Triển lãm tranh cá nhân của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang vừa đoạt giải “Khát vọng Dế Mèn”

Họa sĩ nhí 11 tuổi người dân tộc Tày ở Lạng Sơn Hoàng Nhật Quang vừa đoạt giải “Khát vọng Dế Mèn” tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 – 2023 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức. Thật vinh dự cho em, chỉ sau khi nhận giải 8 ngày, em sẽ có một triển lãm tranh cá nhân đầu tiên mang tên “Những linh hồn ẩn giấu” diễn ra lúc 17h30 ngày 8/6/2023 tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Họa sĩ nhí gây “choáng” cho Ban giám khảo

Triển lãm “Những linh hồn ẩn giấu” do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Huyen Art House, cùng gia đình thực hiện. Triển lãm sẽ trưng bày 25 bức tranh -  những tác phẩm tươi mới nhất của Hoàng Nhật Quang để giới thiệu với giới thưởng lãm tại TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là cách mà Giải thưởng Dế Mèn đồng hành với các tác giả được giải, nhất là tác giả thiếu nhi.

b1-2023-06-07t190615160-1686139868.jpg

Họa sĩ Hoàng Nhật Quang 11 tuổi người dân tộc Tày bên bức tranh khổ lớn của mình.

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 đã khẳng định: “Hoàng Nhật Quang là phát hiện thú vị nhất của Dế Mèn năm nay và của cả giải Dế Mèn từ trước đến nay”.

Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng BTC Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn cho biết: “Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức Giải thưởng Dế Mèn nhằm theo đuổi lý tưởng, khát vọng phát triển, phục hưng các giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam, trong đó có văn học, âm nhạc, mỹ thuật... Việc hiện thực hóa lý tưởng này phải xuất phát từ thế hệ trẻ, tương lai của đất nước. Một khi có cơ duyên phát hiện ra được tài năng nhí thiên phú, chúng tôi cố gắng làm hết sức có thể và cũng hy vọng mọi người cùng góp sức chung tay để vun đắp cho cá nhân tài năng nhí đó ngày càng được trui rèn, phát triển toàn diện ngay tại đất nước Việt Nam này. Nếu sau này có trở thành biểu tượng làm rạng danh người Việt Nam ra toàn thế giới thì càng tuyệt vời hơn nữa”.

2-2023-06-07t190645470-1686139960.jpg

Họa sĩ Thành Chương (Hội đồng giám khảo) đã phát biểu mở đầu trao giải “Khát vọng Dế Mèn” cho họa sĩ nhí bằng một từ “CHOÁNG!”.

 

Sau khi dự lễ trao giải Dế Mèn tại Hà Nội vào ngày 31/5, nhà sử học Dương Trung Quốc viết trên trang cá nhân: “Choáng! Hôm qua đến dự lễ trao giải Dế Mèn dành cho các tác giả và tác phẩm viết cho trẻ em và các tài năng là trẻ em trong sáng tác nghệ thuật. Vừa đến cửa hội trường, bên những cái bàn bày la liệt các cuốn sách hay và đẹp dành cho thiếu nhi và tác phẩm của nhưng người được giải, thấy dựng sát tường, đặt trên giá, là mấy bức tranh khổ to nhỏ khác nhau. Rất đẹp. Nhưng khi đọc kỹ chú thích gắn dưới tranh thì giật mình khi biết tác giả là Hoàng Nhật Quang mới… 11 tuổi. Trình độ của mình thấy tranh vẽ rất đẹp, nhưng không biết diễn tả thế nào, thì đến lúc trao giải, họa sĩ Thành Chương trong Hội đồng giám khảo đã phát biểu mở đầu bằng một từ CHOÁNG! Họa sĩ tài danh này phân tích cho thấy tranh của cậu bé 11 tuổi vẫn mang xúc cảm hồn nhiên của tuổi thơ, nhưng thấy được sự "già dặn" của người nghệ sĩ không phải ở thì tương lai. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi, đưa một tin nhỏ về một niềm tin lớn vào lớp người còn rất nhỏ”.

b3-96-1686140064.jpg

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo: “Hoàng Nhật Quang là phát hiện thú vị nhất của Dế Mèn năm nay và của cả giải Dế Mèn từ trước đến nay”.

