Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 5)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

 Kỳ 5.

Lê Chiêu Tông hỏi:

-Ai vậy?

-Dạ, bẩm hoàng thượng, đó là Vũ Xuyên Hầu Mạc Đăng Dung hiện đang trấn thủ Hải Dương.

Lê Chiêu Tông lại hỏi:

-Khanh biết gì về Mạc Đăng Dung?

ch-mac-dang-dung-1642950244.jpg

Tranh minh họa Mạc Đang Dung cầm Long đao. Nguồn: nghiencuulichsu.com

 

-Dạ, muôn tâu. Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão 1483, cuối thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức. Quê quán Mạc Đăng Dung ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dung, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, là con cháu 7 đời của lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi đời Trần Anh Tông. Mạc Đỉnh Chi giữ chức Nhập nội hành khiển, Thượng thư môn hạ, Tả bộc xạ kiêm trung thư lệnh, Tri quân dân trọng sự. Mặc Đỉnh Chi làm quan thanh liêm, tiếng tăm lừng lẫy một thời. Nhưng đến đời cha của Mạc Đăng Dung là Mạc Hịch thì nghèo nàn, sống nơi thôn dã. Mạc Đăng Dung thời trai trẻ làm nghề đánh cá nhưng có võ nghệ và sức khỏe. Thời Lê Uy Mục, Dung dự thi môn đấu vật, trúng đô lực sĩ xuất thân trong kỳ thi tuyển võ sĩ, được tuyển vào đội túc vệ theo xe che ô cho nhà vua. Năm 1508, Mạc Đăng Dung được phong làm Đô chỉ huy sứ vệ thần vũ, năm 1511 được phong tước Vũ Xuyên Bá, năm 1518 được phong Vũ Xuyên Hầu. Quá trình làm quan Mạc Đăng Dung tỏ ra là người trung thành, vì lợi ích của triều đình, ví như trước đó có Trần Khắc Chương dùng đạo thiền Vũ thiên bồng mê hoặc bách tính. Dung dâng sớ tâu lên vua xin trị tội. Vua nghe theo đã diệt trừ Trần Khắc Chương, tín đồ và những quan lại đi theo. Năm 1517, Thiệu Quốc công thái sư Lê Quảng Độ đầu hàng Trần Cao bị bắt, Dung dâng sớ xin trị tội Độ tội bất trung.

Cối Khê Bá Lê Đại Đỗ tâu tiếp:

-Muôn tâu hoàng thượng, nhưng Mạc Đăng Dung lại thông gia với Trần Chân. Con gái Trần Chân lấy con trai của Mặc Đăng Dung là Mạc Đăng Doanh, mà hoàng thượng lại vừa giết Trần Chân. Thần cho rằng không ổn.

Lê Nghĩa nói:

-Trần Chân khi đó là quan phụ chính, nắm quyền Tiết chế, thế lực cực lớn, các quan địa phương ai mà chả muốn kết thân. Dù là thông gia nhưng Mạc Đăng Dung cũng không hết lòng vì Trần Chân đâu. Như Trần Chân liên minh với Mạc Đăng Dung để đánh Nguyễn Hoằng Dụ nhưng chính Dung đã thả cho Dụ thoát về Thanh Hóa để tạo thế đối lập với Trần Chân có lợi cho Mạc Đăng Dung.

Lê Đại Đỗ nói:

-Như thế trong thời loạn lạc này, Mạc Đăng Dung đang có những mưu tính để tạo thế có lợi cho mình. Tham vọng và mưu đồ của Mạc Đăng Dung không phải nhỏ. Mong hoàng thượng suy xét.

Lê Chiêu Tông nói:

-Cũng chưa rõ Mạc Đăng Dung là người thế nào, nhưng trong cơn hoạn nạn hiện nay, ngoài Mạc Đăng Dung thì còn ai có thể dẹp được bọn Nguyễn Kính và bọn phản loạn Trần Cảo?

-Hai khanh Hà Văn Chính và Lê Đại Đỗ nghe chỉ:

-Dạ.

-Hai khanh về Hải Dương mời Mạc Đăng Dung về triều cứu giá.

-Hạ thần tuân chỉ.

Hà Văn Chính cho người đi trước về Hải Dương báo cho Mạc Đăng Dung biết. Hai đại thần đi kiệu còn cách trấn trị Hải Dương hai dặm đã thấy hai người em của Mạc Đăng Dung là Mạc Đốc và Mạc Quyết dẫn 100 lính ra đón. Khi đến nơi, Mạc Đăng Dung ra tận cổng phủ đường đón. Theo thông lệ Hà Văn Kính nói lớn:

-Vũ Xuyên Hầu Mạc Đăng Dung tiếp chỉ:

Mạc Đăng Dung sửa áo mũ qùy xuống. Mạc Đốc, Mạc Quyết, quan lại, lính tráng trong phủ đường đều quỳ theo. Hà Văn Chính mở tờ lụa màu vàng viết chữ đen và dõng dạc đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, nay triệu hồi Vũ Xuyên Hầu Mạc Đăng Dung về kinh sư hộ giá Thiên tử. Khâm thử. Niên hiệu Quang Thiệu năm thứ 3”.

Mạc Đăng Dung lạy đáp lễ nhận chiếu chỉ và nói:

-Thần tuân chỉ, tạ ơn hoàng thượng.

Nhận chỉ xong, Mạc Đăng Dung và mọi người đứng dậy, mời hai đại thần chia nhau chủ khách uống trà. Mạc Đăng Dung gọi:

-Bay đâu.

-Dạ, bẩm Tổng trấn.

-làm cơm rượu ngon ta đãi thượng khách của triều đình.

-Dạ.

Xong lượt trà, Hà Văn Chính nói:

-Nghe đại danh của Vũ Xuyên Hầu lâu rồi nay mới được gặp.

Mạc Đăng Dung đáp:

-Không dám, hạ quan thật là vinh hạnh được đón tiếp hai đại nhân ở đây.

Ba người cơm rượu vui vẻ xong, Mạc Đăng Dung mặc chiến bào nâu, áo giáp sắt, mũ sắt nhọn, mang thanh đại đao nổi tiếng nặng 37 cân, gọi là Định Nam Đao lên ngựa điểm quân rầm rộ tiến về Đông Kinh. Hà Văn Chính và Lê Đại Đỗ quan sát thấy Dung người cao lớn, lực lưỡng, mặt vuông, tai dài, mày rậm, đôi mắt sáng quắc khôn ngoan. Cả hai đại thần đều cho rằng Dung là anh hùng trong thời trị và gian hùng trong thời loạn. Tướng mạo Dung chứa đựng những tham vọng bá vương rất lớn. Mạc Đăng Dung đem theo ba vạn quân bản bộ và các tướng lĩnh tâm phúc như em là Mạc Đốc, Mạc Quyết, con trai là Mạc Đăng Doanh,  các tướng tâm phúc như Phạm Tử Nghi, Lê Bá Vi…Mạc Đăng Dung cho thủy quân đóng ở dòng Bắc sông Hồng, bộ binh đóng doanh trại ở Bồ Đề. Sau đó Dung vào yết kiến vua Lê Chiêu Tông. Gặp vua, Dung vội quỳ xuống hành lễ:

-Bẩm hoàng thượng, thần Vũ Xuyên Hầu Mạc Đăng Dung, Tổng trấn Hải Dương, chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

Vua Lê Chiêu Tông nói:

-Miễn lễ, ái khanh đứng dậy đi.

-Thần đa tạ hoàng thượng.

Mạc Đăng Dung đứng dậy. Lê Chiêu Tông khi đó mới nhìn rõ Mạc Đăng Dung, quả nhiên xứng đáng là một đô lực sĩ, trạng nguyên võ, oai phong lực lưỡng, mặt to tai lớn. Nhìn Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Tông bỗng nhiên cảm thấy hoảng sợ, lo lắng. Mạc Đăng Dung cũng nhìn kỹ vua Lê Chiêu Tông. Đó là vị vua còn quá trẻ, nếu vua sinh năm 1506 thì năm nay mới 14 tuổi. Vua trẻ lại bất tài, đa nghi, các đại thần tài giỏi như Trần Chân và một số người khác bị vua nghe lời dèm pha của bọn gian thần mà giết hết. Nhìn tình cảnh triều đình đầy quan viên nhưng trống rỗng, nhân tài vắng bóng, Mạc Đăng Dung vui mừng trong bụng vì âm mưu bước lên ngai vàng của Dung càng dễ dàng thực hiện, không bị ai cản bước mà khâu đầu tiên là phải diệt trừ hết những vây cánh trung thành với Lê Chiêu Tông còn lại, đưa và bổ nhiện tay chân vây cánh của Mạc Đăng Dung lấp kín triều đình, khi đó bước tới và ngồi vào ngai vàng dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật.

Lê Chiêu Tông gọi:                                                     -Người đâu, mở yến tiệc mừng Vũ Xuyên Hầu Mạc Đăng Dung về triều hộ giá.

-Dạ, tuân lệnh hoàng thượng

Mạc Đăng Dung chắp tay hành lễ:

-Thần đa tạ hoàng thượng.

Sau đêm tiệc của triều đình chiêu đãi, sáng hôm sau Lê Chiêu Tông thiết triều bàn việc đánh bọn Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Trịnh Tuy, Hoàng Duy Nhạc và tay chân của Trần Chân còn lại. Mạc Đăng Dung nói:

-Tâu Hoàng thượng, thần đã có kế sách đối phó, trước hết cứ dụ hàng, sau đó không hàng thần sẽ đánh.

Lê Chiêu Tông nói:

-Chuẩn tấu, khanh cứ theo kế sách đó mà làm.

-Thần tuân chỉ.

Thực ra Mạc Đăng Dung cho người đi gặp Nguyễn Kính để trao thư dụ hàng, mà sai tay chân viết một bức thư giả làm thư của bọn Nguyễn Kính để diệt hết tay chân thân cận của Lê Chiêu Tông. Hôm sau Mạc Đăng Dung nói với Lê Chiêu Tông:

-Dạ bẩm hoàng thượng, thần đã cho người đưa thư dụ hàng và đây là thư trả lời của bọn Nguyễn Kính.

Lê Chiêu Tông nói:

-Trình lên đây.

Mạc Đăng Dung chuyển thư cho nội quan, nội quan dâng lên cho vua Lê Chiêu Tông. Thư viết: “Thiết Sơn Bá Trần Chân bị giết là do bọn Chữ khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính dèm pha. Nếu hoàng thượng giết ba người ấy thì vua tôi lại như cũ, không có mưu đồ gì khác”.

Lê chiêu Tông gọi:

-Võ sĩ đâu.

-Dạ.

-Truyền lôi Đoan Quận Công Ngô Bính, Thọ Quận Công Trịnh Hựu và đại thần Chữ Khải ra chém.

Chỉ một bức thư, ba đại thần thân tín của vua Lê Chiêu Tông. Vài ngày sau Lê Chiêu Tông hỏi Mạc Đăng Dung:

-Sao trẫm đã giết ba người theo yêu cầu của bọn Kính mà chúng vẫn chưa về hàng.

Tiếp tục dùng kế mượn tay vua để giết đại thần, Mạc Đăng Dung đáp:

-Muôn tâu hoàng thượng, bọn người nuốt lời hứa này thần sẽ đem quân trừng phạt. Hiện nay ở Bồ Đề không an toàn cho hoàng thượng, xin hoàng thượng dời hành dinh và xa giá về Bảo Châu ,Từ Liêm.

Quan Đô Ngự sử Đỗ Nhạc can ngăn:

-Vũ Xuyên Hầu sao ức hiếp hoàng thượng quá đáng, bắt dời hành cung ra chỗ này rồi lại chạy xa giá ra chỗ khác.

Quan phó Đô Ngự sử cũng nói:

-Ngài mới về triều, chưa lập được chút công cán gì, lại dám bắt nạt hoàng thượng. Ngài muốn gì đây?

Mạc Đăng Dung to tiếng:

-Là đại thần ăn lộc của triều đình, của vua, sao không lo an toàn cho vua là phản tội phản nghịch. Bay đâu.

-Dạ.

-Truyền tước mũ áo hai đại thần đuổi về quê vì tội phản đối việc bảo vệ an toàn cho hoàng thượng.

-Tuân lệnh Vũ Xuyên Hầu.

Chiêu Tông nhìn hai đại thần của mình bị đuổi mà không dám can ngăn. Hai đại thần vừa bị lôi đi vừa quay lại mắng lớn:

-Hoàng thượng, chính Mạc Đăng Dung là phản nghịch, nó sẽ diệt hết những đại thần tay chân của Người để cướp ngai vàng. Hoàng thượng. Hãy nhớ lời thần.

Vua đành theo Mạc Đăng Dung về hành cung Bảo Châu. Từ đó quyền hành triều đình trong tay Mạc Đăng Dung.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-tieu-thuyet-lich-su-ky-5-a10071.html