Nhật ký “Lính chiến” của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 22): Tôi vừa trở lại Trung đoàn thì Hai Lợi, Bốn Sị và Năm Thắm bất ngờ hi sinh

Ngày 18/6/1971, Trung đoàn 38 về đóng quân ở khe Cốc. Các Đại đội hỏa lực số 12,13,14 ở khu vực Quán Canh và Gò Dài. Đại đội trưởng Mậu bảo tôi về Phú Mỹ với khẩu đội đại liên.

Ngày 20/6/1971, Trung đoàn 38 đánh vào 2 quận An Hòa, Đắc Dục, tiêu diệt 2 Tiểu đoàn Bảo an, 2 Tiểu đoàn lính Cộng hòa, 1 Tiểu đoàn Trâu điên, 1 Đại đội Xe tăng, thu phá 8 khẩu pháo 105, giải phóng 13.000 dân.

d1dvh1-1673340214.jpg
d2dvh2a-1673340419.jpg
 

Chúng tôi được thông báo tình hình địch tại chiến trường Khu 5 như sau: Tháng 6/1971, ở chiến trường Khu 5, quân Mỹ chỉ có Sư đoàn bộ binh American số 23 và Lữ đoàn B nhảy dù số 173; quân chư hầu Pắc Chung Hy còn 2 Sư đoàn và 1 Lữ đoàn. Tất cả co về đóng quân ở Quảng Đà – Quảng Nam.

9 giờ sáng 20/6/1971, tôi về đến Khu du kích.

Mọi người cùng ra đón chào, nhìn tôi hồ hởi, anh Hoàng kêu lên:

- Nó kia rồi!

Hin đi xay bột, tráng bánh, làm mì ăn liên hoan. Sáu Tâm, Năm Thắm, Hai Lợi biết tin tôi trở về vội đến xem sao.

Hai Lợi nhìn thấy tôi thì đứng sững như trời trồng. Tôi cũng lặng người chẳng nói được gì. Rồi Lợi nhào tới ôm lấy tôi. Tôi gỡ tay Lợi ra bảo:

- Các anh, các chị cười cho kìa.

Lợi khóc, đấm tôi thùm thụp, ấm ức:

- Anh định đi tong luôn để em trông hoài vậy hử? Nhớ anh muốn chết đi được!

- Chuyện dài lắm, để thư thư sẽ nói.

Chú Tôn bảo:

- Thậm nó về là tốt rồi khỏi lo.

Tôi báo cáo lại trận Hòa Nha cho đến khi gặp Trung đoàn đi chiến đấu về. Tôi theo đơn vị về tập kết ở Quán Canh. Đại đội trưởng Mậu bảo tôi trở lại đồng bằng. Trung đoàn đêm nay sẽ đánh An Hòa, Đức Dục. Nói xong mọi người ồ lên: Thằng này phước lớn hung đó!

Ăn tối xong, Lợi kéo tôi đến một cái hầm ngoài bờ tre. Trong hầm lát ván sạch sẽ. Tôi ngả lưng dưới sạp vấn thuốc hút. Lợi ngả người vào tôi tâm sự những chuyện lâu ngày gặp lại.

Liên lạc Hin về hậu cứ lấy đạn. Chúng tôi còn lại 3 người.

19 giờ ngày 23/6/1971, mấy ông nông dân mang vũ khí, cõng đạn đến Khu du kích. Xã đội giao nhiệm vụ cho các bộ phận chúng tôi đến bến sông Thôn 10, xã Đại Cường; vượt sông bằng 2 chiếc thuyền qua cánh bãi trồng dưa hấu đến Thôn 3, Hòa Mỹ, phía Đông Nam núi Lở đặt súng máy trên đường nhựa quốc lộ 14.

2 giờ đêm rạng ngày 24/6/1971, du kích tiếp cận vào ấp. Lệnh nổ súng, tôi bắn dọc đại lộ 14. Loa che lửa đầu nòng phát lửa sáng rực; anh Hoàn sợ địch ở Núi Lở phát hiện, vào nhà dân vác ra cái liếp che phía sau.

Tôi bắn hết 1 dây băng đạn 250 viên. Anh Hoàn hô xung phong, du kích đồng hô: Cờ đỏ (ám hiệu). Chúng tôi tháo súng tiến quân vào ấp. Quân Bảo an, Dân vệ bỏ chạy. Chúng tôi vượt sang đầu phía bên kia, giá súng máy bắn quét xuống bãi ngô rồi lại quay súng bắn lên phía trên; bắn vào khu đồi cây lúp xúp để uy hiếp những tên lẩn trốn.

Trong lúc ấy du kích bắt được 12 tên bảo an dân vệ; có một mụ ác ôn vợ tên Ấp trưởng, tuổi khoảng 29 – 30, có nhan sắc, trình độ năng lực hơn người. Du kích đưa dân ra dự xử tử mụ ác ôn.

Lý do bởi năm 1967 Việt Cộng treo cờ giải phóng trên cây xoài; Chồng mụ cử mấy thanh niên leo lên giật, không ai dám động đến lá cờ sợ Việt Cộng trả thù. Tên ấp trưởng chửi thề: “Đù má, sợ chi Việt Cộng. Hãy coi đây”, rồi leo lên kéo lá cờ. Một quả lựu đạn buộc đầu dây tụt chốt rơi xuống, một tiếng ầm. Ấp trưởng từ trên cao trồng chuối, chết tại trận.

Từ đó mụ hắn tức tưởi, điên khùng trả thù chồng, gây nhiều tội ác. Mụ đem mìn đi gài ở những đoạn đường mà quân ta thường qua, chỉ điểm cho Mỹ ngụy bắt 13 người đi kháng chiến, rồi tự tay mụ buộc bao tải vần 9 người xuống suối Sơn Gò. Tội ác đó hôm nay phải đền tội!

Chú Tôn đọc bản án tử hình. Hai du kích đưa mụ đến đầu ghềnh bãi ngô, Chín Thương và Ba Răng Vổ xả súng bắn…

Lúc ấy các nhà trong phố đã tắt đèn; chúng tôi vào một cửa hàng bán tạp hóa. Mấy cha con ông già run như cầy sấy. Một chị con gái mạnh bạo hơn nói chuyện với anh Hoàn:

- Các “ăn” là Cộng sản “Béc” Việt dô?

Hoàn nói:

- Chúng tôi là quân giải phóng, vào đây đánh Mỹ diệt ngụy giải phóng miền Nam, chị làm nghề gì?

- Eng dạy học.

- Chồng và cha em làm gì?

- Eng chưa chồng, ba má dô Sài Gòn ở.

- Chị nghĩ gì về Cách mạng và quân Giải phóng chúng tôi?

- Eng hổng hiểu chi hết á, chỉ nghe tụi ngụy nói: Cộng sản ở rừng, ăn lá cây, ăn thịt sống, phóng uế phân xanh lè, có đuôi mọc sau đít như đuôi khỉ, bảy người bấu cành đu đủ không gẫy. Cộng Sản không có tình cảm, không biết yêu, không lấy dợ. Cộng Sản giết người ác hung đó.

Anh Hoàn hỏi:

- Bây giờ chị thấy chúng tôi thế nào?

Cô gái nhìn sang tôi và mọi người, những chiến binh Bắc Việt nai nịt gọn gàng, quân phục, mũ tai bèo, súng tiểu liên AK trông hiên ngang và dũng mãnh, người nào cũng đẹp trai, răng trắng, môi đỏ, da hấp trứng gà bóc.

Cô gái cảm thấy hết sợ nói:

- Nghe giọng miền Bắc, em thấy tình cảm nhẹ cả người; không như đàn ông, con trai miền Trung, đen đúa; Quân ngụy thì dù cha, đù má cục cằn cứng nghéc. Eng ước gì mà được thương anh giải phóng.

Hai Lợi từ ngoài đi vào hỏi:

- Các anh đã có gì chưa?

Anh Hoàn bảo:

- Dân ở đây sợ địch không dám bán hàng cho cách mạng.

Hai Lợi nói:

- Sợ chi, mấy ảnh từ Béc dô đây đánh Mỹ, các người tiêu chi mấy thứ mà không bán cho cách mạng?

Hai Lợi xông vào nhà bê ra nào đường, dầu ăn, mi chính, thuốc rê bảo chúng tôi đóng gùi.

Anh Hoàn trả tiền. người con gái không nhận mà nói, ủng hộ Cách mạng thôi.

Tôi ra đường quốc lộ 14, thấy du kích xúm vào một đống dưa hấu đã bổ sẵn. Sáu Tân kêu tôi lại ăn, sau đó Chín Thương cùng mấy người nữa đưa vợ con về vùng giải phóng. Chúng tôi sang sông lúc 3 giờ sáng rạng ngày 24/6/1971.

*

8 giờ sáng 01/07/1971, anh Hoành đang rán chả rắn hổ mang thì một chiếc máy bay bà già trinh sát, vòng đi vòng lại, rồi từ bên sông lao vun vút, bắn 1 quả đạn khói xuống làng Phú Mỹ, chỉ điểm cho các trận địa pháo địch bắn đến. Từ đầu làng đến cuối làng; đạn nổ, khói lửa mù mịt. Máy bay phản lực đến đánh bom, trực thăng bắn phá.

16 chiếc trực thăng vận tải 2 chong chóng kiểu sâu đo CH47, chia làm 4 tốp đổ quân cùng một lúc. Bên kia sông 4 chiếc chở Tiểu đoàn bộ đổ xuống đường 14; 4 chiếc theo đường 14 từ Đà Nẵng bay lên, qua sông đỗ xuống bãi dâu bên bờ Nam sông Vu Gia. Súng địch nổ rộ; cối cá nhân, đạn M79, M72; Trung liên 30 Mỹ, 2 khẩu đặt ở đầu Làng bắn vào đầu Làng phía Bắc. Một Đại đội Mỹ tiến vào chạm Tiểu đội du kích của chú Tôn có (Năm Thắm, Hai Lợi, Bốn Sị, Chín Thương, Ba Răng Vổ).

Sẵn có hầm hào chiến đấu, cơ động dễ dàng, Ba Răng Vổ bắn quả đạn B41; các cỡ súng của du kích M79, M72, Trung liên 30 Mỹ, AK bắn quân Mỹ chết vạ trước bờ tre.

Quân Mỹ mất 1/3 quân số, bỏ chạy. Phía tây làng Phú Mỹ, trên cánh đồng Lộc Tân; 4 chiếc CH46 từ Ái Nghĩa bay qua sông Thu Bồn lên tận Gò Dài rồi vòng lại đỗ xuống bãi mía trước làng, cách Phú Mỹ 300m. Anh Hoành phân công tôi với anh Hoàn ở trận địa đại liên, còn Hin, anh Hoành với 3 du kích đem súng trung liên RPĐ, súng M79, M72, AK ra đầu làng chặn đánh địch. Ở đây đã có hầm hào, cộng sự chiến đấu làm từ trước.

Quân Mỹ đặt hỏa lực bắn vào dìa làng; đất đá, cây cối tung bật lên bằng hết; đạn cay, đạn khói mờ mịt làm hắt hơi chảy nước mắt. Bộ binh Mỹ đeo mặt lạ cầm vũ khí tiến lên gần áp chân tre làng. Lựu đạn ném ra cấp tập, khẩu súng máy của Hin phát huy hỏa lực, đạn M79, M72, súng AK, AR15, bắn quân Mỹ chết như ngả rạ.

Bị chết nhiều, những tên Mỹ sống sót chạy ra ngoài kêu pháo bắn rồi lại tấn công. Một quả đạn M79 của Mỹ bắn chết 1 du kích, còn 4 người chiến đấu quyết liệt, quân Mỹ chết 2/3 Đại đội; chúng chạy thục mạng ra ngoài cánh đồng.

Cùng lúc 2 mũi bắn nhau, tại phía đông làng Phú Mỹ, cánh đồng Thôn 8, từ Đà Nẵng bay lên 4 chiếc trực thăng tàu bẹ CH54 vượt qua làng Ô Gia Lam đổ xuống một Đại đội quân Mỹ.

Chiếc đi đầu gần chạm đất, cách trận địa đại liên 100m, tôi bắn thẳng vào máy bay; chiếc máy bay bốc lên bay được một đoạn rơi đánh ầm, khói lửa bùng lên, quân lính chết sạch.

Tôi bắn liên tiếp vào chiếc thứ 2 làm gãy cột chong chóng. Từ trên cao vài chục mét quân Mỹ nhảy ào xuống; thằng gẫy chân, gẫy tay; đứa chết kêu khóc dùm trời. Máy bay rơi tại chỗ, hai chiếc còn lại vòng ra xa bay mất hút. Mấy tên bị thương bò cụm một chỗ; anh Hoàn bắn quả đạn M72 tiêu diệt hết.

14 giờ chiều 01/7/1971, chiếc tàu gáo OH.6 bay về phía khu du kích, thấy một cái trại nhỏ liền ngoắc đuôi vào kéo cho đổ. Trong lán có chú Tôn náu ở đó bắn một loạt đạn AK. Chiếc cán gáo trúng nhiều phát đạn không bay nổi, lao sang chiếc hầm bên cạnh cách đấy 30m, đè sập lán. Nào hay ở đó có Hai Lợi, Bốn Sị, Năm Thắm, vậy là cả 3 cô gái cùng hy sinh. Trận chiến kết thúc lúc 15 giờ chiều 01/7/1971.

14 giờ chiều 02/7/1971, quân Mỹ rút hết. Tôi lên đồi lấy 3 bó hoa mua đặt lên mộ cho 3 cô gái, nước mắt đã cạn rồi…

Ngày 05/7/1971, anh Dần từ Đại đội đến khu chiến đưa lệnh: khẩu đội Đại liên của C14 và khẩu đội cối 82 của C4, K7 rút về đội hình Trung đoàn. Huyện Đại Lộc gửi công văn xin Trung đoàn 38 để 2 Khẩu đội hỏa lực cả người và vũ khí ở lại với Quảng Đà; anh Dần về báo cáo với Đại đội, xong không được Trung đoàn chuẩn y…

Ngày 12/7/1971, anh Dần lại xuống đưa lệnh rút quân. Chú Tôn, anh Dần tập trung du kích toàn Xã được 17 người và mời chúng tôi cùng đến khu nhà du kích ở. Tại đây Xã đội tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm và cử người đi tát cá, tráng mì liên hoan.

Chú Tôn, bí thư chi bộ Xã chủ trì cuộc họp lên tiếng:

Các đồng chí thân mến! Từ đầu tháng Giêng đến giờ, xã ta được Trung đoàn 38 quan tâm đến tình hình hữu nghị với địa phương và Quân đội đã cử bộ đội đến đây chia lửa với chúng ta, tuy số lượng ít ỏi, nhưng các đồng chí bộ đội đây cũng vì nhiệm vụ chung, không sợ hy sinh gian khổ, đến với chúng ta chung tay diệt Mỹ, chiến đấu hơn 10 trận, diệt hơn 100 tên địch, bắn rơi 5 máy bay. Song chúng ta cũng có tổn thất người và của. Nỗi đau này, chúng ta nhớ lấy quyết tâm chiến đấu để trả thù cho đồng chí của chúng ta. Hôm nay tôi thay mặt cho nhân dân xã Đại Minh, anh em cán bộ, dân quân, du kích chúc các đồng chí bộ đội về đơn vị có sức khỏe tiếp tục chiến đấu và luôn nhớ về Đại Minh.

Trung đội phó Hoàn nói:

- Bộ đội chúng tôi được Đảng và nhân dân giao phó nhiệm vụ vào Nam đánh Mỹ, giải phóng quê hương, xóa bỏ Ngụy quyền, thống nhất đất nước. Đã là bộ đội Cụ Hồ thì ở đâu Tổ quốc cần là chúng tôi có mặt, nơi nào ác liệt khó khăn chúng tôi đến, dù hy sinh gian khổ cũng chẳng từ nan. Lần này về đây với bà con, cô bác, kề vai sát cánh với các đồng chí quân sự địa phương cùng nhau đánh giặc, cũng góp một phần nhỏ bé với bà con địa phương mình. Tình cảm của bà con và giúp đỡ chúng tôi cái ăn cái ở cũng là hậu hĩnh lắm rồi. Hôm nay chia tay bà con và các đồng chí địa phương rất là quyến luyến, không muốn rời xa. Thay mặt anh em, tôi xin có lời cảm ơn và hẹn ngày trở lại.

Chú tôn bật khóc hu hu. Tiếc thay mấy đứa trẻ, khổ thay mấy đứa trẻ, oan uổng cho tụi bay quá. Giá lúc ấy ta không bắn máy bay thì đâu đến nỗi này. Con Sị, con Hai, con Năm hãy về đây chia tay với đồng đội, với người thương.

Bày bàn, 2 du kích đem 2 chiếc thùng phi kê sát nhau múc mì chan riêu bày la liệt trên mặt thùng. Chú Tôn đốt hương, rót nước miệng lầm rầm khấn vái: Hôm nay đông đủ mọi người, một lễ chân thành kính viếng. Chúng tôi ăn mì rồi giải tán. Ngày 13/7/1971, chiều tối chúng tôi rút quân.

(Còn nữa)

Đ.V.H

Trái tim người lính

Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/nhat-ky-linh-chien-cua-ccb-pham-huu-tham-ky-22-toi-vua-tro-lai-trung-doan-thi-hai-loi-bon-si-va-nam-tham-bat-ngo-hi-sinh-a17279.html