"Báo chí cần góp phần ngăn “đốm lửa nhỏ” để ngăn ngừa “cháy cả cánh rừng""

Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan báo chí đề cập nhiều hơn nữa về những vấn đề mà nhân dân quan tâm, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình.

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tối 20/6, tại TP.HCM, lãnh đạo Thành phố gặp mặt các cơ quan báo chí. Dự và phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua các tác phẩm của mình, báo chí có thể “cảnh báo sớm” để các tổ chức, cá nhân không thể và không dám làm sai, không dám tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt với vai trò giám sát, bản biện xã hội, báo chí có thể góp phần xây dựng “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.

Dự buổi gặp mặt có lãnh đạo TP.HCM, đông đảo cơ quan báo chí TPHCM và phía Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, quay phim các cơ quan báo chí ở TP.HCM và tất cả người làm báo cả nước tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

 

Nhắc lại giai đoạn TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam gánh chịu nhiều thiệt hại do dịch Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương lực lượng báo chí đã không quản khó khăn, nguy hiểm, lăn lộn ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch, qua đó giúp nhân dân cả nước thấu hiểu khó khăn, cảm nhận rõ khí phách, sự can trường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM cũng như các địa phương vượt qua đại dịch, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội. Báo chí cũng kịp thời nêu nhiều tấm gương điển hình trong chống dịch, góp phần lan tỏa sức mạnh đoàn kết chống dịch, khẳng định truyền thống, đạo lý nhân ái của dân tộc ta.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao báo chí thời gian qua đã khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu trong việc đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

 "Tôi đề nghị báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.        

Qua các bài báo phản ánh, những phóng sự điều tra, báo chí có thể “cảnh báo sớm” hơn đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong các hoạt động, để họ không thể và không dám làm sai, không dám tham nhũng, tiêu cực, giúp ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để các sai phạm nhỏ trở thành những sai phạm lớn, vụ án lớn, gây thiệt hại rất lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân như một số vụ việc, vụ án lớn vừa qua.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan báo chí đề cập nhiều hơn nữa về những vấn đề mà nhân dân quan tâm, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình. Đó cũng là cách chúng ta góp phần giúp “ngăn ngừa đốm lửa nhỏ, nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng”.

Cùng với đó, báo chí cần phát huy chức năng giám sát, phản biện xã hội, bởi đây là một biện pháp quan trọng hạn chế “lợi ích nhóm”, hạn chế và xóa bỏ các thủ tục hành chính không rõ ràng, dễ dẫn đến cơ hội để cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu hoặc có những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

"Vì vậy, tôi mong muốn báo chí cần phản ánh chân thực tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương, của cả nước cũng như phản ánh dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân mong muốn gửi tới Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, để các cơ quan Nhà nước có phản ứng chính sách kịp thời.

Những giải pháp nào, kiến nghị gì của nhân dân vì tình hình giá năng lượng toàn cầu, đặc biệt giá xăng hiện nay, để kiểm soát lạm phát. Tôi thấy xu hướng báo chí phản ánh trước, chủ động như thế cũng là điều quý để phản ứng an sinh xã hội. Và tôi cho rằng, đó cũng là hành động cụ thể góp phần xây dựng “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” và thực hiện chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những quan điểm cơ bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trên cương vị là Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan báo chí cùng đội ngũ những người làm báo cả nước cần nhận thức sâu sắc về hơn nữa vai trò và trách nhiệm chính trị của báo chí trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo, nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị được Đại hội XIII của Đảng xác định.

Các cơ quan báo chí cần xác định công tác tuyên truyền xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị, các cơ quan báo chí cần xây dựng những chuyên trang, chuyên mục về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, mở ra những cơ hội để các nhà báo, cộng tác viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đội ngũ những người làm báo trên địa bàn TP.HCM là nhân tố tích cực, là lực lượng xung kích của Đảng bộ và chính quyền TP.HCM trong việc quảng bá hình ảnh con người và Thành phố mang tên Bác Hồ luôn năng động, sáng tạo, đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó là tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội để xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của người dân Thành phố và nhân dân cả nước.

Trước đó, trong chiều nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, chúc mừng nhà báo Dương Trọng Dật, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM./.

Vũ Dũng

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/bao-chi-can-gop-phan-ngan-dom-lua-nho-de-ngan-ngua-chay-ca-canh-rung-a13415.html