PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện - Một đời vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giáo dục

TS. Bùi Như Hải

25/11/2021 18:52

Theo dõi trên

  Đây là bài viết về PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện – một trong những nhà Nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam đương đại tiêu biểu, xuất sắc. Hơn 50 năm  

nguyen-ngoc-thien-1637841083.jpg
 

 

I. Vài nét về cuộc đời, gia thế

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện - bút danh thường dùng Thiên Năng, Thy Yên, Thế Uẩn, Tràng An, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1947, tại làng Phù Ninh, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội trong một gia đình có 6 anh chị em ruột, có truyền thống học hành, khoa cử từ lâu đời và có thương hiệu trong việc buôn bán thuốc Nam Bắc với tên hiệu là Thuận Thành. Thân phụ là Nguyễn Ngọc Mai (1916 - 1954) - người đầu tiên trong làng theo học trường Pháp - Việt, được cấp bằng Sơ đẳng Tiểu học. Thân mẫu là Nguyễn Thị Thuận (1916 - 2007) - con gái của Tướng Bà Hội Nành cuối thế kỷ XIX. Năm 1963, Nguyễn Ngọc Thiện tạm biệt quê hương để ra Hà Nội theo học Ngành Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 9 năm 1967, sau khi tốt nghiệp ông được phân công về công tác trợ lý nghiên cứu tại Viện Văn học. Năm 1968, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Nguyễn Ngọc Thiện tình nguyện gia nhập quân đội tại Bộ Tư lệnh Thủ đô làm lính bộ binh, rồi chuyển sang Trường Sĩ quan hậu cần làm giáo viên văn hóa, trợ lý chính trị, Chủ nhiệm Thư viện Nhà trường. Cuối năm 1973, Nguyễn Ngọc Thiện chuyển ngành trở về lại Viện Văn học tiếp tục công tác, nghiên cứu. Năm 1978 Nguyễn Ngọc Thiện được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động làm cán bộ tăng cường của Đảng tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Năm 1981, ông đăng ký thi tuyển Nghiên cứu sinh, ngành Văn học và đã đỗ đầu nên được cơ quan tạo điều kiện để đi làm Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Karl Marx, Cộng hòa Dân chủ Đức, chuyên ngành Lý luận Văn học. Sau 6 năm học tập, nghiên cứu miệt mài, ý chí phấn đấu của chàng trai trẻ Nguyễn Ngọc Thiện – người con quê hương làng Nành xứ Kinh Bắc một lần nữa đã bảo vệ thành công xuất sắc Luận án Tiến sĩ Ngữ văn với đề tài Những khả năng của thể loại tiểu thuyết trong Văn học Xã hội chủ nghĩa. Đề tài của Luận án được xem là một trong những công trình khoa học đầu tiên về nghiên cứu lý luận ngành Ngữ văn, đặt nền tảng cho hàng loạt các công trình, chuyên đề, bài viết chuyên sâu, sắc sảo, để đời của Nguyễn Ngọc Thiện sau này.

Năm 1987, Nguyễn Ngọc Thiện đã tốt nghiệp Tiến sĩ hạng A, trở về nước và tiếp tục công tác tại Phòng Lý luận, Viện Văn học. Kinh nghiệm của những năm tháng đã làm việc trước đó, và những gì đã gặt hái được trong 6 năm học tập, nghiên cứu ở nước ngoài đã giúp ông hoàn thành tốt công việc được giao, được cấp trên tín nhiệm giao giữ chức Trưởng phòng Lý luận, trở thành Nghiên cứu viên cao cấp bậc 5/6. Với trọng trách được giao, Nguyễn Ngọc Thiện đã trở thành người chủ chốt trong việc quản lí, xây dựng, phát triển cũng như nâng cao chất lượng, uy tín của Phòng Lý luận.

Trong 39 năm, từ 1967 đến 2006, Nguyễn Ngọc Thiện làm cán bộ nghiên cứu văn học chuyên nghiệp tại Viện Văn học đã viết được hàng chục bài nghiên cứu, phê bình, (bài báo đầu tiên công bố mở đầu đời văn là bài phê bình thơ Phạm Tiến Duật đăng trên Tạp chí Văn học, số 4/1974), chủ yếu về mảng lý luận văn học và văn học Việt Nam hiện đại tham gia ở các Hội nghị khoa học, đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành Trung ương và địa phương. Với những thành quả đã đạt được, Nguyễn Ngọc Thiện đã được kết nạp vào Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (1997), Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1997), Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (1997), Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (1999), và được Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư Ngữ văn vào năm 2002, được bầu làm Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình VHNT Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận - Phê bình Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động triển khai công tác lý luận - phê bình VHNT của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp nói trên.

II. Một đời vì sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu khoa học

2.1. Ông chủ bút đa tài, chỉn chu

Sở dĩ tôi gọi PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện là ông chủ bút bởi ngày xưa không ai gọi là Tổng Biên tập, mà gọi là ông/bà chủ bút. Nghề báo đến với Nguyễn Ngọc Thiện như một cái duyên, vì chuyên ngành được đào tạo là Ngữ văn chứ không phải là Báo chí. Nghiệp Văn duyên Báo nhưng vẫn là hai nghề song hành cùng với Nguyễn Ngọc Thiện xuyên suốt một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ qua. Trước khi chuyển hẳn sang Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1997 - 2003), Nguyễn Ngọc Thiện vừa hoạt động nghiên cứu văn học, vừa kiêm nhiệm công tác báo chí văn nghệ cho Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam như Thư ký Tòa soạn, Phụ trách Tòa soạn, Phó Tổng Biên tập. Tháng 6 năm 2006, Nguyễn Ngọc Thiện chính thức chuyển công tác từ Viện Văn học sang Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và nhận chức Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.

