Nguyễn Chánh - Vị tướng huyền thoại

Năm 1957 khi ở tuổi 43 đang hừng hực sức cống hiến, tướng Nguyễn Chánh đột ngột qua đời trong sự tiếc nuối của bao người.

 “Đó là một cuộc đời thật đẹp. Cuộc đời của một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, một vị tướng có đức, có tài, một con người mẫu mực. Anh Chánh mất sớm là một tổn thất lớn của Đảng và của Quân đội ta, tôi mất đi một người bạn chí thiết”- lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

nguyen-chanh-1645235260.jpg
Tướng Nguyễn Chánh

Nguyễn Chánh (1914-1957) sinh trưởng trong một gia đình trung nông tại Đội 6, thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Nguyễn Chánh gắn liền với Mặt trận Liên khu 5, một chiến trường khó khăn về kinh tế, bị quân đội Pháp bao vây tứ bề, cách xa Trung ương, nhưng lại có vị trí chiến lược rất quan trọng. Dưới sự lãnh đạo quân sự của ông, quân và dân Khu 5 đã giành nhiều thắng lợi quan trọng. Trong đó, ông đã chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Kon Tum, đánh thắng trận An Khê, phá tan cuộc hành binh Atlante của tướng Henri Navarre. Chiến thắng này góp phần chia lửa cùng chiến trường Điện Biên Phủ, cùng cả nước đi đến thắng lợi, buộc Pháp phải đầu hàng và rút khỏi Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Nguyễn Chánh nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ (Bộ Quốc phòng) được đánh giá là một vị tướng có tài thao lược cả về quân sự, chính trị và nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật hát bội (tuồng).

Thay đổi cục diện chiến trường Khu V

Tài năng quân sự đã bộc lộ sớm trong con người Nguyễn Chánh khi ông lãnh đạo và chỉ huy Đội du kích Ba Tơ (năm 1945). Tài năng ấy càng nổi bật trong những năm tháng ông lãnh đạo đánh Pháp trên chiến trường Khu V, đỉnh cao là Mặt trận Tây Nguyên năm 1954. Tướng De Beaufort, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Tây Nguyên, khi gặp Nguyễn Chánh tại Hà Nội sau năm 1954 đã phải tôn vinh ông là “người đã làm tôi điêu đứng ở Nam Trung bộ”. Cũng chính tướng De Beaufort đã hỏi Nguyễn Chánh: “Ngài đã qua trường huấn luyện quân sự nào?”. Nguyễn Chánh trả lời chân tình: “Tôi chỉ qua trường thực tiễn đấu tranh cách mạng”.

Đông Xuân 1953 - 1954, quân viễn chinh Pháp đã tung ra hơn 20 tiểu đoàn cơ động mạnh có yểm trợ của phi pháo mở cuộc hành quân Atlante do tướng De Beaufort chỉ huy với tham vọng đánh chiếm toàn bộ vùng tự do Liên khu V.

Với nhãn quan chiến lược, dự báo chính xác, có biện pháp hiệu quả, Tư lệnh Liên khu V Nguyễn Chánh đã xử trí quyết đoán, chính xác các tình huống khẩn cấp trong các trận then chốt như Mang Đen, Đăk-đoa, Thượng An, Đăk-pơ… Kết quả, trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên ở Kon Tum và Gia Lai, ta diệt và bắt hơn 2.300 địch, giải phóng thị xã Kon Tum và vùng chiến lược rộng gần 16.000 km2.

Theo hồi ức của Thượng tướng Trần Văn Quang, chính tướng Beaufort - Tư lệnh quân Pháp ở Tây Nguyên kiêm Tư lệnh chiến dịch Atlante, khi gặp tướng Nguyễn Chánh ở Hà Nội đã phải thừa nhận: “…lúc đó các ông đánh dấn lên thì bắt được tôi”.

