Kỳ 14.
Trước thế mạnh của giặc, cuộc kháng chiến của ta trên ba mặt trận gặp nhiều khó khăn, quân ta phải rút lui. Tại mặt trận phía Bắc, 20 vạn quân ta do Trần Quốc Tuấn chỉ huy đối mặt với 30 vạn quân Thoát Hoan ở Vạn Kiếp. Ngày 2 tháng 2 năm 1285, Thoát Hoan tấn công Vạn Kiếp, quân ta bỏ Vạn Kiếp rút về Bình Than, rồi bỏ Bình Than, bỏ phòng tuyến sông Hồng rút lui khỏi kinh thành Thăng Long về hạ lưu sông Hồng. Giặc chiếm kinh thành Thăng Long.
Ở mặt trận Tây Bắc quân ta dưới sự chỉ huy của tướngTrần Nhật Duật chặn đánh địch ở Thu Vật (Yên Bình-Yên Bái) rồi rút về Bạch Hạc (Phú Thọ), sau đó rời Bạch Hạc về hạ lưu sông Hồng hội quân với Trần Quốc Tuấn. Quân Nguyên- Mông truy đuổi ráo riết nhằm bắt sống triều đình, tiêu diệt quân chủ lực ta để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Mặt trận quân ta ở Thiên Mạc (Khoái Châu-Hưng Yên) bị vỡ, tướng Trần Bình Trọng bị giặc bắt, không đầu hàng nên bị giết.
Tại mặt trận phía Nam, quân ta do Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải chỉ huy quyết chiến chặn giặc nhưng thế giặc quá mạnh phải rút lui. Một số quí tộc nhà Trần nao núng hoảng sợ, Trần Ich Tắc (em Trần Quang Khải) chạy theo giặc. Ở mặt trận phía Nam Trần Quốc Khang và con là Trần Kiện đem 1 vạn quân hàng Toa Đô càng làm cho cuộc kháng chiến khó khăn. Khi đó triều đình rút về Thiên Trường (Nam Định) và Trường Yên (Ninh Bình), đang bị hai gọng kìm từ phía Bắc và phía Nam của giặc kẹp vào giữa, Toa Đô từ Thanh Hoá đánh ra, Thoát Hoan từ Thiên Trường (Nam Định) đánh vào. Cuộc kháng chiến của ta bước vào giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo nhất. Triều đình, đầu não của cuộc kháng chiến bị đe doạ nghiêm trọng. Trong tình thế nghìn cân treo sợi tóc đó, Trần Quốc Tuấn vạch ra một kế hoạch tài tình. Khi quân Toa Đô ra đến Trường Yên, triều đình và đại quân theo đường biển rút về Thanh Hóa. Kế hoạch bao vây bắt sống triều đình Trần của Thoát Hoan-Toa Đô thất bại. Toa Đô lại được lệnh đánh quay vào Thanh Hoá. Khi đó là tháng 5 năm 1285 kết thúc giai đoạn rút lui chiến lựợc, quân ta bước sang giai đoạn phản công chiến lược tiêu diệt quân thù.
Giai đoạn phản công chiến lược: Tháng 5 năm 1285 Trần Quốc Tuấn đem quân chủ lực từ Thanh Hoá vượt biển tiến ra Bắc, cắt đôi quân địch không cho đạo quân Toa Đô gặp đạo quân Thoát Hoan. Từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 4 tháng 6 năm 1285, Trần Quốc Tuấn cho quân phản công trên khắp các mặt trận. Trần Quốc Tuấn tấn công đồn A Lỗ (Nam Định), Trần Nhật Duật đem quân tấn công giặc ở cửa Hàm Tử (Khoái Châu -Hưng Yên), Trần Quốc Toản, Trần Quang Khải đem quân diệt giặc ở Chương Dương (Thường Tín-Hà Tây). Tất cả hệ thống phòng thủ của địch trên sông Hồng đều bị công phá. Quân dân các phủ, lộ phối hợp với quân triều đình đồng loạt tấn công tiêu diệt địch như quân của Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền hoạt động rất hiệu quả. Để tránh bị nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Thoát Hoan bỏ Thăng Long rút sang bờ bắc sông Hồng và tháo chạy về nước. Dọc đường bị 20 vạn quân của Trần Quốc Tuấn chặn đánh, quân Nguyên-Mông đại bại, Thoát Hoan chạy đến bến sông Như Nguyệt bị đội quân của vị thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản tập kích tiêu diệt. Trong trận này Trần Quốc Toản hi sinh. Chạy đến sông Thương, quân Nguyên-Mông bị quân Trần đổ ra đánh, đến Vĩnh Bình lại bị quân của Hưng Vũ Vương (con Trần Quốc Tuấn) chặn đường. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng (hòm đựng vàng bạc cướp được) mới chạy thoát. Lý Hằng tướng cao cấp của giặc bị trúng tên thuốc độc chết.
Đạo quân của Na xi rút đin tháo chạy theo hướng Tây Bắc về Vân Nam, bị dân binh các dân tộc thiểu số do Hà Đặc, Hà Chương chặn đánh tan tác ở Phù Ninh (Phú Thọ).
Đạo quân Toa Đô cố tiến ra Bắc phối hợp với quân Thoát Hoan, bị quân ta vây đánh ở Tây Kết, Toa Đô bị quân ta chém đầu tại trận. Ô Mã Nhi phải chạy trốn theo đường biển. Đó là ngày 24 tháng 6 năm 1285. Cuối tháng 6 năm đó, đất nước Đại Việt sạch bóng quân thù. Ngày 9 tháng 7 năm 1285, Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông trở về Thăng Long, cùng quân dân ca khúc khải hoàn.
Cuộc kháng chiến lần thứ 3 tháng 12 năm 1287 đến tháng 4 năm 1288: Để xâm lược Đại Việt, báo thù cho hai lần thất bại, Hốt Tất Liệt huy động 50 vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy mở cuộc tấn công Đại Việt lần 3. Tháng 12 năm 1287 quân Nguyên chia làm 3 đạo tiến vào nước ta: đạo chủ lực gồm bộ binh và kỵ binh do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy tiến vào Lạng Sơn, đạo thứ hai do tướng Ai Lỗ chỉ huy từ Vân Nam theo đường sông Hồng tiến xuống. Đạo thuỷ binh gồm 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy, có đoàn thuyền chở 70 vạn hộc lương do Trương Văn Hổ phụ trách đi theo đường biển vào sông Bạch Đằng.
Trên khắp các mặt trân quân ta theo kế hoặch của Trần Quốc Tuấn thực hiện rút lui chiến lược. Tháng 12 năm 1287 chủ lực quân Thoát Hoan tràn vào Vạn Kiếp. Trần Quốc Tuấn rút khỏi Vạn Kiếp, sau đó rút khỏi kinh thành Thăng Long. Tại mặt trận Tây Bắc (Việt Trì-Phú Thọ), 4 vạn quân ta do Trần Nhật Duật chỉ huy tác chiến với quân của Ai Lỗ, Mộc Ngột, sau đó quân ta cũng rút lui. Đạo thuỷ binh của Ô mã Nhi, Phàn Tiếp tiến rất nhanh vào sông Bạch Đằng, bỏ đoàn thuyền lương nặng nề của Trương Văn Hổ đi sau, không có chiến thuyền hộ tống, bị tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt tại Vân Đồn (Cẩm Phả-Quảng Ninh). Mất đoàn thuyền lương 70 vạn hộc sẽ làm cho quân Nguyên-Mông khó khăn về lương thực, ảnh hướng lớn đến toàn bộ cục diện cuộc chiến tranh xâm lược.