Ở cương vị mới, với trọng trách là người đứng đầu Tạp chí,  Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục thể hiện năng lực, sự sáng tạo, đổi mới, để đưa Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam ngày càng phát triển, có những bước tiến mới, đột phá cả về chất lượng nội dung lẫn hình thức để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam giao phó và phụng sự bạn đọc. Sự đổi mới, đột phá được thể hiện trong việc tinh gọn bộ máy Tòa soạn và Trị sự. Khuôn khổ của Tạp chí ban đầu nhỏ nhắn, cỡ 13 x 19 cm, không đều kỳ, từ 3 hoặc 2 tháng/kỳ, số trang không nhiều, 84 trang cả bìa, thì nay khổ 19 x 27 cm, phát hành đều đặn hàng tháng/kỳ, mỗi kỳ trung bình từ 90 đến 100 trang in, số lượng in 2.500 bản. Nội dung rất phong phú và đa dạng hơn, nâng cao chất lượng bài vở, tin tức, tranh ảnh, mở một số chuyên mục, chuyên đề mới, đảm bảo tính định hướng về nội dung, phù hợp với đời sống văn nghệ trong thời kỳ Đổi mới. Hình thức trang nhã, nghệ thuật hơn, mang tính chuyên nghiệp hơn. Duy trì, mở rộng mạng lưới đội ngủ cộng tác viên là văn nghệ sĩ, chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình thuộc các chuyên ngành Văn học Nghệ thuật trong khắp cả nước và ngoài nước,... Tạp chí đã chú trọng đến các phương diện sáng tác, tiếp nhận và phê bình. Đặc biệt là, Tạp chí đã duy trì đều đặn mục Nghiên cứu - Trao đổi - Phê bình. Chuyên mục này được ông chủ bút Thế Uẩn lưu tâm, chú ý nên đã tăng cường dung lượng, nâng cao chất lượng các bài viết lý luận, phê bình văn nghệ nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các cây bút, nhất là các cây bút trẻ trong cả nước có cơ hội phát huy năng lực sáng tạo, tôn trọng những kiến giải, ý kiến khác nhau về lý luận và phê bình văn học nghệ thuật.

Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam với vai trò là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, trong 15 năm (2006 - 2020) qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện - Tổng Biên tập đã điều hành xuất bản hơn 174 số tạp chí định kỳ ra hàng tháng, hoàn thành xuất sắc trong việc đưa tin, lan tỏa về các chính sách, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, về thành tựu của văn chương, nghệ thuật, về các tác giả, tác phẩm văn học,... Tạp chí được bạn đọc khắp cả nước yêu mến đón nhận, đánh giá cao trong việc sắp xếp, trình bày đẹp, hài hòa, phong phú, mới mẻ cả nội dung lẫn hình thức. Chính nhờ sự tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng toàn diện, chuyên nghiệp như thế, nên đã đem lại cho Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam có một khuôn diện mới, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao, tạo dựng được khuôn mặt riêng, trở thành một “thương hiệu” có uy tín, có bản sắc và có dấu ấn riêng, không bị lẫn mờ trong hàng trăm Tạp chí, Báo văn nghệ của cả nước. Xứng đáng là một tạp chí đầu ngành, đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, trở thành một tạp chí kiểu mẫu cho một số tại chí Trung ương và địa phương noi theo và trở thành một cầu nối đưa tin nhanh nhạy, đáng tin cậy đến với bạn đọc trong và ngoài nước. Với những đóng góp to lớn, tích cực trong 15 năm qua Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao phó nên đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba tại Quyết định số 21/CTN năm 2012. Và về cá nhân PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện (Thế Uẩn) trên cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ ViệtNam cũng có những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc nên đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba tại quyết định số 1923/CTN, năm 2010.  

2.2. Nhà giáo dục tận tâm, phu chữ

Bên cạnh công tác quản lý của một tạp chí văn học nghệ thuật đầu đàn trong cả nước, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện còn là một Giảng viên thỉnh giảng từ 1990 đến nay. Tuy không phải là một Giảng viên cơ hữu nhưng Thầy đã tham gia giảng dạy các học phần Lý luận Văn học, Văn học Việt Nam hiện đại và Báo chí Việt Nam hiện đại tại các cơ sở đào tạo Đại học, sau Đại học như Viện Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, Viện Đại học Mở - Huế, Các lớp tập huấn Lý luận – Phê bình do Liên hiệp các hội Văn học Việt Nam tổ chức,… Tham gia hướng dẫn sinh viên làm Khóa luận tốt nghiệp, học viên Cao học, Nghiên cứu sinh làm Luận văn Thạc sĩ, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn và Báo chí học. Đến thời điểm này, thầy Nguyễn Ngọc Thiện đã hướng dẫn thành công 75 người, trong đó có 6 Nghiên cứu sinh. Có một điều đặc biệt đối với Thầy là, trong tổng số 75 công trình của Luận văn Thạc sĩ và Luận án Tiến sĩ, thì có đến 25 - tức là 1/3 công trình viết về nhà văn đương đại tiêu biểu Ma Văn Kháng. Còn riêng bản thân thầy Thế Uẩn lại đích thân viết 12 tiểu luận về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Ma Văn Kháng. Mười hai bài viết này sau đó đã được tác giả tập hợp vào một mục của tuyển tập Ma Văn Kháng - Đời văn và tác phẩm. Với số lượng công trình hướng dẫn nghiên cứu cũng như các bài viết về nhà văn Ma Văn Kháng như thế, tôi thiết nghĩ rất ít người có được, vì thế PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện được phong danh hiệu “Nhà Ma Văn Kháng học” thì quả thực rất đúng, xứng đáng biết dường nào.     

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện có được thành quả trong công tác giảng dạy, hướng dẫn khoa học, là nhờ Thầy lúc nào cũng hết mình cho sự nghiệp giáo dục, luôn đặt lợi ích, sự phát triển giáo dục lên hành đầu xem giáo dục học sinh làm nền tảng của tấm gượng lớn về sự tận tụy, tận tâm, mẫu mực, chỉn chu, cẩn thận, cầu toàn trong mọi công việc, đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo thế hệ trẻ kế cận. Thầy luôn trăn trở, đau đáu nghĩ suy, tìm giải pháp tốt nhất để góp phần vào sự đổi mới, phát triển, tiến bộ của nền giáo dục Việt Nam.

Đối với học trò của mình, thầy Nguyễn Ngọc Thiện luôn lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia cả về mặt tinh thần, cũng như giúp đỡ phần nào những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống. Còn đối với việc học tập, nghiên cứu của học trò, Thầy có những yêu cầu cao, nghiêm khắc, nhất là đối với học viên Cao học, Nghiên cứu sinh phải siêng năng học tập, nghiên cứu chuyên ngành; phải thực hiện, trình bày đúng quy định, chuẩn mực của một Luận văn Thạc sĩ, Luận án Tiến sĩ; tài liệu tham khảo phải có đầy đủ, trích dẫn phải trung thực; nội dung phải tốt, có những khám phá, đóng góp mới về mặt khoa học,...

Tính đến thời điểm này, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã hướng dẫn được 6 Nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, 70 học viên Cao học đã bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ thuộc các chuyên ngành Lý luận Văn học, Văn học Việt Nam hiện đại và Báo chí học. Với tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc, thẳng thắn, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã được các cơ sở đào tạo mời tham gia với cương vị Chủ tịch Hội đồng, Ủy viên Phản biện, Phản biện độc lập, Phản biện giám định sau bảo vệ đã nghiệm thu, bảo vệ, chấm hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, Luận văn Cao học, Luận án Nghiên cứu sinh. Chính nhờ sự dạy dỗ, chỉ bảo, hướng dẫn tận tình, chu đáo của thầy Nguyễn Ngọc Thiện, các môn sinh sau khi hoàn thành khóa học, bảo vệ thành công Luận văn, Luận án đều đạt loại Giỏi hoặc Xuất sắc và cũng đã trưởng thành trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học như Cao Thị Hồng, Đỗ Phương Thảo, Nguyễn Mạnh Quỳnh, Dương Thị Thanh Hương, Lê Thị Lệ Thủy,...

Thầy Nguyễn Ngọc Thiện được học trò cũng như giới nghiên cứu, bạn văn kính nể, yêu mến, bởi Thầy không chỉ là một trí thức uyên bác, khoa bảng, mà còn là một người có tác phong rất mô phạm, mẫu mực, tận tụy, nhiệt huyết, chăm lo, bảo ban học trò đến nơi đến chốn, gieo nên những hạt giống quý cho sự nghiệp trồng người. Thầy luôn tâm niệm rằng: Dạy dỗ, đào tạo học trò không chỉ là đào tạo kiến thức, mà còn đào tạo cả về nhân cách khoa học nữa, trong đó vấn đề bản quyền tác giả được đặt lên hàng đầu. Bản quyền tác giả của văn bản tác phẩm là rất quan trọng, là khâu tiên quyết, là tài liệu thực chứng thể hiện thực chất tư duy của một người nghiên cứu khoa học, đồng thời nó làm nên “thương hiệu” của một người cầm bút. Vấn đề này hơn một lần PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã trao đổi với bạn văn Anh Chi - tác giả của bài viết Ý nghĩa một đời người, đăng trên tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, số 3 (tháng 1 và 2) năm 2014, từ trang 137 đến trang 142 về bản quyền tác giả của tác phẩm Văn chương và hành động - cuốn sách có sự hiện diện đồng tác giả của ba người, đó là Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư. Nhưng trong ba người này, ai là người đóng vai trò chủ chốt biên soạn. Trong bài viết Ý nghĩa một đời người, Anh Chi đã bác bỏ một số vấn đề mà PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện - tác giả chủ biên Văn chương và hành động (tái bản lần nhất), do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn năm 1999. Anh Chi cho rằng: Nguyễn Ngọc Thiện là người làm việc thiếu căn cứ, không chính xác nên đã làm sai lạc thêm văn bản gốc. Để sáng tỏ, giải đáp những nghi ngờ, thắc mắc cũng như những suy đoán, suy diễn thiếu thực chứng của Anh Chi, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã viết bài trao đổi một cách chân thành, nhã nhặn, rất có văn hóa qua bài viết với tiêu đề Về các tiểu luận cho là của Lê Tràng Kiều trong Văn chương và hành động, đăng trên tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 233/2014, từ trang 32 đến trang 36. Bài viết này được xem như là một mẩu mực trong việc phân tích, đánh giá rất khoa học, trên tinh thần khách quan, trung thực khi dựa trên những chứng cứ tài liệu xác thực có được từ văn bản gốc sưu tầm từ một thư viện ở Pháp; căn cứ vào ý kiến của chính Hoài Thanh trong bản Tự thuật viết vào năm 1970 khi cho rằng: Đây là “một quyển sách của tôi là quyển Văn chương và hành động xuất bản ở Hà Nội, năm 1936” [Hoài Thanh - Di bút và di cảo, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1993, tr.15]; căn cứ vào một số bài tiểu luận được Hoài Thanh cho đăng lại trên Tao đàn số 6/1939 và ký tên, cụ thể như bài viết Thế nào là nội dung và hình thức của tác phẩm văn chương. Trong cuộc trao đổi này, với những lý lẽ thực chứng, hoàn toàn thuyết phục, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện được xem như một “luật sư” bảo vệ quyền tác giả Văn chương và hành động thuộc về ba người nhưng Hoài Thanh đóng vai trò chủ chốt biên soạn sách, là người có công lớn nhất, chủ yếu viết tác phẩm Văn chương và hành động chứ không phải Lê Tràng Kiều như Anh Chi đã từng khẳng định mới là đúng. Nhân thể đề cập đến tác phẩm Văn chương và hành động, tôi khẳng định với độc giả rằng: PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện - tác giả chủ biên của cuốn sách này đúng/sai như thế nào tôi chưa đề cập đến, nhưng ông chính là người có công đầu tiên sưu tầm được văn bản, sau đó đưa tác phẩm tái xuất hiện trở lại để phục vụ bạn đọc, có như thế độc giả mới biết, mới rõ về tác phẩm Văn chương và hành động. Đồng thời, ý kiến của Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề bản quyền tác giả, thì tôi thiết nghĩ rằng chúng ta có quyền tranh luận, phản bác nhưng trong tranh luận cần phải có một cái phông văn hóa, phải dựa vào chứng cứ, thực chứng rõ ràng chứ không có kiểu tranh luận bổ bả, vu vơ, tùy tiện, không có chứng lý. Trong bài viết này, trọng tâm viết về PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện nên tôi không thể luận bàn về vấn đề này một cách rốt ráo, cụ thể được. Vì thế, vấn đề này tôi sẽ trở lại trong một bài viết khác để cùng trao đổi với Anh Chi một cách sâu, rộng hơn, cụ thể hơn, kỷ càng hơn, có như thế mới sáng tỏ được vấn đề, trả lại sự công bằng cho các tác giả của công trình Văn chương và hành động.

Năm nay, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện bước sang tuổi 75 nhưng vóc dáng vẫn còn nhanh nhẹn, còn minh mẫn, tận tụy với nghề, vẫn làm người lái đò đưa khách sang sông, vẫn lặng lẽ, âm thầm say mê sáng tạo, cống hiến cho khoa học xã hội, cho quê hương, đất nước như cái thời chưa nghỉ hưu. Đồng nghiệp, học trò qua bao năm vẫn luôn khắc ghi hình ảnh của một vị giáo sư - người Thầy tóc đã bạc trắng nhưng vẫn luôn say sưa nghiên cứu khoa học, nhiệt tình, trách nhiệm trong các bài giảng, hướng dẫn học viên Cao học, Nghiên cứu sinh, và luôn hòa đồng, cởi mở, thân tình, ga lăng trong đời sống thường nhật với tất cả mọi người. Giờ đây những học trò của Thầy đã trưởng thành, và rất nhiều người trong số đó vẫn đi theo con đường của Thầy, vẫn hằng ngày làm việc, học tập, tiếp tục vun đắp, tiếp bước cho những ước mơ của Thầy, xứng đáng là những người có ích cho xã hội. Sự thành đạt ấy chính là nhờ công sức dạy dỗ rất lớn của thầy Nguyễn Ngọc Thiện.

2.3. Nhà khoa học trước tác đẳng thân

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện là người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Nguyễn Ngọc Thiện vốn là một người rất chăm chỉ, cần mẫn học tập, say mê đọc sách, tìm tòi tài liệu, nghiên cứu chuyên sâu, đồng thời còn có một phương pháp tư duy đúng đắn, khoa học, hiện đại nên kiến thức về lĩnh vực Văn học Nghệ thuật rất phong phú, sâu rộng. Thành quả gặt hái được sau hơn 25 năm hoạt động nghiên cứu khoa học, nếu tính từ năm 1995 - cái mốc đánh dấu tác phẩm tiểu luận, phê bình đầu tiên Văn chương và tác giả, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã viết trên hai trăm bài tiểu luận, phê bình chủ yếu về mảng Lý luận văn học, Văn học Việt Nam hiện đại, và đã công bố ở các Hội thảo khoa học trong và ngoài nước, đăng trên các tạp chí, báo của Trung ương và địa phương. Ngoài 2 chuyên luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh (Nxb. Khoa học xã hội, 2004) và Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật (Nxb. Hội Nhà văn, 2020), PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã in thêm 6 cuốn sách tiểu luận, phê bình, đó là Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (Nxb. Hội Nhà văn, 2000), Phong cách và đời văn (Nxb. Khoa học xã hội, 2005), Lý luận, phê bình và Đời sống văn chương (Nxb. Hội Nhà văn, 2010), Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận (Nxb. Hội Nhà văn, 2015), Thăng hoa sáng tạo và Thẩm mỹ tiếp nhận văn chương (Nxb. Hội Nhà văn, 2018), Tuyển tập Nghiên cứu - Phê bình (Nxb. Hội Nhà văn, 2020) và 40 cuốn sách chủ biên (Xem thêm phần “Cùng một tác giả” in trong sách Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020, tr.347 - 350) có thêm 57 tác phẩm in chung (Xem thêm phần “Cùng một tác giả” in trong sách Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật, sđd,... tr.350 - 354).

Bên cạnh đó, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện còn tham gia chủ trì, cộng tác nhiều đề tài, dự án các cấp Nhà nước, Bộ, Ban đảng. Ngoài đề tài cấp Nhà nước Lịch sử tư tưởng văn nghệ thế kỷ XX, đội ngủ tác giả, tác phẩm do PGS. TS Trần Đăng Suyền làm Chủ nhiệm và PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện làm Phó chủ nhiệm thường trực đề tài đã nghiệm thu xuất sắc vào năm 2016. Còn có thêm một đề tài được đánh giá cao, có sự đóng góp to lớn cả về thực tiễn lẫn lý luận, đó là đề tài Sự nhất quán và tiếp tục phát triển của Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 đến nay. Phần tham gia vào đề tài của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện được xem như là một chuyên luận nghiên cứu độc lập, hoàn chỉnh và đã được in vào sách của ông Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn nghệ thuật, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Với ý thức nghiêm túc, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện xem đây là một trách nhiệm nặng nề nên đã chú tâm, dành thời gian cả ngày lẫn đêm để sưu tầm, nghiên cứu tài liệu đầy đủ, vì thế đã hoàn thành một cách xuất sắc, có những đóng góp to lớn trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và gìn giữ, phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, qua công trình này cũng đã tạo nên dấu ấn, tên tuổi của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện trên con đường nghiên cứu khoa học - một người rất say mê, tâm huyết, chuyên chú nghiên cứu hơn 43 năm nay về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của Đảng.

Gia tài sách của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện hiện có 49 tác phẩm in riêng và chủ biên. Nếu xếp chồng 49 cuốn sách này lên nhau, thì độ cao của nó là 1,85 m. Và nếu tính thêm 174 số tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam từ tháng 7/2006 đến tháng 12/2020 do Nguyễn Ngọc Thiện làm Tổng Biên tập - Chủ trì biên tập, xuất bản liên tục trong 15 năm qua, khổ 16 X 24 cm, mỗi số trung bình 90 trang, ra hàng tháng một kỳ, tương đương 15 công trình biên soạn lớn, thì nó có độ cao 0,9 m. Vậy là, tổng chiều cao của sách và chiều cao của tạp chí gần 3 m. Trong khi đó, tác giả - PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện cao 1,65 m. Như vậy, chiều cao của sách cao hơn chiều cao của tác giả, thì đúng như người xưa đã nói, đó là Trước tác đẳng thân (sách cao bằng đầu của người làm ra nó) nên có thể gọi Nguyễn Ngọc Thiện là nhà khoa học hậu sinh Trước tác đẳng thân cũng đúng, xứng tầm khi nhìn lại trong lịch sử Việt Nam rất ít và hiếm, có thể kể tới các tên tuổi, chẳng hạn như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Hiến Lê, Phương Lựu, Hà Minh Đức, Phong Lê, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Nhật Ánh,...

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện - tác giả của các công trình sách kể trên còn rất vinh dự, vui mừng khi các tác phẩm của mình không chỉ lan tỏa trong nước, mà còn hiện diện ở cả nước ngoài. Tôi và Tiến sĩ Nguyễn Vân Trang - con gái của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện rất may mắm có được cơ hội đến Thư viện Quốc hội Mỹ, để rồi đã được mục sở thị thư mục sách, trong đó có tên của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện với trên 10 đầu sách. Qua trao đổi với PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện, TS Nguyễn Vân Trang, tôi còn biết hiện nay tác phẩm của Thế Uẩn không chỉ hiện diện ở nước Mỹ, mà còn ở một số nước khác trên thế giới nữa. 

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện cũng rất tự hào, hạnh phúc khi được bạn đọc, đồng nghiệp, giới cầm bút trong và ngoài nước quan tâm, đón nhận, đánh giá cao về các tác phẩm của mình đã xuất bản trong 25 năm qua, và đã được viết bài phê bình nhận xét, trao đổi, ý kiến, trong đó có cả khen lẫn góp ý. Ngoài ra, còn có rất nhiều bạn đọc, bạn văn, học trò,... quý mến, trân trọng nên đã viết hàng chục bài thơ, chân dung, ký họa, pho tượng,... để dành tặng riêng cho  Thế Uẩn nữa.

 Đến thời điểm hiện nay, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã sở hữu hàng trăm bài viết về các tác phẩm, về cuộc đời cũng như quá trình hoạt động văn chương. Để tri ân các nhà nghiên cứu, phê bình, bạn đọc, đồng nghiệp và các môn sinh đã động viên, yêu mến, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã tập hợp và chọn hơn một trăm bài viết tiêu biểu trong số hàng trăm bài viết, có ý nghĩa cắm mốc về mặt học thuật, giúp người đọc tìm hiểu, nghiên cứu tiến trình tư duy lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam qua các sự kiện lớn, các tác gia, tác phẩm đặc sắc,... làm thành một tập sách nhiều tác giả, với tựa đề Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và đời, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2021, dày 1.000 trang, khổ 14,5 x 20,5. Đây là một trong những cuốn sách tập hợp của nhiều tác giả viết về một tác giả - PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện rất quý giá, để đời, xưa nay hiếm; đồng thời qua đó, khẳng định được tài năng, phong cách, thương hiệu của một nhà nghiên cứu khoa học uyên bác, thâm hậu đương đại Việt Nam.

4. Khúc vĩ thanh

Vẫn còn đó những ân tình, khắc ghi về PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện – người Thầy uyên bác, mẫu mực và khả kính của tôi. Dẫu chỉ là hơn 10 năm kể từ khi tôi có được hạnh duyên gặp gỡ, trở thành người học trò thân thiết trên bước đường học tập, nghiên cứu khoa học lẫn trong cuộc sống đời thường. Thời gian hơn 10 năm không phải là dài cũng không phải ít nhưng tình nghĩa Thầy trò luôn gắn bó keo sơn, bền vững, bồi đắp.

Có biết bao nhiêu là kỷ niệm, hồi ức về thầy Nguyễn Ngọc Thiện là có bấy nhiêu ân tình, không thể nhòa nhạt trong trái tim tôi. Những hồi ức, kỷ niệm rất nhiều về Thầy, nhưng tôi chỉ thuật lại kỷ niệm, hồi ức có liên quan mật thiết với tôi. Tháng 05 năm 2009, tôi chuẩn bị hồ sơ để xin làm Nghiên cứu sinh tại Viện văn học. Hai thầy nhận hướng dẫn Nghiên cứu sinh cho tôi là PGS. TS. Phan Trong Thưởng - Người hướng dẫn 1 và PGS. TS. Hồ Thế Hà - Người hướng dẫn 2. Mọi việc tưởng như đã ổn định, nhưng sau đó tôi nhận được tin là, do công việc quản lí quá bận rộn, không có nhiều thời gian để hướng dẫn, giúp đỡ tôi nhiều trong việc nghiên cứu khoa học và làm Luận án một cách chu đáo, tận tình được, vì thế có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tiến độ của Luận án nên thầy Phan Trọng Thưởng không thể đảm trách hướng dẫn khoa học cho tôi được. Nhận được hay tin như thế, tôi liền đến Viện văn học để trực tiếp xin gặp thầy Phan Trọng Thương xin ý kiến cũng như trình bày nguyện vọng của tôi. Sau khi lắng nghe tôi trình bày nguyện vọng, thầy Phan Trong Thưởng đồng ý mời PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện thay thế Thầy trong việc hướng dẫn Luận án cho tôi. Thầy Phan Trọng Thưởng bảo tôi phải liên hệ ngay với PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện để trình bày cụ thể, rồi tin Thầy hay về kết quả của cuộc gặp gỡ đó. Ngay ngày hôm sau, tôi liên hệ với PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện và xin phép được gặp trực tiếp để trình bày cụ thể nguyện vọng của tôi. May mắn thay, Thầy ấn định ngay vào 5 giờ chiều, thứ sáu của tuần, tại cơ quan làm việc số 51 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tôi đến Cơ quan của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện như đúng hẹn, tại phòng làm việc riêng ở tầng 7, tôi đang gõ cửa, thì thầy Nguyễn Ngọc Thiện vừa lên tiếng vừa mở cánh cửa ngay. Thầy mở cửa ra và ngước nhìn tôi, liền bắt tay và nở một nụ cười đầy thân thiện, rồi mời tôi ngồi xuống ghế. Ấn tượng trong tôi lần đầu tiên được diện kiến PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện, ngoài sự đón tiếp vui vẻ, nồng nhiệt, ăn mặc trang phục áo vest chỉnh tề, sang trọng, mái tóc hoa râm, gương mặt tròn đầy phúc hậu, là căn phòng làm việc không giống với những gì mà tôi đã hình dung ra trước đó. PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện - một Tổng Biên tập của Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam nhưng căn phòng làm việc lại rất đơn sơ, chỉ có cái bàn, cái ghế, chiếc tủ cũ và những chồng sách, tạp chí, báo bày biện gọn nghẽ. Tôi vừa ngồi xuống ghế, Thầy vội vàng rót nước trà mời tôi uống và vừa tiếp chuyện, hỏi thăm về công việc giảng dạy, viết lách,... Sau khi tôi giao tiếp xã giao với Thầy, thì liền trình bày sự việc và nói lên nguyện vọng được Thầy nhận làm hướng dẫn Luận án thay PGS. TS Phan Trọng Thưởng. Thầy lắng nghe tôi trình bày xong, rồi nói rằng: Trước hết, rất cảm ơn em đã tín nhiệm và mời Thầy là người hướng dẫn Luận án. Hôm trước em liên lạc qua điện thoại, có thể trao đổi với em ngay lúc đó nhưng Thầy lại muốn gặp trực tiếp gặp em, vì bấy lâu nay Thầy trò mình tuy đã quen biết nhau, thường xuyên liên lạc trao đổi bài vở, kinh nghiệm viết lách cũng như thảo luận về các vấn đề liên quan đến văn chương, đến chất lượng của các bài viết trên tạp chí, báo,... Nay em ra Hà Nội cũng là cơ hội để Thầy trò mình gặp nhau, hàn huyên. Còn vấn đề hướng dẫn Luận án, rất tiếc là không thể được, vì hiện nay Thầy đã nhận lời hướng dẫn 3 Nghiên cứu sinh của Viện văn học như đúng quy định rồi. Dẫu không trực tiếp chính thức hướng dẫn Luận án cho em, nhưng Thầy sẽ giúp đỡ tận tình trong quá trình nghiên cứu, làm Luận án khi em cần trao đổi một vấn đề nào đó. Đặc biệt là, Thầy có cả một Thư viện tư gia rất quý giá, có khá đầy đủ tư liệu cần thiết về mảng văn học nông thôn để em tham khảo khi viết về Luận án, nên em cứ yêm tâm nhé! Thầy thiết nghĩ, em cứ mạnh dạn trao đổi với thầy Phan Trọng Thưởng thêm một lần nữa, là để thầy Hồ Thế Hà một mình đảm trách nhiệm hướng dẫn Luận án. Tôi nói với PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện rằng: Thầy Hồ Thế Hà mong muốn cùng với Thầy hướng dẫn em bởi Thầy cũng rất am hiểu về mảng văn học nông thôn, lại ở tại Hà Nội nữa nên rất tiện dõi theo, đôn thúc em trong công việc học tập, nghiên cứu. Nhưng giờ Thầy không thể hướng dẫn Luận án của em được, thì em sẽ thuyết phục, động viên thầy Hồ Thế Hà thêm một lần nữa. Em cũng rất buồn và tiếc khi không được làm học trò chính thức của Thầy nhưng kể từ đây và mãi mãi Thầy vẫn xem em là một học trò, là một đệ tự ruột của Thầy nhé. Tôi vừa nói xong, thầy Nguyễn Ngọc Thiện vui vẻ nhận lời, rồi hai Thầy trò tiếp tục uống trà, trao đổi về vấn đề liên quan đến Luận án và hàn huyên chuyện trò văn chương. Hơn một tiếng đồng hồ Thầy trò say sưa chuyện trò, thảo luận chuyện văn, chuyện đời, tôi mời Thầy dùng bữa cơm tối thân mật tại một nhà hàng gần đó, rồi Thầy trò tạm biệt nhau, ngày mai tôi lại quay vào Quảng Trị,  hẹn gặp lại Thầy trong thời gian sớm nhất tại thủ đô Hà Nội dấu yêu.

Sau khi rời Hà Nội vào lại Quảng Trị, tôi gấp rút tranh thủ thời gian vào Huế để gặp thầy Hồ Thế Hà trình bày kết quả của chuyến đi cũng như trao đổi những vướng mắc trong việc tìm người hướng dẫn nên tôi thiết tha, động viên thầy Hà đồng ý một mình hướng dẫn Luận án cho tôi và vui mừng thay là thầy Hồ Thế Hà đã chấp thuận. Tháng 8 năm 2009, tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công nhận trở thành Nghiên cứu sinh của Viện Văn học. Tin vui đến, tôi liền gọi điện thoại để báo tin đến thầy Nguyễn Ngọc Thiện. Thầy nhận được tin của tôi vừa được công nhận Nghiên cứu sinh vừa được PGS. TS Hồ Thế Hà đảm nhận người hướng dẫn Luận án duy nhất nên Thầy rất vui mừng và chúc mừng tôi, rồi hẹn ngày hội ngộ tại thủ đô Hà Nội trong thời gian sớm nhất. Tháng 10 năm 2009, lớp Nghiên cứu sinh chính thức tập trung và học một số chuyên đề tại Viện Văn học, tôi đã tranh thủ thời gian đến thăm thầy Nguyễn Ngọc Thiện tại tư gia và xin mượn một ít tư liệu để đọc, tham khảo viết phần Lịch sử vấn đề nghiên cứu của Luận án. Đến gặp Thầy tại nhà riêng, tôi càng yêu quý, trân trọng Thầy nhiều hơn nữa. Tôi trân quý bởi đời sống của gia đình Thầy  đủ đầy, tiện nghi, nhưng nếp sống của Thầy thì lại rất giản dị, đạm bạc, thanh bạch. Trong suốt cuộc trò chuyện, thầy Nguyễn Ngọc Thiện rất chân tình, thân mật, cởi mở, vui nhộn nên đã tạo thêm cho tôi cảm giác ấm cúng, gần gũi. Thầy đã dành thời gian rất nhiều, để giúp đỡ tôi lục tìm một số tài liệu liên quan đến Luận án tại Thư viện tư gia. Và đồng thời Thầy vừa tranh thủ thời gian trao đổi một số vấn đề liên quan đến Luận án. Thầy bảo rằng: Luận án Đặc trưng phản ánh hiện thực của tiểu thuyết Việt Nam về nông thôn từ 1986 đến nay là một đề tài rất hay, có ý nghĩa thiết thực, dẫu nông thôn và nông dân là một trong những đề tài cũ, có tính truyền thống nhưng lại không mòn, vẫn còn rất nhiều khoảng trống để khai thác, đặc biệt là nông thôn sau Đổi mới. Để Luận án đạt kết quả tốt, trước hết em phải truy tìm tư liệu đầy đủ từ các nguồn Luận văn, Luận án, sách, tạp chí, báo,... có liên quan trực tiếp hoặc dán tiếp đến đề tài của mình. Sau đó, lập nên một thư mục nghiên cứu đầy đủ, đọc và xử lý tư liệu gốc, lập thành đề cương chi tiết, rồi mới viết từng phần của Luận án. Trong luận án, khi trình bày các luận điểm khoa học phải chặt chẽ, logic; phải đảm bảo các quy chuẩn trong trình bày, dẫn chứng, trích nguồn tư liệu phải đắc địa, rạch ròi, phải “nói có sách, mách có chứng”, nghĩa là có chứng cứ rõ ràng, kiểm chứng được; lưu ý từng chương, mục phải có kết cấu tổng thể cân đối, như thế mới có sức thuyết phục, có sự đóng góp mới cho khoa học. Trong thời gian viết Luận án, tôi cũng được thầy Nguyễn Ngọc Thiện dõi theo, đôn đúc, chu đáo, tận tình chỉ dẫn những vướng mắc, trở ngại cần thiết để vấn đề được sáng rõ, sâu sắc hơn. Sau khi viết xong Luận án cơ bản, Thầy đã dành thời gian, nhiệt tình đọc Luận án, rồi tận tình góp ý, chỉ bảo, nhờ thế mà tôi có thêm động lực viết và bảo vệ Luận án hoàn thành trước thời gian quy định, đạt kết quả xuất sắc.

