Nhạc sĩ Lê Dũng: Gắn bó với âm nhạc thiếu nhi như máu thịt

Nhạc sĩ Lê Dũng (tên đầy đủ là Lê Tiến Dũng, sinh năm 1982, hiện là Giám đốc Trung tâm Kids Music Bắc Giang) vừa sáng tác âm nhạc thiếu nhi, vừa tham gia giảng dạy âm nhạc cho các em học sinh. Riêng trong lĩnh vực sáng tác, anh đã gặt hái không giải thưởng danh giá.

Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, nhạc sĩ Lê Dũng đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí Văn hóa và Phát triển.

img-20230601-090134-1685586081.jpg
Các sĩ Lê Dũng cùng các học trò

Phóng viên: Để có được tên tuổi và chỗ đứng như ngày hôm nay, hẳn anh đã phải trải quá quá trình phấn đấu, nỗ lực rất nhiều. Bây giờ nhìn lại chặng đường đã qua, anh muốn nói điều gì?

Nhạc sĩ Lê Dũng: Tôi sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng lạ từ thời học phổ thông, tôi đã đắm đuối với những âm thanh du dương, lôi cuốn của chiếc đàn piano, mặc dù bố mẹ hết sức phản đối. Sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, nhận thấy con trai mình dường như cứ đắm chìm trong thế giới trầm bổng của âm nhạc mà không thể dứt ra được, bố mẹ tôi đã đồng ý cho tôi đăng ký theo học. Sự ủng hộ của bố mẹ và người thân trong gia đình đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, lớn lao chắp cánh cho tôi đến với âm nhạc chuyên nghiệp. Và rồi không biết tự khi nào, âm nhạc đã trở thành một phần hơi thở, cuộc sống của chính tôi.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (năm 2003), tôi đảm nhận việc dạy bộ môn âm nhạc cho một vài trường tiểu học và trung học. Tôi nhận ra, lứa tuổi thanh thiếu niên ít được tiếp cận với các loại nhạc lý, đặc biệt là piano – bộ môn bác học yêu thích mà tôi dành bao năm theo học. Tôi muốn tìm cho mình một lối đi riêng, vừa thỏa mãn đam mê, vừa có thể truyền được cảm hứng và niềm tin vào âm nhạc tới lứa tuổi măng non. Năm 2010, tôi đứng ra thành lập Trung tâm Kids Music Bắc Giang ở thành phố Bắc Giang để dạy các bộ môn nghệ thuật dành cho lứa thanh thiếu nhi để truyền cho các em khả năng cảm nhận âm nhạc và nghệ thuật. Công việc này được tiếp nối từ đó đến nay, chưa khi nào ngơi nghỉ.

Phóng viên: Sáng tác ca khúc về thiếu nhi là công việc mà nhiều nhạc sĩ đều “lắc đầu” kêu khó, vậy mà anh đã gặt hái không ít giải thưởng, như: giải Nhì Cuộc thi vận động sáng tác ca khúc cho lứa tuổi thanh thiếu niên do Hội giáo viên dạy Âm nhạc toàn quốc phát động năm 2020 với ca khúc “Bốn mùa yêu thương”; giải Nhì Liên hoan hội diễn các CLB, trung tâm nghệ thuật tỉnh Bắc Giang năm 2020 với ca khúc “Khúc hoan ca mùa thu”; giải Khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc, thiểu số miền núi năm 2020 do bộ VHTT&DL tổ chức với ca khúc “Ngôi trường giữa ngàn mây”… Xin anh có thể chia sẻ một vài bí quyết?

Nhạc sĩ Lê Dũng: Càng đi sâu vào mảng sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi, tôi càng nhận thấy mảng đề tài này không dễ sáng tạo, bởi nếu không khéo sẽ thành đậm chất tuyên truyền, nhưng nếu chỉ đơn thuần thực hiện thông điệp thì sẽ không đạt hiệu quả. Cho nên để sáng tác đến được đông đảo các bạn nhỏ và được lan tỏa sau khi ra đời đòi hỏi người nhạc sĩ không chỉ có sự hiểu biết về chuyên môn âm nhạc, sự thấm nhuần những nội dung đề tài cần truyền tải, mà còn phải sáng tác bằng tình cảm, bằng trái tim, bằng tâm hồn của trẻ thơ. Và sự gắn bó, đồng hành cùng trẻ thơ đã giúp anh làm được điều đó. Tôi viết từ trong đáy lòng ra, không lên gân nhưng lại rất thuyết phục, nhẹ nhàng đi vào tâm hồn trẻ thơ, với ca từ súc tích, nội dung và thông điệp rõ ràng, tạo nên giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc.

Phóng viên: Được biết ca khúc “Ngôi trường giữa ngàn mây” đã được VTV dàn dựng rất công phu và biểu diễn trên sóng truyền hình rất thành công. Xin anh hãy chia sẻ về ca khúc này?

