Bắc Ninh: Phát huy lợi thế các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt

Tin, ảnh: Quang Nhiều (TTXVN)

27/02/2022 10:14

Theo dõi trên

Chiều 26/2, Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

Chú thích ảnh Chùa Búp Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (ảnh tư liệu).

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, sau 25 năm tái lập tỉnh, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đã có nhiều đổi mới, đạt kết quả đáng ghi nhận, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; bảo tồn có hiệu quả, thiết thực các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp gần 700 lượt di tích với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng, các địa phương cũng huy động từ nguồn vốn xã hội hóa hàng nghìn tỷ đồng. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh đã thực hiện kiểm kê cho 49 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, có 4 di sản được UNESCO ghi danh; 8 di sản đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đặc biệt, hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" đã được gửi UNESCO để đệ trình vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thực hiện cam kết với UNESCO, Bắc Ninh đã triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhất là Dân ca Quan họ Bắc Ninh với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Về hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các công trình văn hóa, thể thao cấp tỉnh được ưu tiên xây dựng ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân. Hàng năm, có khoảng 2.000 cuộc giao lưu, thi đấu thể thao ở thôn, làng, khu phố và cấp xã; gần 100 giải cấp huyện; 13 - 15 giải cấp tỉnh. Bắc Ninh là 1 trong 12 tỉnh, thành có vận động viên tham dự Olympic Tokyo 2020; đăng cai tổ chức thành công nhiều giải thể thao quốc gia, quốc tế. Hoạt động du lịch có chuyển biến rõ rệt, có sự gắn kết giữa du lịch và văn hóa, với mục tiêu biến những nguồn lực di sản văn hóa thành tài sản vật chất...

Tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi 4 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý; tăng cường đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch cho tỉnh Bắc Ninh; ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án cho bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, di tích khảo cổ chùa Dạm và các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đang bị xuống cấp...

Đánh giá cao những kết quả tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, văn hóa phải bắt nguồn từ cơ sở, từ mỗi mái ấm gia đình đến cộng đồng dân cư. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Ninh cần cụ thể hóa các mục tiêu, tập trung làm điểm một số mô hình Làng văn hóa; đồng thời chủ động làm việc với các nhà đầu tư để hình thành các thiết chế văn hóa trong cụm, khu công nghiệp, hướng tới tổ chức cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, trong đó có chỉ tiêu chấp hành pháp luật, có trách nhiệm xã hội.

Với lợi thế về tiềm năng du lịch, Bắc Ninh cần liên kết với các tỉnh phụ cận, đặc biệt là Hà Nội để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, để phát huy lợi thế các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Trước đó, Đoàn công tác đã đến tham quan Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành; đền Vua Bà, nhà chứa Quan họ và tham quan công trình Nhà hát dân ca Quan họ.

Bạn đang đọc bài viết "Bắc Ninh: Phát huy lợi thế các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn