Nhật ký “Lính chiến” của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 15): Chuyện anh Cát hy sinh và một đêm "Việt Cộng" đi lạc

Tháng 4/1968, Trung đoàn Cửu Long đi chiến đấu ở xã Do An, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Đó là địa danh của “Tiếng đàn ta lư” một bài hát về Trung đoàn Cửu Long, lập chiến công diệt một Tiểu đoàn Trâu Điên: “Nó bỏ xác trên rừng, bộ đội giải phóng quân ơi, các anh đánh đánh hay hung, hú…”.

Sau vào chiến trường Khu 5, Trung đoàn Cửu Long đổi tên là Trung đoàn 38. Đến lúc này lại gọi là Đoàn Do An (thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5) đóng quân ở huyện Đắm Phơ, chân đèo Măng Giang, tỉnh Gia Lai.

Tiểu đội trưởng Cát của chúng tôi quê ở thôn Thanh Hòa, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Anh sinh năm 1945, đi bộ đội năm 1966 thuộc quân Trung đoàn Cửu Long.

d1af1-1672627593.jpg

Đồng đội kể rằng: Ngày 08/4/1968, anh Cát đang ở hầm cảnh giới cùng một đồng đội bảo vệ súng máy 12ly7. Khi khẩu đội đang cơ động đến vị trí khác để tránh bom pháo địch đánh phá khu chiến, thì 6 máy bay vận tải loại CH47 chở một Đại đội quân Mỹ thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 từ Quảng Trị bay lên. Mục tiêu của chúng là đổ quân trên đồi không tên bên cạnh phía bắc suối La La, trước công sự của anh Cát 100m.

Lúc này đồng đội của anh Cát đã bị bom cay làm mù 2 mắt, không chiến đấu được, chỉ ngồi trong hầm lần sờ lắp đạn cho Cát bắn. Có 2 khẩu CKC, Cát bắn hết đạn lại lao vào hầm cho bạn lắp đạn lấy khẩu khác tiếp tục chiến đấu. Một chiếc trực thăng CH46 bay trước đến mục tiêu đổ quân đỗ xuống. Quân Mỹ trên máy bay nhảy xuống tên nào Cát bắn chết tên đó. Tổng cộng trận này, anh Cát đã bắn cháy 4 máy bay trực thăng và tiêu diệt 40 tên Mỹ, mỗi viên đạn một quân thù…

*

Ngày 16/02/1971, chuẩn bị cho trận đánh tới, sau bữa ăn trưa Đại đội phó Hoành, Trung đội trưởng Ba, Trung đội phó Hoàn, Tiểu đội trưởng Cát và tôi đi tìm trận địa dự bị.

d2af2-1672627677.jpg
Hai ảnh trên do tác giả sưu tầm chỉ mang tính minh hoạ.

 

Đến ngã ba đường đi Lộc Tân, anh Cát bảo:

- Mọi người đi cẩn thận, kẻo đạp phải mìn.

Rồi Cát đi vòng quanh hố bom. Một tiếng nổ, khói đen bốc lên một quầng. Tiếng Cát kêu:

- Đem băng lại đây!

Chúng tôi xô đến khiêng Cát ra đường. Chân anh đã bị gãy bởi quả mìn làm bằng quả đạn B40 do du kích gài. Đưa anh Cát về hầm thay quần áo, nẹp bó xong ăn cơm.

15 giờ chiều 16/02/1971, tôi, Hin, Hoàn, Ba đi qua Lộc Tân, lên Gò Dài vào đường Quán Canh, lên danh Khe Dèn leo đến C10 thì tối.

Chúng tôi nghỉ ở Trạm trung chuyển. Hin đi báo bộ phận vận tải của Trung đoàn, xin được 3 người cùng phối hợp đưa anh Cát về Trạm phẫu, còn 3 người trở lại. Chúng tôi khiêng thương đến khe Dốc Gió, vòng quanh sườn núi Bàn Cờ đến bãi Văn Công thì ngược dốc leo lên.

Đời lính chiến không gì khổ bằng hành quân đêm và cáng thương trên rừng. Rô tá rô tà, người khiêng người đùn đẩy, người kéo, trăm bề cực khổ. Lính bị thương, máu ở võng quệt vào lá cây rồi lại quệt vào quần áo, bốc mùi tanh lợm và nhiều khi thối khẳn.

Đến 15 giờ chiều 17/02/1971, chúng tôi leo lên được 2/3 dốc 76. Vượt dốc sang chân dốc phía tây là vào Viện 76 của Quân khu. Nhưng có lẽ không kịp nữa rồi.

Lên một cái dông bằng phẳng, cây rừng rậm rạp, chúng tôi nghỉ lấy nước cho anh Cát uống. Cát ngồi dậy sờ túi lấy ví còn 400 đồng tiền miền Nam, 3 lá thư cũ, một tấm hình người con gái. Anh bảo:

- Vợ tao đấy. Cầm những thứ này, mày còn sống về quê tao đưa tận tay cho nó. Hứa với tao đi. Tao không có con, vợ tao ở hóa một mình cực lắm. Mày hãy thu nhận lấy, chăm sóc nó dùm tao.

Rồi anh Cát nằm xuống ngáp dài, nấc lên mấy cái, xuôi tay mà mắt cứ nhìn tôi. Tôi đặt tay vuốt mắt cho Cát. Miệng thì thầm: “Thôi ngủ đi, ngủ cho ngon, đừng buồn Cát nhé. Còn tao đây sẽ diệt Mỹ trả thù cho mày”.

Đêm về, tôi viết: Suối reo giấc ngủ ngàn thu/ Non cao bạn có tiều phu với rừng/ Ở đây một nắm đất thâm/ Ghi tên dũng sĩ nghìn năm vẫn còn…

Bên kia suối có mấy cái lán của quân tỉnh đội Quảng Đà. Một người lội suối sang mượn được xẻng và cuốc. Chúng tôi niệm anh Cát bằng tăng võng, nilon, mai táng xong, dùng dao găm khắc tên tuổi quê quán đơn vị vào cây gỗ để dễ nhớ, sau đó trả cuốc xẻng nghỉ nhờ đêm.

Sáng hôm sau, 3 người đơn vị vận tải trở lại C10. Một mình tôi vượt dốc 76 về hậu cứ Dốc Bền.

Ở hậu cứ còn có một mình y tá Gia. Thấy tôi mừng quá, Gia bảo tôi xay bột tráng mì còn Gia đi câu cá. Tối hôm ấy tôi nói lại tình hình khu chiến, việc anh Cát hy sinh và bảo Gia lên Trung đoàn báo cáo. Tôi quyết định nghỉ lại với Gia mấy ngày cho đỡ buồn.

Ngày 22/02/1971, tôi về khu chiến, với dây lưng lựu đạn, súng AK vượt suối leo rừng. Khi đến Cửa Danh, thì thấy có mấy chục người ở các đơn vị khác đi đồng bằng.

Một mình tôi không dám đi đường Gò Dài sợ có địch phục kích. Tôi đi về Phú Phong, qua gò Cây Cau, đến Ô Gia Lam, rồi sang Đại Cường.

Đến Thôn 9 là 2 giờ đêm rạng ngày 23/02/1971, bụng đói mỏi mệt, thấy một cái trại gần bờ sông, tôi ngồi lại nghe ngóng một lúc, không thấy động tĩnh gì. Tôi khẽ gõ cửa, trong nhà bật đèn, tiếng một bà má:

- Chi mà khuya vậy?

Cây chống cửa chống lên…

- Con về xã trên, bụng đói mệt quá đi, muốn xin nghỉ nhờ má sớm mai đi tiếp?

- Bọn Ngụy thường qua sông phục kích, bắn chết nhiều người đi kháng chiến, ở đây không ổn đâu.

- Vậy thì cho con xin hớp nước?

- Đành vậy, vô đây sẽ tính.

Tôi vào nhà, bà má sập cửa rót nước cho tôi rồi đem ra một tô bún chan nước cá bảo:

- Ăn nhanh rồi gắng mà đi.

Lúc ấy, một phụ nữ ở giường ẵm đứa nhỏ đi tè rồi vào ngồi ở cái ghế ga nhìn tôi không nói. Bà má lấy bát bún thứ 2 và bảo:

- Con dâu, cháu nội tôi đó. Chồng nó đi lính cộng hòa làm Thiếu úy ở bên Hòa Nha bữa ni không về. Ngày mốt nó về làm giỗ ba rồi rồi chắc lại đi miết.

- Sao má và em không sang nớ ở chi đây cho cực?

- Sang chi, bộ đội đánh vào chết hoài, ở đây khỏe hơn. Cách mạng có hại dân đâu mà sợ.

Chúng tôi đang nói chuyện, thì có tiếng đàn ông vọng vào:

- Bà già làm chi đốt đèn khuya dậy? Mở cửa cho tôi ghé nhờ hớp nước!

Tôi vội bỏ bát, xách súng nấp sau giường cô gái. Bà má đi lại ấn tôi lên giường đẩy vô trong, rồi nói nhỏ với con dâu:

- Bồng con vô giường ngủ!

Cô gái hiểu ý mẹ chồng, vội vén màn lên, để đứa trẻ nằm ngoài, quay vào ôm lấy tôi:

- Cứ yên tâm đi anh, đừng nói chi cả.

Cửa mở, có 2 tên lính Nguỵ xách súng AR15 bước vào, ngồi ngay ở chiếc ghế ga tự rót nước uống. Ngoài vườn, trong sân tiếng chân người rậm rịch đi lại, hình như còn rất nhiều lính nữa. Tôi nín thở nghe ngóng.

- Có ai vô ăn mì khuya vậy bà già?

- Còn ai nữa, thằng Hai chồng con Dịu về hồi hôm. Nó với vợ ngủ hoài đi, sáng mai vô bên nớ.

Một tên lên đạn đánh “roạt” một cái, chĩa súng bước lại giường vén màn nhìn vào... Hai người ôm nhau, chiếc mền đắp kín chỉ để hở hai nửa cái đầu. Tên lính đi ra:

- Chu cha, anh Hai ôm vợ sướng hè. Chả bù cho tụi tôi đêm hôm vẫn phải đi phục Việt Cộng!

Tên lính còn lại nói:

- Thôi đừng làm phiền họ nữa. Bà già đóng cửa nghỉ đi, tụi tôi về!

Chúng đi hết, khu xóm vắng tanh. Cái vắng trong đêm thời loạn nghe mà rùng rợn, không một tiếng chó sủa.

Tiếng bà má nói khẽ:

- Nằm im nghe, ra bây giờ là ăn đạn liền đó. Má con tôi mắc tội với Cách mạng, tiếng nhơ rửa không sạch mô. Chúng tụi chúng còn phục đâu đó, để má đi dò nghe ngóng thử coi.

Bà má ra vườn nghe ngóng, thấy không còn tên nào chắc đã đi hết rồi, mới yên tâm quay vào nhà bảo:

- Anh bộ đội đi lẹ lên, chúng đi rồi!

Tôi cảm ơn má và cô gái rồi lách qua cửa ra ngoài. Tôi xách súng AK tư thế chiến đấu, vừa đi vừa quan sát nghe ngóng…

Đến đầu Thôn 8, con đường đi ngoài bãi tha ma, những gò mả mới chôn thấy mà rợn gáy. Do nhạy cảm của lính chiến, tự dưng tôi nhảy vọt sang bụi bói bên đường và nằm rạp xuống.

