Bí mật về trận đánh sân bay Biên Hòa 1972

Khoảng đầu tháng 9 năm 1972, tôi đang là đội viên biệt động U.1, Biên Hòa, dưới quyền chỉ huy của ông Hai Cà Tỉnh đội trưởng, ông Châu Văn Lòng (Tư Lòng) Phó tỉnh đội trưởng thường hay được cử đi công tác với ông Tư.

Một hôm ông Hai Cà cho gọi anh Ba Đời và tôi lại giao nhiệm vụ. Ông nói: - Các anh có nhiệm vụ đi tìm cho được một quả bom lép, sau đó tổ chức cưa để lấy thuốc. Ông nhấn mạnh: - Thuốc ở đây không phải loại trong thân bom ta thường dùng đúc vũ khí tự tạo để đánh địch, mà là loại thuốc mồi cực nhạy đầu kíp trái bom. Thứ này cực kỳ nguy hiểm, sơ ý để nổ coi như... chấm hết. Đó, nhiệm vụ có thế, làm được không? - Ông hỏi. - Dạ được! - Không hẹn trước nhưng cả tôi và anh Ba Đời cùng trả lời một lượt vậy.

chdvh1d-1649734865.jpg

Đại tá , Anh hùng LLVTND Trần Công An kể chuyện truyền thống với học sinh thời đại tá còn sống dưới chân tượng đài Chiến sỹ đặc công ( Cố vấn trận đánh sân bay Biên Hòa 1972). Ảnh do tác giả cung cấp.

 

“Nhiệm vụ có vậy” nhưng quả không dễ dàng tí nào. Sáng hôm sau, ba chúng tôi gồm: anh Đời, anh Quyền và tôi súng đạn trang bị đầy đủ như vào trận đánh. Chỉ có điều mục tiêu không phải đồn bốt giặc hay một trận địa phục kích, tập kích địch đâu đó mà đi tìm bom lép. Đồi núi thì mênh mông, các điểm máy bay thường ném bom cũng rộng và nổ ngay. Còn bom chưa nổ hoặc nổ chậm đều phải xác định cho rõ, bằng không dễ bị toi mạng như chơi. Hy sinh đối với người lính không có gì phải bàn cãi, nhưng hy sinh trong khi chưa hoàn thành nhiệm vụ mới là tai hại cho tập thể đơn vị và phũ phàng lòng tin đối với cấp trên - chua chát lắm. Các tình huống ấy đều được anh em trong tổ cân nhắc và tìm ra lời giải. May là, anh Ba Đời là một đội viên bảo vệ của Tỉnh đội nhưng thường xuyên từng tiếp xúc với vật liệu nổ hàng ngày nên sự nhận diện ở mỗi loại không đến nỗi bỡ ngỡ. Còn tôi trước đó ít nhiều cũng được tìm hiểu về nguyên lý của một số bom, mìn của địch và vũ khí tự tạo của ta. Tuy nhiên, không thể mảy may chủ quan với vật nguy hiểm chết người này. Vả lại, cưa đầu quả bom để lấy một loại thuốc mồi trong kíp thì... lần đầu mới làm. Thôi thì cưa hay đục là chuyện chưa bàn lúc này mà cái chính phải tìm cho được bom lép. Những lúc bình thường thấy chúng lăn lóc chỗ nọ chỗ kia, công binh phải xử lý cho nó “câm hẳn” vì biết đâu, tự nhiên nó phát nổ gây nguy hiểm cho cả mình và dân sản xuất. Ấy vậy mà khi cần tìm đỏ cả con mắt chẳng thấy bóng dáng trái nào, thế có bực mình không chớ. Đó là chưa kể có lúc nhận ra bóng dáng của nó qua một cái lỗ sâu hun hút chui tọt dưới lòng đất.

chdvh2d-1649735010.jpg
AHLLVTND , Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng , nguyên Trung đoàn trưởng Đặc Công 113 đầu tiên 1972. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

cả dăm bảy thước, không thể đào bới để lôi nó lên được. Thế là ba ngày đầu bay vèo mà chưa đưa lại kết quả nào, mặc dầu hàng chục địa điểm máy bay ném bom đều được dò la tìm kiếm. Các vị chỉ huy Tỉnh đội càng nóng lòng chờ đợi hơn cả chúng tôi nữa kia. Có lần anh Ba Đời nói vui nhưng cũng biểu thị lòng quyết tâm rằng: ƣớc gì tụi mình hóa thành con kỳ đà để lần xuống tận quả bom mà lôi cổ nó lên thì hay biết mấy? Cả ba cùng cười như tìm ra được một giải pháp vậy. Thế rồi sang ngày thứ tư, ánh nắng chan hòa làm xanh thắm những rẫy bắp đang trổ cờ chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Trong khi ai nấy đang như kẻ lang thang trong những cánh rừng vừa nghe ngóng đủ thứ âm thanh và quan sát mọi động tĩnh: máy bay trên trời, địch có thể tung biệt kích, thám báo mặt đất nhƣng vẫn không quên dán mắt vào những nơi nào đó để có thể phát hiện ra những trái bom chưa nổ. Gần giữa trưa dường như ai cũng thấm mệt, định tấp vào một bóng râm để nghỉ và ăn cơm nắm mang theo, thì bất chợt thấy một trái bom nằm im lìm phơi mình trên mặt đất lẫn vào bãi cỏ. Kể ra các hãng sản xuất vũ khí Hoa Kỳ cũng khá tinh vi, thân quả bom nó sơn lớp màu dễ đồng dạng với thiên nhiên. Cái vật chết người ghê gớm thế lại nằm lù lù ra đó, vậy mà nhìn sơ khó lòng phát hiện. Từ khi gặp được nó, cả ba cũng quên ăn luôn để vần cho được ra một nơi kín đáo, có bóng cây che khuất. Đến lúc mệt phờ, bụng đói meo mới biết đã hai giờ chiều mà cơm còn nguyên vẹn đeo bên mình. Ăn uống xong xuôi chúng tôi tức tốc trở về báo cáo kết quả ban đầu với ông Hai Cà - người trực tiếp giao nhiệm vụ, ổng mừng hết biết. Tìm được bom đã khó, nhưng tìm cách để lấy thuốc theo ý định thật không đơn giản chút nào. Ở đây có anh Ba Đời là ngƣời có tiếng phá bom, đạn lép để lấy thuốc sản xuất vũ khí tự tạo lại gan lỳ hết biết nổi tiếng cả Tỉnh đội. Nhưng đó là cưa hoặc đục thân bom. Còn cưa đầu quả bom để lấy kíp rồi lại cưa kíp bom để lấy một lượng thuốc mồi cực nhạy trong ấy thì chưa làm bao giờ. Đây là tình huống hết sức khó khăn, rủi ro có thể rất cao, không ngoại trừ chấp nhận hy sinh cả tính mạng. Nhưng vì yêu cầu của nhiệm vụ mà ai nấy đều vui vẻ, tự nguyện. Nhận được báo cáo, Tỉnh đội trưởng Trần Công An chỉ thị phòng kế hoạch xuất kho số lưỡi cưa sắt được chuẩn bị cho Đoàn Đặc công 113 để phá khoá cửa kho tổng kho Long Bình chưa sử dụng tới, vừa rất kịp thời lại giữ bí mật. Sáng hôm sau, thầy và trò cùng khăn gói lên đường, chẳng bao lâu là tới nơi vị trí quả bom. Nếu như loại bom còn mới, chưa bị sét rỉ chỉ dùng dụng cụ kẹp chặt xoay ngược chiều kim đồng hồ thì tháo phần đầu ra để lấy kíp đem về là không mấy khó khăn. Đằng này, vừa bị sét lại bị va đập mạnh ren lại lệch méo không tài nào mở được, đành phải cưa tại chỗ - không thể nào khác được.

chdvh3d-1649735095.jpg
Sân bay Biên Hòa của Mỹ Ngụy bị tập kích 1972. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhìn thân hình quả bom loại 250 ki-lô-gam nằm như một khối sắt gan lỳ câm lặng phải hai - ba người lực lưỡng mới vần được nó mấy vòng. Trong lúc những lưỡi cưa sắt răng nhỏ li ty như con kiến, hai người cần mẫn cưa suốt buổi, suốt ngày cũng chỉ như “gãi ghẻ”, chẳng khác nào trứng chọi với đá vậy. Nửa tuần đi qua mới khuyết được một phần hai đầu trái bom và số lưỡi cưa cũng đã vãn mất kha khá. Nếu dùng hết số lưỡi cưa mà chưa dứt điểm là cả một vấn đề gay cấn. Bởi tổ chức đi mua bổ sung cũng lắm kỳ công và rất nguy hiểm, lỡ may bại lộ thì