 

Nguyên văn chia sẻ của họa sĩ Thành Chương: “Tranh của Hoàng Nhật Quang có những nét hồn nhiên đúng chất trẻ thơ nhưng đồng thời cũng có những ý niệm, suy nghĩ rất già dặn, rất hoành tráng của một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải chỉ là một đứa trẻ con. Đó là điều làm cho tôi và nhiều người giật mình trước tác phẩm của cháu. Bằng một sức lực lao động với những bức tranh khổ lớn, số lượng nhiều, ngoài sự đam mê, ở Hoàng Nhật Quang chắc chắn phải có tài năng. Quả thực, đây có thể coi là một hiện tượng mở ra khả năng phát triển lâu dài và sự hy vọng. Ở đó, qua giải Dế Mèn phát hiện ra được một họa sĩ sau này có thể trở thành một tài năng của hội họa Việt Nam”.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cũng nhận xét: “11 tuổi. Đúng bằng tuổi mình khi học năm thứ nhất, sơ trung 7 năm (Cao đẳng mỹ thuật). Thật sự là tài năng! Bởi, sau 50 năm làm nghề, mình hiểu, ở tuổi đó, vẽ được như vậy, chắc chắn là khả năng thiên phú. Ở tuổi đó, tư duy hình tượng được như vậy, là thiên phú!”.

Họa sĩ nhí người dân tộc Tày đến từ Lạng Sơn

Hoàng Nhật Quang sinh năm  2012, người Tày, học lớp 5A1, Trường TH&THCS Lê Quý Đôn, TP. Lạng Sơn. Các môn học yêu thích của Quang là mỹ thuật và lịch sử. Quang bắt đầu vẽ tranh thường xuyên từ năm 9 tuổi, đến nay đã vẽ được khoảng 40 tranh hoàn chỉnh, trong đó có nhiều tranh khổ lớn.

Quan điểm sáng tác của Hoàng Nhật Quang: “Tất cả các sinh vật đều có linh hồn, ngay trong những thực thể sống, mỗi bộ phận nhỏ cũng sẽ có tiếng nói riêng”.

Hoàng Nhật Quang từ nhỏ đã được tiếp xúc với hội họa, do bố là họa sĩ Hoàng Văn Điểm và họa sĩ Cao Thanh Sơn có xưởng vẽ chung, nên thường đến xưởng chơi. Vốn có tính tò mò, thích khám phá, nên thường cầm cọ và màu để vẽ. Khoảng 4 tuổi thì Quang đã hoàn thành những bức tranh đầu tiên trên giá vẽ. Lúc đó gia đình cũng chỉ nghĩ Quang vẽ vui chơi thôi, cũng chẳng để ý gì nhiều. Sau đó, Quang vẽ nhiều tranh màu sáp trên giấy, để khuyến khích con, bố đã mua lại mỗi bức tranh con vẽ hoàn chỉnh là 10.000 đồng, xem như tiền quà vặt hàng ngày. Mãi đến năm 9 tuổi, Quang mới vẽ những bức tranh khổ lớn hơn bằng chất liệu acrylic.

Hiểu được bản tính hiếu kỳ và có chút ngang ngang của con, họa sĩ Hoàng Văn Điểm thử đặt thêm thử thách qua mỗi bức vẽ. Nhưng rồi gia đình cũng khá bất ngờ, dù kích thước tranh to dần, thì Hoàng Nhật Quang vẫn vẽ rất nhẹ nhàng, vẽ như chơi, không có cảm giác choáng ngợp trước khổ tranh lớn, thậm chí còn yêu cầu tăng thêm. Gia đình thấy con còn nhỏ phải đứng trên ghế, trèo lên thang để hoàn thành những bức tranh 4 mét vuông thì cũng rất lo cho sự an toàn, nhưng thấy Quang quá yêu thích, nên đành chiều theo con và nhắc nhở phải cẩn thận.

Hoàng Nhật Quang không có chuẩn bị ý tưởng hoặc phác thảo, có lúc đang chơi cùng bạn bè trong xóm thì chạy về vẽ hình bằng màu luôn, không cần dùng bút chì, tẩy, để phác hình. Tất cả các bức tranh của Quang được vẽ một cách tự do, bộc phát ngay tại thời điểm vẽ. Hầu như rất ít phải chỉnh sửa.

Chủ đề trong tranh của Quang cũng rất tự do, không có định hướng, thích cái gì thì vẽ cái đó. Thi thoảng lên hình xong, thấy không ưng ý, thì dùng màu xóa toàn bộ, xong lại vẽ ý tưởng khác. Cách dùng màu của Quang lúc đầu cũng theo bản năng, dùng rất nhiều màu, nhưng sau khi được góp ý về màu sắc và hướng dẫn kỹ thuật vẽ acrylic, thì biết sử dụng ít màu hơn, theo gam màu nóng lạnh rõ ràng hơn, về kỹ năng tô màu và đi nét cảm cũng hợp lý hơn.