Sau khi bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ, tôi trở về công tác giảng dạy tại Huế, nhưng Thầy trò vẫn thường xuyên liên lạc nhau, trao đổi học thuật nên tình cảm ngày càng thắm thiết, bền chặt nghĩa tình. Những khi, tôi có dịp ra Hà Nội công tác hay việc riêng đều tranh thủ thời gian để đến diện kiến Thầy và cùng gia đình ăn bữa cơm thân mật. Tình cảm Thầy trò gắn bó sâu sắc hơn nữa, mãi không thể nào quên trong kí ức, trở thành một kỷ niệm đẹp, đó là trong những năm tôi tham gia lớp Lý luận, phê bình của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ năm 2014 đến 2019. Mỗi năm được tổ chức một lần, thời gian cho mỗi đợt học là 15 ngày, tại Nhà sáng tác Quảng Bá, Bảo tàng Văn học Việt Nam, số 20B ngõ 275, đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội. Lớp tôi là lớp đầu tiên của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tổ chức theo mô hình tập trung, chuyên sâu về mảng lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật. Thành phần tham gia là những học viên chuyên ngành lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật, đến từ các tỉnh thành trong cả nước, đủ mọi lứa tuổi, đang công tác, giảng dạy tại các trường, các nhà xuất bản, các báo, tạp chí trung ương và địa phương,... nhưng lại có cùng chung đam mê, tâm huyết trong lĩnh vực lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật. Mỗi khóa học, lớp tôi được học các chuyên đề khác nhau về mỹ học Mác - Lenin và đường lối văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam, về tư tưởng văn hóa, văn ghệ Hồ Chí Minh, về những đặc trưng loại biệt của ngôn ngữ trong các loại hình nghệ thuật, về những kinh nghiệm trong sáng tác, trong nghiên cứu, lý luận, phê bình Văn học Nghệ thật,... Các chuyên đề do các giảng viên – giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như GS. Phong Lê, GS. Hà Minh Đức, GS. TS Đinh Xuân Dũng, PGS. TS Phan Trọng Thưởng, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện, PGS. TS Vũ Nho, PGS. TS Nguyễn Văn Dân, PGS. TS Hà Thị Minh Thái, TS. Lê Thành Nghị, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nhà văn Tùng Điển, Nhà văn Đinh Quang Tốn,... Lớp tôi không chỉ được học, trau dồi kinh nghiệm, mà còn xem được một số bộ phim hay tại Hội Điện ảnh Việt Nam; được thực hành nhiếp ảnh tân văn - báo chí trong đời sống hằng ngày, trong các sự kiện lớn nhỏ; được tham quan thực tế một số địa điểm di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng ở các tỉnh phía Bắc.   

Ngoài việc tham gia hai chuyên đề về Lịch sử và sự phát triển Lý luận, phê bình Văn học Việt Nam hiện đại và Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của Lý luận phê bình trên báo chí Văn học nghệ thuật, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện còn gánh vác trọng trách Chủ nhiệm lớp qua 5 khóa học từ khóa I (2014), khóa II (2015), khóa III (2017), khóa IV (2018), khóa IV (2019). Thầy Nguyễn Ngọc Thiện làm chủ nhiệm đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với tôi và các bạn trong lớp học. Thầy là người rất thân thiện, hoà đồng, vui vẻ, vô tư. Thầy rất có trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc, luôn quan tâm, ân cần hỏi han, chăm sóc nơi ở, bữa ăn cho từng học viên nên ai cũng quý, cũng mến. Mỗi khóa học, lớp tôi đều có đi tham quan thực tế và mỗi chuyến đi đó đều do Thầy làm Trưởng đoàn, kiêm luôn cả hướng dẫn viên, nhiếp ảnh gia cho lớp nữa. Trong những chuyến đi tham quan thực tế, tôi nhớ nhất là chuyến đi tham quan các di tích lịch sử tâm linh ở Bắc Ninh. Nhân dịp chuyến đi này, tôi đã về thăm quê hương và gia đình của Thầy ở tại làng Nành - Ninh Hiệp, thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh xưa. Đến quê hương của Thầy, tôi được đi tham quan một số di tích lịch sử nổi tiếng để hiểu về lịch sử, về con người của một vùng đất có bề dày văn hóa lâu đời. Sau khi tham quan một số nơi đặc biệt như chùa Nành, chợ vải Ninh Hiệp,...  Thầy đã dẫn lớp tôi về thăm ngôi nhà cổ trăm tuổi của Tổ phụ, được xây dựng cách đây hơn một trăm ba mươi năm. Ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc cổ xưa, thể hiện nét đặc trưng về kiến trúc của văn hóa Việt Nam. Từ cổng, thành, sân, mái ngói, các bức hoành phi, câu đối, tượng của hai cụ thân sinh,... hơn khá cũ kỷ, rêu phong nhưng vẫn còn vẹn nguyên. Trong không gian ngôi nhà cổ của Thầy, tôi rất thích, rất ấn tượng với bức hoành phi treo ngay trên gian thờ giữa của ngôi nhà: THẾ UẨN THIỆN. Bức hoành phi thể hiện được tư tưởng triết mỹ, có tính giáo dục, nhân văn sâu sắc khi hướng con người về những điều tốt, điều lành, khiêm cung, phong lưu, đạm bạc,... Và hai câu đối ở hai bên: “Tâm tưởng hài hòa chân thiện mỹ/Gia đình hạnh phúc thọ an khang”. Hai câu đối này của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu dành tặng cho gia đình vào năm 1997 nhân dịp PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện tròn 50 tuổi. Câu đối rất có ý nghĩa, vừa mang tầm khái quát cao vừa hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt hơn nữa, khi được Thầy giới thiệu hai tượng của hai cụ thân sinh do chính Thầy đặt khắc để phụng thờ, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn/Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hiếu thảo, cung kính công lao như núi, như biển của con cái đối với cha mẹ. Chính nhờ xuất thân trong một gia đình nho gia, chuẩn mực nề nếp, gia phong tôn nghiêm, hiếu học, thiện lành như thế nên Thế Uẩn - người trai làng Nành đã được tắm gội khí linh cội nguồn đó của gia đình, trở thành trí thức bậc cao, uyên bác, xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học, báo chí và giáo dục đương đại, xứng đáng là một bậc mô phạm chuẩn mực cho hàng hậu học hôm nay và tương lai noi theo.

