Tết quê

Sau vài năm chăm chỉ làm ăn và hàng tháng gửi tiền công về cho gia đình, vào một ngày đẹp trời bà chủ quán phở đã cho em nghỉ việc. Việc này xuất phát từ việc bà chủ để ý, từ một con bé gầy gò đen nhẻm, bây giờ em đã thành thiếu nữ với khuôn ngực đầy đặn và mông nở căng, quan trọng hơn là ông chồng của bà chủ hàng phở luôn liếc nhìn con bé rửa bát và nuốt nước bọt khan.

tet-que-1643122798.jpg
 

 

Phần 1 - Du Xuân

Hà Nội sáng 28 tết.

Mới 6 giờ trời còn chưa sáng rõ, đường phố đã tấp nập người đi lại rồi. Ngày cuối năm, các xe chở đào, quất ở các tỉnh đổ về Hà Nội để bán, chưa kể cơ man nào là hàng gà, hàng cá tạo nên một khung cảnh náo nhiệt. Trời se lạnh nhưng tôi đã thức giấc từ sớm để đạp xe ra bến Kim Liên, bắt chuyến xe về Thanh Hóa ăn tết theo lời mời của cô người yêu mới quen tên là Thắm. Thời đó ga Hàng Cỏ, chợ Trời và bến xe Kim Liên được liệt vào ba địa danh; Mỗi mét vuông có 99 thằng móc túi. Chính vì thế, để an toàn cho chuyến đi du xuân của mình, ngay tối hôm trước tôi đã khâu vào chiếc quần đùi một cái túi con để đựng tiền. Sau đó mới mặc quần kaki ra ngoài. Với chiêu này, bọn móc túi đành vái lạy mà đi tìm con mồi khác. Ra đến bến thì em Thắm cũng đã đợi ngay cổng. Nhìn từ phía sau thấy mông em cộm lên ở bên trái, tôi đoán chắc em cũng nhét mấy tháng tiền lương của mình vào đó theo cách mà tôi đã chỉ bảo. Hôm qua em nói đề phòng móc túi, em sẽ cho tiền vào hai bên ngực, tôi nói, nhét kiểu đó, bọn móc túi vẫn móc được như thường.

Sau khi cậu phụ xe vứt con xe đạp của tôi lên nóc xe cùng với một đống xe khác, chiếc xe Hải Âu cũ nát bắt đầu nhả khói mù mịt và chuyển bánh. Đường về Thanh Hóa không xa, nhưng chạy đến huyện Tĩnh Gia cũng trên 200 km do đường xấu và xe lại cũ nát lên ì ạch chạy từ 7 giờ sáng mà mãi gần 13 giờ chiều mới qua được cầu Hàm Rồng. Đúng 16 giờ xe về đến thị trấn, từ đây chúng tôi đạp xe thêm khoảng 5 km là đến làng của em. Vùng này là huyện ven biển nên nhà cửa khá thưa thớt và không được trù phú như các vùng quê khác, tuy thế tiếng pháo nổ đì đùng cũng thỉnh thoảng vang lên và hai bên đường tôi thấy nhiều nhà đang ngồi trông nồi bánh chưng đang sôi. Không khí tết có vẻ tràn ngập khắp nơi, dù chưa có đường điện nhưng nhiều nhà cũng đã lôi các loại đèn dầu, đèn măng xông ra lau sạch các bóng đèn ám muội, chăng mấy dây hoa nhựa. Trời khá rét nhưng trên đường làng, tôi thấy khá nhiều đứa trẻ chỉ mặc mỗi cái áo còn thì cởi truồng, nhà nào cũng có 4 đến 5 đứa trẻ mũi dãi như vậy, thấy tôi là người lạ bọn trẻ chạy ùa ra ngó nhìn. Đi thêm vài trăm mét là đến nhà em Thắm, từ cửa nhà nhìn thẳng ra xa xa có thể thấy rặng phi lao chắn sóng và bờ biển thất thoáng mấy con thuyền nan, phong cảnh hoang sơ nhưng tuyệt đẹp, lúc đó trời đã chạng vạng tối.

Sau khi chia tay với dòng sông Volga bạc bẽo, tôi chỉ lo làm việc mà không nghĩ đến chuyện yêu đương. Hết giờ đi làm về, theo thói quen tôi lại ra quán nước đầu xóm thả vài con lô, con đề rồi về nhà tắm rửa ăn cơm, đúng 19 giờ lại ngồi hóng kết quả, nếu đề không về con mình đánh, lúc đó tôi lượn quanh xóm một lúc rồi về đi ngủ. Cuộc đời tôi dạo này nhàn tản u sầu như kinh thành Huế vậy, công việc xây dựng khá phát triển do đất nước đã bỏ chế độ bao cấp, để mở rộng việc làm ăn, ông chủ thầu xây dựng đã tuyển thêm nhiều thợ. Nhằm giúp mọi người ổn định cuộc sống, ông có thuê một em chuyên lo việc cơm nước cho anh em thợ thuyền, em này khá ưa nhìn và có nước da bánh mật, vóc dáng nhanh nhẹn khỏe mạnh. Sau này tôi mới biết, em là người cùng làng với vợ của ông chủ. Ngày trước sau khi học xong lớp 3, do nhà đông con nên em được gửi ra Hà Nội làm chân rửa bát thuê cho hàng phở.

Sau vài năm chăm chỉ làm ăn và hàng tháng gửi tiền công về cho gia đình, vào một ngày đẹp trời bà chủ quán phở đã cho em nghỉ việc. Việc này xuất phát từ việc bà chủ để ý, từ một con bé gầy gò đen nhẻm, bây giờ em đã thành thiếu nữ với khuôn ngực đầy đặn và mông nở căng, quan trọng hơn là ông chồng của bà chủ hàng phở luôn liếc nhìn con bé rửa bát và nuốt nước bọt khan. Với sự nhạy cảm của phụ nữ, bà quyết định không để "mất bò mới lo làm chuồng." Em nghỉ đúng lúc ông chủ thầu của tôi cần người, thế là em lại được nâng hạng từ chân rửa bát, chạy bàn lên chức đầu bếp. Hàng ngày sau khi cơm nước xong, nếu rảnh em lại chạy ra phụ tôi nhào vữa và bê gạch, qua trò chuyện tôi biết được em tên là Thắm, nhà có năm anh em thì ba chị gái đã lấy chồng rồi. Hiện còn mình em và cậu em út là chưa có ai, sau này khi yêu nhau em có tâm sự ; ở quê em 19 tuổi là có con bồng con bế rồi, vì em ra Hà nội làm thuê từ bé nên mới chưa lấy chồng, ở quê như vậy là ế rồi.

Tôi quý tính thật thà quê mùa và chất phác của em, khác với tình yêu với em Trinh, ở tình yêu này tôi được em tận tình chăm sóc mà không hề đòi hỏi gì. Nhiều lúc tôi nghĩ, có khi do mình ở hiền gặp lành, chứ với tình yêu trước quá khổ, hết è cổ chở bao tải xơ rau lại đến xách nước từ tầng một lên tầng bốn, rồi đủ thứ khác nữa mà cuối cùng vẫn xôi hỏng bỏng không. Sau vụ đó, tôi thề không dính vào cái bọn nhiều chữ lắm đòi hỏi mà yêu thì nhạt hơn nước ốc luộc pha gừng.

Thấy chúng tôi về, cả nhà em chạy ra mừng rỡ đón chào, nhà quê vốn quý người, không hề có màn vặn hỏi này nọ như lần trước. Ông bố em Thắm nhìn còn khá trẻ tuy râu để dài như ông cụ vậy. Sau khi thăm hỏi và biếu quà, ông giục tôi vào mâm luôn kẻo đói. Mâm cơm ngày áp tết khá thịnh soạn và tươm tất, đặc biệt có món nước mắm Tĩnh Gia chính hiệu, ông bố em Thắm cười và nói; Tôi biết trên Hà Nội các anh chuyên dùng nước mắm không làm từ cá biển, mấy hôm nữa tôi sẽ gửi tặng các cụ nhà anh mấy chai làm quà.

Ăn tối xong tôi mới có dịp ngắm gian nhà nơi em Thắm sinh ra và lớn lên, so với nhiều nhà lá xung quanh thì ngôi nhà này khá tươm tất. Nhà xây gạch dù không có trát và quét vôi, giữa nhà có bàn thờ xây bằng đá ong khá lạ, bên hông có một cửa tò vò nhỏ để cất các đồ không hay dùng đến. Ông bố em khá xởi lởi cầm đèn dầu đưa tôi vào trong buồng rồi mở một cái hòm cho xem, mở hòm ra thấy đầy ắp ngô, khoai sắn và một nửa hòm là thóc. Ông nói, với chỗ lương thực này, nhà không lo giáp hạt tháng ba ngày tám như trước nữa. Chưa hết, ông còn rọi đèn cho tôi thấy bên trong gầm bàn thờ là một bao tải thóc nữa. Sau này tôi mới hiểu, vì tôi từ Hà Nội về nên ông muốn thể hiện là gia đình ông không thuộc diện “ăn rau má, phá đường tàu” và có của ăn, của để dành.

---------

Biết tin có khách từ Hà Nội về ăn tết, ngay từ chập tối từng nhóm người kéo sang hỏi chuyện và coi mặt tô, cũng chả khác gì người ta vào vườn thú ngắm Khỉ, Gấu, Voi vậy. Riêng việc trả lời các câu hỏi cặn kẽ của mọi người cũng khiến tôi phát mệt, đến tầm 8 giờ tối tự dưng tôi muốn đi vệ sinh, ngặt nỗi tôi không dám ra sân vì nhà em có mấy con chó khá dữ. Ngay khi tôi và em đạp xe đến sân nhà, lũ chó quấn quýt với cô chủ bao nhiều, chúng lại gườm gườm và sủa nhặng lên khi thấy tôi, chắc chúng sợ tôi tha mất cô chủ của bọn chúng. ngại ngùng mãi rồi tôi cũng khẽ hỏi em Thắm:

-Nhà vệ sinh chỗ nào nhỉ, anh cần...?

Em nhìn tôi khẽ cười rồi nói:

-Em quên không nói trước với anh, thôi mình đi rồi em dẫn đường .

Vừa đi em vừa kể, phong tục làng em không có nhà vệ sinh chung bao giờ, ai có nhu cầu thì ra cái gò đất cuối làng. Quy định là nam tả nữ hữu, trên gò có phân chia như thế. Để cho kín đáo, ngay giữa gò có cái hàng rào nhỏ trồng cây leo, người bên này vẫn có thể nói vọng sang bên kia.

Ối giời, đúng là chuyện lạ

Mò mẫm ra được đến gò, từ xa cách đó chục mét đã thấy bốc mùi rồi. Cũng theo quy định, mỗi người phải bẻ một cành cây cầm trên tay, ai giải quyết nỗi buồn xong sẽ cắm vào đánh dấu cho người đến sau tránh không dẫm phải. Đây là kinh nghiệm của các cụ trong làng ngày xưa có đi thanh niên xung phong thời chống Mỹ, hễ bom rơi mà chưa nổ, các cụ sẽ cắm cờ báo hiệu, sau này phục viên về làng, các cụ truyền bá lại kinh nghiệm quý báu này.

Dưới ánh đèn pin của em Thắm cầm trên tay, chúng tôi lên gò và rẽ sang hai hướng khác nhau. Ngay ở trên gò cả hai bên tả hữu, tôi thấy lập lòe khá nhiều ánh đèn dầu. Tiếng chào hỏi râm ran cả một góc làng, ngồi một lúc tôi luôn miệng phải chào hỏi mấy người lành, bởi vị họ quen mặt tôi do buổi tối vừa gặp nhau ở nhà em Thắm xong. Ngó sang ánh đèn dầu lập loè bên phụ nữ, tôi thấy em Thắm chốc chốc lại nhổm mông trắng hếu lên chào hỏi các bà, các mợ trong làng.

Mọi người vừa ị vừa hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện, và bàn chuyện ăn tết. Tranh thủ lúc nhàn rỗi này, các mẹ còn phổ biến kinh nghiệm nấu cỗ tết với nhiều món ngon nữa chứ. Theo tục lệ, bọn trẻi phải nhấc mông nhổm dậy chào người lớn tuổi, còn các mợ, các bà chỉ đáp lời còn không phải nhấc mông. Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Quả không sai.

tet-que2-1643122798.jpg
 

Phần 2 - Hương vị tết

Tĩnh Gia ngày 29 Tết.

Mới sáng sớm trong khi tôi còn say giấc nồng, bất chợt tiếng người lao xao, tiếng lợn kêu ầm ĩ vang lên cộng thêm tiếng chó sủa khiến tôi phải thức giấc. Đang đấu tranh tư tưởng ngủ tiếp hay dậy thì em Thắm đã thò tay vào chăn xoa khắp người tôi rồi nói:

- Anh dậy ăn sáng, hôm nay nhà đụng lợn.

Trong lúc ăn sáng, tôi đã thấy ông bố em và mấy người khác đã xẻ xong thịt lợn và chia thành sáu phần bằng nhau. Cỗ lòng và tim gan sẽ được nấu nồi cháo to đùng cho sáu nhà hàng xóm trưa nay liên hoan.

Thấy tôi ngạc nhiên ông nói:

- Phong tục ở đây là vậy; đói quanh năm nhưng no ba ngày tết. Nhà chú cùng năm nhà khác chung nhau mổ lợn, ai gói bánh thì gói, ai nấu đông hay giã giò thì tùy. Riêng nhà chú có món bánh chưng nhân thịt Ngan ngon tuyệt, chút cháu ăn thử nhé.

Quả  thật từ bé đến giờ lần đầu tiên tôi được xơi món bánh chưng với nhân bằng thịt gia cầm. Ngon đâu chả thấy, tôi cảm giác nó rất ngang và khó ăn, mùi vị lại không được như bánh chưng truyền thống. Ăn sáng xong, sau một chầu nước trà xanh với kẹo lạc, ông bố em Thắm dắt tôi đi dạo quanh làng. Ngầm ý của ông là khoe bạn trai của con ở Hà Nội mới về. Đường làng tấp nập người đi lại. Hầu như nhà nào cũng đang tất bật gói bánh, giã giò hay chặt thịt để chế biến cỗ. Khắp làng chốc chốc lại vang lên tiếng pháo, kèm theo là tiếng chó sủa, mùi thuốc pháo quyện với mùi bánh chưng, chưa kể bếp nhà nào cũng đang tỏa khói trắng làm nên một kỉ niệm khó phai. Khắp nơi dù chưa đến tết nhưng đám trai làng đã tụ tập từng nhóm để đánh bạc ăn tiền.

Ông bố em khẽ giải thích:

- Bọn này quanh năm đi làm thuê ngoài Hà Nội, có đứa vào tận Sài Gòn và lên cả Tây Nguyên để trồng hồ tiêu và cà phê cho người ta. Dịp tết về là tụ tập nhậu nhẹt và bài bạc, ra tết hết tiền lại bắt xe ngược xuôi làm ăn, hầu như năm nào cũng vậy.

