc vào thị xã.

-Tuân lệnh Thiếu tướng.

Khi đó, Trung tướng Lê Trọng Tấn cũng gọi cho Thượng tướng Chu Huy Mân:

-A lô, tôi Lê Trọng Tấn đây, chào đồng chí Chỉ huy trưởng Quân khu V.

-Chào đồng chí Trung tướng.

-Tôi muốn đề đạt với đồng chí điều động Sư đoàn Sao Vàng của Quân khu đang ở Bình Định hành quân tấn công phòng tuyến Phan Rang, phối hợp với Quân đoàn II.

-Tôi nhất trí, tôi sẽ gọi cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn Sao Vàng.

-Cảm ơn đồng chí Tư lệnh Quân khu.

-A lô, tôi Chu Huy Mân đây, tôi ra lệnh cho Sư đoàn Sao Vàng tiến vào Ninh Thuận tấn công phối hợp vào phòng tuyến Phan Rang với Quân đoàn II.

-Tôi Đại tá Nguyễn Văn Lịch, Sư đoàn trưởng tuân lệnh đồng chí Thượng tướng.

Tại Phòng Tuyến Phan Rang, ngày 14 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn  Sao Vàng Quân giải phóng tấn công vào Hẻm Du, phía bắc Phan Rang do Trung đoàn 5 Sư đoàn 2 và liên đoàn 31 biệt động quân phòng thủ. Trung đoàn 2, Sư đoàn Sao Vàng Quân giải phóng đánh vỗ trước mặt, cho Trung đoàn 52 luồn xuống phía nam bất ngờ đánh chiếm cứ điểm Bà Râu và cảng Ninh Chữ. Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở bắc Phan Rang bị bao vây ở Bà Râu, Du Long, Ba Tháp, Suối Đá. Trên hướng tây bắc, Trung đoàn 25 Quân giải phóng đánh cho Trung đoàn 4 Sư đoàn 2 tại đèo Ngoạn Mục phải chạy vào thị xã. Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang gọi:

-A lô, Sư đoàn 6 không quân đâu, cho máy bay ném bom cầu Kiền Kiền- Ba Tháp nhanh để ngăn chặn Cộng quân tấn  công.

-Tuân lệnh Chuẩn tướng.

8 máy bay A-37 đã ném bom phá sập cầu Kiền Kiền rồi dùng trực thăng đổ quân tăng viện xuống tuyến phòng thủ Kiền Kiền- Ba Tháp trên hướng bắc thị xã. Nhưng này 25 tháng 4, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 52 Sư đoàn Sao Vàng tấn công tiêu diệt quân ngụy tại đây, phá vỡ phòng tuyến phía bắc Kiền Kiền-Ba Tháp. Trong khi đó Trung đoàn 12 và Trung đoàn 41 vượt đường số 1 tấn công sân bay Thanh Sơn (Ninh Thuận), vây chặt thị xã Phan Rang. Tướng Phạm Ngọc Sang gọi:

-A lô, Sư đoàn 6 không quân cho máy bay ném bom phá sập tất cả các cầu ở bắc Du Long, ngăn chặn Cộng quân tấn công.

-Tuân lệnh Chuẩn tướng.

Nhưng không quân ngụy phá cầu muộn. Trước đó Lữ đoàn 203  Quân giải phóng (Quân đoàn II) đã tiếp cận thị xã Phan Rang. Trong khi đó Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt (Tư lệnh Sư đoàn 2), Đại tá Lê Quang Lưỡng (Chỉ huy quân dù), Nguyễn Văn Bút (Chỉ huy biệt động quân) họp bàn kế hoạch để khôi phục tình hình ở Du Long. Nhưng tất cả đã muộn.

-A lô, tôi Nguyễn Hữu An đây, tôi ra lênh cho Sư đoàn 325 tăng viện cho Sư đoàn Sao Vàng tấn công phòng tuyến Phan Rang từ phía nam.

  Bộ chỉ huy Quân đoàn II cho thêm Trung đoàn bộ binh 101 (Sư đoàn 325) và Tiểu đoàn xe tăng thuộc Lữ đoàn 23 tham chiến. 5 giờ sáng tất cả các cánh quân của Sư đoàn  Sao Vàng và Trung đoàn 25 tấn công vào thị xã Phan Rang. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi nhận điện:

-A lô, tôi chỉ huy lữ đoàn 31 biệt động quân tại Hội Diên-Xuân An đây. Báo cáo Trung tướng, xe tăng của Cộng quân đã vượt qua sông suối đang vượt qua Du Long tràn vào thị xã.

Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi gọi cho Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang:

-A lô, cho máy bay ném bom ngăn chặn Cộng quân đang tràn vào thị xã.

-Thưa Trung tướng, sân bay Thanh Sơn đã bị Cộng quân pháo kích hỏng nặng.

Lúc 9 giờ 30 phút ngày 16 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 101 Quân giải phóng đánh chiếm dinh tỉnh trưởng Ninh Thuận, bắt sống Đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tư. 10 giờ Trung đoàn 25 làm chủ sân bay Thanh Sơn, bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, phó Tư lệnh Quân đoàn III, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh sư đoàn 6 không quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Phòng tuyến Phan Rang cũng như Xuân Lộc sụp đổ. Quân giải phóng gồm 5 Quân đoàn từ 5 hướng tiến về bao vây Sài Gòn.

  Sau chiến dịch, tối 23 tháng 4 năm 1975, tại Hành dinh của Quân đoàn IV, Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn ngồi đọc bản “Báo cáo” của phòng Tham mưu Quân đoàn gửi cho ông. Ông bê ly nước uống và đọc. “Báo Cáo” viết: Chiến dịch Phan Rang-Xuân Lộc diễn ra từ ngày 9 tháng 4 năm 1975 đến 22 tháng 4 năm 1975. Đây là chiến dịch ác liệt nhất của hai bên, bên ngụy thì kiên quyết bảo vệ cánh cửa “thép” bảo vệ Sài Gòn, bên ta thì kiên quyết đập tan tuyến phòng thủ kiên cố này để mở cánh cửa “thép” tấn công vào nội đô giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Kết quả ta đã mở được cánh cửa thép, 5 Quân đoàn của ta từ bốn hướng đã bao vây Sài Gòn. Đây cũng là trận phòng thủ cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong chiến dịch, ta huy động 45.000 quân của Quân đoàn IV và Quân đoàn II, thương vong mất 2.000 chiến sĩ, phía quân ngụy huy động 35.000 lính của Quân đoàn III, thương vong 2.056 người, thiệt hại vô kể về vũ khí, phương tiện”.

Hoàng Cầm vừa đọc xong thì có điện báo:

-A lô, tôi Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn đây, tôi ra lệnh cho Quân đoàn đồng chí bao vây và tấn công vào Sài Gòn từ hướng đông-bắc, đánh chiếm Bộ Quốc phòng, tràn sang cùng các Quân đoàn khác đánh chiếm bộ Tổng Tham mưu.

Hoàng Cầm đáp:

-Tuân lệnh đồng chí Đại tướng.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/xuan-1975-bai-ca-non-song-thong-nhat-tieu-thuyet-lich-su-ky-18-a24186.html