Diễn viên trẻ của “Bóng Rối” - Lời tâm sự 

Thời gian vừa qua, vở “Bóng Rối” do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng (tác giả Vũ Hoàng Hoa, đạo diễn: NSND Tạ Tuấn Minh) đã thực sự gây được tiếng vang, làm dậy lên làn sóng dư luận của báo chí và khán giả.

bong-roi-1709462204.jpg
 

Báo chí và khán giả nói về “Bóng Rồi” như “một trải nghiệm nghệ thuật kịch độc đáo”, mới mẻ và hấp dẫn, một vở kịch kì lạ, thổi một làn gió mới vào sân khấu kịch nói, thắp lửa sân khấu kịch Bắc, mạnh dạn bứt phá để hoà nhập vào dòng chảy chóng mặt về tương lai của kịch nghệ thế giới. Góp phần lớn lao vào thành công của vở diễn là dàn diễn viên tâm huyết và tài năng “đẹp từ trong ra ngoài” với khả năng diễn xuất đầy nội lực, đem đến những cơn sóng cảm xúc mãnh liệt cho khán giả bởi những màn diễn xuất thần. Có được những đêm diễn thăng hoa như ngày hôm nay, mỗi diễn viên chính của “Bóng Rối” đã trải qua một chặng đường riêng vật vã đi tìm, không chỉ gặp nhân vật mà cả phần chưa biết trong chính mình.  

bong-roi-3-1709462204.jpg
 

Diễn viên Khuất Quỳnh Hoa (vai Hồng): Mở ra đường đi cho khán giả

Hồng là vai trọng tâm của vở kịch, người phụ nữ đẹp và đau khổ, mong manh nhưng mạnh mẽ. Hồng sống trong một thế giới nội tâm đầy uẩn khúc, với nỗi khắc khoải chờ chồng, với giấc mơ về chuyến vượt biển đến “Hòn đảo giải thoát”, nỗi lo lắng bảo vệ con trai, với tình yêu-tình bạn mờ nhòa ranh giới. Một vai diễn mà lời thoại không phải là lời sinh hoạt hàng ngày, mà là tiếng nói thoát từ sâu thẳm nội tâm. Một vai diễn đòi hỏi nội lực rất lớn, chỉ có thể thể hiện bằng “cái đầy ắp bên trong”, như đạo diễn Tạ Tuấn Minh luôn đòi hỏi, để mọi ẩn ức tích tụ âm ỉ trong Hồng sẽ có lúc phụt trào.

Một mình Hồng hiện ra với nhiều dung diện, nhiều tầng cảm xúc, nhiều chuyển dịch liên tục trong các không gian và thời gian. Một mình Hồng trải biết bao đau lòng đã lấy biết bao đêm trắng của  Khuất Quỳnh Hoa , nhưng chị chỉ mỉm cười, giản dị: “Mình đúng là lực sỹ”. “Lực sỹ” vừa chạy vừa kéo rèm, vừa đẩy tượng vừa nói những câu làm thắt lòng khán giả. Hồng là một trong những vai diễn thử thách nhất và quyến rũ nhất. Khuất Quỳnh Hoa đã rực cháy như ngọn đuốc mãnh liệt trong vai cực khó, cực thơ cũng đầy bi kịch này.  

Chị tâm sự, trong khi tính từ thời gian nhận vở, tập luyện rất gấp rút vì thế chị phải đặt toàn bộ tâm huyết vào vai diễn này. Chị đã không những tập trên sân khấu mà ở nhà, đi đường… cũng nhẩm lời thoại của nhân vật. Mỗi ngày chị luyện tập, tìm tòi đi sâu bên trong đời sống nội tâm của nhân vật, làm thế nào diễn ra hết sức bình thường mà trong lòng là “sóng ngầm” nội tâm để khán giả hiểu. 

Điều tâm đắc nhất với Quỳnh Hoa là khi hoàn thành được vai diễn đã đón nhận được cảm tình và sự yêu thương của khán giả. Khi vở diễn kết thúc, nhiều khán giả đã lên sân khấu chia sẻ cảm nhận những suy nghĩ của họ về vai diễn này. Đa số khán giả đều đồng tình với quan điểm: “Mình “cởi trói” được tư duy của họ, muốn hạnh phúc không phải giữ chặt nó mà giải thoát cho mình và đối phương. Tôi may mắn được coi là người nghệ sĩ mở ra đường đi cho khán giả”. 