Có được những kỳ tích trên chiến trường Liên khu V ấy là nhờ vào đức tính bám sát tình hình thực tế của Tư lệnh Nguyễn Chánh. Chỉ một ví dụ ở thời điểm đỉnh cao là Chiến dịch Đông - Xuân - Hè 1953 - 1954, có ý kiến chỉ đạo cần đánh nơi này hoặc không diệt nơi kia, Tư lệnh Nguyễn Chánh đã trả lời ngay: “Thường vụ đã tin tưởng giao cho tôi làm Tư lệnh chiến dịch thì xin để cho Tư lệnh quyết định trên chiến trường. Ở xa, Thường vụ khó theo kịp tình huống diễn biến phức tạp và mau lẹ”.

Trong trận Đăk-pơ, ngày 24.6.1954, khi quân Pháp rút chạy khỏi An Khê về Pleiku, trong khi tập thể còn chưa thống nhất giữa tiêu diệt toàn bộ hay chặn đánh tiêu diệt một bộ phận, ông đã chỉ đạo Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu (sau này là Thượng tướng): “Đánh tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy”. Kết quả, Trung đoàn 96 đã tiêu diệt hoàn toàn binh đoàn 100 cơ động. Trận phục kích tại cầu Đăk-pơ ghi dấu là trận phục kích lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp…

Nói đến chiến thắng Đắk Pơ, bên cạnh những vị chỉ huy của trung đoàn 96, không thể không nhắc đến bộ tư lệnh mặt trận Bắc Tây Nguyên. Người đứng đầu bộ tư lệnh mặt trận và đồng thời là tư lệnh kiêm chính ủy khu 5 là tướng Nguyễn Chánh. Đây là một vị tướng hết sức đặc biệt, ông có vai trò và tầm ảnh hưởng cực kỳ to lớn ở chiến trường liên khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên).

Sau này, ông trở thành phó tổng tham mưu trưởng, Tổng cục trưởng tổng cục cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông qua đời đột ngột vào năm 1957 khi chưa kịp nhận quyết định phong quân hàm cấp tướng. Lịch sử gọi ông là vị tướng không quân hàm.

Tư lệnh Nguyễn Chánh với Chiến thắng Đăk Pơ

Quá trình thực hiện cuốn hồi ký “Quê hương và đồng đội” của Thiếu tướng Trần Tiến Cung, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục II (Bộ Quốc phòng), tôi được nghe ông kể về Chiến thắng Đăk Pơ ngày 24-6-1954, khi ông là Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát của Liên khu 5. Vị tướng già không quên nhấn mạnh về vai trò của Tư lệnh Liên khu 5 Nguyễn Chánh.

Đầu năm 1954, để kìm chân chủ lực địch không cho chúng ra miền Bắc chi viện, ta mở chiến dịch tiến công lên bắc Tây Nguyên. Mở đầu, ta tiêu diệt một loạt hệ thống đồn bốt của địch tại Kon Tum, buộc quân Pháp phải tháo chạy. Với quyết tâm thực hiện bước hai của kế hoạch Atlante là đánh chiếm lại 4 tỉnh Khu 5 “Nam, Ngãi, Bình, Phú” (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), địch điều binh đoàn 100 đến An Khê (Gia Lai).

Về phía ta, trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình chiến sự, Bộ tư lệnh Liên khu 5 được lệnh thành lập nhiều đơn vị chủ lực mới. Trong đó, Trung đoàn 96 được thành lập ngày 1-5-1954, do đồng chí Nguyễn Minh Châu (bí danh Năm Ngà, sau này là Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu 7), làm Trung đoàn trưởng. Chỉ sau khi thành lập gần hai tháng, Trung đoàn 96 cùng với LLVT địa phương đã lập nên chiến công vang dội: Đánh tan binh đoàn 100 của địch, là chiến công lớn nhất trên Chiến trường Khu 5 lúc bấy giờ. Ta tiêu diệt sinh lực địch, thu nhiều chiến lợi phẩm (375 xe cơ giới, xe tăng).

Theo Thiếu tướng Trần Tiến Cung, Chiến thắng Đăk Pơ còn thể hiện sự tài ba của Tư lệnh Liên khu 5 Nguyễn Chánh. Thứ nhất là nghệ thuật nghi binh, khi đại tá Sóc-canh, chỉ huy binh đoàn 42 của địch, từ Pleiku xuống đèo Mang Yang thực hiện ý định ứng cứu binh đoàn 100, Tư lệnh mặt trận Nguyễn Chánh đã lệnh cho trinh sát kỹ thuật phát lệnh công khai trên mạng thông tin liên lạc của ta cho Trung đoàn trưởng Năm Ngà: “Bây giờ Binh đoàn Sóc-canh đã đến bắc Mang Yang. Tôi ra lệnh cho anh để binh đoàn 100 đó cho đơn vị khác, còn anh tập trung đánh Sóc-canh, đừng cho nó về Pleiku”.

 Sóc-canh bắt được điện nghi binh đã dừng lại, rút về báo cáo chỉ huy.

Thứ hai là tổ chức bảo vệ chiến lợi phẩm. Khi ta đánh xong thì xe tăng, xe thiết giáp của địch bị bỏ ngổn ngang, ùn tắc từng đống, nếu không mang về sớm thì địch sẽ cho máy bay đến phá hủy. Trong khi đó, bộ đội ta chủ yếu là nông dân, nhìn thấy ô tô là chuyện hiếm; giờ đây xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh, xe vận tải… làm thế nào mang đi cho kịp; mặt khác, bộ đội ta vừa đánh xong cũng bị tiêu hao lực lượng, vũ khí phòng không kém. Trước tình hình trên, ta chủ trương cho thương binh, tù binh của binh đoàn 100 nằm tại mặt trận và tuyên bố công khai trên đài thông tin trên. Nếu địch muốn cứu chữa thì cho cứu chữa, nếu thả bom làm thương vong tù binh thì chúng phải chịu trách nhiệm.

Thứ ba là sử dụng lực lượng địch để phục vụ mục đích của ta. Ông đã kêu gọi số tù binh ai là lái xe tăng, xe kéo pháo, xe thiết giáp thì ra đầu hàng sớm để cho về đồng bằng. Lần lượt những tên lính lái xe ra nhận xe, nhờ đó, ta mới gỡ được "mớ bòng bong" chiến lợi phẩm. Cả đoàn xe mấy trăm chiếc, do tù binh lái được bộ đội ta chỉ huy đưa về căn cứ.

Trong trận Đắk Pơ, khi trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu gọi điện lên bộ tư lệnh mặt trận để xin ý kiến chỉ đạo nên đánh một phần hay toàn bộ đoàn xe GM100, ông và phó tư lệnh Nguyễn Đôn đã nhất trí với nhận định của ông Châu và giao cho vị trung đoàn trưởng toàn quyền quyết định. Phó tư lệnh Nguyễn Đôn đã thay ông ra lệnh: "Đánh theo ý kiến của người chỉ huy!"

Sau này, tại Hà Nội, ông đã có cuộc gặp gỡ thú vị với tướng de Beaufort, chỉ huy quân khu Tây Nguyên của Pháp, có thể coi là đồng cấp với ông trên chiến trường.

- Tướng de Beaufort: Tại sao chiến cuộc ở Nam Trung bộ vừa qua chủ lực của tướng quân không đương đầu với chúng tôi ở đồng bằng ven biển mà lại tiến công lên cao nguyên miền Tây?

- Tướng Nguyễn Chánh: Nếu chúng tôi đưa các trung đoàn chủ lực chọi với các ông trên các cánh đồng ven biển, tức là chúng tôi chấp nhận tác chiến theo ý muốn của các ông và phải đánh theo cách đánh của các ông, thì chúng tôi đã thua rồi còn gì!

Còn nếu chúng tôi tập trung chủ lực đánh lên rừng núi Bắc Tây Nguyên, chúng tôi buộc các ông phải đánh theo ý muốn của chúng tôi và đánh theo cách đánh của chúng tôi!

Nguồn bài: Tổng hợp từ báo QĐNDVN và một số báo khác/Bản tin Sao vàng

Theo Trái tim người lính

Nguyễn Cúc

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/nguyen-chanh-vi-tuong-huyen-thoai-a10720.html