Thoát Hoan chiếm được Vạn Kiếp, Thăng Long nhưng không tiêu diệt được chủ lực ta, không bắt được triều đình, đầu não, trụ cột của toàn bộ cuộc kháng chiến, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch thất bại. Chiến tranh kéo dài, địch lại gặp những khó khăn cố hữu: bị chiến tranh du khích của ta tiêu hao, ốm đau bệnh tật, thiếu lương thực trầm trọng. Thoát Hoan ra sức củng cố Vạn Kiếp thành căn cứ quân sự vững chắc. Lại sai Ô Mã Nhi quay lại tìm Trương Văn Hổ nhưng đoàn thuyền lương đã bị chìm xuống đáy biển. Ô Mã Nhi bị quân ta đánh ở cửa biển Đại Bàng (Văn Úc-Hải Phòng), 300 chiến thuyền của quân Nguyên Mông bị tiêu diệt. Ô Mã Nhi thoát thân và điên cuồng tàn sát dân lành, đào cả mộ vua Trần Thái Tông khi vào Long Hưng ( Hưng Hà-Thái Bình).
Tất cả những hành động điên cuồng, tàn ác của địch không cứu vãn chúng khỏi thất bại. Thoát Hoan biết là phải rút chạy nếu không sẽ bị tiêu diệt toàn bộ quân lực như lần trước (1285). Đạo bộ binh của Thoát Hoan rút theo đường Lạng Sơn về nước, đạo thuỷ binh do Ô Mã Nhi chỉ huy rút theo sông Bạch Đằng ra biển, trên bờ có kỵ binh của Trình Bằng Phi, Đạt Truật hộ tống. Tháng 3 năm 1288 Thoát Hoan đốt phá kinh thành Thăng Long, rút về Vạn Kiếp và bắt đầu cuộc thoái lui.
Nhưng số phận quân giặc không thoát khỏi thiên la địa võng của cuộc chiến tranh nhân dân và sự tính toán tinh tường của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đạo quân bộ của Thoát Hoan bị quân ta mai phục, tập kích, truy kích tiêu diệt liên tục ở các cửa quan Hãm Sa, các ải Nội Bàng, Nữ Nhi, Khưu Cấp (Bắc Giang-Lạng Sơn). Xác hàng vạn giặc rải dài suốt 300 dặm (150km). Thoát Hoan phải mở đường máu mới thoát về nước.
Trước đó, vào tháng 3 năm 1288 Trần Quốc Tuấn đã tiến hành thị sát và bố trí trận địa mai phục ở sông Bạch Đằng, chờ đón đạo thuỷ binh của Ô Mã Nhi. Ông cho lấy cọc nhọn đầu bịt sắt đóng nghiêng vào hướng trong sông tạo nên một bãi cọc bịt lối ra của thuyền địch. Quân ta mai phục trong các nhánh sông, bộ binh giấu mình ở khu núi đá Tràng Kênh và khu rừng rậm. Ngày 8 tháng 4 năm 1288, ta dụ địch vào trận địa. Ngày 9 tháng 4, địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta tấn công dữ dội. Hàng trăm chiến thuyền địch lao nhanh ra cửa sông tháo chạy. Lúc này nước thuỷ triều rút xuống, thuyền địch đâm vào cọc nhọn tan vỡ, đắm chìm hàng trăm chiếc. Quân ta lao ra đánh giết, lại dùng bè cỏ đốt lửa rồi cho lao ra đốt cháy thuyền địch. Cuộc chiến đấu ác liệt suốt từ sáng đến chiều tối thì kết thúc, toàn bộ 400 chiến thuyền cùng hàng vạn thuỷ binh địch bị tiêu diệt. Các tướng lĩnh cao cấp của nhà Nguyên như Ô mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ bị bắt sống. Hàng vạn quân giặc hung hãn vùi xác dưới lòng sông Bạch Đằng. Đội kỵ binh của giặc bị ta chặn đánh phải lui về Vạn Kiếp và bị tiêu diệt . Cuộc xâm lược qui mô lớn thứ 3 của quân Nguyên-Mông hoàn toàn toàn thất bại. Trận Bạch Đằng năm 1288 là trận quyết chiến chiến lược, trận tiêu diệt lớn làm cho quân Nguyên-Mông khiếp sợ, ý chí xâm lược của chúng hoàn toàn bị đè bẹp. Từ đó cho đến ngày sụp đổ (1368), quân Nguyên-Mông không dám động binh gây hấn với Đại Việt lần nào nữa.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-14-a17251.html