Tấm vé xổ số

Năm 1950, tôi hoc lớp Nhất D trường Ngô Sỹ Liên. Thầy dạy là Thầy Tô Đường, nhà ở phố Hòa Mã.

to-duong-1669300586.PNG

Giờ thi Toán để xếp hạng “Đệ tam cá nguyệt” (thi học kỳ 3 tháng một lần), ba học sinh giỏi nhất sẽ được gắn tên trên “Bảng Danh Dự” ( Tableau d’honneur) treo ở phía trên bảng đen, bạn Hùng là người duy nhất được điểm 10/10. Thầy giáo thưởng cho bạn một tấm vé xổ số giá 0,10P (Piastre tiền Đông Dương )

Ngày mở thưởng, tấm vé trên trúng giải 500P ( 0,30P/1Kg gạo). Thấy nhiều tiền quá, bạn Hùng sợ và xin gửi lại Thầy. Thầy Tô Đường cười, nói: “Vé xổ số và tiền trúng giải là điểm 10 của con, sao lại trả Thầy?”.

Bạn Hùng mang vé về đưa cho cha mình. Nhà nghèo lắm, một cái lều ở trên đống rác của Thành phố, bên hồ Bẫy Mẫu (chinh là vị trí văn phòng Bộ Đại học và một phần trường Bách khoa giáp đường Đại Cồ Việt hiện nay ).

Người cha lĩnh giải và mua một cái xe Ba gác làm ăn. Sau này đã có được một cửa hàng Đại lý bán vật liệu xây dựng (gạch ngói, vôi tôi, gỗ, tre nứa, lá gồi… ).

Tết 1953, hai cha con đến chúc Tết Thầy Tô Đường. Thầy tỏ vẻ bỡ ngỡ. Bạn Hùng giải thích nguồn cơn từ tấm vé  Xổ số năm xưa. Nhờ đó gia đình đã được như ngày nay.

Thầy Tô Đường hiền lành phúc hậu lắm. Nghe nói như vậy, thầy hạ kính lấy khăn lau, rồi lại nâng lên hạ xuống mấy lần như thế, cho đến khi dường như gương mặt đã láng mờ ánh nước. Giọng xúc động, Thầy nói: “Tôi làm Thầy Giáo mấy chục năm, buồn vui với học trò đã nhiều. Ngờ đâu lại có một ngày vui và hạnh phúc  đến thế này?...”.

Nói xong, Thầy ôm lấy Hùng như không muốn rời xa…

***

Giữa năm 2000, tôi gặp Hùng ở lễ tang cô giáo (vợ thầy Tô Đường. Thầy cũng đã qua đời được mấy năm, nhà chuyển từ Hòa Mã về Hai Bà Trưng ). Lúc này, Hùng đã là một nhà kinh doanh bất động sản tiếng tăm. Anh kể lại câu chuyện năm 1953, hai cha con chúc Tết thầy ra sao…

…Anh có xe riêng đưa tôi về. Trên đường, anh dừng lại ở cuối đường Đại Cồ Việt. Chúng tôi xuống xe, đứng bên đường phía công viên Thống nhất. Hùng ngắm nghía hồi lâu phía trường Bách Khoa như đăm dăm nhìn về quá khứ, giọng xa vắng: “Ngày nay nên người thì người cho ân tình đã không còn nữa”. Rồi có chút nghẹn ngào theo bàn tay chỉ chỏ đưa lên đưa xuống  nhằm vào một điểm: “ Nơi này, nơi này…Bãi rác mà tôi từng ở…”

Tôi nhìn sâu vào mắt anh, thăm thẳm những bồi hồi…

Chuyện Làng Quê

Lê Kiều

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/tam-ve-xo-so-a16477.html