Dẫn tôi ra quán xay xát gạo ngay đầu làng, ông thì thào; Ông chủ quán này đã già rồi, lại không có ai theo nghề. Ra tết chú sẽ cho thằng con trai út ra đây học nghề và mua lại cửa hàng luôn. Thằng cu út năm nay mới 14 tuổi, nhưng cũng chỉ học hết cấp một là ở nhà. Vì là con trai nên bố em Thắm không muốn cho nó ra Hà Nội làm thuê, sợ nó hư người, nếu làm việc tốt chỉ cần 17 tuổi là có thể cưới vợ được rồi. Bố em Thắm phân tích, dân làng ở đây khi nào ăn mới đem thóc đi xay  không giống trên Hà Nội các anh phải ăn gạo mậu dịch kém chất lượng,  xay xát không đảm bảo. Vui chuyện ông kể, khi xưa đã từng buôn gà về Hà Nội bán ở chợ Bắc Qua, chợ Hàng Bè, sau này chuyển sang buôn nước mắm và mắm tôm xanh, đặc sản của Thanh Hóa, vậy nên nói khu nào ở Hà Nội, ông đều rất rành và tự hào vì mình cũng là người được đi nhiều nơi.

Ngày xuân không vội, cứ vừa đi ông vừa kể về từng đứa con của mình với niềm tự hào không nhỏ; mấy cô con đầu, hồi chưa đến 18 đã có người đến dạm hỏi và bây giờ ông có 4 đứa cháu ngoại. Tôi biết ý ông nhắc khéo chuyện em Thắm, đến tết này là sang tuổi 20, ở quê như vậy cũng coi là cứng tuổi. Nếu ở làng chắc em Thắm cũng không có ai đến dạm hỏi, vì đi làm xây dựng người ta e ngại. Thiên hạ có câu “gái công trường như giường bệnh viện” nên khi thấy tôi về nhà chơi, đúng là cả gia đình hết sức vui mừng.

Ngày mai là 30 tết, theo kế hoạch tôi sẽ ăn bữa cơm tất niên với gia đình em Thắm trước khi quay về Hà nội đón tết cùng gia đình. Vui miệng ông khoe;  3 năm nữa mới đến tuổi 50,  nhưng ông được các cụ trong làng quy hoạch vào ban quản lý đền. Ông nói; các cụ khôn chán, nếu có quy hoạch chọn người kế nhiệm, chỉ thích chọn đứa nào ngu hơn mình để sau còn dễ sai bảo. Mấy ông thầy giáo nhiều chữ, mấy ông bộ đội phục viên sẽ không bao giờ được chọn, vì các ông ý cậy mình hay chữ nên hơi tí là kiện cáo lôi thôi. Khi tròn 50 tuổi, ông sẽ làm lễ khao cả làng, gọi là lễ khao lão. Lúc đó chính thức lên hàng các cụ, được mặc áo the khăn xếp màu lam và đứng chân bồi tế trong các kì lễ hội., chủ tế dành cho ông 70 mặc áo thụng đỏ.

Tôi nghĩ thầm, gớm quê tôi 50 tuổi vẫn đi nhảy đầm và bồ bịch như cơm bữa, ở đây 50 tuổi đã lên hàng bô lão, quả là mỗi nơi một phong tục khác nhau. Người ta hay nói “giàu khoe chó, khó khoe con” quả không sai. Cả buổi sáng tôi được nghe ông quảng cáo con gái với nhiều đức tính tốt đẹp này nọ, chắc ông hy vọng chuyện tôi và em Thắm sớm đến ngày chốt hạ.

***********

Trưa hôm đó, ngay tại sân nhà em Thắm, sau khi nhốt lũ chó dữ ra sau nhà, toàn bộ sáu gia đình quây quần bên nồi cháo lòng thơm phức và các đĩa lòng dồi, tiết canh ngon tuyệt, kèm theo đó là món thịt vụn chưng mắm tôm xanh, nem chua cùng nhiều loại đồ ăn khác, không khí náo nhiệt tưng bừng, cũng giống như trên Hà Nội.  Sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thứ đồ uống được ưa chuộng của mấy bợm nhậu là bia Vạn lực của Trung Quốc, nó được tiêu thụ còn mạnh hơn cả bia 333 và bia Hà Nội.  Ăn xong tôi và em Thắm dắt tay nhau ra ruộng chơi, năm hết tết đến cho nên dù mới đầu giờ chiều, ở ngoài này vắng tanh không một bóng người. Từ xa tôi thấy có một cái lều canh vịt chạy đồng của ai bỏ không,  tối nhấm nháy em Thắm chui vào lều ngồi tâm sự. 

Ngồi trong lều tôi nghe thấy xa xa vẳng lại tiếng loa truyền thanh của xã đang phát bài hát “Thanh Hóa anh hùng” với tiếng hò khoan nhịp nhàng và tha thiết:

“Dô tá dô tà

Dô tá dô tà

Ế dô khoan ta dô ta huầy huầy ta huầy huầy ta

Ai về Thanh Hóa, Dô tá dô tà.

Thanh Hóa anh hùng

Khoan hời hò khoan, ê dô khoan ta hò khoan

Miền quê (chứ) Lê Lợi

Ê dô khoan ta dô khoan.....”

Mặc cho những cơn gió mùa đông bắc thổi mạnh từng đợt giữa đồng không mông quạnh, trong túp lều không khí lại vô cùng nóng hổi.

tet-que3-1643122798.jpg
 

Phần 3 - Sư Ông chùa làng

Sau một hồi “tâm sự không giới hạn”, hai đứa chúng tôi chui từ cái lều chăn vịt ra để về nhà không mọi người lại mong. Chiều 29 tết nhà em Thắm có đông đủ cả ba cô chị gái lấy chồng trong làng và làng bên về hội tụ cùng đàn con ríu rít. Khỏi phải nói không khí vô cùng náo nhiệt, qua mấy tuần trà tôi được biết người anh rể cả của em Thắm là một lực điền chính hiệu, ngoài những vụ cấy hái ra, lúc nông nhàn anh ta làm thợ đấu cho các lò gạch quanh vùng, bố này uống rượu thì quỷ khóc thần sầu. Ông anh rể thứ hai được quý nhất nhà vì theo nghiệp của bố vợ đi buôn gà từ Thanh Hóa về Hà Nội, còn ông anh rể thứ ba thì là tài xế. Nghe nói là tài xế tôi rất ngưỡng mộ, vì hồi đó lái xe quá cảnh sang Lào hay đánh hàng về bán nên cực giầu, còn nếu chạy xe khách đường dài cũng kiếm ăn được.

Tôi khẽ hỏi làm quen:

- Anh hay chạy xe tuyến nào nhỉ, xe khách hay xe tải chở hàng?

Ông anh rể đó của em chỉ ậm ừ không nói gi, chắc ngại nói sợ mang tiếng khoe của. Sau tôi mới biết, hắn lái xe công nông chuyên chở hàng nông sản lên thị trấn rồi chở gạch, vôi, xi măng về làng, thảo nào hỏi không trả lời. Chiều 29 tết đó, ba ông con rể một ông ứng viên con rể thứ tư là tôi và ông bố vợ ngồi đánh chén với nhau ngay giữa nhà, đám phụ nữ và đàn cháu lít nhít bị tống xuống bếp ngồi ăn và buôn chuyện với nhau, riêng thằng cu út được dự phần hóng hớt cùng mâm với các anh rể.

Rượu vào lời ra, thôi thì lúc đầu mấy ông rể còn giữ ý, sau một hồi chén chú, chén anh thì bắt đầu bóng gió xỏ xiên nhau, hoặc là mượn rượu để xả cho bõ tức. Ông bố em Thắm lúc đầu còn lên giọng bề trên để răn dạy mấy thằng con rể, sau khi uống nhiều cũng bắt đầu líu lưỡi nói không thành tiếng. Mấy tên con rể cũng chả rõ là vô tình hay cố ý, thay nhau dúi đầu ông bắt uống rượu phạt vì tội nói nhiều; câu “bố vợ phải đấm” chắc bắt nguồn từ đây chăng? Dân miền biển quen ăn sóng nói gió, nếu đi ngang qua nhà em Thắm, chắc mọi người tưởng đang có vụ đánh nhau to cũng nên.

Tôi làm khách nên cũng uống ít, thấy các vị này có thể ngồi đến nửa đêm, nên tôi xin phép đứng dậy. Đang cơn say, các vị mải lè nhè cãi nhau chả ai buồn để ý. Lượn qua bếp tôi nháy em Thắm đi chơi, dù sao mang tiếng về quê ăn tết mà cứ ngồi mãi trong nhà đâu có vui thú gì. Theo lời em kể, làng có ngôi chùa cổ mấy trăm năm tuổi rất đẹp, em rủ tôi ra vãn cảnh chùa, ở quê cũng không nhiều chỗ để đi nên tôi đồng ý.

Trên đường ra chùa em có kể, sư Ông trụ trì còn trẻ và tốt tính, mỗi tội ngài cũng máu lô đề, cờ bạc lắm, tiếng đồn trong làng như vậy còn em không rõ thực hư. Tưởng gì, nếu đúng như vậy thì tôi và sư Ông đảm bảo sẽ bắt sóng nhau nhanh lắm. Tự nhiên tôi thấy phấn chấn lạ thường.

Chùa làng khá nhỏ và nép mình dưới mấy cây mít, cây nhãn. Ngày tết nên chùa mở cửa suốt ngày đón khách thập phương và bà con trong làng ra làm lễ cầu an. Tiếng mõ, tiếng chuông cùng với tiếng tụng kinh của các bà vãi già tạo ra một cảm giác yên bình, chưa bước vào cổng chùa đã thấy mùi hương trầm thơm ngát. Trong lúc đợi em Thắm vào khấn vái, tôi tranh thủ đi dạo quanh sân chùa để vãn cảnh cho thư thái sau một buổi chiều phải lao động nặng nhọc.

Khi ngang qua nhà tổ, tôi thấy vị trụ trì đang ngồi đọc sách.

Nhìn thấy tôi, sư Ông liền hỏi:

-Nhà chùa thấy thí chủ người vùng khác?

Dạ vâng, tôi là khách thập phương thôi.

Sư trụ trì còn khá trẻ và sành điệu, lấp ló trong ống tay áo cà sa là con đồng hồ SK thần thánh, riêng con đồng hồ này cũng bằng cả một gia tài rồi, Sư chùa làng mà lắm tiền quá, tôi nghĩ một là tiền của thập phương công đức, hai là tiền trúng con đề nên mới ăn chơi vậy. Mở đầu câu chuyện hai chúng tôi chỉ nói vài câu xã giao thôi, thấy sư Ông khoe là hàng năm ngài được về Hà Nội để học hạ, tôi đoán chắc khi về Hà Nội học, ngài nhiễm thói hư tật xấu ở đó.

Sau khi lễ xong, em Thắm ra chào sư Ông và xin phép ra về. Trước khi từ biệt tôi ghé tai sư Ông nói thầm:

-Sau tết, sư Ông cứ nghe em nuôi con đề 36 kiểu gi nó cũng ra, chắc chắn luôn.

Mắt ngài bừng sáng thấy rõ, nhưng miệng vẫn niệm chú;

Mô Phật, nhà chùa cũng chúc thí chủ Năm mới Vạn sự Như ý. Trên đường về, tôi và em Thắm chui rúc vào đống rơm một lúc để sưởi ấm cho nhau, ai bảo gió mùa Đông Bắc lại ở vùng biển nên có phần lạnh hơn chỗ khác.

Mới sáng ba mươi nhưng chú tiểu của chùa đã đến tận nhà em Thắm, chú tiểu chuyển lời của sư Ông mời tôi sang chùa dự bữa cơm chay tất niên, việc này khiến cả nhà em kinh ngạc và có phần kính nể. Đáng ra trưa nay tôi sẽ dự bữa tất niên tại nhà em rồi bắt xe về Hà Nội cho kịp đón tết. Nhưng vì lòng thành kính với trụ trì nên mẹ em Thắm cũng biện một lễ nhỏ để tôi mang sang thắp hương ban Tam Bảo và dùng bữa luôn ở chùa. Em Thắm định đi cùng nhưng tôi ngăn lại, vì tôi biết rõ sự biệt đãi của sư Ông là có lý do của nó. Dân cờ bạc bắt sóng nhau nhanh lắm, điều này tôi đã dự báo trước rồi.

Quả đúng không sai, gọi là cơm chay nhưng vẫn có đồ mặn để tôi dùng. Sau khi điều chú tiểu xuống bếp, hai chúng tôi vừa ăn vừa luận về lô đề, quả thật kiến thức lô đề của sư Ông cũng chả kém gi của tôi, kẻ tám lạng người nửa cân. Chúng tôi vừa ăn, vừa mang sổ ra tính toán về những con đề có khả năng sẽ nổ ngay đầu năm mới. Việc luận các giấc mơ để tính số đề thì sư Ông cũng mua được một cuốn ở Hà Nội. Nhằm tránh bọn hay để ý linh tinh, sư Ông cho đóng bìa cứng cuốn “luận các giấc mơ thành số đề” rồi dán ra ngoài bìa thành cuốn Bát Nhã Tâm Kinh. Đúng là cao tăng nên ngài tính xa vài chục bước, tôi nể phục khoản này nhất.

Cả hai ăn uống vui vẻ và thống nhất cao về con đề 36 mà tôi đã nhắn cho ngài tối quá. Nhưng để cẩn thận và chắc chắn, sư Ông nói vẫn phải đánh lộn thêm con 63 và xin lô cả con bóng nữa. Vâng, ngài nhiều tiền thì ngại gì việc nuôi con đề vài tháng. Sư Ông tiếc là biết tôi hơi muộn, nếu không ngài sẽ giữ tôi lại ở chơi trong chùa nửa tháng, để hai bên tối ngày đàm đạo về thế sự lô đề.

Quá Ngọ, chúng tôi chia tay nhau trong lưu luyến, sư Ông cũng hẹn khi nào về Hà Nội học hạ, sẽ tìm tôi để hàn huyên tiếp những chỗ còn chưa sáng tỏ. Tiếng lành đồn xa, việc tôi được sư Ông mời ăn cỗ chay tất niên đã gây xôn xao cả vùng quê nhỏ bé. Ai cũng trầm trồ, xuýt xoa khen em Thắm tốt số chọn được hiền tài. Người vui nhất tết năm đó, không ai khác chính là ông bố của em, nhà quê vốn quý người nhất là người tài như tôi. Ở nhà em Thắm, mọi người cũng đang chuẩn bị quà để tôi mang về nhà. Tên anh rể thứ hai của em thân chinh đánh xe công nông chở tôi với đống quà cáp và con xe đạp ra thị trấn Tĩnh Gia để bắt xe về Hà Nội, đương nhiên em Thắm cũng đi tiễn cùng, khắp nơi pháo nổ râm ran báo hiệu tết đã về sát lắm rồi.

Chiều 30 tết, xe khách chạy ra Hà Nội đều chật ních người và hàng hóa. Đứng suốt 30 phút mà chưa bắt được xe, tôi đang lo lắng thì có một con xe tải chạy qua.

Phụ xe ngó đầu ra hỏi:

- Có về Hà Nội không.

Mừng quá tôi gật đầu, xe dừng hẳn để phụ xe vứt con xe đạp và đống quà tết lên thùng xe. Ngó vào ca bin tôi thấy, bên cạnh lái xe có một em buôn chuyến ngồi kẹp giữa bác tài và phụ xe, chắc em này có nhiệm vụ giữ ấm cho tổ lái đường dài. Khi leo lên thùng xe, đã có hơn chục người đang ngồi co cụm một góc để tránh gió lùa. Tôi giơ tay vẫy chào em Thắm và tay lái công nông trong khi chiếc xe tải lao vút về hướng Hà Nội trong một chiều của năm cùng tháng tận.

"Ai về Thanh Hóa, dô tá dô tà

Thanh Hóa anh hùng

khoan hời hò khoan,

ê dô khoan ta hò khoan"

Ps/ Kể từ ngày em Thắm lên xe hoa với sư ông, tôi không còn gặp em lần nào nữa.

 

Chuyện làng quê

Bùi Ngọc Phúc

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/tet-que-a10147.html