Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 47)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 47

Vào những năm 80, Liên Xô bước vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội. Vấn đề cải cách thể chế kinh tế, cải cách chính trị đã trở thành cấp bách, sống còn đối với Liên Xô.

Cải cách - con đường tất yếu. Ở Liên Xô gắn liền với cơ chế xơ cứng trì trệ là quan điểm sai lầm tồn tại từ lâu về chủ nghĩa xã nghĩa không cần điều chỉnh mà tự động thích nghi với sự phát triển của lực lượng sản xuất, chế độ sở hữu càng lớn thì càng thuận lợi. Tư tưởng này cũng cho rằng trong xã hội chủ nghĩa không có mâu thuẫn. Ở Liên Xô người ta cũng thù địch và coi thường, thiên kiến đối với mối quan hệ hàng hóa và tiền tệ.

Thực ra vấn đề cải cách và điều chỉnh thể chế kinh tế, thể chế chính trị không phải là chuyện hiếm có trong lịch sử các chế độ xã hội. Phàm là cho nó hoàn chỉnh hơn, thích nghi với hoàn cảnh lịch sử mới để tồn tại, phát triển, tránh nguy cơ sụp đổ. Tấm gương về điều chỉnh vì phát triển để tồn tại thì chủ nghĩa tư bản là một trong những chế độ xã hội điển hình.

Ở chế độ xã hội chủ nghĩa, cải cách không phải là do ý muốn tùy tiện của một cá nhân nào mà phải xuất phát từ nhu cầu tất yếu khách quan. Về vấn đề này Ph. Ăngghen đã viết: “Tôi cho rằng, cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội không phải là cái gì không thay đổi mà nên coi nó như các chế độ xã hội khác, luôn luôn thay đổi và cải cách”[1]. Lê nin cũng chỉ rõ: “Cần có nhà nước hoàn thiện và hoàn thành các loại hình thức chế độ Xô Viết và chuyên chính vô sản, chúng ta cần không chỉ một lần làm xong công tác của chúng ta, làm lại và làm lại từ đầu”[2]. Lê nin còn vạch rõ: “Từ nay về sau, khi phát triển lực lượng sản xuất và văn hóa, mỗi khi chúng ta tiến lên một bước đều nhất định đồng thời cải thiện và cải tạo chế độ Xô Viết của chúng ta”.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Mác Se viết: “Cuộc khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa là một loại khủng hoảng phát triển” còn “các nước tư bản chủ nghĩa không có khả năng thực hiện tự phê bình và đang lâm vào cuộc khủng hoảng chế độ”[3]. Khủng hoảng ở các nước xã hội chủ nghĩa khác với khủng hoảng chủ nghĩa tư bản về bản chất khủng hoảng chủ nghĩa xã hội là những khó khăn của quá trình trưởng thành. Cho nên chủ nghĩa xã hội có thể cải cách điều chỉnh các mối quan hệ, khắc phục từng bước khó khăn để lớn mạnh.

Điểm xuất phát và trọng tâm của cải cách là phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Cải cách trong chủ nghĩa xã hội còn gắn liền với chống chủ nghĩa quan liêu. Đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu là một tất yếu. Lê nin gọi chủ nghĩa quan liêu là “ung nhọt” trong cơ cấu nhà nước, là “Kẻ địch tồi tệ nhất trong nội bộ” cần phải đấu tranh có hiệu lực chống lại nó. Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, chủ nghĩa quan liêu ngày càng ăn sâu, trở thành trở ngại nặng nề, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, cản trở cải cách. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu gắn liền với toàn bộ tiến trình cải cách. Từ chế độ quản lý này sang chế độ quản lý khác, việc chống chủ nghĩa quan liêu là cực kỳ quan trọng.

Trong cải cách, chủ nghĩa xã hội cần kiên định hướng xã hội của chủ nghĩa xã hội. Phải ngăn chặn xu hướng phủ định sạch trơn vì “một nước mà không có lịch sử, không có truyền thống, không có các giá trị vĩnh hằng là đất nước không có hiện tại. Mà không có hiện tại lành mạnh không có đất dưới chân (nền kinh tế) vững chắc, không có những tư tưởng sáng sủa trong đầu óc (tinh thần) thì đất nước không thể hi vọng vào một tương lai tạm có thể chấp nhận được”[4]. Phải học tập và phát triển kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội thế giới.

Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ ra rằng, kinh tế chủ nghĩa xã hội muốn phát triển phải có môi trường chính trị tương đối ổn định, sự phát triển của kinh tế phải theo kiểu tích lũy dần dần, không giống chính trị, phải áp dụng hình thức cách mạng bão táp, phải dựa vào kinh tế, phát triển kinh tế để khắc phục khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội, vì cơ sở kinh tế có tác dụng quyết định.

 Tóm lại, qua 70 năm tồn tại, Liên Xô có những thành tựu to lớn lẫn cả những nhược điểm của mô hình chủ nghĩa xã hội tập trung. Những khuyết tật không được sửa chữa, điều chỉnh tích tụ dần dần. Vào những năm 80, Liên Xô lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, địa vị siêu cường bị thách thức. Cải tổ đặt ra thành nhu cầu tất yếu bức thiết.

Hoàn cảnh quốc tế trong nước có những khó khăn, thuận lợi cho công cuộc cải tổ ở Liên Xô: Tiềm lực kinh tế, chính trị quân sự xã hội to lớn của Liên Xô là tiền đề thuận lợi, bảo đảm chắc chắn cho cải tổ thắng lợi. Trên thế giới cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ ba đang bắt đầu. Những kinh nghiệm cải cách của Ba Lan, Hunggari, Việt Nam, đặc biệt là của Trung Quốc có thể mang lại nhiều điều bổ ích cho ban lãnh đạo Liên Xô. Tuy nhiên, khó khăn của cải tổ không phải là ít, chủ nghĩa đế quốc đang ra sức thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình, trong nội bộ Liên Xô các thế lực bảo thủ trì trệ, các thế lực dân tộc chủ nghĩa, chống chủ nghĩa xã hội là lực cản to lớn và nguy hiểm.

Liên Xô bước vào thời điểm thách thức nghiêm trọng.

(Còn nữa)

CVL

-------------------

[1] Các Mác, Ăngghen toàn tập, tập 37, Tiếng Trung, trang 443.

[2] Lênin Toàn tập

[3] Dẫn theo Cốc Văn Khang: Cuộc đọ sức giữa hai chế độ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, trang 214

[4] Vichto Aphanaxep: Quyền lực thứ tư và bốn đời Tổng bí thư, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 128.

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-47-a22173.html