Nhạc sĩ Lê Dũng: Vào buổi sáng, trên đường đi từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn, anh bắt gặp từng tốp học sinh vùng cao với những chiếc váy áo nhiều màu sắc, nổi bật giữa vùng núi rừng trùng điệp, xôn xao nói cười đến các điểm trường học nằm cheo leo trên các sườn núi, mây bồng bềnh bao phủ… Ý tưởng viết một bài hát về ngôi trường vùng cao đã xuất hiện ngay khi ấy. Kết thúc chuyến đi, về nhà, tôi bắt tay ngay vào sáng tác. Không ngờ sau khi hoàn thiện, bài hát đã được các thầy cô cùng các em học sinh đón nhận tích cực và được lan tỏa trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Vừa rồi VTV có giới thiệu, dàn dựng và phát sóng bài hát này trong chương trình tác phẩm mới, đồng thời bài hát cũng nằm trong dự án Wica, một dự án nhằm lan tỏa các ca khúc thiếu nhi hay và chất lượng tới đông đảo quý khán giả nhỏ tuổi. Với hai phiên bản khác nhau cùng gần 100 ca sĩ, diễn viên nhí trên sân khấu đã tạo ấn tượng rất tốt với các em thiếu nhi sau khi chương trình phát sóng. Điều này là nguồn động viên rất lớn để tôi tiếp tục chuyên tâm vào sáng tác để có được những tác phẩm chất lượng hơn dành cho thiếu nhi.

Phóng viên: Trong sáng tác ca khúc thiếu nhi, các nhạc sĩ thường đưa hình ảnh Bác Hồ muôn vàn kính yêu vào trong bài hát. Còn anh thì sao?

Nhạc sĩ Lê Dũng: Một lần tình cờ đọc được bài thơ của nhà thơ Thy Ngọc mang tựa đề “Em vẽ Bác Hồ”, tôi đã rất xúc động và có những cảm xúc mãnh liệt. Ngay trong đầu tôi đã suy nghĩ và tư duy lên ý tưởng là mình sẽ cùng với cảm xúc của bài thơ để có thể thăng hoa viết nên những nét nhạc, nói lên tình cảm của các cháu thanh thiếu nhi dành cho Bác. Hình ảnh các em thiếu nhi vẽ về Bác với niềm kính trọng, tình cảm dạt dào biết ơn vô bờ bến. Ca khúc mang thông điệp truyền lòng kính yêu của các bạn nhỏ, những mầm non của Tổ quốc đối với Bác.

Tôi mong muốn thông qua âm nhạc gửi tới các bạn nhỏ, các cháu thiếu nhi hôm nay hãy luôn chăm ngoan phấn đấu, làm theo tấm gương của Bác Hồ. Các cháu thiếu nhi luôn tự hào, yêu quý và biết ơn Bác để từ đó không ngừng học tập, phấn đấu rèn luyện, không phụ lòng công lao của Bác. Hy vọng ca khúc sẽ đóng góp một phần để hình ảnh của Bác mãi trường tồn trong lòng mỗi người dân Việt, đặc biệt với các em thiếu nhi.

le-dung-4-1685586265.jpg
Nhạc sĩ Lê Dũng đam mê với công việc

Phóng viên: Là người trực tiếp dạy học âm nhạc cho lứa tuổi thanh thiếu nhi trong suốt thời gian 20 năm qua, đồng thời cũng đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tác ca khúc, anh có nhận xét gì về đời sống âm nhạc thiếu nhi hiện nay?

Nhạc sĩ Lê Dũng: Thị trường âm nhạc cho các em thiếu nhi trong thời gian gần đây có nhiều khởi sắc. Ngoài việc các em được học âm nhạc trong nhà trường thì âm nhạc của phạm vi ngoài nhà trường cũng phát triển mạnh mẽ, các câu lạc bộ, các trung tâm dạy nghệ thuật, dạy nhạc cụ như Piano, ghita, sáo, organ, thanh nhạc… phát triển tích cực, tạo sân chơi, cơ hội học tập, các em được học, được tiếp cận với âm nhạc một cách bài bản và phong phú.

Số lượng các ca khúc mới sáng tác cho các em ngày càng nhiều, với các chủ đề, màu sắc âm nhạc đa dạng được nhiều nhạc sĩ chuyên và không chuyên, các giáo viên dạy âm nhạc trên cả nước tâm huyết dành thời gian viết cho các em.

Các sân chơi về âm nhạc cho các em ngày càng đa dạng và phong phú. Chủ đề, hình thức cũng như nội dung luôn được làm mới ở trường học, trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn… đó là những tín hiệu tích cực và đáng mừng cho âm nhạc thiếu nhi Để các ca khúc mới tiếp cận được với đời sống âm nhạc của các em rất cần vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông nhằm lan tỏa và đưa các sản phẩm âm nhạc chất lượng đến với các em. Sự vào cuộc của các ca sĩ nhí nổi tiếng, thể hiện các ca khúc mới, phát sóng vào các chương trình ca nhạc thiếu nhi khung giờ vàng cũng là yếu tố để lan tỏa và đưa các ca khúc mới đến gần với các em.

Khi phát hiện các tác giả trẻ tâm huyết viết các ca khúc cho lứa tuổi thiếu nhi thì sự động viên, khích lệ, tôn vinh kịp thời từ phía các nhà quản lý văn hóa, Hội Nhạc sĩ Việt Nam… là điều rất cần thiết và ý nghĩa để động viên tinh thần cho các tác giả sáng tạo, làm việc và cống hiến nhiều hơn cho âm nhạc thanh, thiếu nhi.

Rất cần sự chung tay vào cuộc của nhiều cấp, ban ngành, của các nhà quản lý âm nhạc cũng như các tác giả để mang lại cho thị trường âm nhạc lứa tuổi thiếu nhi không bị “lép vế” với các mảng âm nhạc khác.

Phóng viên: Xin cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục thành công với mảng đề tài này!

Thu Hường – Ngô Khiêm (thực hiện)

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/nhac-si-le-dung-gan-bo-voi-am-nhac-thieu-nhi-nhu-mau-thit-a19200.html