Xuất thân trong gia đình đại điền chủ
Đoàn Giỏi xuất thân trong gia đình đại điền chủ yêu nước ở quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Sau cách mạng Tháng Tám, gia đình ông tự nguyện hiến toàn bộ đất đai, nhà cửa cho Việt Minh để góp phần vào Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược giai đoạn 1945 -1954. Nhà văn Hữu Thỉnh, kể “Vốn xuất thân từ một gia đình giàu có, Đoàn Giỏi hồi nhỏ còn được gọi là Công tử Đoàn, gia đình ông ở tình Tiền Giang đất đai mênh mông. Ông có quyền thừa kể gia sản đó, nhưng ông cũng sẵn sàng từ bỏ. Cuối đời Đoàn Giỏi chỉ sống ở một căn gác hẹp ở NXB Tác Phẩm Mới, khi vào Sài Gòn ông cũng chỉ ở nhà bạn bè…”
Thời niên thiếu, Đoàn Giỏi học Tiểu học và Trung học (cấp 2) tại quê nhà, sau khi lấy bằng thành chung (1939) tại Collège de MyTho (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), Đoàn Giỏi lên Sài Gòn học ngành hội hoạ tại Trường Mỹ Thuật Gia Định, nhưng chỉ thời gian ngắn là nghỉ học do gia đình ngăn cản không cho học hội hoạ. Đoàn Giỏi cũng không theo con đường gia đình đã chọn, ông quyết tâm theo đuổi nghiệp sáng tác văn chương. Năm 18 tuổi, Đoàn Giỏi đã có tác phẩm văn chương đầu tay là truyện ngắn “Nhớ cố hương”, được đăng trên tạp chí Nam Kỳ số Xuân Quý Mùi năm 1943, tạp chí do nhà văn Hồ Biểu Chánh làm chủ bút.
Theo tạp chí Văn nghệ Tiền Giang số 56, xuất bản nhân dịp mừng Xuân Quý Tỵ năm 2013, truyện ngắn “Nhớ cố hương” của Đoàn Giỏi là “câu chuyện kể về cậu bé tên Kính, nhà nghèo, sớm mồ côi cha, phải đi ở đợ để trừ món nợ sáu đồng cha nó còn thiếu lại. Chiều cuối năm, trong không khí rộn ràng mua sắm tết, tiếng cu kêu, cậu bé nhớ nhà nên quyết định bỏ trốn về quê mặc dù trong túi không có tiền lại không nhớ đường về”.
Từng làm Phó Ty ở 2 tỉnh và Chủ bút Báo Rạch Giá
Đoàn Giỏi tham gia cách mạng năm 1945, ban đầu làm cán bộ thông tin tuyên truyền của xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Từ năm 1948 đến 1949, nhà văn Đoàn Giỏi làm Trưởng trinh sát Công an huyện Châu Thành, rồi Phó Ty Tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho kiêm chủ bút báo Tiền Phong cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho. Năm 1950, Đoàn Giỏi được điều động công tác về tỉnh Rạch Giá giữ chức vụ Phó Ty Thông tin tỉnh Rạch Giá và đồng thời là Chủ bút Báo Rạch Giá Cơ ngôn luận của Tỉnh uỷ Rạch Giá. Trong giai đoạn 1951-1954, Đoàn Giỏi là uỷ viên thường vụ Hội Văn nghệ Nam Bộ, đồng thời là Phó Phòng Văn nghệ thuộc Sở Thông tin Nam Bộ. Thời gian này, Đoàn Giỏi tham gia sáng tác văn chương và viết báo cho tạp chí “Lá Lúa”, rồi tạp chí “Văn nghệ miền Nam”.
Sau Hiệp định Giơ-Ne-Vơ (1954), Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc, làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam). Đoàn Giỏi là một trong những hội viên đầu tiên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Tú Mỡ, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu..Ông cũng đã từng giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khoá 1, 2, 3.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đoàn Giỏi trở về Nam sinh sống, công tác và tiếp tục sự nghiệp văn chương, đồng thời giữ chức uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà văn Đoàn Giỏi từ trần ngày 2/4/1989 do căn bệnh ung thư, hưởng thọ 64 tuổi.
Trong thời gian làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam và Hội Nhà Văn Việt Nam, Đoàn Giỏi dành nhiều thời gian cho hoạt động sáng tác văn chương phục vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các tác phẩm của ông hầu hết là khai thác về đề tài nông thôn ở Nam bộ, đặc biệt là vùng đất Tây Nam bộ, trong đó có vùng đất U Minh lịch sử.
