Vĩnh Phúc: Vĩnh Tường – Từ góc nhìn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể

Sau đây là tham luận của tác giả Mai Văn Trung -Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc “Vĩnh Tường – Từ góc nhìn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể” tổ chức ngày 22/08/2022, nhân kỷ niệm “ 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”.

goc-nhin-van-hoa-vinh-tuong-1669728489.gif
Lễ hội rước kiệu xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường

 

1. Vĩnh Tường là huyện nằm phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, kề cận và và là một góc của xứ Đoài - một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long, là vùng đất được hội tụ bởi dòng sông Mẹ - sông Hồng, dòng sông Phan hiền hòa chảy trong nội huyện, xen lẫn dấu tích tụ thủy đầm hồ của đầm Rưng, vực Xanh... hàng bao đời đã tạo nên cảnh trí thủy hữu tình của vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu, có sức thu hút con người đến khai phá, sinh cơ lập nghiệp.
Trên địa lý - cảnh quan ấy, trong suốt chiều dài lịch sử, nơi đây đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng; là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, là tài sản vô giá của các thế hệ người Vĩnh Tường truyền lại cho các thế hệ sau, đồng thời có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần được chung tay giữ gìn.
2. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có trên 160 di tích, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 19 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 70 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Có gần 100 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2.1. Hệ thống di tích trên địa bàn huyện Vĩnh Tường gồm đủ các loại hình từ khảo cổ học, lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật mỗi di tích nơi đây đều mang những dấu ấn lịch sử quan trọng và nghệ thuật độc đáo.
- Hệ thống di tích khảo cổ học
Từ thời tiền sử đến giai đoạn hình thành nhà nước Văn Lang, Vĩnh Tường là một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ, chủ yếu tập trung ở các xã phía Đông Bắc của huyện như Yên Lập, Nghĩa Hưng, Lũng Hòa, Thổ Tang,... Dưới lòng đất Vĩnh Tường hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại trải dài từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn cách đây từ 3000 - 3700 năm, tiêu biểu là các di chỉ Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng), di chỉ Lũng Hòa (xã Lũng Hòa), di chỉ Đồng Hương, Ma Cả (thị trấn Thổ Tang)…cùng nhiều địa điểm khảo cổ học tại xã Vĩnh Sơn, Việt Xuân…Điểm đáng chú ý là trong tổng số 18 di tích khảo cổ  có niên đại văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện trên đất Vĩnh Phúc, riêng huyện Vĩnh Tường có 7 di tích, trong đó điển hình là 2 di tích Lũng Hòa và Nghĩa Lập.
Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, khai quật khảo cổ học phát hiện được khối lượng hiện vật lớn, phong phú về chất liệu gồm đá, gốm, đồng, xương,  đa dạng về loại hình gồm đồ sinh hoạt, đồ trang sức, đồ tùy táng như rìu, bôn, bàn mài, bình, bát, hạt chuỗi, vòng đeo tay, di cốt người, xương động vật…Qua đó phản ánh một cách chân thực và sinh động cho vùng đất Vĩnh Tường, đồng thời khẳng định Vĩnh Tường là một trong những địa bàn được người Việt cổ trong quá trình từ miền núi tiến về đồng bằng, đã dừng chân và định cư lâu dài tại đây tạo nên nền văn minh sông Hồng - văn minh lúa nước nổi tiếng, góp phần hình thành nên nhà nước Văn Lang thời đại các vua Hùng trong lịch sử dân tộc. 
- Hệ thống di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật
Loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật chiếm số lượng nhiều nhất trong hệ thống di tích lịch sử- văn hóa ở huyện Vĩnh Tường, gồm đình, đền, chùa, miếu,... Đây là loại hình di tích thu hút đông đảo nhất sự quan tâm thăm viếng của không chỉ cư dân địa phương mà còn của du khách thập phương, đặc biệt vào các kỳ lễ hội.
Có thể kể đến những di tích tiêu biểu: Đình Thổ Tang. Đây là ngôi đình cổ nhất trong các ngôi đình hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt loại hình kiến trúc nghệ thuật năm 2018. Đình thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương, danh tướng có công đánh giặc Nguyên Mông thời nhà Trần thế kỷ XIII. Đình có quy mô đồ sộ, bố cục kiến trúc kiểu chữ Đinh truyền thống, với mái cong hình thuyền đặc trưng, cổ kính. Đặc biệt đình hiện còn 21 bức chạm khắc bằng gỗ có giá trị lớn về nghệ thuật dân gian thời Lê như: “Ngày hội xuống đồng”, “Đá cầu”, “Múa”, “Đánh ghen”,... Với kỹ thuật tinh xảo, điêu luyện, đề tài độc đáo, chạm khắc ở đình Thổ Tang đã miêu tả khái quát cuộc sống làm ăn, sinh hoạt của cư dân Việt thuở xưa.
