Phóng viên (PV): Chúc mừng Đại tá, TS, NSND Nguyễn Thị Thu Hà vừa vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022. Cảm xúc của đồng chí thế nào khi được nhận giải thưởng lớn như vậy?
Thu Hà: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Ý nghĩa của Lễ trao tặng Giải thưởng lần này càng được nhân khi tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2023. Tôi vô cùng vinh dự, tự hào được nhận Giải thưởng này, hạnh phúc vì những tâm huyết, cống hiến của mình được Đảng và Nhà nước, nhân dân ghi nhận. Đây là một dấu ấn vô cùng lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Giải thưởng không những là nguồn động viên to lớn mà còn là bệ phóng tinh thần để tôi không ngừng sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật múa, làm nên những tác phẩm giá trị phụng sự cho Tổ quốc và Quân đội.
PV: Đồng chí đã giành giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm thơ múa “Huyền thoại đẻ đất, đẻ nước”, tiết mục múa “Người mẹ Vân Kiều”, “Tiểu đội xe không kính”; “Huyền thoại một dòng sông”. Đồng chí có thể giới thiệu đôi nét cho bạn đọc hiểu hơn về các tác phẩm này?
Thu Hà: Thơ múa “Huyền thoại đẻ đất đẻ nước” là một tác phẩm tâm đắc được tôi lấy cảm xúc và khơi nguồn sáng tạo từ tứ thơ của nhà thơ Vương Anh. Tác phẩm phác họa về việc sinh ra đất, sinh ra nước, sinh ra cây cối, sinh ra mường bản, sinh ra con người, sinh ra nhà cửa, sinh ra lửa, sinh ra lúa gạo, sinh ra rượu cần, sinh ra trâu bò, lợn, gà, sinh ra trống đồng, lập ra lãnh thổ… Ở đó hiện ra toàn bộ sức sống bền bỉ và sức mạnh hòa hợp của cộng đồng Mường cổ, được tạo dựng từ cuộc đối thoại đầu tiên giữa con người với vũ trụ chứa đầy bí ẩn, đến khi họ bắt đầu ý thức được khả năng vô hạn của mình trên con đường khai sáng. Với ngôn ngữ múa dân gian dân tộc Mường kết hợp múa hiện đại và các tạo hình ấn tượng cùng ánh sáng sân khấu độc đáo, tác phẩm như là một bức tranh ghép mảnh các huyền thoại hư cấu lịch sử một cách hoành tráng và sống động. Thơ múa “Huyền thoại đẻ đất, đẻ nước” là sự thăng hoa đầy ngẫu hứng mang tính hiện thực cuộc sống, với ý nghĩa con người hướng tới cội nguồn “chim tìm tổ, người tìm tông”, tràn đầy âm hưởng sử thi, vừa có tính dân tộc, vừa có tính nhân loại đậm bản sắc dân tộc, là sự gắn kết, giao thoa kỳ diệu giữa con người và thiên nhiên. Tác phẩm được dàn dựng cho Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn, Thanh Hóa tham gia Hội diễn Ca múa nhạc năm 2009 của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức và giành Huy chương vàng.
Có thể nói thơ ca là nguồn cảm hứng trong các sáng tác của tôi, là mạch nguồn sáng tạo không bao giờ cạn. Tác phẩm múa “Tiểu đội xe không kính” (âm nhạc: NS Hoàng Tuấn) là một trong những tác phẩm lấy ý tưởng từ bài thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tác phẩm được dàn dựng cho Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 tham gia Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2009, giành Huy chương Vàng và Giải A của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam. Ở tác phẩm này, với đường tuyến vũ đạo chặt chẽ kết hợp ngôn ngữ múa ba lê và hiện đại, các kỹ thuật quay, nhảy lớn, các tổ hợp múa linh hoạt, khi phức điệu, khi đồng điệu liền mạch với một tư duy gợi mở cho người xem. Tác phẩm khắc họa hình ảnh những chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, họ hiên ngang, dũng cảm, lạc quan yêu đời bất chấp hiểm nguy, vượt qua mưa bom bão đạn với trái tim yêu nước nồng nàn và ý chí chiến đấu quật cường. Tác phẩm như một lời tri ân của tôi đối với các thế hệ Ông Cha đi trước.
Trong cuộc đời sáng tác của tôi, hình ảnh Mẹ Việt Nam là đề tài tôi quan tâm và luôn trăn trở. Tác phẩm múa “Huyền thoại một dòng sông” (âm nhạc: NS Hoàng Anh) ca ngợi hình ảnh một người phụ nữ, một người mẹ Việt Nam chèo đò trên dòng sông Nhật Lệ, chỉ với mái chèo và lòng yêu nước vô vàn mà quyết sống còn với quân thù - Mẹ Suốt: Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày/ Sợ chi sóng nước tàu bay/ Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua / Kể chi tuổi tác già nua/Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng. Ở tác phẩm “Người mẹ Vân Kiều” (âm nhạc: NS Xuân Thuỷ), tôi lại khai thác ở một khía cạnh khác, đó là ca ngợi tình cảm của những người Mẹ Vân Kiều trên đại ngàn Trường Sơn, ngày đêm chung tay vá đường và tiếp tế lương thực. Tình cảm ấy của đồng bào đã tiếp thêm sức mạnh và thôi thúc quyết tâm “Quyết chiến Quyết thắng” cho những đoàn quân chi viện vào miền Nam đánh giặc. Hai tác phẩm với hai phong cách khác nhau nhưng đều ngợi ca về những người phụ nữ, người Mẹ Việt Nam anh hùng và đều giành Huy chương Vàng trong Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc năm 2005 và 2009 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức.