Bất ngờ, đạn tiểu liên AR15, đạn trung liên 30, đạn M79 từ các gò mả bắn ra nổ trước mặt. Tôi không chạy theo đường trục mà bò sâu vào trong bụi nằm im. Đạn nổ dọc đường bắn theo. Quân ngụy dồn ra đường khoảng một Trung đội, rất gần chỗ tôi nằm:

- Đù má! Việt Cộng đâu rồi? Chớ dại dột, dượt theo mà ăn lựu đạn.

Trong lúc bọn địch đang lộn xộn, tên chỉ huy ra lệnh quay về Thôn 9. Tôi đứng dậy ném quả lựu đạn Mỹ, bắn bồi hết băng đạn, rồi nhảy ào xuống bãi bói, luồn lách ven sông về Phú Mỹ cũng vừa sáng…

Nghe xong câu chuyện tôi kể, anh Hoàn lè lưỡi:

- Thằng Thậm này số đỏ. Bao lần thoát chết trong gang tấc.

Chú Tôn cho biết:

- Đó là má Chín, gia đình Ngụy quyền. Dân ở đây có tình cảm với Cách mạng, có chồng con đi lính Ngụy, nhưng vẫn hướng theo Cách mạng. Chỉ trừ một số gia đình ác ôn.

Ngày 24/02/1971, trong lúc tôi băm chả rắn, anh Hoàn làm cá chuối, tráng mì, anh Dần từ trên danh xuống đưa lệnh gọi Trung đội trưởng Ba về đơn vị nhận nhiệm vụ mới.

Chúng tôi chia tay, mời chú Tôn, anh Dần đến cùng ăn cơm. Kẻ ở người đi, đùng một cái có mấy ngày đã vắng mất 2 người, còn 4 chúng tôi tiếp tục chiến đấu.

*

13 giờ chiều 25/02/1971, tôi tắm xong, dây lưng lựu đạn, sách súng AK cầm bao cát bắt cá. Đến lối rẽ đường Lộc Tân thấy Hai Lợi từ xa đi lại vai đeo súng các bin tay cầm bao cát.

- Em muốn nhủ anh đi kiếm măng.

Tôi lúng túng bảo:

- Anh còn đi bắt cá.

- Đi với em xong việc, sẽ đưa anh đi mò cá.

Tôi gật đầu. Hai Lợi dẫn tôi qua cánh đồng Bãi Bói sang Ấp Bắc, len lỏi ra bờ sông quan sát 2 bên rìa làng. Ngoài sông và cả bên kia sông không thấy động tĩnh gì.

Ấp Bắc và Ấp Trung không có dân, chỉ vườn không nhà trống. Chúng tôi vào bụi tre bới lớp lá mục ra, măng mầm mới lên khỏi mặt đất lô nhô một vạt. Tôi đào, Lợi bới lấy đầy bao măng. Tụi tôi nấp trong bụi trâm bầu nhìn qua sông đường 14. Bên địch, bên ta, 2 vùng chiến tuyến. Bên kia náo nhiệt tưng bừng, xe chạy người đi. Quân Mỹ từng tốp sách súng lang thang trên lộ, đứa ngồi, đứa nằm…

Mấy loạt AR15 nổ bên kia sông. Hai Lợi ngồi dậy vận đồ, bất ngờ hỏi:

- Anh thương em thiệt sao? Con gái miền Trung coi được không?

- Thiệt. Dễ thương hết ý!

- Xì! Nói xạo.

Lợi véo mũi tôi, mặt đỏ hồng.

- Ở ngoài đó anh làm chi?

- Thì cũng làm ruộng, đánh xiếc.

- Bộ anh cũng biết biểu diễn xiếc nữa kia?

- Không, anh dun xiếc ở dưới sông, bắt con tôm con cá. Quê anh có nhiều cá, ăn không hết đem bán hoặc phơi khô ăn dần.