Cụm di tích xã An Tường bao gồm 03 ngôi đình tiêu biểu: Đình Bích Chu, đình Thủ Độ, đình Cam Giá đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Quy mô khá đồ sộ, với kết cấu bằng gỗ, được tạo dựng thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX.
 Đền Phú Đa, xã Phú Đa, được khởi dựng từ thời vua Lê Cảnh Hưng (giữa thế kỷ XVIII). Điều đặc biệt ở đền Phú Đa là hầu hết nội thất, đồ thờ như án gian, ngai, sập, án thư, lư hương, cây đèn… đều được làm bằng đá, ngoài ra còn có rất nhiều các bức phù điêu tượng tròn, trụ biểu, bia đá. Chạm khắc đá ở đền Phú Đa phản ánh giá trị kiến trúc nổi bật, thể hiện trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc, trang trí dân gian trên đá thời Hậu Lê.
Chùa Tùng Vân, thị trấn Thổ Tang. Chùa khởi dựng vào năm Chính Hoà thứ 7 (1686). Với bố cục mặt bằng kiểu “nội Công, ngoại Quốc” gồm các hạng mục chính như: Tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, hành lang, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng rất đẹp, có kích thước lớn và được bài trí theo dòng Phật Giáo Đại Thừa. Ngoài ra, ở chùa Tùng Vân còn có hệ thống văn bia cổ với số lượng lớn, là những tài liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hoá. Đặc biệt, ở đây hiện lưu giữ pho tượng Phật bằng đá màu xanh ngọc được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam. Chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1992.
- Hệ thống di tích lưu niệm danh nhân
Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia năm 1995. Chính tại nơi này, ngày 25/01/1961, Bác đã về thăm, nói chuyện, động viên phong trào trồng cây của nhân dân thôn Lạc Trung - đơn vị điển hình toàn miền Bắc trong việc hưởng ứng phong trào phát động Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2.2. Vĩnh Tường là quê hương của của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, phong phú và đa dạng, mang đậm sắc thái, đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Mỗi lễ hội là một viện bảo tàng sống về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, tập tục và những trò chơi dân gian truyền thống, là di sản quý hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Tiêu biểu như: Lễ hội đền Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. Lễ hội diễn ra vào các ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm. Vào các năm tổ chức chính hội (Tý, Ngọ, Mão, Dậu), đoàn rước bắt đầu từ đền Và (Sơn Tây - Hà Nội) rước Thánh sang đền Ngự Dội. Đây là lễ hội có quy mô vùng, gắn với tín ngưỡng thờ đức Thánh Tản Viên (một trong tứ bất tử của Việt Nam, được coi là ông tổ của nghề nông) của cư dân vùng châu thổ sông Hồng vùng đất xứ Đoài, trấn Sơn Tây xưa.
Lễ hội xã Đại Đồng, được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ngày 27/05/2021. Lễ hội với các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, gồm một chuỗi các thực hành văn hóa (tế lễ, hội, tiệc, trình diễn…) của cộng đồng cư dân nơi đây, bắt nguồn từ việc phụng thờ chung Thành hoàng là Bán thiên Đại Vương - vị tướng tài thời Hùng Vương đã có công đánh giặc, dạy dân bách nghệ (trăm nghề). Lễ hội còn bảo lưu và thực hành khá đầy đủ với các hội lệ chính như: Lễ hội “trâu rơm bò rạ” (hay còn gọi là lễ hội Trình nghề) mùng 04 tháng Giêng, lễ hội rước kiệu ngày tiệc sinh Thánh - ngày 20 tháng Giêng, lễ hội Tiệc mừng công - Lễ rước kiệu mùng 10 tháng Chín. 
Ngoài các lễ hội tiêu biểu trên nhiều làng xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường còn bảo tồn, lưu giữ phát huy giá trị của hàng chục lễ hội mang đậm sắc thái văn hóa địa phương từ nghi lễ đến hội làng với những trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc như: Hú đáo, kéo co Lũng Ngoại, bịt mắt đập niêu, bắt vịt Thổ Tang, bắt chạch trong chum Tứ Trưng…
Cùng với lễ hội, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Vĩnh Tường mang đậm bản sắc của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ được duy trì và phát triển như chầu văn, hát chèo, dân ca, ẩm thực truyền thống, là xứ sở của những làng nghề tiểu nông, đa canh có lịch sử tồn tại và phát triển hàng trăm năm, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xứ Đoài xưa như: mộc Bích Chu, rèn Lý Nhân, rắn Vĩnh Sơn, mật đường Cam Giá, buôn bán Thổ Tang… 
 Cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể trên chính là nguồn tài nguyên du lịch quý giá, góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch và vì sự phát triển bền vững của huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
3. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở Vĩnh Tường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lại được đông đảo nhân dân ủng hộ và đóng góp tâm sức nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác quản lý xây dựng các di tích văn hóa, lịch sử, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng tiếp tục được tăng cường. Việc quản lý đất đai tại các di tích được chú trọng, bước đầu đã triển khai việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích đạt được nhiều kết quả tích cực. Vấn đề bảo quản di vật, cổ vật và tài sản thuộc di tích được tăng cường. Hầu hết các lễ hội được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương; phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn đã tạo được sức lan toả, lôi cuốn, góp phần thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hoạt động của các CLB văn hoá - văn nghệ dân gian tiếp tục được duy trì, phát triển. Các làng nghề truyền thống của huyện được quan tâm bảo tồn, phát huy… Những thành tựu đó đã đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển văn hóa địa phương, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng con người  Vĩnh Tường thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH và xây dựng nông thôn mới; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa còn chưa tương xứng với giá trị, tầm vóc của di sản. Việc quản lý, bảo vệ di tích, bảo quản cổ vật, di vật, hiện vật tại một số địa phương còn chưa hiệu quả. Một số di tích hạn chế về diện tích, nằm xen kẽ trong các địa bàn dân cư nên việc tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích gặp khó khăn. Các lễ hội quy mô nhỏ, việc tổ chức mang tính tự phát, thiếu chọn lọc. Chất lượng hoạt động của các CLB văn hoá - văn nghệ dân gian hiệu quả chưa cao. Hoạt động làng nghề gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguyên nhân của tình trạng này là do tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hoá; sự du nhập của văn hóa ngoại lai; sự lấn át của những lợi ích kinh tế trước mắt… dẫn đến sự xuống cấp, mai một của nhiều di tích, phong tục tập quán, nếp sống tốt đẹp của ngườiVĩnh Tường. Nguồn kinh phí đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh, nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích còn hạn chế so với tổng số di tích trên địa bàn. Hoạt động của các CLB văn hoá - văn nghệ dân gian gặp nhiều khó khăn. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng tham gia bảo vệ giá trị di sản văn hóa; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa thông tin còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ý thức bảo vệ và tôn trọng di sản của nhân dân chưa cao. 
4. Trước thực trạng đó, để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự chung tay của toàn thể các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân. Đó là:
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải đảm bảo tính trung thực, tính đặc trưng và giá trị gốc của di sản. Thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các di tích xếp hạng trong trường hợp cần thiết phải trên cơ sở đảm bảo tính nguyên vẹn, tôn trọng yếu tố gốc, sự bền vững, sự hài hoà của di tích với cảnh quan lịch sử - văn hóa của khu vực. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để góp phần củng cố bản sắc văn hóa địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân.
Bảo vệ, phát huy và khai thác giá trị di sản văn hóa một cách hợp lý, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là kinh tế du lịch. Tạo lập sự hài hòa giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới với bảo vệ di sản văn hóa và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, học tập, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức về lịch sử, giá trị di sản văn hóa, góp phần định hướng thẩm mỹ, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, chống lại sự du nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai có ảnh hưởng xấu đến các giá trị chuẩn mực trong xã hội. 
Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa; về ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Tranh thủ các kênh thông tin, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử của huyện và các địa phương; chú trọng sử dụng các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình, sân khấu hóa… Phối hợp đầu tư xây dựng các phim tài liệu ngắn, các tài liệu truyền thanh, các cuốn sách, tập gấp giới thiệu di sản văn hóa  Vĩnh Tường để tuyên truyền,  quảng bá trong các lễ hội hoặc bày bán tại các địa điểm di tích, nhà sách trong và ngoài tỉnh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa. Kiện toàn, nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý tại di tích. Phối kết hợp tốt giữa chủ sở hữu với tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích; tăng cường công tác quản lý các lễ hội, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa; tổ chức chỉ đạo việc khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. 
Chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Huy động nguồn lực toàn xã hội cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích. Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh cho công tác tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích, cụm di tích xếp hạng; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hệ thống dịch vụ cho khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa; triển khai việc cắm mốc chỉ giới, lắp đặt biển chỉ dẫn đối với các di tích, cụm di tích xếp hạng.
Tập trung nâng cao chất lượng tour du lịch với các điểm tham quan tiêu biểu của huyện như: Cụm di tích khảo cổ gắn với cội nguồn dân tộc: Nghĩa Lập - Lũng Hòa - Ma Cả; cụm di tích kiến trúc - nghệ thuật gắn với văn hóa tâm linh Đình Thổ Tang - chùa Tùng Vân - Đình Bích Chu - Đình Thủ Độ - Đình Cam Giá - đền Phú Đa; cụm di tích lịch sử lưu niệm danh nhân gắn với khuyến học, khuyến tài gồm hệ thống văn từ, nhà thờ họ tại các làng khoa bảng Cao Đại - Thượng Trưng - Tứ Trưng - Vũ Di; cụm di tích gắn với truyền thống cách mạng gồm Đền thờ liệt sỹ huyện - nhà lưu niệm Nguyễn Thái Học, Đội Cẩn, Lê Xoay, Nguyễn Viết Xuân - nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Bình Dương...kết nối với các di tích, điểm tham quan trong và ngoài huyện, tỉnh để xây dựng các tour, tuyến du lịch mới trên cơ sở ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, khảo cứu nông thôn, … Ưu tiên đưa loại hình hát chèo, hát dân ca của huyện, tỉnh tham gia phục vụ khách du lịch.
Nghiên cứu, phục dựng, nâng cấp một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của huyện, xây dựng kịch bản lễ hội cấp xã đảm bảo phù hợp với đặc điểm sự kiện, đối tượng tưởng nhớ và không gian các lễ hội; từng bước khẳng định tính riêng biệt, đặc thù của lễ hội Vĩnh Tường. Khôi phục và duy trì các hoạt động biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian trong lễ hội; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ truyền thống, các cuộc thi đấu thể dục thể thao và trò chơi dân gian; tổ chức hội chợ, hội thi, triển lãm nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm các làng nghề truyền thống, hỗ trợ công tác nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí hoạt động cho các CLB nghệ thuật trình diễn dân gian. Nghiên cứu, xây dựng nội dung truyền dạy, phổ biến di sản văn hóa phi vật thể; có kế hoạch mở các lớp truyền dạy di sản tại cộng đồng. Xây dựng chuyên đề về hát chèo, dân ca đưa vào giảng dạy ngoại khóa trong một số trường THCS, THPT tại các địa bàn có di sản và vùng lân cận.
Thực hiện tốt công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu làm cơ sở cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều tra, sưu tầm, tư liệu hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về di sản văn hóa của huyện. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tổng kiểm kê di sản và lập hồ sơ di sản văn hóa huyệnVĩnh Tường; nghiên cứu, biên soạn, phát hành các tài liệu, ấn phẩm về các di sản văn hóa; tăng cường công tác sưu tầm các hiện vật, di vật bổ sung cho phòng truyền thống và Bảo tàng tỉnh. Thực hiện công tác sưu tầm di sản phi vật thể bằng phương pháp quay phim, ghi âm, chụp ảnh, in đĩa, quản lý bằng công nghệ thông tin; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử văn hóa, về giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội của huyện.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa;  khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khai thác kinh nghiệm, các tập tục cổ truyền tốt đẹp, kiến thức về tổ chức lễ hội, làng nghề, nghệ thuật trình diễn dân gian từ cộng đồng góp phần làm phong phú thêm giá trị di sản văn hóa của huyện. 
Tăng cường liên kết với các huyện, Sở, ngành liên quan, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh liên kết vùng trong việc thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch. 
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn. Đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thông tin; đội ngũ quản lý, bảo vệ và tổ chức hoạt động tại các di tích; có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể; tuyển chọn, xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên điểm tại các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; trước hết là tại các địa điểm di tích có khả năng khai thác phục vụ du lịch.
 

Mai Văn Trung

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-vinh-tuong-tu-goc-nhin-gia-tri-van-hoa-vat-the-va-phi-vat-the-a16580.html