Kỳ 51
Trên những tài liệu còn sót lại trong sự kiện bi thảm, Ngô Sĩ Liên muốn viết một cái gì đó về thầy của mình, trước hết ông phải thống kê xem gia đình anh em nhà Nguyễn Trãi những ai đã không thoát, những ai đã chạy thoát để trình lên cho vua Lê Thánh Tông.
Theo sự điều tra của thám mã triều đình do vua Lê Thánh Tông phái đi các nơi, sau đó nhà vua lại trao lại cho Ngô Sĩ Liên để ông tổng hợp lại thì Nguyễn Trãi có 5 phu nhân:
Vợ cả là phu nhân Trần Thị Thành. Bị giết trong thảm án, giỗ ngày 16-8 âm lịch 1442.
Vợ thứ 2 là Phùng Thị phu nhân, quê quán Nguyệt Áng, Thanh Trì, Hà Nội, bị giết trong ngày trong thảm án ngày 16-8-1442 (âm lịch).
Vợ 3 là Phu nhân Nguyễn Thị Lộ, quê quán xã Hải Triều, huyện Ngự Thiên (Hưng Hà, Thái Bình), bị giết trong thảm án ngày 16-8-1442 âm lịch
Vợ 4 là phu nhân Phạm Thị Mẫn, quê quán ở làng Nỗ Vệ, Thụy Phú, Phú Xuyên (Thăng Long), thoát nạn khi chạy trốn sinh ra Nguyễn Anh Vũ.
Vợ 5 là Lê Thị Phu Nhân, người làng Chi Ngãi, Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương, thoát nạn.
Như vậy vụ án ngoài họ Nguyễn thì còn liên quan đến họ Trần, bà Trần Thị Thái phu nhân của Nguyễn Phi Khanh (họ mẹ của Nguyễn Trãi), họ Nhữ, bà kế thất của Nguyễn Phi Khanh, họ Trần, bà Trần Thị Thành chính thất của Nguyễn Trãi, họ Phùng: Phùng Thị phu nhân, họ Phạm, phu nhân Phạm Thị Mẫn, thứ thất của Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi có 7 người con:
-Chính thất Trần Thị Thành sinh ra Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng, Nguyễn Phù (Nguyễn Hồng Quý). Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng bị giết.
Nguyễn Phù chạy thoát về Phù Đàm, nay là Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh, thành một chi họ Nguyễn ở Từ Sơn.
-Bà Phùng Thị phu nhân sinh ra Nguyễn Bản, tiểu thư Nguyễn Thị Đào, không nói được từ nhỏ. Còn nhỏ nên không bị bắt làm nô tì. Nguyễn Thị Đào được một hoạn quan đem về nuôi, lớn lên bỗng nhiên lại nói được. Viên hoạn quan mất, nàng lưu lạc tại giáp phường, múa hát trong cung.
-Bà Nguyễn Thị Lộ không có con.
-Bà Phạm Thị Mẫn trên đường chạy trốn đã có mang 3 tháng, người học trò Nguyễn Trãi tên là Lê Đạt đưa đi trốn ở phía tây Thanh Hóa, sinh ra Nguyễn Anh Vũ. Một thời gian sau, bà về Thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Nguyễn Anh Vũ ra đời mang họ Phạm. Bà Lê Thị phu nhân đang có thai đã chạy thoát về thôn Hoa Dư, xã Hà Trang, huyện Hiệp Sơn (Phượng Quất, Kinh Môn, Hải Dương). Bà sinh ra Nguyễn Năng Đoán.
Những người em của Nguyễn Trãi:
Nguyễn Phi Báo, Nguyễn Phi Bằng, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Phi Ly.
Con của Nguyễn Phi Khanh với bà thứ 2 Đoàn Nhữ Hoàn:
Sinh ra Nguyễn Nhữ Soạn, Nguyễn Nhữ Trạch.
Những người em của Nguyễn Trãi bị giết: Nguyễn Phi Báo, Nguyễn Phi Bằng. Nguyễn Phi Ly.
Thoát nạn: Nguyễn Phi Hùng đã theo cha sang Trung Quốc năm 1407. Vì lý do nào đó Nguyễn Phi Hùng đổi sang họ Ngô. Năm 1428 ông Nguyễn Phi Khanh mất, Nguyễn Phi Hùng đưa hài cốt của cha về táng ở núi Báo Đức, Chí Linh Hải Dương rồi quay lại Phúc Kiến Trung Quốc với gia đình con cái. Sau khi Nguyễn Phi Hùng mất, con là Ngô Dũng đưa gia đình về Đại Việt, cố hương. Do vụ án Lệ Chi Viên, Ngô Dũng đổi sang họ Phạm và đưa gia đình về làng Dương Liễu (Hoài Đức, Thăng Long). Nguyễn Nhữ Trạch, Nguyễn Nhữ Soạn đã trốn về làng Bồng, xã Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc Thanh Hóa. Từ đó hình thành hai chi họ Nguyễn ở Thanh Hóa. Chi họ Nguyễn ở làng Bồng, Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc Thanh Hóa.. Chi họ Nguyễn Nhữ Soạn ở Cẩm Nga, Mộc Nhuận (nay là Đông Sơn, Thanh Hóa), lấy giỗ tổ là ngày mất của Nguyễn Phi Khanh. Riêng chi họ Nguyễn Nhữ Trạch sau này di lý xuống Lan Trà, xã Trúc Lâm, Tĩnh Gia Thanh Hóa, lập các chi họ Nguyễn ở đây. Chi họ Nguyễn ở Lan Trà sau đổi là Nguyễn Đình. Nay ở Cẩm Nga có từ đường tiên tổ.
Trống điểm canh ba rồi mà Ngô Sĩ Liên vẫn chưa muốn ngủ, có lẽ ông sẽ thức suốt đêm nay với huyết án Lệ Chi Viên hai mươi năm về trước. Ông day dứt vì không đủ tư liệu về tên tuổi của 400 người trong ba họ nhà Nguyễn Trãi đã chết dưới tay đao phủ, con số 400 người hay còn nhiều hơn nữa vì vụ án liên quan đến không chỉ họ Nguyễn mà còn liên quan tới hai họ Trần (Phu nhân Trần Thị Thái, thân mẫu Nguyễn Trãi, họ của năm phu nhân của Nguyễn Trãi:Trần Thị Thành (chính thất của Nguyễn Trãi), họ Phùng (Phùng Thị phu nhân), họ Nguyễn (Nguyễn Thị Lộ), họ Phạm ((Phạm Thị Mẫn), họ Lê (Lê Thị phu nhân), như vậy tổng cộng bảy họ bị giết và bị truy sát suốt hai mươi năm trời. Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi là cực kỳ quan trọng. Từ đây, con cháu của bảy họ không bị truy sát nữa, được sống tự do bình thường trên đất Đại Việt, không còn là tội đồ nữa, được lấy lại họ Nguyễn Phi của mình, được học hành thi cử, được ra làm quan. Nguyễn Trãi từ Đại công thần trở thành tội đồ nay lại trở lại là khai quốc công thần như xưa. Sự nghiệp đánh giặc của ông, sự nghiệp văn chương của ông sẽ lưu danh muôn đời".
Ngô Sĩ Liên cũng thầm cảm ơn trời đất còn cho ông thầy kính yêu của ông còn được vài đứa con sống sót, nối dõi tông đường trong đại họa diệt tộc khủng khiếp. Thật là may mắn. Nghĩ tới đó tâm tư của ông đỡ căng thẳng. Ngô Sĩ Liên biết phải đi ngủ sớm để mai còn lên triều, trình bản tổng hợp này cho Lê Thánh Tông và nhận nhiệm vụ mới là sưu tầm các tác phẩm của Nguyễn Trãi đã bị hủy diệt hoặc bị thất lạc trong cơn đại họa.
Sau khi nhận và đọc bản tổng hợp về những người bị giết và những người thoát nạn trong gia đình Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan cho gia đình quan Hành khiển Nguyễn Trãi, truy phong tước Tán Trù bá, kết thúc vụ án Lệ Chi Viên kéo dài hai mươi năm. Nguyễn Anh Vũ là đại diện duy nhất của gia tộc ra nhận chiếu chỉ của triều đình. Nguyễn Anh Vũ được Lê Thánh Tông phong chức đồng Tri phủ Tĩnh Gia, cấp 100 mẫu ruộng gọi là miễn hoàn điền (ruộng không phải trả lại cho nhà nước khi đến hạn) mà được để lại cho con cháu đời sau thờ phụng. Vua Lê Thánh Tông cũng cho tìm trong giáo phường, đón Nguyễn Thị Đào (con gái duy nhất của Nguyễn Trãi với Phùng Thị phu nhân) vào cung và phong làm chiêu nghi.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-51-a20892.html