Phút hy sinh oanh liệt của đồng chí Trần Quốc Thảo

Thành Đô (tổng hợp)

13/09/2021 21:12

Theo dõi trên

Cuối tháng 7/1957, lúc bấy giờ đồng chí Trần Quốc Thảo là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau chuyến đi công tác dài ngày, đồng chí trở về Sài Gòn, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

240108400-1460858397613915-3176763614708868326-n-1631534828.jpg
Một góc đường Trần Quốc Thảo bên kênh Nhiêu Lộc, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: PHAN TÙNG SƠN

Đồng chí Trần Quốc Thảo bàn với đồng chí Đào Tấn Xuân (Năm Vân), Phó bí thư Khu ủy: “Cuộc đấu tranh ở miền Nam, nhất là trong hang ổ của địch ở Sài Gòn - Chợ Lớn chắc chắn sẽ lâu dài và vô cùng gay go, ác liệt. Xứ ủy chỉ đạo chúng ta phải tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang. Anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) và thường vụ nhắc chúng ta tuyệt đối không được nôn nóng, phải chú trọng xây dựng lực lượng vững mạnh để chiến đấu lâu dài...”.

Thường vụ Khu ủy gồm Trần Quốc Thảo và Năm Vân, với sự tham gia của một số bộ phận trực thuộc, đã tổ chức họp gấp tại các căn nhà số 36, 38, 40, đường Minh Mạng (nay là đường Ngô Gia Tự, quận 10). Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn chia thành hai bộ phận. Một bộ phận tiếp tục chỉ đạo, bí mật xây dựng lực lượng ở nội thành, tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, giáng những đòn bất ngờ, táo bạo vào sào huyệt địch. Một bộ phận dời ra địa bàn vùng ven, đặt văn phòng bí mật tại khu Bình Trị Đông, phát triển lực lượng, mở rộng đấu tranh và sẵn sàng phối hợp, chi viện, làm bàn đạp cho lực lượng ở nội thành khi có tình huống. Trần Quốc Thảo lãnh đạo bộ phận ở vùng ven đô, Năm Vân nắm bộ phận nội thành.

Giai đoạn này, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm liên tục tổ chức các cuộc càn quét khốc liệt vào lực lượng cách mạng ở nội thành. Diệm cho thành lập đội công tác đặc biệt công an Định Tường, tổ chức đàn áp, đẩy mạnh chính sách “tố cộng, diệt cộng”. Nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt và bị giết hại. Hàng loạt cơ sở cách mạng bị lộ. Tình hình diễn biến hết sức phức tạp. Suốt ngày và đêm 8/10/1957, Trần Quốc Thảo và Năm Vân họp Thường vụ Khu ủy bàn bạc phương án đối phó và đi đến thống nhất, sẽ tổ chức cuộc xuống đường biểu tình của quần chúng, dự kiến diễn ra vào ngày 26/10/1957.

Sáng 9/10, Phó bí thư Khu ủy Năm Vân chỉ kịp lót dạ ổ bánh mì rồi lập tức đi cơ sở triển khai ngay kế hoạch. Năm Vân lấy xe máy chạy đến điểm hẹn với cơ sở. Vừa đến nơi thì nhận được tin, cơ sở khu ủy ở quận 3 bị lộ, một số lãnh đạo cốt cán đã bị địch bắt. Năm Vân chỉ đạo cho anh em rời khỏi khu vực đó ngay để bảo toàn lực lượng, còn mình lập tức chạy xe đến một cơ sở khác để nắm tình hình nhưng bị rơi vào ổ phục kích của địch giăng sẵn. Ông dũng cảm chống trả để mở đường máu chạy thoát nhưng bất thành. Năm Vân bị địch bắt.

Địch tung quân đi lùng sục, bắt bớ các cơ sở cách mạng của khu ủy. Văn phòng Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bị lộ. Bí thư Khu ủy Trần Quốc Thảo cũng bị địch bắt sau đó. Chỉ trong vòng 3 tháng, lực lượng công an Định Tường của Ngô Đình Diệm đã lần lượt bắt gần 80 cán bộ, đảng viên của ta tại Sài Gòn - Chợ Lớn, trong đó có 7 cán bộ của xứ ủy, 15 cán bộ khu ủy, 17 cán bộ các quận ủy, 23 chi ủy viên, 20 đảng viên và quần chúng nòng cốt...