Diễn viên Thanh Hường vai bà nội

Diễn viên La Thiên (vai Kiên): “Diễn như không diễn” 

Khi được giao vai và nhận kịch bản, La Thiên thấy vai Kiên có nhiều điều tương đồng với mình là một cậu sinh viên mới tốt nghiệp đại học, được bố mẹ yêu chiều hết mực. Trong quá trình tập luyện, La Thiên gặp rất nhiều khó khăn để tìm ra “chìa khóa” cho vai diễn vì Kiên là một vai rất khác biệt. Kiên lội về quá khứ, liên tục di chuyển từ mảng này sang mảng khác của suy tưởng, từ không gian mơ sang hiện thực. Cậu là nhân vật lúc nào cũng có mặt trên sàn diễn, là người dẫn dắt câu chuyện, là người đang xem lại cuộc đời của chính mình. Kể cả lúc cậu ngồi dưới ghế khán giả, cậu cũng đang diễn.  

Cái khó nhất là làm sao có mặt suốt thời gian ở trên sân khấu trong vị trí của một người quan sát mà không bị thừa. Cậu đang xem mình vui, buồn thế nào trong quá khứ, cậu gọi bố, gọi mẹ, cậu chơi đùa cũng chỉ là một mình với những hình ảnh quá khứ. Nhiều lúc cậu chỉ đứng im quan sát. Làm thế nào để diễn những đoạn không lời thoại như vậy. “Cảm xúc bên trong là quan trọng. Nếu bên trong đầy ắp thì đứng im khán giả cũng cảm nhận được những gì cháu muốn chuyển tải. Các kĩ năng diễn xuất đều là giả nếu không có được cảm xúc sâu xa bên trong”, đạo diễn Tạ Tuấn Minh bảo. “Cháu phải nuôi cảm xúc đầy ắp ở bên trong. Chỉ cần hoang mang. Không diễn bằng cái bên ngoài mà để hãy để nội tâm làm chuyển động. Diễn bằng kĩ năng là hỏng”. Phải chăng đạo diễn Tạ Tuấn Minh đã cùng phương châm biểu diễn của biên đạo Nguyễn Duy Thành. Múa là gì? Không phải bằng các kỹ năng mà là chuyển động điều khiển bằng cảm xúc bên trong. Chủ trương của đạo diễn Tạ Tuấn Minh về diễn xuất là không dùng các kỹ năng biểu diễn, người diễn viên không làm rung động được trái tim khán giả bằng những kỹ năng kỹ xảo mà bằng nội tâm đầy ắp cảm xúc.  

La Thiên tâm sự những đêm thao thức về việc đóng, mở rèm. Cậu nghĩ suy về mỗi động tác của mình, mỗi chuyển động của rèm đều phải thấm đẫm tâm tư, cảm xúc của Kiên, đang hoang mang, lo âu, hay hân hoan lạc vào vùng tuổi thơ hạnh phúc. La Thiên phải tự quy định cho mình mỗi lần mở rèm mang một ý nghĩa riêng để thay đổi tiết tấu và cảm xúc. Mở rèm không chỉ là mở đơn thuần, vẫn phải có độ chính xác nhất định để không làm mất những ý đồ đằng sau. “Việc diễn và kéo rèm như chia đôi não mình ra nhưng không bên nào nghỉ ngơi mà phải tương tác với nhau”.

Là sinh viên vừa tốt nghiệp, La Thiên chưa có nhiều kinh nghiệm nên cậu phải mất nhiều thời gian hơn. Bù lại, vai diễn là nhân vật có ngoại hình và độ tuổi gần giống La Thiên. Rất may mắn là trong quá trình làm việc dù có khó khăn gì thì cậu cũng được sự quan tâm, nhắc nhở và điều chỉnh kỹ càng từ đạo diễn Tạ Tuấn Minh, trợ lý đạo diễn Bùi Phương Nga và các anh chị trong ekip…