nguy hại vô cùng. Thôi thì phải tiết kiệm, nhưng tiết kiệm bằng cách nào? Anh Ba Đời nói: tốt nhất là tích cực tưới nước mát vừa mau đứt lại đỡ hại lưỡi cưa. Một ý kiến đơn giản, rất đơn giản như thế lại dân dã đến vậy mà chưa ai biết. Quả thật, tưới nước vào mạch cưa nhẹ hơn, đỡ nóng tăng tuổi thọ lưỡi cưa. Sau gần bảy ngày kiên trì thay nhau thực hiện, có hôm Tỉnh đội trưởng cũng tham gia cưa với cánh lính tụi này. Một kết quả thật đáng mừng, đầu quả bom được cưa đứt, chiếc kíp lấy ra và ngoan ngoãn tuân theo sự điều khiển của những người có trọng trách. Công việc đầu tiên theo chỉ đạo của tỉnh đội trưởng là anh Ba Đời cẩn trọng, tỷ mỉ tiếp tục cưa sau đó để lấy số thuốc trong kíp bom ra phơi khô, đề phòng lâu ngày bị ẩm. Số thuốc này chỉ vỏn vẹn từ 300 - 400 gram nhưng rất nhạy, có tác dụng kích thích nổ cả khối thuốc khác nên không thể thiếu nó. Trong thời gian bộ phận Tỉnh đội Biên Hòa (U1.) tổ chức đi tìm bom và cưa bom thì anh Chín Tùng, Đoàn trường 113 đặc công cử người về quân khí Miền xin được hai chiếc kíp hẹn giờ MY.10. Loại kíp này rất hiếm nên muốn xin thêm cũng không có. Sau khi về anh Chín giao luôn cho ông Hai quản lý để thực hiện kế hoạch. Ông Hai cho hay: - Được kíp hẹn giờ và có thêm cả kíp bom rồi, bản thân tôi, anh Năm Trang, anh Chín Tùng hết sức mừng, nhưng chưa thể yên tâm bởi còn chờ kết quả thử nghiệm. Sau khi thử một chiếc, nổ ngon lành thế là phần nào gạt bỏ được sự nghi ngại, giúp người thực hiện yên tâm hơn. Mọi việc bước đầu xong xuôi, tôi báo cáo với anh Năm Trang - Bí thư Tỉnh uỷ, anh Năm thông tin cho anh Sáu Biên để chuyển giao cho nội tuyến mật danh H16 ở sân bay Biên Hòa.

Nhân sự kiện này, đại tá - Anh hùng quân đội Trần Công An, dù đã ở tuổi tám ba nhưng tinh thần vẫn tỉnh táo và nhớ rõ từng sự kiện. Ông nói: trước khi tôi xuống chiến trường Biên Hòa với cương vị phái viên của Miền, cố vấn Đoàn Đặc công 113, anh Trần Văn Danh - tham mưu phó Miền lưu ý: sau khi anh về địa bàn quen thuộc, tổ chức cho Trung đoàn 113 đánh thắng một vài trận. Bây giờ là lúc rất cần phải sử dụng hết các cơ sở mật ở dưới đó. Nếu anh không sử dụng sẽ không ai có thể thay anh được. Trong một lần anh Năm Trang cho biết: Sáu Biên có cơ sở mật ở trang sân bay nhưng chưa biết làm sao để đánh. Anh có cách gì giúp đỡ để phát huy hiệu quả? Ý kiến chỉ đạo của anh Ba Trần và tham khảo ý kiến của anh Năm Trang làm tôi suy nghĩ lung lắm. Để có cơ sở là cả một quá trình dày công tạo dựng, có khi đổ cả máu nay có cơ hội cần được phát huy chớ. Tôi nói với anh Năm: để tôi suy nghĩ sẽ trả lời anh. Những ngày sau đó tôi hỏi một số anh em quân báo và nghiên cứu loại bom địch thường dùng để gắn vào máy bay đi oanh kích các nơi thường là loại 250 ki-lô-gam. Từ đó nảy ra trong tôi ý nghĩ phải tiếp sức với H16 bằng hình thức nào đó thích hợp. Tôi liền kêu Nguyễn Văn Đời (Ba Đời) quê Tây Ninh là một đội viên trong tiểu đội vệ binh nhưng thường hay tìm tòi với các loại bom, mìn và sáng tạo các loại mìn để làm vũ khí đánh địch và cài quanh để bảo vệ khu vực phòng thủ của cơ quan đứng chân. Tôi không nhớ hết số vũ khí do Ba Đời tự tạo là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không dưới con số hàng trăm trái đủ các chủng loại. Đó là một hình ảnh có thể nói khá sinh động của một người lính nhà nghèo đánh giặc theo cách của riêng mình.

Thế rồi tôi trao nhiệm vụ này cho anh và Ba Đời đã không phụ lòng tin tưởng của cấp trên và hoàn thành xuất sắc công việc được giao như trên tôi đã đề cập. Lượng thuốc cực nhạy ấy cộng với kíp bom và kíp hẹn giờ được anh Sáu Biên khéo léo chuyển giao đầy đủ cho H16, đó là đại uý Nguyễn Văn Thôn, sĩ quan quân khí của không quân Sài Gòn từ miền Trung về tập huấn kỹ thuật tại sân bay Biên Hòa. Anh là cơ sở nội tuyến của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Được Ban Binh vận Miền bàn giao, Thị ủy Biên Hòa đặt kế hoạch dùng nội tuyến kết hợp với lực lượng vũ trang bên ngoài theo phương châm bí mật và bảo vệ an toàn cho cơ sở bên trong. Lợi dụng công việc chuyên môn của mình, đại úy Nguyễn Văn Thôn đã thực hiện một cách trọn vẹn gắn ngòi nổ hẹn giờ vào đầu quả bom 250 ki-lô-gam đang đặt dưới đống bom chuẩn bị gắn vào máy bay. Trong thời gian này, Mỹ bắt đầu bàn giao sân bay Biên Hòa cho sư đoàn 6 không quân để chuẩn bị về nước. Sân bay còn tiếp nhận nhiều máy bay mới và tổ chức lớp tập huấn các nhân viên kỹ thuật cho sĩ quan không quân Sài Gòn để tiếp nhận bàn giao của Mỹ. Bởi vậy, thời gian này số lượng người ở sân bay và các thùng linh kiện máy bay chuẩn bị lắp ráp cũng tăng lên đột ngột. Sáu giờ sáng ngày 10 tháng 9 năm 1972 giao ban trực cho kíp mới, đại úy Nguyễn Văn Thôn ra về thì đúng 9 giờ sáng hôm ấy quả bom phát nổ. Cùng lúc từ dốc Ông Hoàng, Tiểu đoàn 174 pháo Trung đoàn 113 đặc công đã phóng 3 quả ĐKB theo đồng hồ hẹn giờ vào hợp điểm sân bay Biên Hòa nhằm đánh lạc hướng địch. Quả bom 250 ki-lô-gam phát nổ đã kích thích toàn bộ số bom trên đường băng và số bom gắn vào máy bay trực chiến phát nổ, cả sân bay biến thành biển lửa. 175 máy bay bị phá hủy, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là số linh kiện máy bay chưa kịp lắp ráp đều bị mảnh bom chém nát trở thành phế liệu. Nhiều nhân viên kỹ thuật và giặc lái bị tiêu diệt, rất nhiều nhiên liệu bị đốt cháy. Sân bay tê liệt suốt bảy ngày liền. Các hãng thông tin của Mỹ và phương Tây nhận định: “Đối phương (tức Quân giải phóng) đã gây thiệt hại ghê gớm nhất. Trận pháo kích vào sân bay Biên Hòa có giá trị ngang với một trận tập kích bằng máy bay chiến lược”. Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì, H16 - người trực tiếp thực hiện được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và được Quân ủy Miền kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng.

Theo Trái tim người lính/ Thành Đô (St- Biên tập)/Nguồn : BLL Đoàn Đặc công 113 & BH ĐN

Trần Trọng Thanh - Nguyên chiến sĩ biệt động U.1 - Nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa.

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/ngay-nay-nam-xua-giai-phong-dao-song-tu-tay-chuyen-ke-cua-nguoi-linh-dac-cong-doan-126-a11724.html