Khi dẫn Trần Quốc Thảo về đồn, biết ông là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, tụi cảnh sát lập tức tra khảo. Không khuất phục được ông, chúng quay sang tra tấn bằng những trận đòn thừa sống thiếu chết. Mặc dù vậy, trước mọi câu hỏi của địch, ông chỉ nói: “Tôi ở xa mới về, không biết gì cả”. Cuối giờ chiều 16/10/1957, sau những màn tra tấn tàn khốc, gương mặt Trần Quốc Thảo sưng vù, máu chảy ra cả hai lỗ tai, hai hốc mũi. Đám cảnh sát lấy cung nhìn nhau lắc đầu bất lực. Chúng báo cáo với Tám Khánh, phó ty công an Định Tường. Tám Khánh bước vào phòng hỏi cung, hất hàm với đám sĩ quan cảnh sát:

- Các ông chịu thua hắn à? Lui hết đi!

Đám sĩ quan lập tức tản ra. Tám Khánh bước đến trước mặt Trần Quốc Thảo. Hắn cởi thắt lưng, đặt khẩu súng lục lên bàn rồi cúi xuống đỡ cái đầu sưng húp, bê bết máu của ông lên, giọng giả lả:

- Tôi xin lỗi vì đã để ông phải chịu đau đớn. Những người như ông mà phải chịu đối xử thế này, thật là quá đáng. Nhưng mà cũng tại vì ông quá ngoan cố nên đám thuộc hạ của tôi mới nặng tay. Thôi, bây giờ tôi sẽ báo cáo với ông Nhu để ông nghỉ ngơi.

Nói xong, Tám Khánh quay số điện thoại bẩm báo với Ngô Đình Nhu. Trần Quốc Thảo biết, chúng lại tiếp tục giở thủ đoạn mới, nham hiểm và tàn khốc khó lường. Bản thân mình chắc chắn sẽ phải hy sinh. Trước lúc nhắm mắt từ biệt cách mạng, ông muốn tạo một sự kiện gây tiếng vang, kích thích tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với địch, củng cố khí thế phong trào của cán bộ, đảng viên và quần chúng ngay trong lòng địch. Tám Khánh gác máy, ngồi xuống cầm bút hí hoáy ghi chép vào cuốn sổ tay. Trần Quốc Thảo đưa mắt nhìn quanh, không thấy tên cảnh sát nào đứng gần. Ông nghiến răng gồng cơn đau, dồn hết chút sức lực của cơ thể bầm giập đầy máu và vết thương lên đôi chân, bật dậy, lao lên chụp lấy khẩu súng của Tám Khánh. Quá bất ngờ và hốt hoảng trước hành động của Trần Quốc Thảo, Tám Khánh hét lên thất thanh, chồm lên người ông. Do sức yếu, hậu quả của những trận tra tấn tàn khốc nên Trần Quốc Thảo chưa kịp chĩa nòng súng vào tên trùm ác ôn bóp cò, đã bị hắn đoạt lại. Như một con thú điên, hắn trở báng súng thẳng tay giáng xuống đầu ông những đòn chí mạng cho đến khi ông đổ gục xuống, tắt thở...

Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy vẻ vang, gian khổ, hy sinh của đồng chí Trần Quốc Thảo khép lại ở tuổi 43. Để ghi nhớ công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tên của ông được đặt cho một ngôi trường và một con đường huyết mạch trên địa bàn quận 3, TP Hồ Chí Minh...

Nguồn: SKNC

Tham khảo Wikipedia

Trần Quốc Thảo (1915 - 1957) tên thật là Hồ Xuân Lưu, bí danh: Đồ Em, Năm Hai là nhà cách mạng Việt Nam quê ở làng Cổ Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, sinh tại làng Đông Hưng, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Ông sinh năm 1915 tại làng Đông Hưng, Cam Lộ, quê gốc ở Cổ Thành, Triệu Phong, Quảng Trị. Tên khai sinh là Hồ Xuân Lưu. Ông là em ruột của nhà cách mạng, liệt sĩ Hồ Chơn Nhơn, người đã hi sinh tại nhà tù Buôn Ma Thuột năm 1937. Thuở nhỏ Hồ Xuân Lưu học ở Cam Lộ. Năm 1929, ông tham gia các phong trào yêu nước, bị bắt chịu tù 3 tháng và bị đuổi học.

Năm 1930, ông gia nhập Đoàn thanh niên cộng sản tại địa phương.

Đến cuối năm 1931 ông bị chính quyền Pháp bắt giam 4 tháng và chịu án treo 2 năm rưỡi.

Ngày 1/5/1933 ông gia nhập Đảng Cộng sản.

Năm 1935 ông là Tỉnh Ủy viên, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1936, ông tham gia Mặt trận dân chủ tại Quảng Trị, góp công vào việc khôi phục lại đảng bộ Cộng sản Đông Dương tỉnh Quảng Trị.

Tháng 6 năm 1937, ông được cử vào tỉnh ủy.

Năm 1938 ông phụ trách Tuyên huấn Xứ ủy Trung Kỳ, Uy Viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ.

Đến năm 1940, Trần Quốc Thảo được bầu vào Ban thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ.

Ông mang bí danh Đồ Em (còn Đồ Anh là ông Bùi San).

Hoạt động cách mạng và sự nghiệp chính trị

Hội nghị trung ương lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương được tiến hành từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941 triệu tập 15 đồng chí, nhưng vì những lý do khách quan, chỉ có 9 đại biểu đến dự được, đó là: Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Bùi San, Hồ Xuân Lưu, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh và Nguyễn Thành Diên. Sau khi hội nghị, các đại biểu chia thành ba nhóm, trong đó có nhóm gồm Bùi San (bí danh Đồ Anh), Hồ Xuân Lưu (bí danh Đồ Em) và Nguyễn Thành Diên. Các đại biểu Trung Kỳ từ Cao Bằng qua Lạng Sơn rồi về Hà Nội để vào miền Trung. Tại Hà Nội, Nguyễn Thành Diên đã bị mật thám Pháp bắt. Không chịu nổi tra tấn, Diên đã khai ra. Mật thám giăng lưới quyết bắt luôn các đại biểu còn lại. Ông Hồ Xuân Lưu bị giặc bắt ở Nghệ An, kết án 20 năm tù khổ sai, đày ở Nhà lao Buôn Ma Thuột.

Ngày 8 tháng 4 năm 1942, ông vượt ngục, nhưng bị bắt lại rồi tăng án lên 20 năm.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật Bản đảo chính Pháp ở Đông Dương, Trần Quốc Thảo về hoạt động ở quê nhà (Quảng Trị). Ông làm Chủ tịch Đông Hà Quảng Trị.

Năm 1946 ông ra Hà Nội làm Chủ nhiệm báo Lao động.

Tháng 7 năm 1946, ông làm Bí thư Đặc khu ủy Hòn Gai. Ngày 31 tháng 3 năm 1947, Khi hợp nhất tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai thành liên tỉnh Quảng Hồng, Trần Quốc Thảo được cử làm Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên tỉnh Quảng Hồng.Cuối năm 1948, ông vào Nam Bộ và làm Bí thư Công Vận Xứ ủy, phụ trách Liên Hiệp Công Đoàn Nam Bộ, Thường vụ Khu ủy Sài Gòn Chợ Lớn.

Năm 1949, ông vào Nam Bộ làm Bí thư Ban Công vận Xứ ủy, năm 1950, làm thường vụ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn kiêm phó Tổng thư ký Công đoàn Việt Nam. Đến năm 1957, ông được đề cử làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn nay là thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian phụ trách công tác với cương vị là Bí thư, ông đã đưa phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh tại nội thành.

Năm 1954 ông làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn Chợ Lớn, Uy viên Trung ương Cục Miền Nam. Trong thời gian phụ trách với cương vị Bí thư, ông đã đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị phát triển tại nội thành.

Tháng 1957 ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt tại quận Phú Nhuận và bị tra tấn, ông đã anh dũng hi sinh trong lao tù vào ngày 16 tháng 10 năm 1957 ở tuổi 43.

Tên ông được đặt cho một trường tiểu học và một con đường ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, một con đường ở thành phố Hạ Long.

 

Theo Trái tim Người lính

Bạn đang đọc bài viết "Phút hy sinh oanh liệt của đồng chí Trần Quốc Thảo" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn