Từ không gian văn hóa Việt xứ Thanh, vài góc nhìn ra thế giới

Một đô thị hàm chứa đến hai nền văn minh của nhân loại: Văn minh Núi Đọ và Văn minh Đông Sơn như thành phố Thanh Hóa là một địa chỉ lịch sử hiếm hoi, là một miền đất phát tích kỳ lạ mà thời gian càng lùi xa càng thêm hồi quang lấp lánh sắc độ.

 

3-khong-gian-van-hoa-1659797123.jpg
 

Không riêng Việt Nam mà tất cả các châu lục có người sinh sống trên hành tinh chúng ta đều có các đô thị nổi tiếng với những di tích, di sản; cụm di tích, di sản; cảnh quan độc đáo mang giá trị văn hóa thiêng liêng, giá trị lịch sử vĩnh hằng hoặc những công trình nghệ thuật đặc sắc đầy tính biểu trưng bản địa, đa dạng phong cách sáng tạo, trình độ chế tác tinh xảo ví như: thành Vinice (Italy), Kiodo (Nhật Bản), Sankt Peterburg (Nga), Kim Tự tháp (Ai Cập), Angcovat (Campuchia)… Nhưng một đô thị hàm chứa đến hai nền văn minh của nhân loại: Văn minh Núi Đọ và Văn minh Đông Sơn như thành phố Thanh Hóa là một địa chỉ lịch sử hiếm hoi, là một miền đất phát tích kỳ lạ mà thời gian càng lùi xa càng thêm hồi quang lấp lánh sắc độ.

Trong diễn trình lịch sử từ buổi bình minh dựng nước, định hình cương thổ quốc gia của đại gia đình các dân tộc Việt Nam đến thời đại số, thời đại cách mạng công nghệ 4.0 ngày nay, đô thị trung tâm xứ Thanh, thành phố Thanh Hóa trải qua không biết bao nhiêu biến cố do thiên di cộng cư, do thiên tai, địch họa và cả nhân họa gây ra, vì vậy các di tích khởi thủy không nơi nào còn được đầy đủ nguyên vẹn. Ngay như làng cổ Đông Sơn, một trong ba ngôi làng* được cho là có niên đại lâu đời nhất xứ Thanh, nơi phát hiện ra nền văn minh trống đồng rực rỡ của nhân loại, cũng không còn được bao nhiêu bóng dáng kiến trúc, dấu ấn lối sống của cư dân cảnh quan thiên nhiên của thời khởi lập ban đầu.

Sự thiếu vắng này khiến hậu thế phải chịu nhiều thiệt thòi mỗi khi muốn hồi quang chiêm nghiệm quá khứ, muốn nghiên cứu, hoài vọng về nguồn gốc lịch sử của tổ tiên.

----

          Kho tàng di sản văn hóa vật thể của dân tộc thiếu đi những hiện vật, những công trình kiến trúc đa sắc màu đã thấm đẫm hồn cốt Việt; thấm đẫm phong cách văn hóa rất mực đẳng cấp dòng dõi Tiên Rồng mà sự cố kết cộng đồng bền chắc, tinh thần lao động quên mình, ý chí hy sinh kiên cường dũng cảm để dựng xây và bảo vệ quê hương, đất nước là phẩm cách và trí lực chủ đạo…

Vì vậy, một Không gian văn hóa Việt nhằm quy tụ, tái hiện bằng các vật thể có giá trị văn hóa lịch sử chân thực, những cảnh quan mang đậm dấu ấn thiên nhiên bản địa xuất hiện trong lòng đô thị trung tâm hàng đầu của Thanh Hóa, một tỉnh đang trên con đường phát triển theo hướng văn minh hiện đại là một kiến tạo rất đáng trân trọng và vô cùng cần thiết.

 Đó không những là tài sản tinh thần, nguồn lực vật chất vô cùng quý giá của một vùng văn hóa rất mực căn cốt mà còn là một bức thuyết minh toàn cảnh tư liệu đầy sức cuốn hút bằng các hiện vật sinh động nhằm giới thiệu quảng bá với những người yêu mến xứ Thanh, với du khách bốn phương, những người muốn tìm đến xứ Thanh để tìm hiểu, nghiên cứu, để cảm nhận, khám phá ra những điều thú vị của miền đất từ bao đời nay đã nổi tiếng với mỹ danh ĐỊA LINH NHÂN KIỆT.

Tọa tại địa chỉ số 1, phố Cù Chính Lan, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa, Không gian văn hóa Việt với tổng diện tích xây dựng khoảng hơn 16000 m2 do tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi là nhà đầu tư kiến tạo, gồm một bảo tàng trưng bày hơn 1000 cổ vật của nền văn minh Đông Sơn có niên đại hơn 2000 năm như trống đồng, thạp đồng, vũ khí bằng đồng, đồ trang sức bằng đồng…; Cùng với đó còn có hàng trăm hạng mục hiện vật di sản khác mà hạng mục nào cũng phát lộ dấu ấn tinh hoa của văn hóa Việt như: Tượng gỗ 18 vị La Hán; Tượng Tứ bất tử (Sơn Tinh-Thủy Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà chúa Liễu Hạnh); Tượng Mai An Tiêm; Tượng Long, Ly, Quy, Phụng; Tượng Vinh quy bái tổ; Tượng Phúc Lộc Thọ; Tượng Nhất tâm bản Phật vv; Đó còn là một vùng thiên nhiên kì thú gồm những cây đa, cây sanh, cây si, cây lộc vừng trăm tuổi đến những thảm hoa hồng nhiều chủng loại được chăm trồng công phu; Từ những tòa nhà cổ được dựng bằng các loại thiết mộc đến những dãy nhà tranh tre lợp kè, lợp bổi, vách thưng, nền đất ẩn mình bên trong những vạt tre ngà óng ánh nắng mai; Từ những cây khế cổ thụ lủng liểng trái chín vàng tươi đến mảnh ruộng lúa nước trĩu bông chín vàng, nơi luôn vẳng lên tiếng ếch gọi nhau trong mùa sấm ra mặt, trong cữ kinh trập sinh sôi, nẩy nở; trong dịp cúng lễ cơm mới tháng 10…

Dù biết rằng, mọi phép so sánh đều có mặt trái về sự khập khiểng nhưng chúng tôi vẫn hoàn toàn có thể khẳng định rằng, Không gian Văn hóa Việt ở thành phố Thanh Hóa là một công trình lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đạt đẳng cấp vóc vạc, xứng tầm một bộ các sưu tập độc đáo, vì thế, chúng tôi mong muốn  xây dựng lòng tin cho độc giả đến với Không gian Văn hóa Việt xứ Thanh bằng các ví dụ so sánh rất mực khách quan được kể lại từ những nhân chứng, những chuyên gia, những nhà nghệ sĩ đã từng yêu thích sưu tầm, nghiên cứu, trải nghiệm các công trình văn hóa lịch sử, công trình bảo tồn cảnh quan thiên nhiên sinh thái tiêu biểu; các viện bảo tàng triển lãm nghệ thuật nổi tiếng ở các châu lục khác nhau trên thế giới.

Một lần đến quốc đảo Singapore trong chuyến công tác về chuyên đề phim ảnh, tôi có gặp cựu phóng viên mảng văn học nghệ thuật báo Tuổi trẻ Lê Đỗ Nga Linh hiện là thạc sĩ, chuyên gia tâm lý học làm việc tại Trung tâm Hòa hợp gia đình (FAM @ FSC ) thuộc Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore (MSF).  Sau công việc, tôi có nhu cầu du lịch đến một vùng sinh thái nhằm tìm kiếm một địa chỉ thuộc loại “ cổ nhất” của đảo quốc toàn những kiến trúc binding chọc trời. Nga Linh cùng phu quân của cô là anh Alfred Yaap Hukl hào hiệp giúp đỡ nhu cầu đó của tôi. Trước chuyến hành trình họ cũng cởi mở kể cho tôi nghe rằng, hai người đã có nhiều dịp đến các nước trên thế giới. Họ đã có một bộ sưu tập các ngôi làng độc đáo, ngôi thì tọa ở giữa lòng thành phố hiện đại như địa chỉ mà tôi sắp được đưa tới, ngôi thì ở vùng núi ngái xa của dãy Anpơ (Alpes) tận châu Âu và một số châu lục khác nhau trên thế giới. Trong số này, có ngôi làng mang niên đại ngàn năm tuổi nhưng cũng có ngôi mới chỉ được tạo dựng bảy, tám chục năm nay, thậm chí mới được lập chừng vài thập niên trở lại đây. Cái quan trọng là các ngôi làng ấy vẫn còn giữ được nguyên vẹn dáng dấp buổi đầu khởi lập giữa những tòa nhà cao vút, hoặc nép giữa các khe núi mà thời hiện đại người ta muốn tới đó và quay lại điểm xuất phát đều phải di chuyển bằng hệ thống cáp treo ròng rọc. Chúng như những mảng hồn vía của lịch sử, của văn hóa vùng miền một thời. Đặc biệt những ngôi làng ấy luôn có một sức thu hút du khách muôn phương như một một địa chỉ kỳ thú cần phải đến, và đó còn là bối cảnh săn tìm của những nhà làm phim đề tài lịch sử cổ trang,  đề tài văn hóa truyền thống và sinh thái môi trường...

Theo địa chỉ trong bộ sưu tập thượng dẫn, tôi được đôi bạn trẻ Nga Linh- Alfred đưa đến một ngôi làng nằm giữa những tòa cao ốc của đại đô thị sầm uất Singapore. Ngôi làng đó được mệnh danh là ngôi làng truyền thống cuối cùng của đảo quốc sư tử này. Làng có tên gọi là Lorong Buangkok.

2-khong-gian-van-hoa-1659797123.jpg
 

 Singapore là quốc gia có gần sáu triệu dân, mật độ dân số khá cao, khoảng hơn 7200 người/ Km2 và đa phần đều sống trong những tòa nhà cao tầng hiện đại. Nhưng ở ngôi làng Lorong Buangkok lại có 25 hộ dân cư trú như một ngoại lệ. Họ sống trong các ngôi nhà lợp tôn theo mô típ (motif ) các làng Mã Lai hồi thập niên 50, 60 của thế kỷ trước trên diện tích khoảng gần 12.300 m2, xung quanh làng và xen kẽ giữa các hộ dân là những viền cây xanh phủ bóng quanh năm.

 Alfred Hukl và Nga Linh cho tôi biết, vào năm 1954, có một ông thầy lang tên là Sng Teow Koon, người gốc Mã Lai đã mua mảnh đất rộng 12.248 mét vuông để lập nên một kampong Mã Lai. Kam pong, tiếng Mã Lai nghĩa là thôn, làng.

Từ bấy cho đến năm 1965, năm lập quốc của nước Cộng hòa Singapore và đến hôm nay, kampong Lorong Buangkok là phần đất đã có trị giá tới 70 triệu dollas Singapore. Và kampong này thuộc sở hữu của bà Sng Mui Hong, con gái của ông thầy lang Sng Teow Koon, người lập làng đã quá cố.

Ngót bảy thập niên trôi qua, dù trên đảo quốc Singapore “ thế gian biến cải vũng nên đồi” , nhiều thứ đã đổi thay hầu như không còn dấu vết nhưng với làng Lorong Buangkok thì không,  vẫn là các ngôi nhà một tầng bằng gỗ lợp mái tôn trải quanh một nhà thờ Hồi giáo nhỏ. Chỉ ở nơi đây những loài hoa cỏ từng bao phủ khắp Singapore trước thời đại bê tông, như Ketapang, một loài cây hoang dã ven biển, mới được mọc tự do.

Gặp chủ làng là bà Sng Mui Hong, chúng tôi được biết, dù là một ốc đảo giữa các khu cao tầng ngút mắt, cư dân làng Lorong Buangkok vẫn tận dụng tối đa những lợi ích từ công nghệ như internet tốc độ cao, tivi thông minh đa hệ hay các loại xe hơi sang trọng. Nghĩa là người dân của làng Lorong Buangkok không hề bị lạc hậu gì với thế giới văn minh. Họ chỉ muốn lưu giữ văn hóa của cha ông từ buổi khởi thủy dựng làng.Thế nên, dù Singapore được biết tới là quốc gia có giá thuê bất động sản đắt thứ hai trên thế giới nhưng với bà chủ làng Sng Mui Hong, thì dịch vụ cho thuê nhà phòng ở Lorong Buangkok chỉ thu phí của khách từ 4 tới 14 dollas Singapore một tháng/ người và không hề tăng giá trong suốt nhiều chục năm năm nay. Trong khi đó, giá thuê hàng tháng cho một căn chung cư ba phòng ngủ ở Singapore thường dao động vào khoảng trên/ dưới 4.000 dollas Singapore mỗi tháng.

Ngoài việc là một địa chỉ du lịch hút khách cả vào thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, một số nhà sản xuất phim bản địa đã thuê ngôi nhà của cha bà Sng Mui Hong xây từ năm 1954 để quay các bộ phim truyền hình và các chương trình sinh hoạt dân cư gắn với thực tế thời cuộc lấy bối cảnh ở một làng quê của đảo quốc đô thị Singapore.

Nghe câu chuyện làng Lorong Buangkok có liên quan đến phim phim ảnh, tôi kể cho đôi bạn trẻ biết về cái bến nước ở làng Odizova, vùng Cozak-Sông Đông, nơi chàng chiến binh râu kẽm Grigori gặp nàng Arsenhia “ bốc lửa” trong phim Sông Đông êm đềm, bốn tập, kịch bản được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của văn hào Nga M. Solokhov. Tại cái bến nước đã được dùng làm bối cảnh quay bộ phim nổi tiếng ấy, người ta đã dựng một bức tượng chàng Grigori dừng ngựa trước nàng Arsinhia đang quảy gánh nước từ dưới đi lên, trông sống động như thật. Và, bức tượng này hàng ngày có khá đông người tứ xứ đến chiêm ngưỡng. Trên bệ tượng không mấy khi vắng những hồng tươi thắm, biểu tượng của tình yêu lứa đôi say đắm.

Nghe xong câu chuyện có liên quan đến phim ảnh dựa theo cốt truyện tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của văn hào Nga, M. Solokhov, đôi bạn trẻ Nga Linh- Alfred liền cho tôi biết thêm một ngôi làng độc đáo nữa ở tận dãy An pơ (Alpes), Thụy sĩ- Làng Andermatt. Ngôi làng cổ này được nhiều khách du lịch ghé thăm vì đã quá nổi tiếng khi từng được xuất hiện trong seri phim “Điệp viên 007”, phần “Goldfinger (Ngón tay vàng)-1964)”. Những fan hâm mộ điện ảnh chắc chắc khó có thể quên hình ảnh trên siêu xe Aston Martin DB5, James Bond truy đuổi chiếc Rolls Royce của nhân vật Goldfinger đi dọc theo những con đường núi quanh co hiểm trở và cuối cùng cũng bắt gặp nhân vật huyền thoại Tilly Masterson ở ngôi làng Andermatt lừng danh.

Ngôi làng xinh đẹp Andenrmatt được chọn là 14 ngôi làng đẹp nhất Thụy Sỹ, chỉ cách thành phố Zurich khoảng 80km. Đây cũng là nơi lý tưởng cho những ai muốn trải nghiệm thú vui trượt tuyết hay đi bộ đường dài trong không khí miền núi trong lành và mát mẻ. Càng tuyệt vời hơn nữa khi đến với Andermatt, du khách còn được tha hồ ngắm nhìn hay sống trong những ngôi nhà truyền thống độc đáo nằm ngay tại trung tâm và tận hưởng vẻ yên tĩnh hoàn hảo…

Câu chuyện của đôi bạn trẻ Nga Linh và Alfred khiến tôi bị cuốn hút vào một liên tưởng. Tôi nói với đôi bạn trẻ ở Thanh Hóa quê tôi, tại thành phố trung tâm tỉnh cũng có một không gian văn hóa, lịch sử kỳ thú mang đậm dấu ấn xứ Thanh cũng có thể được ví như một ngôi làng độc đáo chưa ở đâu có. Ngôi làng mà ở đó, các bạn có thể chiêm nghiệm lịch sử hàng ngàn năm của nền văn minh nhân loại. Ở đó các bạn sẽ tận mắt thấy những công cụ từ thời đại đồ đá cũ, thời đại đồ đá mới đến nền văn minh trống đồng Đông Sơn rực rỡ; các bạn cũng có thể tận mắt chiêm ngắm, tận tay mở cổng, mở cửa những dãy nhà tranh tre nứa lá, vách đất, mạch thưng; ngồi bên thảm lúa vàng sắp tới ngày cho gặt hái; Tận thấy các chủng loại hoa hồng tỏa hương thơm ngây ngất; Và, còn có thể được trải nghiệm cuộc sống lãng du “ ra ngoài khí quyển, bay trong bầu trời” trên mô hình chiếc đĩa bay đang vận hành trong vũ trụ…Toàn cảnh không gian đó được bài trí mạch lạc thấm đẫm dáng nét tươi tắn của một thiên nhiên phồn sinh, đa sắc, một ngôi làng có hồn cốt dân tộc trải qua các thời kỳ lịch sử.. , một không gian Văn hóa Việt ẩn chứa lớp lớp trầm tích phong thủy, điển nhã nghệ thuật hài hòa.

1-khong-gian-van-hoa-1659797123.jpg
 

Nghe câu chuyện của đôi bạn có máu mê du lịch sinh thái và văn hóa này rất háo hức đến với Không gian Văn hóa Việt của Xứ Thanh.

Thoạt nhìn toàn cảnh phía trước của điểm đến này, cả hai đều thốt lên: “ Choáng! Và “ Quá choáng!”.

Họ đã thêm bối cảnh Không gian Văn hóa Việt ở xứ Thanh vào bộ sưu tập: Những ngôi làng có một không hai trên thế giới.

Họa sĩ, phó giáo tiến sĩ, nhà biên kịch Điện ảnh Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam là một người bạn chí thiết thời đại học của tôi. Chúng tôi dù học khác ngành nghề nhưng gắn bó với nhau bằng một cộng hưởng như thôi miên, đó là cả hai đều yêu văn học nghệ thuật, yêu thiên nhiên, thích quảng giao, du lịch... Bạn bè với Đỗ Lệnh Hùng Tú, tôi được “ nhiễm” từ anh sự đam mê sưu tầm, khám phá những điều mà người ta hay nói là: thú vị và bổ ích, thụ hưởng ở anh công việc làm bếp, nấu nướng ẩm thực vì anh rất khéo tay, có thể tráng trứng mỏng đến mức soi lên thấy cả bóng đèn bên kia; ghép các miếng thịt gà đã chặt lên đĩa thành hình một chú gà luộc còn nguyên như vừa mới vớt trong nồi ra hoặc thái thịt luộc cho món nem cuốn đều, đẹp, chuẩn như từng chiếc tăm…

Hùng Tú đam mê sưu tầm dữ liệu về hình ảnh, nguồn gốc các bức tranh nổi tiếng, các bảo tàng lừng danh trên thế giới từ khi còn là một thiếu niên của lớp năng khiếu hội họa Thủ đô. Khi du học ở Liên Xô cũ và cả sau này khi đã ra trường đi làm, anh đã cho tôi xem hầu hết các sưu tầm nghệ thuật đó. Tôi cực kỳ thú vị và ấn tượng với những bảo tàng mà trong đó có những địa chỉ tôi đã một vài lần đến tham quan, và mỗi khi hết giờ trở ra đều thòm thèm vì mình chỉ mới là một người cưỡi ngựa xem hoa. Đọc các dữ liệu sưu tầm về bảo tàng của Đỗ Lệnh Hùng Tú, tôi thích nhất là ông luôn có những tài liệu truy nguyên về sự ra đời của các bảo tàng lớn có thứ hạng và độc đáo trên thế giới. Cái thì do sự thích thú một bức tranh mà một bậc Mạnh Thường Quân bỏ tiền ra mua để rồi tấm thiện lương thao thiết với nghệ thuật đó là khởi thủy của một bảo tàng; cái thì do một doanh nhân đam mê nghệ thuật hội họa mà xuất vốn ra kiến tạo; cái thì do ý tưởng  xây dựng một công trình nghệ thuật  điểm nhấn để có sức hút cho sự phát triển kinh tế xã hội văn hóa bản địa mà người ta tạo ra một bảo tàng thời hiện đại. Những motif nêu trên có thể thấy trong bộ sưu tập của họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú.

Cách đây hơn 200 năm, một thương nhân người Nga, tên là Trechiacov, một chủ xưởng may ở Moscva, khi mới 24 tuổi đã bắt đầu sưu tập các tác phẩm hội họa điêu khắc và đến năm 1892 ông đã trao tặng 2000 bức tranh cho thành phố Moscva để thành lập bảo tàng. Đến nay tại bảo tàng mang tên Trechiacov đã có 170 ngàn tác phẩm nghệ thuật, xếp thứ 2 trong số 15 bảo tàng đẹp nhất thế giới. Mỗi năm thu hút hại bảy trăm ngàn lượt khách tới xem.

Với bộ sưu tập của Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, chúng tôi còn muốn đề cập tới một trong những bảo tàng lớn nhất trên thế giới tại thành phố Sankt Peterburg, nước Nga- Bảo tàng Hermitage. Nơi phản ánh lịch sử và thành tựu nghệ thuật hội họa của toàn nhân loại.

Tất cả kho tàng vô giá này được khởi đầu bằng bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân của Nữ hoàng Ekaterina 2. Vị Sa hoàng trị vì nước Nga từ 1762 đến 1796 đã cho ngăn riêng một tòa cung điện để tạo không gian lưu giữ bộ sưu tập của bậc vương giả, được đặt tên là Hermitage, tiếng Pháp có nghĩa là “biệt điện hiu quạnh”. Năm 1852, từ phần lớn bộ sưu tập khá lẻ tẻ, người ta đã tập hợp lại và mở cửa cho công chúng được vào thưởng thức Cung hoàng gia Hermitage.

Tập hợp hội họa Tây Âu gồm sáng tác của các họa sĩ thế kỷ XVII-XX, Hermitage trưng bày tác phẩm của những bậc thầy nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng như Leonardo da Vinci, Rafael, Giorgio, Tiziano... Bộ sưu tập tranh Tây Ban Nha của Hermitage có số lượng lớn nhất ở bên ngoài Tây Ban Nha.

Một phần quan trọng của Hermitage là bộ sưu tập tranh các anh hùng năm 1812. Tại đây giới thiệu 322 tấm chân dung của các tướng lĩnh người Nga đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc chống lại quân đội Napoléon, hoàng đế nước Pháp. Những tấm chân dung này là thành quả lao động nghệ thuật của một người Anh nổi tiếng, họa sĩ George Dawe và trợ lý của ông.

Trong Hermitage còn có những hiện vật, không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn mang giá trị khoa học và kỹ thuật đặc biệt. Chẳng hạn, chiếc đồng hồ “Chim công”. Đây không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo mà còn là điều kỳ diệu về kỹ thuật. Khi đồng hồ được vặn dây cót, những chiếc chuông gắn bên trong bắt đầu gióng lên điểm thời gian, và đến thời khắc nào đó, con chim công trở nên sống động, ngẩng đầu nhìn quanh bằng đôi mắt ngọc long lanh và xòe rộng chiếc đuôi dài diễm lệ. Chiếc đồng hồ sản phẩm Anh quốc này do Nữ hoàng Ekaterina II tặng cho một trong những sủng thần của bà là Nguyên soái Grigory Potemkin-Tavrichesky. 

Tuy nhiên, bộ máy đồng hồ vi diệu đã không chịu nổi dằn xóc trong quá trình vận chuyển và bị hư hại. Nguyên soái Potemkin đã giao phó cho người thợ Nga bậc thầy nghệ nhân Kulibin sửa chữa chiếc đồng hồ vô song. Trong quá trình sửa chữa thợ cả Kulibin không những phục hồi mà còn hoàn thiện cơ cấu bên trong. Đã 300 năm trôi qua, chiếc đồng hồ tuyệt vời vô song này chạy liên tục, báo giờ chính xác không sai một giây. Đồng hồ được lên giây cót mỗi tuần một lần, vào ngày thứ Tư ngay sau chính Ngọ.

Ngày nay, khi tham quan Hermitage, du khách thường xếp thành hàng dài chờ đợi để được chiêm ngưỡng “Chim Công” tuyệt đẹp. Đôi khi, hàng người “xem công” kéo dài đến tận Cột Aleksandry - cây cột được dựng lên vào năm 1834 ở chính giữa Quảng trường Cung điện để vinh danh chiến thắng của quân đội Nga trước Napoléon.Đây là cây cột đá nguyên khối cao nhất thế giới. Chiều cao của cột Aleksandry là xấp xỉ 50m. Để dựng được cây cột theo chiều thẳng đứng trên địa bàn này, đã phải huy động sức lực của 2.000 binh sĩ và 400 công nhân. Điều đặc biệt là kỳ quan này vươn thẳng chót vót mà không hề có ốc vít neo giữ, cây cột đứng vững bởi trọng lực của chính nó là 600 tấn, và nhờ tính toán kỹ thuật tinh vi chuẩn xác.

Nhờ có bộ sưu tập phong phú những tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc tuyệt diệu, Hermitage luôn giành thứ hạng cao nhất trong bảng xếp bậc uy tín du lịch. Vị trí của các cơ sở trong bảng xếp hạng tùy thuộc vào sự đánh giá bầu chọn của hàng triệu người hâm mộ du lịch lữ hành từ khắp các nước trên thế giới…

 Có lần ông bạn họa sĩ thân quý có đôi mắt to, sáng long lanh như mắt thiếu nữ đang đón chờ cuộc tình đầu đời đã“ tâm tư” với tôi:: “ Mình đã đi qua Thanh Hóa nhiều lần, nhưng đúng là toàn đi qua, đi qua và đi qua! Chưa hề được một lần nào đến bên cầu Hàm Rồng tận tay sờ vào một nhịp thép, một thanh tà vẹt của cây cầu huyền thoại này; chưa lần nào được đến hòn Trống Mái chụp một bức ảnh bên mối tình đắm say của…đá thiêng có tuổi ngàn vạn năm!”

Tôi đã mời Hùng Tú vào thăm xứ Thanh. Bạn tôi làm nhiều nghề và nghề nào cũng đều có ghi nhận thành công tấm món nhưng khởi thủy nghề lập thân của anh là hội họa. Vì vậy, ngày đầu Hùng Thú vào Thanh, tôi đã đã đưa anh đến thăm thú đến thăm Không gian Văn hóa Việt.

Dù đã dành gần hết buổi sáng cho cuộc tham quan đầy hào hứng, chúng tôi vẫn không đủ thời gian thăm thú kỹ lưỡng từng hiện vật, cảnh quan vì thế một số hạng mục đành phải lướt qua với các động thái chân đi, đầu còn ngoái lại nuối tiếc…

Tôi nhớ mãi một hình ảnh khá ấn tượng là trước khi cả nhóm rời Không gian Văn hóa Việt, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú đã xòe cả hai bàn tay miết dọc một đường sổ xuống tấm đá quý màu ngọc bích kiểu dáng hình chữ nhật nặng đến bốn mươi lăm tấn (45.000 kg), rồi đưa một bàn tay lên ngực trái, người hơi gập xuống, đầu gật gật cùng lời trầm trồ: “Không ngờ trí lực con người lại có thể làm được một việc, tạo ra một vật độc nhất vô nhị như thế này!”…

Trên đường đi ra, ông họa sỹ của những phác họa bối cảnh và tác giả kịch bản của một số bộ phim truyện về đề tài lịch sử đã có thêm một nhận định: Không gian văn hóa này có khá nhiều cảnh quan thiên nhiên, dạng thức kiến trúc cổ và cũ cùng nhiều vật dụng phù hợp để nhà điện ảnh và truyền hình dựng các bộ phim về đề tài lịch sử xa xưa, các bộ phim cổ trang, ca nhạc…

Cảm nhận của họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú về Không gian Văn hóa Việt tại thành phố Thanh Hóa thật thiết thực và có tiện ích lâu dài đối với một loại hình nghệ thuật sang trọng- Nghệ thuật Điện ảnh./.

________________

*Chú thích: Ba ngôi làng là: làng Đông Sơn, làng Dương Xá (còn gọi là Thiệu Dương) và làng Núi Nấp- theo sách Văn hóa làng, do sở Văn hóa- Thông tin Thanh Hóa xuất bản năm 1985.

LNM             

 

 

 

Tùy bút của Lê Ngọc Minh

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/tu-khong-gian-van-hoa-viet-xu-thanh-vai-goc-nhin-ra-the-gioi-a12920.html