“Ngày Âm  nhạc Việt Nam” lần thứ 12-2022 - Ngày hội tôn vinh nền Âm nhạc Việt Nam với chủ đề “Hát lên Việt Nam”

Cho đến ngày nay, biểu tượng Ngày Âm nhạc Việt Nam là hình ảnh Lãnh tụ Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đang bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”

ch2-am-nhac-1661329697.jpg

 

Ý tưởng tổ chức “Ngày Âm nhạc Việt Nam” được bắt nguồn từ sự kiện lịch sử Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân Thủ đô hát bài ca Kết đoàn, chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội Đảng lần thứ 3 tại Công viên Bách thảo (Hà Nội) vào ngày 3/9/1960, sự kiện trọng đại ấy còn được ghi lại qua bức ảnh nghệ thuật “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. 

Cho đến ngày nay, biểu tượng Ngày Âm nhạc Việt Nam là hình ảnh Lãnh tụ Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đang bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”

Ngày hội tôn vinh nền Âm nhạc Việt Nam

Ngày mùng 3 tháng 9 năm 2010, “Ngày Âm nhạc Việt Nam” lần đầu tiên  Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức trọng thể tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm các tác phẩm giao hưởng, opera, hợp xướng và tuyển chọn những ca khúc đi cùng năm tháng, cùng sự góp mặt của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Dàn nhạc kèn Đoàn Nghi lễ Quân đội, Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, Dàn nhạc Maius Philharmonic … và các nghệ sĩ nổi tiếng. “Ngày Âm nhạc Việt Nam” đã tôn vinh các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

ch1-am-nhac-1661329769.jpg

Ngày 26 tháng 9 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số:1722/QĐ –TTg lấy ngày 03 tháng 9 hàng năm là “Ngày Âm nhạc Việt Nam” với mục đích:

- Động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm âm nhạc hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ đó đến nay, “Ngày Âm nhạc Việt Nam” trải qua 12 mùa hội âm nhạc với các chương trình nghệ thuật, các hoạt động âm nhạc diễn ra trên cả nước. Điều đó khẳng định tầm quan trọng của âm nhạc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, cũng như đời sống. Góp phần tôn vinh những đóng góp của giới nhạc sĩ, nghệ sĩ, phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của âm nhạc Việt Nam, giáo dục thế hệ trẻ và tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh cho công chúng.

Ngày hội của giới âm nhạc 

 “Ngày âm nhạc Việt Nam” hơn một thập kỷ đầy tự hào của giới nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam với những dốc mốc quan trọng. Được sự chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức các hoạt động âm nhạc nhân “Ngày âm nhạc Việt Nam”. Qua đó, giới thiệu các tác phẩm, động viên các nhạc sĩ, nghệ sĩ, phát huy giá trị truyền thống của âm nhạc cách mạng Việt Nam, phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh. 

“Ngày Âm nhạc Việt Nam” cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Ủy ban Nhân dân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành; sự phối hợp và giúp đỡ của các Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp, các Đoàn văn công thuộc lực lượng vũ trang đến các Đoàn Nghệ thuật địa phương, các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các Hội Văn học nghệ thuật, các Hội Âm nhạc, các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng “Ngày Âm nhạc Việt Nam”, còn có những cuộc gặp mặt, giao lưu, giới thiệu Tác giả - Tác phẩm, nhằm tôn vinh các nhạc sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu trong hoạt động âm nhạc, động viên các nhạc sĩ phát huy các giá trị truyền thống của âm nhạc Việt Nam.

“Ngày Âm nhạc Việt Nam” (3/9/2022),  hòa trong âm vang của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 tháng 11 năm 2021 với niềm tin mới, hy vọng mới về sự phát triển đời sống nghệ thuật nói chung và đời sống âm nhạc nói riêng với chủ đề Hát lên Việt Nam. Các chương trình “Ngày Âm nhạc Việt Nam” sẽ được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố cả nước với tinh thần “Âm nhạc hội tụ và lan tỏa”; “Âm nhạc đồng hành cùng dân tộc”. Vào hồi 09h00 ngày 31 tháng 8 năm 2022, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức “Ngày Âm nhạc Việt Nam” bằng chương trình ca nhạc đặc biệt “Hát lên Việt Nam” tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội và phát trên các nền tảng trực tuyến (fanpage hoinhacsi.vn; MUCA của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội… và phát lại trên các Đài Truyền hình của trung ương, địa phương, và của các bộ ngành.v.v..

Trong không gian của Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9/2022, khán giả cùng hòa mình vào những giai điệu bất tận, trào dâng cảm xúc được kết tinh từ những tác phẩm âm nhạc đặc sắc của các nhạc sĩ Việt Nam.

 

Minh Anh

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/ngay-am-nhac-viet-nam-lan-thu-12-2022-ngay-hoi-ton-vinh-nen-am-nhac-viet-nam-voi-chu-de-hat-len-viet-nam-a14856.html