Nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nét văn hoá đặc trưng của người Việt hướng con người tới chân- thiện- mỹ

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 01/12/2016.

anh-1-thu-nhang-den-quan-hoang-muoi-1669244017.jpg
 Nghệ nhân dân gian Hoàng Tiến Hưng thủ nhang đền Quan Hoàng Mười 117 Bát Khối Long Biên Hà Nội trong giá hầu Quan Hoàng  Mười

Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ ( hay còn gọi là đạo Mẫu) là một hình thức thờ -cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi quy y Phật giáo, được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.                       

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được coi là “bảo tàng sống” lưu giữ bản sắc văn hóa, lịch sử của người Việt với sự kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, lời ca, và những  điệu múa uyển chuyển tùy vào các giá hầu ( các quan, hoàng về múa cờ, kiếm, đao, hèo còn các hàng chúa bà, chầu bà. cô thì múa song đăng, múa mồi, múa quạt,…).

anh-2-hau-bong-tien-chua-nguoi-nung-1669244017.jpg
Nghệ nhân dân gian Hoàng Tiến Hưng hầu bóng giá Chầu Bé Bắc Lệ vị tiên chúa người Nùng

Đạo Mẫu thờ các vị Thánh có nguồn gốc không chỉ là người Kinh mà còn thuộc các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc như Mường, Tày, Nùng, Dao cho thấy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ bình đẳng, gắn bó giữa các dân tộc ở Việt Nam.    

Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu là cái tâm hướng thiện, bởi mỗi người mẹ đều dạy con sống hướng thiện. Người đến thờ Mẫu tâm phải sáng. Trong cuộc sống thể hiện là người biết ăn ở, biết đối nhân xử thế, thành tâm thờ phụng ông bà, tổ tiên. Cao hơn là biết ơn những người có công với dân, với nước.

Người đến thờ Mẫu thường mang theo niềm tin Mẫu luôn che chở, mang đến cho con cháu sức khỏe, tài lộc và may mắn. Những người thờ Mẫu đều thể hiện tấm lòng thành kính từ khi dâng lễ vật, khi chắp tay vái lạy khẩn cầu. Ngay cả những người làm “dịch vụ” cũng thể hiện cái tâm bằng sự nghiêm túc và coi trọng chữ tín.

anh-3-hau-bong-co-bo-1669244017.jpg
 Nghệ nhân dân gian Hoàng Tiến Hưng hầu bóng giá Cô Bơ Thoải Phủ

Trong thờ Mẫu có 4 màu đặc trưng của tứ phủ: Màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ - miền trời. Màu trắng tượng trưng cho Thoải phủ - miền nước. Màu vàng tượng trưng cho Địa phủ - miền đất. Màu xanh tượng trưng cho Nhạc phủ - miền rừng.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ các vị Thánh có công với dân, với nước thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, góp phần khơi dậy và giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, hướng con người đến chân – thiện – mỹ của cuộc sống.                                                                                          

 

 

 

Thế Công

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/nghi-thuc-hau-dong-trong-tin-nguong-tho-mau-net-van-hoa-dac-trung-cua-nguoi-viet-huong-con-nguoi-toi-chan-thien-my-a16462.html