Về bố cục, Quang vẽ phóng khoáng, không theo quy củ gì cả. Vì Quang cũng chưa được học vẽ, mà chỉ cảm, nghĩ sao vẽ vậy. Là bố và cũng là thầy dạy mỹ thuật, Hoàng Văn Điểm muốn đề cao sự tự do theo bản năng, nên cũng không dạy Quang về hình họa, bố cục. Chỉ góp ý khi thấy bức nào vẽ quá chật, quá rối thì bảo con xóa bớt, hoặc xóa đi vẽ bức mới. Góp ý vậy, còn Quang có nghe hay không, cũng không gò ép. “Tôi sợ rằng nếu được học kỹ thuật quá bài bản lúc còn quá nhỏ, thì cách vẽ của con sẽ bị gò bó theo trường lớp” - Hoàng Văn Điểm nói.

Khi hỏi Quang vẽ gì trong tranh? Quang trả lời là “Con không biết, con thích thì con vẽ thôi”. Nhưng khi xem tranh và quan sát hình, thấy Quang luôn muốn nhân hóa mọi thứ, muốn đưa tiếng nói vào các vật thể vô tri. Cho dù vẽ tĩnh vật hoặc những vật vô tri khác, Quang thường vẽ thêm mắt mũi, chân tay cho sinh động. Có những bức thì mắt, mũi, miệng, tai, tay, chân, thân… vẽ cho giống người, nhưng cũng có những bức thì không.

Khi vẽ người, Quang cũng tự thêm vào tay chân, nếu thấy thích. Có lúc còn kết hợp tay người với tay rô-bốt, đôi khi kết hợp thêm những ký hiệu riêng biệt. Anh Hoàng Văn Điểm kể: “Là họa sĩ, tôi cũng muốn gợi ý cho con, nhưng sau vài lần thấy con cãi lại, không muốn nghe theo, thì tôi hiểu rằng không thể áp đặt suy nghĩ, cách nhìn của mình, nên cứ để tự nhiên, chỉ có mặt khi con thực sự cần mình”.

So với các bức acrylic đầu tiên, các bức sau này cho thấy Hoàng Nhật Quang đã biết phân tích gam màu, chồng màu nhiều lớp, biết tạo chất, tạo nhịp điệu màu, tạo sắc độ, biết đi nét... Hoàng Văn Điểm thỉnh thoảng cho con biết thêm về lịch sử mỹ thuật, dạy lồng ghép qua từng bức vẽ của con, hoặc khi có thời gian rảnh thì cho con xem tranh qua các thời kỳ. Từ mỹ thuật nguyên thủy, mỹ thuật cổ đến các danh họa tiêu biểu cho những xu hướng nghệ thuật như cổ điển, tân cổ điển, ấn tượng, dã thú, trừu tượng, lập thể, siêu thực..., đến nghệ thuật đương đại của thế giới và Việt Nam. Để cho Quang có một cái nhìn sơ lược, ở mức độ làm quen, có thể không cần nhớ chính xác, nhưng đủ để hình dung và đủ tự tin.

“Chọn nghề thì sẽ tùy vào sở thích của con sau này, nhưng thâm tâm tôi vẫn muốn con tiếp tục đi theo con đường hội họa, bởi vì con đã có nền tảng của gia đình, cũng như thời gian con nghiên cứu và tiếp xúc từ nhỏ, có tiến bộ qua từng bức vẽ” - họa sĩ Hoàng Văn Điểm chia sẻ.

Hoàng Nhật Quang và gia đình cũng muốn trích một phần tiền bán tranh (nếu có tranh bán được) để góp vào quỹ Vì mái trường cho em của báo Thể thao và Văn hóa. Quỹ này hướng đến việc cải tạo, xây mới các lớp học cho thiếu nhi ở các địa bàn còn khó khăn. Quỹ đã xây mới và bàn giao sử dụng một lớp học tại tỉnh Sơn La, sắp tới đây là khởi công một lớp học mới tại xã Quế Sơn, Quảng Nam. Mỗi lớp học kinh phí khoảng 300 triệu đồng.

Thanh Nguyễn

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/trien-lam-tranh-ca-nhan-cua-hoa-si-nhi-hoang-nhat-quang-vua-doat-giai-khat-vong-de-men-a19308.html