- Ngoài bắc có vui không anh?

- Vui chứ.

- Người ta làm gì hả anh?

- Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, làm ăn tập thể. Mùa thu hoạch, lúa, ngô, khoai, sắn, chia cho mọi người và đóng thuế cho Nhà nước. Gạo, thịt, dầu, vải, muối, xà bông… đều do Nhà nước phân phối. Đi bệnh viện không mất tiền; lao động sản xuất thì có máy cày, máy nước, máy gặt, máy bơm nước, có công nông chuyên chở. Nấu ăn bằng than đá, có nhà máy xi măng, có lò vôi, lò gạch để xây dựng nhà ở. Đồ tiêu dùng của Trung Quốc, Liên Xô đem sang viện trợ nhiều lắm. Nhà nhà có điện thắp sáng thâu đêm, ti vi, cát sét nhà nào cũng có. Rồi văn công văn nghệ, điệu hò câu hát ở khắp làng quê…

Tôi sĩ diện và bốc đồng trước cô gái đẹp, nên đã nói quá, Khiến Lợi reo lên:

- Miền Bắc sướng hung! Em ước gì được ra Bắc thăm quê anh, thăm Hà Nội, thăm Bác Hồ… Quê anh ở đâu?

- Xa lắm, mãi Hải Dương gần Trung Quốc.

- Trung Quốc ở mô?

- Ở phía Bắc, giáp với Liên Xô. Trung Quốc và Liên Xô giàu lắm. Sướng hơn Việt Nam mình nhiều. Vũ khí trang bị để đánh Mỹ chủ yếu là do 2 nước Trung Quốc và Liên Xô giúp cả đấy.

- Bao giờ giải phóng miền Nam, anh cho em ra thăm miền Bắc với nhé?

Tôi “ừ”, rồi hỏi Lợi:

- Thế ba má em đâu?

- Ba em bị Mỹ bắn chết rồi. Còn má em giờ đây ở ấp Hòa Mỹ, bên kia sông, trong khu dồn dân ấy. Đôi khi đi công tác cùng các anh, các chị qua bên nớ em lại ghé thăm má. Mai mốt anh đi với em qua sông nghe. Mình cùng về thăm má em luôn nha?

- Nếu gặp địch bên đó thì sao?

- Không sợ mô. Em sẽ chèo ghe qua hạ lưu, giấu ghe ở Bãi Bói, đi tắt Bãi Dưa là đến lộ 14. Mình dô ấp mua hàng rồi qua thăm má em.

Mặt trời đã xế chiều, chúng tôi ra về, tìm được hục bom cạn. Lợi lội xuống bắt cá, vứt lên toàn cá trê bự. Tôi thu được 2 bao cát. Chúng tôi chia tay, mỗi người bao cá, bao măng, ai đi đường nấy.

Tôi tạm biệt Lợi và hẹn gặp lại. Về nhà anh Hoàn và Hin làm cá vừa nấu canh chua vừa kho…

*

8 giờ sáng 28/02/1971, quân Mỹ chia làm 2 mũi từ Thôn 8 của Đại Cường dọc theo cánh đồng Ô Gia Lam đánh vào phía đông làng Phú Mỹ. Không pháo không bom, không tàu Già, trực thăng, bất ngờ đến nỗi tôi ngồi dưới cộng sự ăn mía ngẩng đầu ra đã nhìn thấy quân Mỹ đi theo một hàng dài dằng dặc. Tôi hỏi anh Hoàn:

- Địch hay bộ đội mà đông thế?

- Mỹ đấy, chuẩn bị chiến đấu!

Tôi kéo cò lên đạn quay súng đại liên đón đầu quân Mỹ. Ở ngoài đồng chú Tôn đang bắt cá dưới hục bom, khi bọn địch đến nơi mới biết. Chú Tôn xách bao cá vọt lên chạy về làng…

Quân Mỹ thấy chú Tôn không có vũ khí, chúng hô “Vixi, Vixi” và thúc nhau đuổi theo định bắt sống. Khi bọn Mỹ đuổi theo chú Tôn chi còn cách khoảng 20 mét, tôi bình tĩnh ngắm những tên đi đầu, lần lượt bắn từng loạt ngắn. Có tới 6 tên Mỹ ngã tại gục tại chỗ. Chú Tôn chạy ngã vào làng và thoát nạn.

Bất ngờ bị hỏa lực bắn chặn, quân Mỹ bỏ chạy toán loạn. Tôi phát huy hỏa lực, khẩu súng máy nổ giòn giã, bắn tên gần trước, tên nguy hiểm trước, tên chỉ huy, tên mang súng hỏa lực trước. Bọn Mỹ thằng chết, thằng bị thương la hét, kêu khóc thảm thiết. Những tên sống sót bỏ chạy ra ngoài; lợi dụng hố bom, pháo bờ ruộng nằm trú ẩn.

Có mấy tên mò vào gần bờ tre chỗ anh Hoàn, thì bị lựu đạn ném ra. Khẩu AK của anh nổ liên tiếp đánh bật chúng ra ngoài. Súng trung liên và M79 của Đại đội phó Hoành và Hin liên lạc bắn chéo cánh sẻ. Anh Hoàn bắn hết 4 quả đạn M79 làm cho quân Mỹ không ngóc đầu lên được, tên nào chạy ngược chạy xuôi là bị bắn ngay. Quân Mỹ tiến thoái lưỡng nan kêu pháo bắn chi viện.

Chúng tôi trú ẩn trong hầm, một trái pháo nổ ngay cạnh cộng sự đại liên làm ngụy trang bay hết. Quân Mỹ thừa cơ bắn súng mày vào làng. Đầu phía Bắc cánh quân Mỹ thứ yếu, một Đại đội Mỹ tiến công đánh bật quân du kích chiếm được căn cứ của xã Đại Minh. Mấy quả mìn nổ ầm ầm, chú Tôn kêu chúng tôi chạy thôi. Bắn hết dây băng đạn vít cổ quân Mỹ nằm xuống, tôi dựng khúc chuối dưới cộng sự chụp cái mũ sắt của Mỹ vào, tháo súng cùng anh Hoàn chạy về tuyến sau.

Các cỡ pháo từ các cứ điểm chung quanh bắn chi viện. Trực thăng, tàu Già phản lực các loại bắt đầu đánh bom bắn phá điên loạn. Toàn khu vực như trời long đất lở, khói lửa ngút trời.

Chúng tôi chạy sang Ấp Bắc để tránh trận mưa bom bão đạn. Bọn Mỹ vào làng đạp mìn chết mấy chục tên. Đến tối, quân Mỹ rút ra ngoài cánh đồng Ô Gia, kết hợp với cánh quân phía đông làng Phú Mỹ.

20 giờ tối cùng ngày 28/02/1971, có lệnh đi tập kích. Chúng tôi đặt 2 khẩu trung liên và đại liên ở đầu làng Thôn 8 cách địch 300m. Ngoài ra, có súng cối 82 của Đại đội 4, K8 ở làng Vu Gia kết hợp với du kích, có một súng máy trung liên Mỹ, một cối 61 Mỹ, một B41 và súng M79, M72.

2 giờ đêm rạng ngày 29/02/1971, lệnh nổ súng. Các loại hỏa lực của ta bắn cấp tập vào doanh trại quân Mỹ, khoảng 10 phút chúng tôi rút chạy. Khoảng 8 giờ sáng một đàn trực thăng 12 chiếc bay đến bốc quân Mỹ đi...

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/nhat-ky-linh-chien-cua-ccb-pham-huu-tham-ky-15-chuyen-anh-cat-hy-sinh-va-mot-dem-viet-cong-di-lac-a17172.html