Thơ Phạm Quốc Cường chất chứa sự đời

Nhà thơ – Nhà báo Phạm Quốc Cường từ lâu đã trở nên quen thuộc với độc giả, ít nhất là trong giới báo chí. Thơ anh nhẹ nhàng, chân tình, không cố phá cách. Thơ anh luôn nói về thế thái nhân tình, dù là bộc lộ nội tâm, hay viết về thắng cảnh, thiên nhiên, quê hương, đất nước.

Nhà thơ Phạm Quốc Cường có thể được coi là người viết thơ nhanh, thơ nhiều. Trong giới báo chí, anh là người điển hình cho mẫu nhà báo làm thơ.

Là người Việt Nam, chúng ta tiếp xúc thơ qua lời mẹ ru. Rồi từ khi có Kiều, chúng ta sống cùng Kiều, lẩy Kiểu, bói Kiều... Điều đó cho thấy, thơ Việt Nam vẫn có sức sống mãnh liệt trong đời sống hiện đại. Lời hát, câu rap đều bắt chước cách gieo vần, chơi chữ từ thơ.

b01-pqc-1695717346.jpg

Nhà thơ – Nhà báo Phạm Quốc Cường

 

Phạm Quốc Cường sáng tác thơ ca như dòng sông tuôn chảy. Có thể thơ anh chưa mới, đâu đó lặp lại người, lặp lại chính mình, nhưng đó mới là anh. Trò chuyện với anh, dễ bắt gặp chất thơ qua tâm tư, những chuyện đời, chuyện nghề báo của anh. Đâu đó, ai đó không thích Phạm Quốc Cường, nhưng anh đã hiện diện là anh, một người trải quanhiều sóng gió, đắng cay.

Ở thơ, Phạm Quốc Cường nói lên được nhiều điều nhất, không né tránh, có thể là anh khóc, có thể là anh mạnh mẽ, có thể là anh nhân nghĩa, có thể anh là trẻ thơ. Thơ Phạm Quốc Cường không phải là đám mây xa thế tục, mà ngược lại là gần gũi và đi sâu vào đời. Thật xúc động khi đọc những vần thơ anh viết về vụ cháy tại phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) vừa qua:

“Ta chua xót lắm, than ôi!

Đứng lên ngồi xuống cứ bồi hồi

Câu chuyện đau lòng chung cư nhỏ

Sao thể làm vơi những oan hồn

Hàng chục gia đình ngâm trong lửa

Kêu thét gào than oán đêm trường

Họ không thở được trong cơn lửa

Bị cháy sạm đen những thân hình”.

Đó là những câu thơ tự nhiên qua ngòi bút xót xa của Phạm Quốc Cường. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng là đủ để nói lên cái đau đớn mà lửa gây ra trong vụ cháy thương tâm. Hình ảnh người ngâm trong lửa, tiếng thét gào thật đớn đau thay!

“Họ không thở được trong cơn lửa

Bị cháy sạm đen những thân hình”.

Hai câu thơ, mà ai đọc vào chắc chắn phải nghẹn ngào, dừng lại, im lặng một lúc.

Đoạn thơ dưới đây của bài thơ viết về vụ hoả hoạn, khiến người đọc lần nữa nhói lòng. Và ở đây, ta thấy Phạm Quốc Cường có chút gì đó “rất Nguyễn Du” khi viết “Văn tế thập loại chúng sinh” năm xưa.

“Ôi nhiều sinh linh còn vất vưởng

Vì lửa thiêu oan cướp mạng rồi

Hàng chục con người, ôi đau đớn!

Ngậm hờn cay đắng từ nhân gian

Tình cảm chứa chan, người ôm hận

Soi tỏ ngàn năm vẫn nhói lòng!

Hỡi ôi, đêm lửa bùng phát cháy

Tiếng khóc kêu than chín tầng nhà

Người già co quắp thân khô cứng

Trẻ nhỏ bờ môi mím đen xì

Ôi người tắt thở, mắt còn mở

Như muốn tỏ xem chuyện là gì

Có cảnh người cha ôm con nhảy

Thoát lửa rồi, nhưng vẫn tử vong

Ở trong thảm cảnh tang thương ấy

Ai thoát được đâu, cái chết về

Thương sao Khương Hạ đêm mưa nhỏ

Nhưng tiếng than oan vẳng đất trời

Mười ba tháng chín Thanh Xuân quận

Phủ trắng khăn tang chín tầng nhà

Hàng chục sinh linh chờ siêu thoát

Hàng chục năm sau vẫn bàng hoàng

Giờ ta thắp một nén lòng nhang

Hướng đến hương linh những oan hồn

Mong người vãng sinh nơi cực lạc

Đáp nghĩa trần ai tránh lỗi lầm

Những ngày Hà Nội mang tâm sự

Thành kính phân ưu những kiếp người

Ôi thôi, ta khóc đời dương thế

Uống lệ bao nhiêu mới đủ buồn

Thành tâm cầu khấn nơi dương thế

Để chốn âm ti đón nhận người

Hỡi những oan hồn còn day dứt

Mang hết tâm tư trút cõi trời

Nhân thế xa rời trời bật khóc

Như muốn chung tay trước sự tình

Thế gian còn lắm sự bất minh

Người nơi chín suối - đành lặng thinh!”.

Theo thời gian, thơ Phạm Quốc Cường ngày càng ý nhị, và ẩn ý hơn. Tả thu, anh viết: “Thu dần vào sâu lắng”; “Gió ẩn sau rèm nhà”. Nói về kỷ niệm, anh viết: “Nơi ta sống hôm qua/ Là món quà đáng nhớ”. Về hư thực, Phạm Quốc Cường viết: “Ngả vai về chốn thiên thai/ Tình còn vương lại ở nơi cuối trời”. Hai câu thơ này cho thấy nhà thơ tha thiết với đời, không thể dứt bỏ được người mà đi, dù là có vượt thoát qua rối ren đời người.

Khi tả về thắng cảnh, hay thiên nhiên, quê hương, đất nước, Phạm Quốc Cường vẫn giữ được giọng điệu của các thi sĩ xưa, như Tố Hữu, như Tế Hanh, đó là điểm yếu, cũng là điểm mạnh của anh. Phạm Quốc Cường ưa liệt kê khi tả cảnh, tả vật, như khi viết Đất linh – Chùa Thầy:

“Thiên Phúc tự cảnh đẹp cao

Long lanh sắc nước tường rào xanh xanh

Nhà dân bên cạnh an lành

Thanh tao trong vắt cảnh trần tuyệt thay

Kỳ nhân lên đỉnh núi Thầy

Ngắm hồ Long Chiểu phơi bày lộ thiên”.

Có lẽ Phạm Quốc Cường đã bỏ ngoài tai được khen chê của người đời khi nhận xét về thơ anh. Anh vẫn miệt mài với thơ. Ta thấy anh như “phu chữ”, mà một nhà thơ từng định nghĩa về người làm chữ nghĩa, đó là “đãi” từng con chữ nên thơ. Ta trân trọng anh, yêu quý anh trong nghệ thuật, bởi anh muốn mang cái đẹp, tình người đến cho chúng ta!

Box: Phạm Quốc Cường là nhà báo, bút danh: TQC, QM, Quốc Đô, Quốc Minh. Anh hiện là Trưởng ban Pháp luật Bạn đọc, Báo Pháp luật Việt Nam; sinh năm 1980, quê quán ở Nam Đàn - Nghệ An.  Các tập thơ đã xuất bản: Viết cho người tình mơ; Anh chờ qua trăng; Tình hoa; Tình yêu còn lại; Khúc ca tình đời; Phạm Quốc Cường: Tuyển chọn 100 bài thơ tình và đời. Ngoài ra, Phạm Quốc Cường còn là tác giả của các bài hát: Khúc hát phóng viên; Hoa sữa và em; Anh chờ qua trăng; Gương sáng Pháp luật Việt Nam; Tuyến đầu vang mãi niềm tin; Hà Nội - Khúc đồng dao chống dịch; Thắng đại dịch này ta mở tiệc vàng thật sang; Tuyến đầu sự sống hồi sinh; Việt Nam sáng ngời tình yêu…

Vũ Gia Hà

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/tho-pham-quoc-cuong-chat-chua-su-doi-a20936.html