Nhân chứng lịch sử, chúng ta không được phép quên !

 Nguyễn Hoàn Long

12/01/2023 08:45

Theo dõi trên

“Ông Đặng Hồng Phẩm sinh năm 1932, Nguyên quán : Xã Nga Bạch – huyện Nga Sơn – Thanh Hoá.. Trú quán : ấp Thuận An, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Mất ngày 12 tháng 12 năm 2022 (Nhằm ngày 19 tháng 11 năm Nhâm Dần)…”

Nếu đọc dòng thông báo ấy, khó có ai biết Cụ là ai…..

Bởi vì chúng ta vô tình không biết, hay bởi vì ta đã quên….

Tôi là thằng bé sinh sau chiến tranh, sau cái ngày non sông tròn vẹn (30/4/1975). Trong cuộc chiến ấy, nhà ai mà chả có người góp công, góp sức làm nên chiến thắng lịch sử của Dân tộc. Bố tôi cũng đã từng khoác áo lính tham gia từ năm 1964 ở chiến trường Quảng Đà năm nào… Ông chẳng mang gì về - kể từ khi tôi biết nhận thức – ngoài cái thẻ Thương bình, ngoài những di chứng của sốt rét, của chất độc hoá học trong mình, có chăng là mấy bộ quần áo lính. Nhưng những bộ quần áo ấy sau cũng bán dần đi, vì lo cho chính thằng tôi bây giờ….

d1aq1v-1673487505.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi là thằng bé nghèo, nghèo theo nhiều nghĩa, nhưng cái nghèo nhất có lẽ là Tình thương. Người ta thường nói : Cái gì mà con người ta không có, thường khiến người ta “thèm, khát”… Chính thế nên khi lớn lên, tôi dễ đồng cảm với mọi người.

Nhờ cái mạng xã hội (face book) này mà tôi quen nhiều người, nhiều khi chưa một lần giáp mặt. Nguyễn Hoàng Hải (với tên trên face book là Hải Hoàng) là một ví dụ. Qua bạn này, mà tôi biết được lai lịch của Người có tên trong dòng chữ trên.

Cụ Phẩm nguyên là cán bộ đại đội, đài trưởng vô tuyến điện của cụm tình báo chiến lược H63, khi đó do Cụ Tư Cang (tức Đại tá Nguyễn Văn Tàu) chỉ huy. Điều này được viết trong cuốn “Tình báo kể chuyện” của Cụ Tư. Trong cuốn truyện đó, ông có tên là Bảy Phẩm...

Sau những năm huấn luyện ở miền Bắc, từ năm 1962 đến năm 1975 ông được phân công làm nhiệm vụ tại đơn vị thông tin A13D9 phòng tình báo Miền (B2), ông là một trong những người giữ mạch thông tin vô tuyến giữa cụm tình báo với cấp trên, là người đã nhận nhiều chỉ thị, là người đã gửi đi những tin tức tình báo quí giá mà cụm tình báo H63 thâu lượm được … Và hơn nhất, là một trong vô vàn người con Việt Nam góp một phần công sức mình cho Tổ quốc, cho những gì có được ngày nay…

Cụ đã tròn trách nhiệm của mình, cụ đã ra đi khi chuẩn bị bước sang một tuổi mới. Tôi không được dự lễ tang của cụ, nhưng qua cháu ngoại cụ (là bạn Nguyễn Hoàng Hải) tôi được biết, trong lễ tiễn đưa cụ về thế giới bên kia, chỉ có những người thân, những người sống bên cụ…. Những đồng đội của cụ, hoặc là đã đi trước, hoặc là quá già, hoặc là không được tin… Nên họ không tham dự, không có tên trong những dòng tên của những người tiễn đưa cụ…

Dù là người không quen biết, nhưng được tin Cụ mất, lòng tôi cũng thấy rất buồn. Nhưng cũng thấy tự hào vì những gì Cụ đã làm cho Đất nước này… Chúng ta, nếu ai biết, sẽ không bao giờ quên điều ấy. Tôi tin chắc là như vậy.

Hải à, cuốn truyện có nói về Ngoại, của một người chỉ huy, người đồng chí của Cụ năm nào anh gửi cho em chắc Ngoại đã đọc, hoặc được nghe người thân đọc cho, anh hi vọng Cụ hiểu có một “thằng bé” cũng thương và trân trọng Ngoại như em. Một ngày nào đó, có dịp anh ghé qua, hãy đưa anh đến thắp hương cho Ngoại, em nhé…

Ở một nơi xa lắc – qua những dòng này - con xin tưởng nhớ đến Cụ…

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nhân chứng lịch sử, chúng ta không được phép quên !" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn