Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Ít tiếp thu – Biết rồi khổ lắm nói mãi!

dong-chay-phap-luat-kinh-doanh-2021-1649399934.jpg
 

 

 

Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh” là sản phẩm của VCCI từ năm 2018. Những đóng góp, cải thiện hệ thống văn bản luật Việt Nam của đơn vị này trong những năm qua không hề nhỏ nhưng dường như vẫn không xuể!

Một bức tranh toàn cảnh về pháp luật kinh doanh của Việt Nam năm 2021 hiện ra qua những phát biểu của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công và Trưởng ban Pháp chế Đậu Anh vào Hội thảo cuối tháng 3 vừa qua tại Hà Nội cho thấy những vướng mắc về các văn bản pháp lý ở Việt Nam vẫn như những dòng chảy bất định chưa thể tìm thấy bến bờ.

Đã 4 năm trôi qua kể từ khi dòng chảy pháp luật kinh doanh – một chương trình của VCCI khởi động từ năm 2018 – đã có hàng nghìn văn bản luật được xử lý đơn giản hóa, hàng nghìn ý kiến đệ trình lên các cấp lãnh đạo Bộ ban ngành, hàng nghìn văn bản luật được nới lỏng tháo gỡ bó buộc nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn cho doanh nghiệp. Nhưng từng ấy tưởng nhiều mà hóa ra chưa đủ.

Chủ tịch VCCI, Phạm Tấn Công phát biểu: trong nhiều năm trở lại đây, Nhà nước luôn chú trọng cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh. Nhiều chương trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được tiến hành. Nhưng trong những đề xuất cắt giảm thủ tục, chi phí kinh doanh, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có” hoặc vẫn còn nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý.

Câu chuyện về cái khó được ông Phạm Tấn Công dẫn tại buổi công bố báo cáo, theo đó gói hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có tổng tiền rất lớn lên đến 4.000 tỷ đồng nhưng sau mấy tháng chỉ nhận được có… 3 hồ sơ, có lẽ tại các quy định khó hiểu quá chăng?!

Điểm lại báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), đã chỉ ra hoạt động xây dựng luật đang trong giai đoạn "chuyển tiếp" với số lượng luật và đề xuất xây dựng luật mà VCCI nhận được đề nghị góp ý lần đầu tăng khá cao.

Trong hoạt động xây dựng chính sách năm 2021, xuất hiện lo ngại là dường như đang có xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Điều này thậm chí diễn ra ở một số ngành, nghề vốn từng được đánh giá cao về thành tích cải cách điều kiện kinh doanh. Hiện đang có những đề xuất áp dụng trở lại các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không phù hợp vốn đã được xóa bỏ hay thay đổi trước đây. Theo phản ánh từ doanh nghiệp, một số chính sách vẫn đang tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như xuất khẩu gạo, thẩm định giá. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính thực chất và hiệu quả của hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh mà Nhà nước đang tiến hành, ông Đậu Anh Tuấn nói.

 

ong-dau-anh-tuan-truong-ban-phap-che-vcci-1649399952.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban Pháp chế VCCI

 

Trong những buổi hội thảo về luật kinh tế, không thể thiếu được phản ánh từ các cộng đồng doanh nghiệp – những đơn vị sát sườn nhất luôn chịu tác động trực tiếp của các văn bản pháp chế. Một đại diện của Hiệp hội kinh doanh Chứng khoán Việt Nam đã nêu lên nhận định về sự đổi mới, tiến bộ trong các quy định của ngành chứng khoán. Phát biểu này có thể làm dịu nhẹ không khí trong phòng và đặc biệt đối với cơ quan soạn thảo luật. Nhưng cái được cho là tốt đã thực chất tốt chưa? nếu đem đối chiếu với các sự kiện ngay chiều tối hôm đó (29/3) ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC bị bắt vì những sai phạm “thao túng thị trường chứng khoán”. Và việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng bị bắt trong mấy ngày gần đây vì tội “lừa đảo trái phiếu” lên đến 10.300 tỷ đồng thì những gì gọi là tốt cũng đáng để cho dư luận nghi ngờ. Và chắc chắn nó chưa thực sự tốt.

Dịch COVID-19 là đại dịch trước nay chưa có tiền lệ. Những bất cập trong quy định về giãn cách xã hội, thuốc online, kit test... đã được phản ảnh hồi Tết qua chương trình Táo quân cho thấy tình trạng “Phép vua thua lệ làng” và pháp luật chưa theo kịp đời sống xã hội thời Covid. VCCI đã chỉ ra những quy định trong pháp luật không phù hợp áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh, gây khó khăn, bất cập rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ như thiếu vắng các quy định về bán thuốc online, khám bệnh từ xa, chế độ cho người làm việc ở nhà... Đây đều là các hoạt động cần thiết trong tình hình các biện pháp phòng dịch hạn chế người dân ra ngoài đường.

Hay các quy định pháp luật không phù hợp áp dụng trong thời kỳ này, ví dụ, thời gian làm thêm giờ, yêu cầu giấy tờ khi thực hiện gia hạn giấy chứng nhận lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc...

Rất nhiều vấn đề được đem ra bàn luận tại hội thảo, nghe có vẻ quen thuộc đối với những ai theo dõi sự kiện từ các năm trước. Những “vấn đề dễ và quen” như thế mà Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, ngồi ghế chủ tọa, cũng vẫn lo lắng không khác gì trước đây! Bởi sự tiếp thu của các Bộ Ban Ngành năm qua có xu hướng giảm - tiếp thu thì ít, không tiếp thu lại rất nhiều. Tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” ở các cán bộ ban hành thông tư vẫn diễn ra. Nhưng có thật họ biết rõ những gì mà doanh nghiệp khốn khổ bởi đại dịch đang cần hay không? Số lượng văn bản cần góp ý ngày một nhiều lên, VCCI làm có xuể hay không?

 

toan-canh-dong-chay-phap-luat-kinh-doanh-2021-1649399952.jpg
Toàn cảnh Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021

 

 Lê Cường

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/dong-chay-phap-luat-kinh-doanh-2021-it-tiep-thu-biet-roi-kho-lam-noi-mai-a11657.html