Nhớ chợ Tết quê

Đào Như Lý

24/01/2022 20:48

Theo dõi trên

Tôi xa quê lâu lắm rồi. Lại không hay về quê vào dịp Tết, nhưng từ trong sâu thẳm của tâm can, không bao giờ tôi quên được chợ Tết quê từ khi  lên 5 lên 7.

nho-cho-que-1643032011.jpg
 

 

Không biết bây giờ có còn như xưa? Ấy là chợ huyện Quỳnh Côi có phiên vào ngày 2 và ngày 6. Ngày 26 tháng chạp là phiên chợ cuối cùng của năm.

Vì là phiên cuối nên chợ đông vô cùng, không thể nào tả nổi.

Người lớn tranh thủ có gì thì đem bán, thiếu gì thì đi mua.

Lũ trẻ con háo hức chờ giờ học sớm kết thúc để rủ nhau đi chợ. Chúng đi để xem thôi chứ  tiền đâu mà mua gì.

Còn tôi thì không bao giờ dám có tư tưởng được đi xem chợ Tết vào ngày đó vì mẹ tôi luôn nói: Đi để người ta chen cho bẹp ruột à ?

Tôi không được đi chợ Huyện vào phiên 26. Nhưng tôi vẫn được biết khung cảnh chợ Tết quê vì nhà tôi ngay cạnh chợ Đó.

Hồi ấy chợ Đó họp ở ngã ba, trước cửa nhà tôi. Chợ Huyện họp ở lối vào La Vân . Không biết có phải vì có phiên chợ Huyện hay không mà chợ Đó cũng đông nghìn nghịt. Người ta tràn cả vào sân nhà tôi tranh thủ mua bán cho nhau. Ngoài chợ, người thì ngồi bầy bán gạo, lạc, đỗ, cam, chuối bưởi bòng, lợn gà ngan vịt...thôi thì đủ cả. Người thì đứng cầm những bó hoa giấy, gấp rất đơn giản, ở giữa dán vòng tròn bằng giấy trăng kim làm nhụy.  Ngày ấy hoa tươi rất ít nên hoa giấy đơn giản thế, mà vẫn có người mua để bày Tết. Chứ như bây giờ, trộm nghĩ, nếu cầm cành hoa ấy đi đường chắc người ta sẽ lùa ngay vào viện tâm thần.

Góc này thì pháo đốt đì đùng, góc kia thì lợn kêu eng éc. Góc thì phì phò tiếng kéo bễ của bác thợ rèn dao kéo hay của lò thổi thủy tinh. Trong đám chen chúc ấy, có người cầm cái gậy nhỏ (nhà quê là cái sào), ở trên buộc những hộp giấy phết phẩm vàng. Gọi là phong đường . Họ phải cầm giơ cao thế vì đấy là những chiếc hộp rỗng. Để thấp mà chen nhau thì các hộp ấy có mà bẹp rúm. Người ta mua hộp này về, cho đường vào bên trong để đi lễ tết với nhau. Nôm na như hộp gói quà mừng bây giờ. Cả nước  đều nghèo, quà Tết chỉ có cân đường là sang, là quý lắm rồi.

nho-cho-que1-1643032011.jpg
 

Sặc sỡ đủ màu phải kể nữa là những chỗ bán tranh và câu đối Tết. Tranh Tết thường là tranh Đông  Hồ, những đôi cá chép chơi trăng , những chú lợn béo tròn hay những bông hoa, cành đào tùy hứng của người thợ vẽ.

Anh trai thứ 2 của tôi là người có hoa tay, vẽ rất đẹp. Hồi đó, lúc học cấp 2, anh đã được trường Mỹ thuật ở phố Yết Kiêu - Hà nội về tuyển chọn. Nhưng khi giấy nhập học gửi về thì bị những kẻ hẹp hòi ở địa phương ỉm đi. Ngày ấy thật ngu ngơ chứ không như bây giờ nên anh đã mất cơ hội trở thành họa sỹ.

Anh tôi vốn đọc nhiều truyện, lại thông minh và có hoa tay. Thấy người ta bán những bức tranh rất ngô nghê cũng có người mua, thì bèn đem giấy và màu ra vẽ . Vẽ xong, anh kẹp treo ở ngay trên vách nhà quay ra mặt đường - nơi đang họp chợ.

Tranh vẽ lấy tên ANH HÙNG TƯƠNG NGỘ - trên cây là con đại bàng cúi xuống nhìn con hổ đang gầm gào dưới gốc cây. Góc phải của bức tranh là câu thơ :

" - Mình chỉ kỳ cào ba tấc đất

Tớ đây lừng lẫy bốn phương trời.

- Không cánh muốn lên, lên chẳng được

Có gan thì xuống, xuống mà chơi! ".

Anh trai tôi không ngờ, cứ treo bức tranh nào lên là có người mua ngay bức ấy. 

Còn tôi, tôi cũng không ngờ là bao nhiêu năm đã trôi qua, vẫn còn nhớ như in khung cảnh chợ Đó của tôi vào dịp Tết và bức tranh của anh trai với những câu thơ " máu chiến " như thế.

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ chợ Tết quê" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn