Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 15)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 15.

Vương triều Trần từ khi thành lập (1225) cho đến giữa thế kỷ XIII là một vương triều tiến bộ, biết “Khoan thứ sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” (Trần Quốc Tuấn), biết kết hợp quyền lợi giai cấp, quyền lợi của tập đoàn thống trị với quyền lợi của nhân dân, quyền lợi dân tộc. Do đó, cùng nhân dân ra sức xây dựng, phát triển đất nước toàn diện, tạo nên sức mạnh kinh tế, quốc phòng. Vì thế,  nhà Trần mới huy động được toàn dân vào cuộc chiến tranh nhân dân. Chiến tranh nhân dân là sức mạnh chủ yếu đè bẹp 3 lần xâm lược của đế quốc Nguyên-Mông, một chiến công không dễ gì có trong hoàn cảnh thế giới khi đó. Thế kỷ XIII dân số nước ta khoảng 7 triệu người, nước nhỏ, không có sự chi viện của quốc tế, lại đối đầu với một đế quốc to lớn nhất thời đại. Sức mạnh của dân tộc ta dưới vương triều Trần thế kỷ XIII thực là kỳ diệu. Tham gia cuộc chiến tranh này bao gồm quí tộc, bình dân, dân tộc đa số, dân tộc thiểu số, thiếu niên anh hùng dũng cảm giết giặc như Trần Quốc Toản, phụ nữ cũng đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến  (Công chúa An Tư, bà hàng nước bến đò Rừng, Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung. v. v. Gia nô,  tầng lớp thấp nhất của xã hội cũng tham gia đóng góp cho cuộc kháng chiến, lập nhiều chiến công xuất sắc (Yết Kiêu, Dã Tượng). Hưng Đạo Vương đánh giá rất cao đóng góp của họ. Các bô lão không ra được chiến trận nhưng đã nói lên được sức mạnh ở hội nghị Diên Hồng.

bai-van-phan-tich-hung-dao-1673184791.jpg

Tranh minh họa Hưng Vương Trần Quốc Tuấn.. Nguồn: Internet.

 

 

Sức mạnh dân tộc mới tiềm ẩn khả năng chiến thắng. Điều cơ bản là vương triều Trần vào thời buổi bình minh toả sáng của mình đã biết lãnh đạo, phát huy sức mạnh của dân tộc, biến khả năng thành thực tiễn chiến thắng quân thù. Người tiêu biểu cho tài năng lãnh đạo đó là Trần Quốc Tuấn. Ông đã dẹp bỏ hiềm khích cá nhân gia đình ông với chi họ làm Vua để đoàn kết giới lãnh đạo, đoàn kết vương triều. Ông biết vương triều có đoàn kết thì mới đoàn kết được dân tộc. Hưng Đạo Vương biết rằng muốn đoàn kết được nhân dân thì phải chăm lo đời sống của họ, coi họ là cái gốc của nước nhà nên ông chủ trương khoan thứ sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Trần Quốc Tuấn là nhà chính trị kiệt xuất, chính trị lấy dân làm gốc mà không cần một thủ đoạn nào khác. Trần Quốc Tuấn thực sự coi chính trị nhân dân là cái gốc của quân sự. Trần Quốc Tuấn không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất mà còn là nhà quân sự thiên tài. Phương pháp dụng binh của ông đầy cơ mưu linh hoạt, phát huy cao độ sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sử dụng sức mạnh các yếu tố thiên thời, địa lợi,  nhân hoà, sử dụng chiến lược rút lui chiến lược và phản công chiến lược cực kỳ tài giỏi, năng động, linh hoạt, khiến sức mạnh của 50 vạn quân địch bị vô hiệu hoá, buộc phải đánh theo ý của ta và cuối cùng thảm bại. Trần Quốc Tuấn xứng đáng là anh hùng dân tộc, danh nhân quân sự thế giới.

Bên cạnh Trần Quốc Tuấn là giới quí tộc tướng lĩnh nhà Trần, họ đã chịu khó rèn luyện học tập nên nhiều người có kiến thức rộng lớn uyên bác, trung thành với nước nên trở thành những tướng lĩnh xuất chúng như Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải. v. v. Đặc biệt vua Trần Thái Tông, người chỉ huy cuộc kháng chiến lần thứ nhất và thắng lợi vẻ vang. Là vua nhưng ông biết nghe lời nói phải để quyết đoán đúng đắn, thực hiện rút lui chiến lược, phản công chiến lược và do đó giành thắng lợi. Sẽ không có chiến thắng lần thứ hai, lần thứ ba nếu không có chiến thắng lần thứ nhất. Trần Thái Tông  không chỉ là vị vua anh hùng, anh hùng dân tộc mà còn là nhà chính trị tài năng, một học giả uyên bác, người đặt nền tảng cho toàn bộ cơ chế, thiết chế chính trị vương triều Trần. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông còn có sự đóng góp to lớn của các tướng lĩnh bình dân như Phạm Ngũ Lão, Lê Tần (Lê Phụ Trần). Điều đó nói lên cách thức biết sử dụng nhân tài của Vương triều Trần và của Trần Quốc Tuấn.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông đã giữ vững độc lập dân tộc, nhân dân ta thoát khỏi một thảm họa to lớn của thời đại: bị đế quốc Nguyên-Mông nô dịch. Thắng lợi của Đại Việt đã cứu được các quốc gia Đông Nam Á khỏi hoạ xâm lược của đế quốc Nguyên-Mông, làm chậm và suy yếu bước tiến của Nguyên-Mông vào Nhật Bản. Thắng lợi này làm suy yếu, góp phần vào sự sụp đổ đế quốc Mông Cổ sau này.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-15-a17262.html