PV: Trong mỗi sáng tác của mình, đồng chí thường coi trọng yếu tố nào nhất?
Thu Hà: Tôi là người có niềm đam mê và yêu múa mãnh liệt, vì thế tôi luôn tâm huyết, trăn trở, tìm tòi, bứt phá trong sáng tạo nghệ thuật để đi tìm cái đẹp với ý thức sáng tác là trách nhiệm của bản thân đối với quá khứ và lịch sử, sáng tạo và lan toả nhiều tác phẩm hay, có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc.
Trong cách sáng tác, tôi luôn đổi mới tư duy sáng tạo, tìm kiếm những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ nhằm truyền tải một cách thuyết phục chiều sâu tư tưởng và nhân văn, phù hợp với thời đại, hấp dẫn được công chúng, đưa văn hóa truyền thống đi cùng với thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ. Như trong các tác phẩm: Thập ân phụ mẫu; Đồng chí; Người Mẹ vá cờ; Mắt ngọc Cô Tô; Sắc đỏ dòng sông xưa; Sắc mầu bản Dao; Lễ hội đập trống; Vòng quay; Sắc mầu Thổ cẩm; Người mẹ Vân Kiều;Tình quê… đều đoạt giải Huy chương Vàng và Huy chương Bạc trong các Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc. Các tác phẩm đó luôn giữ vững hai yếu tố: Dân tộc và Hiện đại. Dân tộc để không “phôi phai” truyền thống, không đánh mất chính mình; Hiện đại để phù hợp với nhịp sống mới, hơi thở mới của thời đại, đồng thời có giá trị tinh thần, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần ngày càng cao của khán giả, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của ngành văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo tôi, đó là yếu tố quan trọng và là sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao của một người biên đạo.
PV: Cảm xúc, sự sáng tạo, hay tìm ra những cái mới là những yếu tố quan trọng cho một tác phẩm biên đạo chất lượng, đồng chí có thể nói rõ hơn về phong cách sáng tác của mình?
Thu Hà: Tôi luôn nghĩ, mỗi tác phẩm phải là sự hiện diện của chính tác giả đối với cuộc đời. Do vậy, cái mới, cái độc đáo trong phong cách của người sáng tác phải thể hiện ở sự tìm tòi cái mới về nghệ thuật cũng như nội dung của tác phẩm. Để sáng tạo nên những tác phẩm đích thực, để vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật chân chính, người biên đạo không những phải có tài mà cần phải có tâm, có tình cảm mãnh liệt, sống hết mình với cuộc đời, biết xúc động trước mọi niềm vui, nỗi buồn của con người. Đồng thời, tác phẩm phải lan toả được những thông điệp sâu sắc qua các phương tiện, hình thức nghệ thuật đẹp đẽ, của dân tộc và thời đại mang đậm dấu ấn sáng tạo của cá nhân. Và muốn sáng tạo cái mới, trước hết phải bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống; hiện thực ấy không đâu xa lạ mà là những “tinh hoa” hun đúc nên “bản sắc” trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn con người Việt Nam. Đặc biệt, mỗi tác phẩm phải là một sáng tạo về hình thức và khám phá mới về nội dung, nhưng dù sáng tạo theo một xu hướng nào đi chăng nữa, thì phải luôn giữ vững hai yếu tố: Dân tộc và Hiện đại. Đó cũng chính là phong cách sáng tác mà tôi lựa chọn.
PV: Để có một tác phẩm hoàn chỉnh, phần âm nhạc cho múa cũng là linh hồn, đồng chí có những tiêu chuẩn lựa chọn âm nhạc và nhạc sĩ viết nhạc múa như thế nào để phù hợp với chủ đề nội dung và phong cách sáng tác của mình?
Thu Hà: Theo dòng chảy lịch sử, âm nhạc và múa cùng đồng hành, tồn tại, phát triển ngày một hoàn thiện. Có thể nói âm nhạc luôn là linh hồn của múa, hòa quyện vào múa, cùng buồn, cùng vui với múa và chắp cánh cho múa bay xa hơn. Âm nhạc viết cho múa thường có tính hình tượng cao, tạo ra không gian rộng lớn để múa có đất thể hiện. Đối với người nhạc sĩ sáng tác nhạc cho tác phẩm múa, điều quan trọng là thấu hiểu hai đặc trưng của nghệ thuật múa. Đặc trưng cơ bản: cách điệu, tượng trưng, khái quát, tạo hình. Đặc trưng ngôn ngữ: động tác, điệu bộ, hình dáng, đội hình. Hai đặc trưng này luôn hòa quyện, thống nhất, chuyển động trong âm nhạc, trong không gian và thời gian. Chính vì vậy, nhạc sĩ và biên đạo cùng hiểu và song hành với nhau qua ý tưởng sáng tạo nên tác phẩm.
