Thủ tướng: Đầu tư để phát huy tối đa bản sắc, nền văn hóa Việt Nam

Chiều 5/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình (VTV1), thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm đã nhấn mạnh sẽ đầu tư về nguồn lực, thể chế, con người để phát huy tối đa bản sắc, nền văn hóa Việt Nam

dh1athu-tuong-2-1667649588.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. Nguồn: Internet.

 

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (tỉnh Thái Bình) và một số đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Về vấn đề văn hóa, vừa qua, chúng ta đã tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc với kết luận, chỉ đạo của Tổng Bí thư và đang tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặt ngang tầm văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội. Kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua, nhận thức về vấn đề văn hóa đang được nâng lên, mang đến sự thay đổi trong hành động và sẽ tiếp tục đưa đến những kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Cần có sự đầu tư về nguồn lực, thể chế, con người để phát huy tối đa bản sắc, nền văn hóa Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam cho quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...".

Về vấn đề phân cấp, phân quyền, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề lớn, Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi, do đó cần rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật. Hiện nay, Chính phủ rất muốn phân cấp, phân quyền nhưng còn vướng một số quy định. Đây là một điểm nghẽn cần tháo gỡ. Tới đây, Chính phủ sẽ rà soát để làm tốt hơn vấn đề này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cải cách thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể. Các trụ cột cần tập trung vào là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với quan điểm xuyên suốt, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.

PV

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/thu-tuong-dau-tu-de-phat-huy-toi-da-ban-sac-nen-van-hoa-viet-nam-a16147.html