Ông Tô Hiền – Sinh ra để làm thủ lĩnh

Hồ Công Thiết

24/05/2022 11:43

Theo dõi trên

SEA Games 31 đã thành công. Giới truyền thông và đông đảo người hâm mộ thể thao đều ngưỡng mộ những vận động viên, huấn luyện viên đã mang vinh quang về cho Tổ quốc, nhưng ít người biết đến hoặc nhớ tới vai trò của những người đứng đằng sau mọi chiến thắng của thể thao Việt Nam – Đó là những vị Trưởng đoàn, những cán bộ nghiệp vụ ở các bộ môn.

 

ong-to-hien-1-1653367295.jpg
Đội CAHN. Ông Tô Hiền đứng giữa, thứ 5 từ trái sang

 

Nhà ông Tô Hiền ở phố Hàng Giấy, sát với sân Long Biên. Ngoài lúc đi học, người nhà đi tìm ông thì cứ ra sân. Ông chỉ quẩn quanh với trái bóng tròn, nỗi đam mê lớn nhất đời ông.

Năm 1956 đội bóng đá CAHN được thành lập với nòng cốt ban đầu là các đàn anh ở đội Hoàng Diệu và đội Cảnh binh có từ thời thuộc Pháp. Những ông Nghẽn, Nghĩa, Luyến, Thưởng, Thìn A, Phú “tí”, Tòng “cháy”… đã mang đến cho đội CAHN một bản sắc thi đấu giàu chất kỹ thuật nhưng cũng đầy ngẫu hứng. Khi đó đội do ông Lê Viễn, cán bộ Phòng TDTT Bộ Công an và ông Hoàng Nghĩa Đường, cựu võ sỹ vô địch Đông Dương, cán bộ phòng Tổ chức CAHN phụ trách. Ông Lê Nghĩa, điệp báo viên huyền thoại CAHN và là Phó giám đốc Sở trực tiếp chỉ đạo.

Năm 1959 CAHN tuyển dụng lứa đầu tiên để bổ sung cho đội hình đã lớn tuổi của đội. Lứa đó có các ông Tô Hiền, Đoàn Sơn (Sơn “min”), Trần Đình Du (Du “cò”), Trần Đình Đức (Đức “khựa”), Nguyễn Văn Thọ (Thọ “gáo”), Trịnh Xuân Đài (Ba Đài), Vũ Văn Hạc (Hạc “phệ”), Tô Giới Pháp (Pháp A), Hoàng Xuân Thành (Thành A), Lai Thành (Thành B), Nguyễn Văn Độ (Độ “trây”)…

Rất nhanh chóng, các cầu thủ trẻ đã đảm đương được khoảng trống do các đàn anh để lại. Khi Trường huấn luyện TDTT (Đội tuyển Quốc gia thời gian đấy) được thành lập, đội CAHN đóng góp 2 tuyển thủ Lưu Đình Tòng và Phan Đức Âu. Sau đấy, ông Tô Hiền, Trần Đình Du, Từ Như Hiển… cũng được triệu tập lên Trường huấn luyện.

Thủa đấy hai hậu vệ biên của tuyển Quốc gia luôn là ông Lưu Đình Tòng (bên trái) và ông Tô Hiền (bên phải).

Lối đá của ông Tô Hiền bao quát, thông minh nên ông sớm được giao băng thủ quân đội CAHN.

Ông Tô Hiền như được sinh ra để làm thủ lĩnh

Sau vài trận tham gia đội tuyển, ông đã sớm được đeo băng thủ quân. Trợ giúp Ban huấn luyện, ông xốc vác tinh thần đồng đội ngay trên sân hoặc truyền đạt ý đồ của HLV tới từng cầu thủ.

Có một kỷ niệm ở GANEFO 1966 tại Campuchia, chứng tỏ ông Tô Hiền còn có những kỹ năng và tư duy để làm thủ lĩnh : Khi thấy trọng tài Huy Khôi tóc đã dài, không còn mái tóc cắt cua đặc trưng thường thấy của vị trọng tài đáng kính của Việt Nam, ông Tô Hiền đã xung phong cắt tóc cho trọng tài Huy Khôi. Giải bóng đá đấy ông Huy Khôi được bầu chọn là Trọng tài xuất sắc nhất giải đấu. Về sinh hoạt trong Đoàn thể thao Việt Nam, ông Huy Khôi nói vui : Nhờ cậu Tô Hiền cắt tóc cho mình rất đẹp nên mình tự tin cầm còi đấy.

Đội CAHN từ ngày thành lập năm 1956, việc chuyên môn do các huấn luyện viên đảm nhiệm nhưng quản lý đội bóng lại do cấp trên kiêm nhiệm như các ông Lê Viễn, Hoàng Nghĩa Đường, và các ông trưởng phòng nghiệp vụ kiêm nhiệm như ông Trần Đức, Nguyễn Thiện Kế, Trần An. Đến ông Tô Hiền, ông phụ trách luôn cả chuyên môn lẫn mọi mặt của đội bóng với chức danh Trưởng đoàn Bóng đá Công an Hà Nội.

Dưới thời ông, đội CAHN luôn là một đội mạnh, đoàn kết và tham gia tích cực trong công tác giữ dìn an ninh trật tự Thủ đô. Tấm Huân chương Lao động duy nhất Nhà nước trao tặng cho một đơn vị thể thao, được giành cho đội CAHN đã nói lên nỗ lực tột cùng của ông Tô Hiền và tập thể Đội bóng đá CAHN.

ong-to-hien-2-1653367295.jpg
Đội hình đoạt giải Ba Tiger Cup 1996. Ông Tô Hiền mặc áo vét, đứng thứ 3 từ phải sang

Chuyện ngoài lề

Khi ông đang đương chức Trưởng đoàn Bóng đá CAHN, ông đã cùng các ông Nguyễn Văn Thọ (Thọ “gáo”), Đoàn Sơn (Sơn “min”), Trần Đình Du (Du “cò”), Trần Đình Đức (Đức “khựa”)…xúc tiến thành lập đội bóng đá Cựu cầu thủ CAHN. Ông muốn tạo sân chơi cho các đồng đội đã nghỉ thi đấu đỉnh cao và tạo gắn kết các thế hệ cựu cầu thủ trong làng bóng đá. Hiện một số CLB cũng đã có FC Cựu cầu thủ của mình, nhưng sau gần 40 năm kể từ ngày ông Tô Hiền và các đồng đội thành lập sân chơi cho các cựu cầu thủ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn chưa có các hoạt động bài bản tương xứng đối với các thế hệ cầu thủ bóng đá Việt Nam.

Ông Tô Hiền còn là Trưởng ban Kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Giới bóng đá Việt Nam vẫn nhớ các kỳ bóng đá Việt Nam hội nhập quốc tế. Những lần đấy theo quy chế, Liên đoàn đều cử một cán bộ sang làm trưởng đoàn.

Tuy vậy, vai trò của các trưởng đoàn đều hết sức mờ nhạt. Thậm chí có những kỳ trưởng đoàn và huấn luyện viên trưởng còn xung khắc với nhau.

Tiger Cup lần thứ nhất năm 1996 ở đội tuyển, mâu thuẫn giữa HLV người Đức Weigang và 2 HLV phó người Việt bùng phát. Có những lúc HLV phó người Việt còn lấn quyền, xông ra chỉ đạo trực tiếp đội tuyển. Ông Weigang lúc đấy chỉ còn biết gửi thư lên lãnh đạo Liên đoàn khóa 2 để than phiền.

Các cán bộ có chuyên môn, có uy tín của Liên đoàn lúc đấy, ai cũng né tránh khi được gợi ý đảm đương trọng trách Trưởng đoàn. Việc về đội tuyển lúc ấy được ví như “Nhảy vào vạc dầu”. Mâu thuẫn trầm trọng đến mức Liên đoàn Bóng đá cũng không hóa giải được khi giữ lối chỉ đạo từ xa. Người nào về phụ trách đội tuyển lúc này sẽ bị đứng giữa “Hai làn đạn”, từ HLV Weigang với các HLV người Việt và một số cầu thủ thân tín. HLV là ông Weigang là một HLV có uy tín, có thành tích. Các HLV phó lại là người của Liên đoàn cử sang. Họ cũng có những thành tựu huấn luyện sau lưng. Giải quyết những khúc mắc trong Ban huấn luyện lúc đấy thật khó. Có lúc Liên đoàn đã phải nghĩ tới phương án giản tán Ban huấn luyện ngay trước giờ bóng lăn.

May sao lãnh đạo Liên đoàn nhớ bà Hoàng An, vợ ông Tô Hiền. Bà Hoàng An là HLV đội Điền kinh quốc gia và là bạn của HLV bóng đá Weigang.

Lập tức Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ trách khu vực phía Nam Nguyễn Tấn Minh được cử đến thuyết phục bà Hoàng An. Lúc đó đội điền kinh quốc gia đang tham dự một giải đấu quốc tế tại thành phố Hồ Chí Mình.

Cả bà Hoàng An lẫn ông Nguyễn Tấn Minh đều không hé lộ chi tiết cuộc gặp, nhưng tin ông Tô Hiền nhận lời làm trưởng đoàn khiến Ban lãnh đạo Liên đoàn trút được gánh nặng ngàn cân. Ông Trần Bảy, Tổng Thư ký Liên đoàn đội mưa sang Trần Phú, nơi có trụ sở của Tổng cục TDTT để làm gấp quyết định bổ nhiệm ông Tô Hiền.

Không chờ cầm quyết định theo đường văn thư, ông Tô Hiền bay ngay vào thành phố Hồ Chí Minh để sớm ổn định tình hình đội tuyển.

Buổi họp ban đầu căng như dây đàn. Các HLV phó ngóng xem ông Tô Hiền xử lý ra sao. Ông Weigang thì ngờ vực vì ông Tô Hiền cũng là cán bộ lãnh đạo của Liên đoàn.

Lúc đó ông Tô Hiền đưa ông Weigang túi quà là những chiếc bánh đậu xanh mua ở phố Hàng Than – Hà Nội và nói đây là quà của bà Hoàng An gửi tặng. Thông điệp ẩn sau túi quà khiến ông Weigang thoải mái, an tâm.

Lúc đó ông Tô Hiền mới truyền đạt chỉ đạo của Liên đoàn : “Tôi được giao phụ trách đối nội, đối ngoại của đội tuyển. Ông Weigang phụ trách chuyên môn và đảm bảo thành tích của đội. Các HLV phó có vai trò giúp việc cho HLV trưởng”.

Cả Ban huấn luyện thở phào và sau đấy ai cũng nỗ lực hoàn thành chức phận của mình, như chưa từng có những mối bất hòa trước đó. Tuy ông Tô Hiền chỉ nói vắn tắt như vậy, nhưng cả ông Weigang lẫn các HLV phó người Việt, ai cũng hiểu ông Tô Hiền là người thế nào. Người đàn ông quyền biến bậc nhất, người đàn ông uy tín bậc nhất bóng đá Việt đã ổn định nội tình đội tuyển ngay trong lần gặp đầu tiên.

Bước vào giải, sau trận thắng Campuchia 3 – 1, đội tuyển Việt Nam bất ngờ bị đội tuyển Lào cầm hòa 1 – 1. Trận này một số cầu thủ đá dưới sức mình. HLV Weigang mất bình tĩnh. Ông đề nghị đuổi khỏi đội tuyển 4 cầu thủ ông nghi là bán độ.

Ông Tô Hiền xin ông Weigang cho 4 cầu thủ này “Lấy công chuộc tội”. Tại buổi họp chuyên môn, ông Tô Hiền mang đến một cành khế và nhắn nhủ “Quê hương là chùm khế ngọt”. Các cầu thủ như bừng tỉnh. Không khí nghi kỵ, ảm đạm sau trận hòa đội tuyển Lào tan biến. Đội tuyển đã thắng ứng cử viên vô địch Myanma 4 – 1 để vào bán kết. Năm đấy, sau khởi đầu không thuận lợi, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã hồi sinh, đoạt chiếc Huy chương Đồng trên đấu trường khu vực. Hàng nghìn cổ động viên đã ra sân bay Tân Sơn Nhất đón đội tuyển trở về.

Buổi lễ mừng công năm đó, mọi người xúm xít quanh HLV Weigang và các tuyển thủ, nhưng giới bóng đá ai cũng hiểu nếu không phải là ông Tô Hiền dũng cảm nhận trọng trách trưởng đoàn bóng đá thì đội tuyển có khi phải “Thay ngựa giữa dòng” hoặc thậm chí phải giải tán đội tuyển ngay trước giờ bóng lăn.

Hai năm sau ông mắc bệnh hiểm nghèo. Ông mất ngày 26/3/1998. Thọ 58 tuổi. Đám tang của ông được các đơn vị trong ngành, trong lĩnh vực thể thao và các cầu thủ, cựu cầu thủ đến đưa tiễn. Ai cũng công nhận trong làng bóng đá, không phải ai cũng được kính trọng và quý mến như ông Tô Hiền.

Ông Tô Hiền cả đời gắn bó với bóng đá Việt Nam. Ông hiểu mọi ngóc ngách của bóng đá và biết khi nào cần “cứng”, lúc nào phải “mềm”.

Trong các đời Trưởng đoàn Bóng đá Việt Nam, ông Tô Hiền luôn là Trưởng đoàn được mọi người kính trọng và thán phục nhất.

Trong giới cầu thủ, ông Tô Hiền vừa là cầu thủ giỏi, vừa là nhà quản lý bóng đá có tâm, có tầm.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Ông Tô Hiền – Sinh ra để làm thủ lĩnh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn