Phú Thọ: Tân Sơn từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Đình Thơm

14/09/2022 15:03

Theo dõi trên

Tân Sơn (Phú Thọ) là huyện miền núi nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số, công tác chăm lo cho học sinh là người dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện, bảo đảm các chế độ, điều kiện ăn ở, học tập, giúp các em yên tâm đến trường học.

dt1-49-1663142314.jpg
Cô và trò trong giờ học tin của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn

 

Năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn có tổng số 280 học sinh. Trong quá trình theo học tại trường, các em được ở nội trú và hỗ trợ hoàn toàn chi phí ăn ở, học tập và được cấp đồ dùng học tập, sách, vở, quần áo, chăn màn... phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt hằng ngày. Nhờ đó, các em học sinh dân tộc đã có cơ hội vươn lên, vượt qua hoàn cảnh để theo đuổi giấc mơ con chữ của mình.

Em Hà Quang Duy - học sinh lớp 8A, khu Tảng, xã Tam Thanh (cách xa trường 33km) vui mừng chia sẻ: “Chúng em không phải lo lắng đến các khoản đóng góp hay tiền ăn, ở tại trường và chỉ tập trung học cái chữ sao cho giỏi để sau này có kiến thức, có việc làm ổn định và thoát được cái nghèo”.

Còn em Mùa A Hờ - học sinh lớp 8A, khu Mĩ Á xã Thu Cúc thì vui mừng vì được sống trong “mái nhà chung” ấm áp với sự quan tâm chăm lo của các giáo viên. Em chia sẻ: Đi học không những phải đóng học phí mà chúng em còn được hỗ trợ toàn bộ tiền chi phí học tập, gia đình có thêm tiền mua sắm quần áo, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Sống xa gia đình nhưng em thấy rất ấm áp bởi các thầy cô luôn sát sao quan tâm đến đời sống của mỗi học sinh, thường xuyên gần gũi tâm sự để chúng em thoải mái và giảm bớt nỗi nhớ nhà.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thịnh - Hiệu trưởng nêu rõ: “Chúng tôi luôn thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp theo quy định cho các em, giúp các em yên tâm bám trường bám lớp. Ngoài ra, với đặc thù trường nội trú dành cho học sinh là người dân tộc thiểu số, bên cạnh công tác dạy và học, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu thể thao, văn nghệ để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em, giúp các em thêm gắn bó với trường lớp và có cơ hội học tập, rèn luyện kỹ năng sống. Thời gian qua, trường không có học sinh bỏ học giữa chừng; 100% học sinh au khi tốt nghiệp THCS đều tham gia học tiếp lên THPT.

dt2-47-1663142393.jpg
Hoạt động ngoài giờ của các em học sinh bán trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thu Ngạc

 

Đóng trên địa bàn xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số được Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thu Ngạc thực hiện nghiêm túc. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thu Ngạc hiện có 418 học sinh, trong đó học sinh ở bán trú 228 em, trọ nhà dân 104 em và ở trong trường 124 em. Hằng tháng 100% học sinh của trường được nhận chế độ chi phí học tập với số tiền 150.000 đồng/học sinh. 228 học sinh ở bán trú được hỗ trợ 596.000đồng/học sinh/tháng. 228 học sinh được hỗ trợ gạo với số lượng 15kg/học sinh/tháng. Các em học sinh ở trọ nhà dân ngoài tiền ăn được hỗ trợ thêm tiền nhà ở là 149.000 đồng/học sinh/tháng... Các chính sách hỗ trợ đặc thù này chính là động lực giúp học sinh dân tộc ở Thu Ngạc đến trường đều đặn hơn mỗi ngày.

dt3-34-1663142454.jpg
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thu Cúc

 

Còn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thu Cúc, tổng số học sinh được hưởng bán trú (ở bán trú và ở ngoài bán trú) là 158 em. Trường đã chi trả đầy đủ chế độ chính sách, đúng đối tượng được các cấp lãnh đạo phê duyệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh yên tâm học tập..

Ông Phạm Duy Hiển - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Sơn cho biết: Trong điều kiện khó khăn của huyện miền núi, việc thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số đã giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng chi phí học tập cũng như chăm lo cuộc sống cho con em mình. Phòng GD&ĐT huyện luôn chú trọng phối hợp với các ban, ngành liên quan đảm bảo chế độ chính sách đầy đủ cho các em. Đồng thời chỉ đạo các trường có học sinh dân tộc thiểu số sát sao quan tâm, hướng dẫn các em thực hiện tốt nội quy khu nội trú, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, giáo dục kỹ năng sống với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm lý lứa tuổi. Các trường động viên các em gắng sức học tập, góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

Bạn đang đọc bài viết "Phú Thọ: Tân Sơn từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn