Đọc "Một thời để nhớ" thêm tự hào về thế hệ cha anh!

Nhà xuất bản Thông tấn vừa ấn hành cuốn sách “Một thời để nhớ” Tập 2 nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra trường (1972 - 2022) của Lớp sử khoá 13 - Đại học Tổng hợp Hà Nội (1968 - 1972).

Cuốn sách dày 300 trang tập hợp 36 bài viết cùng gần 100 ảnh tư liệu gợi nhớ những ký ức một thời không thể nào quên của các thành viên Lớp sử khoá 13. Phần lớn họ nay đã bước qua “tuổi xưa nay hiếm”, đã nghỉ hưu sau một thời gian dài gắn bó với nhiều lĩnh vực công tác khác nhau. Nhiều người trong số đó, đã thành danh và có nhiều đóng góp thiết thực cho quê hương đất nước.

50 năm một chặng đường đủ dài đối với một đời người để các thành viên lớp Sử khoá 13 nhìn lại những thành công và những điều còn trăn trở trong hành trình học và hành gắn bó bên nhau. Chính vì thế những trang viết lắng đọng trong “Một thời để nhớ” tập 2 là những ký ức trong trẻo không thể nào quên về tình thầy trò, tình bạn xuyên thế kỷ với bao thăng trầm cùng vận mệnh dân tộc.

Trong đó, rất trân quý bài viết của GS.NGND Vũ Dương Ninh, là thầy dạy môn Lịch sử thế giới cho nhiều thế hệ sinh viên khoa Sử, trong đó có sinh viên lớp Sử khóa 13. Trong ký ức của thầy giáo dạy sử đã 85 tuổi vẫn nhớ như in những kỷ niệm cùng các trò lớp Sử năm xưa sơ tán tránh máy bay địch đánh phá miền Bắc dữ dội và cả những kỷ niệm thầy bồi hồi tiễn những sinh viên thân yêu của mình tạm xếp bút nghiên lên đường ra chiến trường, số ít là bộ đội biên phòng, số đông là phóng viên VNTTX.

anh111-1670586405.jpg
Đọc "Một thời để nhớ" thêm tự hào về thế hệ cha anh!

Người viết bài này, may mắn cũng được tham góp đôi dòng cảm thức trong "Một thời để nhớ" để nói về mối nhân duyên của mình khi được gần gũi với một số thành viên trong lớp Sử khóa 13 qua bài viết: "Trần Ngọc Bích và những người bạn đồng môn lớp sử 13".

Số là, trong thời gian được gần gũi giúp việc nhà báo lão thành cách mạng Đỗ Phượng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng - Tổng giám đốc TTXVN, tôi đã nhiều lần được nghe ông tự hào kể về lớp phóng viên Giải phóng thứ 10 (GP10), một "thế hệ vàng" đã trở thành danh hiệu, góp phần tô thắm, làm rạng danh truyền thống vẻ vang của Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) và TTXVN. Trong đó, có nhiều người là cựu sinh viên lớp Sử khoá 13 về sau đã trở thành những cây bút được nể trọng của TTXVN, suốt đời gắn bó với sự nghiệp báo chí như các nhà báo: Vũ Xuân Bân, Lê Doãn Tặng, Phạm Nhật Nam, Đoàn Việt, Phan Đình Khôi, Đinh Thị Minh Huệ, Nguyễn Thị Thu Hương...

Về sau, từ mối nhân duyên được trở thành con rể ông Trần Ngọc Bích (một thành viên lớp Sử khóa 13) đến mối thân tình trong quan hệ công tác xã hội cùng nhà báo Vũ Xuân Bân và một số thành viên khác của lớp Sử khóa 13 đã giúp tôi có thêm nhiều tư liệu về lớp Sử khóa 13.

Họ là lớp trí thức trẻ của những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là thế hệ thanh niên Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc "mãi mãi tuổi 20 mười" dâng hiến trọn vẹn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Họ hiến dâng tuổi thanh xuân để góp phần viết nên những trang sử hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc mấy ngàn năm. Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, họ cũng chính là lớp trí thức, văn nghệ sĩ có những đóng góp thiết thực trong công cuộc kiến thiết đất nước sau chiến tranh và bước vào đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng và Nhà nước.

Vì thế, đọc những tư liệu được các thành viên lớp Sử khóa 13 chia sẻ trong "Một thời để nhớ" tập 1 và tập 2 không chỉ gợi lại cho chúng ta những ký ức đẹp về tình bạn của những người đồng môn thủy chung son sắc, từng trải qua một thời “Máu và Hoa”, mà còn tiếp thêm niềm tin yêu, tự hào cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về công tích của các thế hệ cha anh đi trước.

Vương Xuân Nguyên

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/doc-mot-thoi-de-nho-them-tu-hao-ve-the-he-cha-anh-a16793.html