PV: Với vai trò là Giám đốc Nhà hát nghệ thuật thực hành, vừa quản lý vừa tham gia giảng dạy, chị đã thu xếp công việc như thế nào để làm tròn cả hai vai?
Thu Hà: Được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, tôi rất trân trọng chặng đường đã đi qua và cũng thấy trách nhiệm của mình đang còn ở phía trước. Đây là một dấu ấn trên con đường nghệ thuật của mình, bản thân tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, dành tâm huyết, năng lực trí tuệ và lòng nhiệt huyết, trái tim yêu thương để sáng tạo những tác phẩm có giá trị, từ đó lan toả những hình ảnh đẹp của quê hương, đất nước, những tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ… Những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà. Với vai trò là Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật thực hành, bên cạnh đó tôi còn tham gia giảng dạy tại các Học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, lại thêm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đòi hỏi tôi phải cố gắng hơn rất nhiều, sắp xếp công việc không bị chồng chéo, lên lịch làm việc hàng ngày. Với tôi, mỗi ngày mới giống như tờ giấy trắng và mình sẽ là người vẽ lên đó. Vì vậy, hãy vẽ cho mình một bức tranh đẹp, một tâm hồn nhiệt huyết, lan tỏa, vun trồng các giá trị tốt đẹp, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm say mê sáng tạo nghệ thuật, truyền lửa cho các thế hệ học trò của mình. Khối lượng công việc lớn, lịch làm việc và nghiên cứu dày đặc nhưng tôi luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao, nhiều năm liên tiếp (2012, 2013, 2014, 2015, 2020, 2022…) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân; được tặng nhiều huân huy chương, bằng khen của Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng và các Bộ ban ngành trong và ngoài Quân đội. Đó là niềm khích lệ, ghi nhận, động viên to lớn đối với bản thân. Tôi vô cùng biết ơn Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội - nơi tôi đã gắn bó hơn 30 năm, cám ơn Ban Giám hiệu, các thầy cô, các đồng nghiệp đã quan tâm tạo mọi điều kiện để chắp cánh ước mơ cho tôi thỏa sức sáng tạo và cống hiến.
PV: Gói gọn cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí bằng những con số: 42 tuổi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 43 tuổi được thăng quân hàm Đại tá, 43 tuổi đạt học vị Tiến sĩ và tròn 50 tuổi nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Những con số đó đã chứng minh sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, tài năng và khát khao chinh phục đỉnh cao của người con gái xứ Nghệ. Một lần nữa xin chúc mừng những thành tựu mà đồng chí đã ghi dấu trong cuộc đời người chiến sĩ – nghệ sĩ. Đồng chí có thể bật mí những mốc phấn đấu tiếp theo của mình?
Thu Hà: Múa chính là mạch nguồn cuộc sống, giúp tôi có những bước đi vững chắc, trở thành người có ích cho cuộc đời này. Năm 1987, khi mới 14 tuổi, tôi được tuyển vào Trường Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Với dáng người gầy và nhỏ so với các bạn nên đòi hỏi tôi phải cố gắng rất nhiều. Những buổi tập ép dẻo, bám gióng bật cả móng chân, nước mắt lẫn mồ hôi cứ lăn dài… nhưng hình như trong tôi chưa bao giờ khuất phục. Để được thoả mãn với niềm đam mê và sống với múa, tôi đã rẽ sang lối mới đó là theo học Biên đạo múa để được tự do sáng tạo. Những dấu mốc bạn liệt kê ra đối với tôi chính là sự nỗ lực, quyết tâm và chứng minh sự đúng đắn của mình khi lựa chọn Múa. Trong đời mỗi người, việc đặt ra những mục tiêu để phấn đấu, cống hiến là điều cần thiết. Tôi luôn biết ơn, trân trọng các thế hệ nghệ sĩ đi trước, họ đã dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, dành cả cuộc đời, trí tuệ và tài năng của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Chúng tôi, thế hệ trẻ của ngày hôm nay kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tiếp tục có những tác phẩm đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và phương thức thể hiện, sâu sắc về tư tưởng, phản ánh được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, cùng những vấn đề mới nóng của thời cuộc, của đất nước hôm nay. Đó là mục tiêu, và trong tương lai, bạn vẫn sẽ thấy một Thu Hà đầy năng lượng, nhiệt huyết, sống cống hiến hết mình cho nghệ thuật, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tôi luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
PV: Xin cám ơn Đại tá, TS, NSND Nguyễn Thị Thu Hà về cuộc trò chuyện này!
Vũ Phương Hà