Trở về Hà Nội sau khi đi thực tế Bắc Ninh, thầy Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa lớp tôi về thăm tư gia. Tôi rất thán phục, ngưỡng mộ khi Thầy đã tự xây dựng một Thư viện sách trong hơn 50 năm qua rất đồ sộ, với hơn 10 vạn đầu sách. Thầy tâm sự rằng: Thầy quan tâm, có ý thức xây dựng một Thư viện sách từ những năm tháng đang ngồi ghế nhà trường. Năm học lớp 10 tại Trường cấp III Trần Phú, Vĩnh Phúc, Thầy được Nhà trường chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường để đi thi toàn tỉnh và đã đạt học sinh giỏi Văn của tỉnh. Sau đó Thầy tiếp tục được cử vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh, để đi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Từ đó, Thầy rất siêng năng tìm tòi, sưu tầm sách vở thuộc lĩnh vực văn chương. Cứ như thế, từ ngày này qua tháng khác cần mẫn bồi đắp dần dần mới có được thành quả như ngày hôm nay. Đáng ngợi ca hơn nữa, thầy Nguyễn Ngọc Thiện mong muốn, ước mơ việc ươm mầm trí tuệ của mình phải được lan tỏa khắp nơi nên Thầy không chỉ xây dựng thư viện cá nhân của mình, mà còn tham gia góp công sức xây dựng Thư viện tại một số Nhà văn hóa cộng đồng mỗi năm gần một nghìn đầu sách và một phần chi phí để xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, công nghệ cho Thư viện cộng đồng. Chính nhờ những đóng góp hữu ích, thiết thực của thầy Nguyễn Ngọc Thiện đã tạo nên một nguồn cảm hứng trong văn hóa đọc sách hiện nay, tiếp thu tri thức của nhân loại đối với cộng đồng dân cư.

Nhờ sự dẫn dắt, tận tâm, ân cần của thầy Nguyễn Ngọc Thiện – Chủ nhiệm Lớp chuyên đề Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật qua 5 khóa học, các học viên đã có sự trưởng thành, hứng khởi, đột phá trong sáng tạo văn chương. Điển hình như, trong 5 khóa học (2014 - 2019), có hơn 100 bài viết của các học viện được đăng trên các tạp chí chuyên ngành Trung ương và địa phương. Đã xuất bản được 9 đầu sách của 7 tác giả, trong đó có đến 6 tác phẩm đạt Giải thưởng thường niên của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; hàng chục Giải thưởng của các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố; giải thưởng, tặng thưởng của các cơ quan Văn học Nghệ thuật khác trong nước. Có đến 3 học viên được kết nạp vào các Hội chuyên ngành Trung ương.

Chất giọng Kinh Bắc rất ấm áp cùng với vốn kiến thức, hiểu biết sâu rộng của thầy Nguyễn Ngọc Thiện đã tạo ra sức cuốn hút đặc biệt, để lại ấn tượng sâu đậm trong kí ức của tôi và mỗi học viên của Lớp Lý luận - phê bình. Được làm học trò và người đồng nghiệp vong niên của Thầy, với tôi đó chính là niềm vui, niềm tự hào, hạnh phúc vô cùng.

Qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu khoa học, tham gia đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh cũng như từng giữ các chức vụ như Trưởng phòng Lý luận - Viện Văn học, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận - Phê bình Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam,... Chính sự phấn đấu, tham gia đóng góp tích cực, cống hiến cho khoa học và giáo dục nên nhiều năm liền PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện được khen thưởng, tặng thưởng và đạt nhiều giải thưởng như Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huy hiệu Cựu chiến binh Việt Nam; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học xã hội Việt Nam, Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin, Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Vì sự nghiệp Múa Việt Nam; Giải thưởng của Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương; Điển hình gương Người tốt việc tốt thành phố Hà Nội; Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Tuyên giáo,...

Với những đóng góp tích cực trong nghiên cứu khoa học, công tác và giảng dạy, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện rất xứng đáng được xếp vào một trong số những tác gia tiêu biểu của Việt Nam mà Giáo sư, Viện sĩ Hồ Tôn Trinh chọn khi làm Từ điển về tác gia Việt Nam và thế giới. PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện cũng rất xứng đáng khi được giới văn nghệ sĩ, bạn bè tặng biệt danh Con số 7 may mắn – nó đã trở thành một giai thoại trong làng Văn hiện nay.

_________

Chú thích: Đề cập đến bản quyền của tác giả, tôi xin nói thêm về trường hợp của LXV đã từng ăn cắp, đạo văn của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện trong bài viết Nhớ Hải Triều - kiện tướng trong bút chiến vì một nền văn học vị nhân sinh, khuynh hướng về tả thực xã hội, đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội, số 8/1984 trở thành bài viết của mình Hải Triều - Người góp phần xây dựng nền móng tư duy lý luận văn học hiện đại Việt Nam, đăng trên Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công An, số 3/1997 và Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 281/1997. Sự việc này đã được làm sáng rõ khi Ban biên tập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an gửi thư trình bày sự việc, thành thật xin lỗi đến PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện và ông đã từ tốn, sẵng sàng nhắc nhở, chứ không bực bỏ về sự việc đó. Mặc dù bài viết này, LXV không đưa vào trong tập tiểu luận, phê bình Những trang đời, trang văn nhưng qua đó Ban tổ chức Giải thưởng Văn học nghệ thuật của địa phương vẫn đánh giá nhân cách khoa học, không tán thành hành động, việc làm đó của LXV nên Hội Văn học nghệ thuật địa phương không trao giải thưởng cho cuốn sách này như đã dự định trước đó.

 

Bạn đang đọc bài viết "PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện - Một đời vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giáo dục" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn