Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I năm 2023 nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội

Sáng nay (10/9), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023 nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự phiên họp giả định. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, các ủy ban của Quốc hội và 263 trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố. Đây là lần đầu tiên, tại Nhà Quốc hội, diễn ra phiên họp giả định dành cho trẻ em nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.

Phiên họp do các đại biểu trẻ em điều hành, gồm: Em Đặng Cát Tiên (Khánh Hòa) - Chủ tịch “Quốc hội trẻ em”; em Lê Quang Vinh (Hòa Bình) - Phó Chủ tịch Thường trực “Quốc hội trẻ em”. Các Phó Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” là các em: Đàm Hà My (Bắc Giang), Kiều Quang Huy (Bình Thuận) và Nguyễn Thế Mạnh (Tuyên Quang).

b1aqh1-1694336257.jpg

263 đại biểu thiếu nhi và 64 đại biểu phụ trách tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I năm 2023. Ảnh: TTXVN

 

Phát biểu tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhưng công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thực trạng đó cho còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các cháu tham dự phiên họp giả định hôm nay; hi vọng trong số các cháu tham dự chương trình hôm nay sẽ có nhiều cháu khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu sẽ nhận được sự tín nhiệm của nhân dân, trở thành đại biểu Quốc hội thực sự.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chính sự thể hiện xuất sắc của các cháu hôm nay cho thấy mô hình phiên họp Quốc hội giả định nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Thực tế trên toàn cầu cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã lay động, làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới.

Ý kiến thảo luận của các cháu và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, đã đem lại những kết quả tích cực trong thực tiễn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng các “đại biểu Quốc hội trẻ em” cùng “Thành viên Chính phủ trẻ em” và rất ấn tượng trước sự chững chạc, hiểu biết sâu sắc, tư duy mạch lạc, khả năng hùng biện sắc sảo, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trẻ em đối với những vấn đề "nhỏ mà không nhỏ", ở chính lứa tuổi của mình. Những câu hỏi, trả lời, ý kiến trao đổi của các em để lại cho người lớn nhiều suy nghĩ rất sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ với những vấn đề sát sườn, thiết thực với trẻ em và chính tương lai đất nước. Có thể chưa đầy đủ, nhưng những chất vấn, phát biểu của các đại biểu tại phiên họp chính là nguyện vọng của trẻ em Việt Nam gửi tới Quốc hội, Chính phủ. Không chỉ vậy, đây còn là tiếng nói từ tương lai đặt ra với đất nước khi quyết định những vấn đề phát triển ngay từ hôm nay.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong thẩm quyền và trách nhiệm, Phó Thủ tướng và các lãnh đạo, thành viên Chính phủ sẽ luôn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em, đặc biệt là vấn đề đã được quyết nghị trong Nghị quyết Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” để tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, ban hành kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, để hướng tới cộng đồng học tập đoàn kết, trách nhiệm. Đây sẽ là nơi mỗi em đều có cơ hội phát triển và thể hiện tài năng, sẵn sàng làm chủ tri thức mới, thích ứng với đổi thay, trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm trong tương lai.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn ở trường học, không gian công cộng, gia đình và trên môi trường mạng. Các bên liên quan có giải pháp đẩy mạnh thông tin tích cực, bổ ích, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, con người; ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc, nội dung không phù hợp với thiếu niên, nhi đồng. Cơ quan chức năng tạo thêm nhiều kênh, diễn đàn để trẻ em biểu đạt nguyện vọng, tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách có liên quan đến các em.

Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành địa phương tiếp tục tổ chức thêm nhiều mô hình hoạt động, sân chơi bổ ích. Qua đó, các em vừa rèn luyện kỹ năng vừa tham gia thực chất vào các lĩnh vực đời sống xã hội mà các em quan tâm ngay từ trong trường học, cộng đồng dân cư... Từ đó, góp phần đào tạo những lớp công dân Việt Nam tự tin, bản lĩnh, có trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp sức lực, trí tuệ từ khi còn nhỏ tuổi vì sự phồn vinh, trường tồn của đất nước, vì sự tiến bộ của xã hội.

X.V (tổng hợp)

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/phien-hop-gia-dinh-quoc-hoi-tre-em-lan-thu-i-nam-2023-nham-thuc-day-su-tham-gia-som-cua-tre-em-vao-cac-hoat-dong-chinh-tri-xa-hoi-a20674.html