Những tác phẩm tiêu biểu của Đoàn Giỏi trong giai đoạn 1954-1975, như: Trần Văn Ơn (1955); Ngọn tầm vông (truyện ký, 1956); Cá bống mú (1956); Đất rừng phương Nam (tập truyện dài, 1957); Hoa hướng dương (truyện ngắn, 1960); Cuộc truy tầm kho vũ khí (1962); Người tù chính trị năm tuổi (1973). Sau năm 1975, Đoàn Giỏi có những tác phẩm, như: Chú bé Hà Nội và chú ó lửa trên Đồng Tháp Mười (1987); Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày (viết về Bác Tôn); Từ đất Tiền Giang (viết về bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thập);… Ngoài ra, ông còn viết kịch, làm thơ với các tác phẩm: Người Nam thà chết không hàng (kịch thơ - 1947); Chiến sĩ Tháp Mười (1949); Giữ vững niềm tin (Thơ - 1954); Bến nước mười hai; Truyện thằng Cồi;…
Tập truyện dài thiếu nhi “Đất rừng phương Nam”
Trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của mình, có lẽ tuyện dài 20 chương với nhan đề “Đất rừng phương Nam” đã làm nên tên tuổi của Đoàn Giỏi từ đó (1957). Đây là tác phẩm mang chủ đề thiếu nhi, nhưng khi xuất bản được các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước quan tâm, thích thú, đón nhận. Đến nay, truyện dài thiếu nhi “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi được tái bản nhiều lần và dịch ra nhiều thứ tiếng, như: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha…Ở lứa tuổi 6X, 7X ai cũng biết đoạn trích trong “Đất rừng phương Nam” do Nhà xuất bản Giáo dục in trong sách Trích giảng Văn học cấp 2 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và in sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ học sinh về tình yêu quê hương, đất nước; về những con người vùng đất Tây Nam Bộ thật thà, chất phác, nhân hậu, và anh dũng trong chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước.
Đất rừng phương Nam là tác phẩm văn học do Nhà xuất bản Kim Đồng đặt hàng viết về chủ đề thiếu nhi, giới thiệu về vùng đất, con người Nam bộ, ban đầu (tháng 2/1957) dự kiến hoàn thành trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, gần hết thời hạn nộp tác phẩm theo “hợp đồng” mà tác phẩm vẫn chưa xong, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhắc lại để kịp xuất bản sách theo kế hoạch. Lúc đó, nhà văn Đoàn Giỏi mới bắt tay vào viết và viết liên tục trong suốt một tháng thì hoàn thành tập truyện dài “Đất rừng phương Nam” gồm 20 chương: (1) Xóm chợ nhỏ một vùng quê xa lạ; (2) Trong tửu quán; (3) Ông lão bán rắn; (4) Đêm kinh khủng; (5) Ôn lại ngày cũ; (6) Bước đầu cuộc sống lưu lạc; (7) Gia đình bố nuôi tôi; (8) Đi câu rắn; (9) Đi lấy mật; (10) Trong lều người đàn ông cô độc giữa rừng; (11) Rừng cháy; (12) Chạm trán với hổ; (13) Cái chết của Võ Tòng; (14) Mũi tên thù; (15) Phường săn cá sấu; (16) Qua Sóc Miên; (17) Sân chim; (18) Rừng đước Cà Mau; (19) Du kích trong rừng; (20) Lên đường chiến đấu.
Truyện dài “Đất rừng phương Nam” là một câu chuyện kể về cuộc đời lưu lạc của cậu bé Nam Bộ tên An, bị thất lạc gia đình trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược vào thập niên 50 của thế kỷ 20. Trong tác phẩm, người đọc say sưa “đi cùng cuộc đời phiêu lưu” tìm cha của bé An khắp vùng đồng bằng sông nước miền Tây Nam Bộ, từ Đồng Tháp Mười qua Long Xuyên rồi Hậu Giang, Rạch Giá, U Minh, Bạc Liêu, Cà Mau,...
Trong “Đất rừng phương Nam”, Đoàn Giỏi đã dẫn dắt, giới thiệu đến các em thiếu nhi và công chúng về hình ảnh đất nước tươi đẹp nơi tận cùng Tổ quốc, dù cuộc sống còn cơ cực, nhưng chất người miền Tây luôn phóng khoáng, nhân hậu, hiền hoà, chất phác, kết thúc tác phẩm là vùng đất U Minh. Có lần, khi nhắc về Đoàn Giỏi và “Đất rừng phương Nam”, nhà văn Anh Đức nhận xét “được viết bằng trái tim nhạy cảm, tài quan sát tinh tế, hiểu biết sâu sắc và vốn sống dồi dào, Đất rừng phương Nam là một trong những tác phẩm viết về Nam bộ xuất sắc nhất, làm bật lên trọn vẹn vẻ đẹp con người và thiên nhiên nơi đây. Mỗi lần đọc là mỗi lần tình yêu xứ sở được khơi gợi đến nao lòng”. Bằng cách sử dụng ngôn từ đậm chất vùng sông nước Nam Bộ mà nhà thơ Chế Lan Viên đã từng thốt lên rằng “Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam Bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình”.
Trong hành trình sống lang thang do thất lạc gia đình, đầu tiên cậu bé An được dì Tư Béo cưu mang, nuôi dạy và thương yêu như con cháu trong nhà. Ở đây, cậu bé gặp ông ba Ngù, anh Sáu tuyên truyền, các chú bộ đội, đặc biệt là cha con ông già bán rắn, kể cả vợ chồng Tư Mắm (Việt gian). Bé An vô tình biết vợ chồng Tư Mắm là Việt gian, và họ (Tư Mắm) cũng phát hiện ra An biết chuyện này nên An bỏ trốn khỏi nhà dì Tư Béo, tiếp tục cuộc sống lang thang, cơ cực. Một thời gian sau, may mắn An gặp lại hai cha con ông già làm nghề bán rắn, An được ông nhận làm con nuôi và kết tình anh em với thằng Cò con ông già bán rắn. Sống với gia đình thằng Cò, bé An cũng được yêu thương như con ruột, được cha nuôi và thằng Cò dẫn đi bắt rắn, đốt mật ong trong rừng...Tại đây, An biết chú Võ Tòng, một người đàn ông có dóc dáng cao to, khoẻ mạnh, sống một mình trong rừng. Sau này, Võ Tòng giết Việt gian và lính ngụy nhưng bị tên Việt gian khác là Tư Mắm chỉ điểm nên Võ Tòng bị giặc bắn chết. Về sau, rừng U Minh Thượng bị giặc chiếm đóng, gia đình ông già bán rắn và An phải rời đi và qua rừng U Minh Hạ…Và cuối cùng là về tận Cà Mau, An gặp lại dì Tư Béo, biết được các anh bộ đội, An vào Đội du kích, tham gia kháng chiến chống Pháp (chương 20: Lên đường chiến đấu)...
Phim truyền hình “Đất phương Nam” 1997
Từ truyện dài 20 tập “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi sáng tác năm 1957, Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã dựng thành phim truyền hình tựa đề “Đất phương Nam” vào năm 1997. Phim truyền hình “Đất phương Nam” dài 11 tập do đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn viết kịch bản và kiêm luôn đạo diễn. Bộ phim ra đời không chỉ các em thiếu nhi mà hầu hết công chúng cả nước thích thú, khen ngợi. Bộ phim cũng đã được xuất sang Hoa Kỳ và được khán giả nước này quan tâm, đón nhận.
Ghi nhận công lao to lớn của Đoàn Giỏi trong sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật nước nhà, Chủ tịch nước quyết định truy tặng nhà văn Đoàn Giỏi Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (đợt 1, năm 2001).
Thay lời kết cho bài viết này, tác giả xin mượn lời của nhà văn Anh Đức (Tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Hòn Đất”), nhận xét về nhà văn Đoàn Giỏi: “Nhà văn Đoàn Giỏi đã để lại cho đời những dòng đẹp đẽ, đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam bộ thân yêu của Tổ quốc ta”.
--------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Cảm nhận với "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi (Báo điện tử Ấp Bắc)
2. Nhà văn nổi tiếng và đa tài Đoàn Giỏi (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang)
3. Tiểu sử nhà văn Đoàn Giỏi (Hội Nhà văn Việt Nam)
4.Truyện thiếu nhi “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi
5. Bài giới thiệu Truyện thiếu nhi “Đất rừng phương Nam” nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập NXB Kim Đồng (NXB Kim Đồng)
6. Nhà văn Đoàn Giỏi - Đất rừng phương Nam và bạn đọc Bà Rịa - Vũng Tàu (Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
7. Trương Thanh Nhã, Báo Kiên Giang những chặng đường lịch sử.
ThS Đoàn Hồng Phúc (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang)
Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/nha-van-doan-gioi-va-tac-pham-dat-rung-phuong-nam-a21599.html