Nhà thơ Y Phương qua đời

Ban Biên tập (tổng hợp)

10/02/2022 20:46

Theo dõi trên

Nhà thơ Y Phương, tác giả tập thơ "Tiếng hát tháng giêng", Giải thưởng Hội Nhà văn 1987, vừa đột ngột qua đời vào 20 giờ 50 phút ngày 9-2 tại Cao Bằng, hưởng thọ 74 tuổi. Tạp chí điện tử Văn hóa và phát triểu vô cùng đau xót trước thông tin này. Tạp chí trân trọng giới thiệu hai bài viết cùng tư liệu về ông.

nha-tho-y-phuong-1644500573.jpg
 

 

Vĩnh biệt người viết ‘’Tiếng hát tháng giêng’’

Nguyễn Quang Thiều

Tối nay, một tối tháng Giêng, nhà thơ Y Phương, tác giả tập thơ TIẾNG HÁT THÁNG GIÊNG, Giải thưởng Hội Nhà văn 1987 đã ra đi.

Tôi nghe tin từ con rể ông là họa sỹ, nhà văn Hoàng  A Sáng khi đang trên đường về nhà muộn. Tôi không tin đó là sự thật. Bởi trước Tết ông còn đến Hội nhà văn dự sự kiện và còn nói chuyện vui vẻ với mọi người.

Nhà thơ Y Phương là người dân tộc Tày, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông sống ở Cao Bằng rồi theo con về Hà Nội. Và tôi luôn cảm thấy những ngọn gió và những câu hát tháng Giêng từ núi cao cố hương ông cũng theo ông về chốn đô thành. Những ngọn gió và những câu hát tháng Giêng ấy ban ngày bị chìm khuất trong ồn ĩ của người và xe nơi thành phố, nhưng đêm đêm lại trỗi dậy thổi qua ngôi nhà ông, làm ông nhiều lúc khóc như một cậu bé Tày ba tuổi, và đưa ông về nơi chôn nhau cắn rốn của ông.

Nhiều lúc, ông phải kêu lên trong buồn bã bởi nhớ quê. Nhất là những năm tháng tuổi già ít về được cố hương ông. Nhưng giờ ông đã hoàn toàn được trở về nơi chốn ấy để gặp tổ tiên, ông bà, cha mẹ ông và để chìm đắm trong những câu hát tháng Giêng thánh thiện của xứ sở mình.

Xin cúi đẫu tiễn biệt ông, một tài năng đặc biệt và một nhân cách lớn.

Hội nhà văn sẽ tổ chức tang lễ ông và sẽ có thông báo tới đồng nghiệp và bạn bè ông.

Thương tiếc nhà thơ Y Phương.

y-phuong2-1644500727.jpg
\

Tạm biệt pa - nhà thơ Y Phương!

Hoàng A Sáng

... Bây giờ tôi mới bình tĩnh... tôi vẫn chưa tin là tạm biệt bố vợ mình.

Đối với tôi...

  Nhà thơ Y Phương... hơn cả một ông bố vợ thông thường, nhà thơ còn là thầy tôi, bạn tôi - người phát hiện ra tôi có khả năng văn chương - người dám gả con gái cho một người nghèo khó như tôi - người đặt mọi niềm tin vào tôi - người thổi vào tôi niềm cảm hứng, sự kiêu hãnh, sự khiêm nhường, sự lãng mạn... của người Tày!

Ông yêu tôi nhiều hơn một người con rể bình thường! Ông tin tôi hơn một người đồng hương bình thương! Ông luôn tự hào về tôi vì đã không làm người Tày mất đi sự kiêu hãnh! Đã không làm ông thất vọng vì gả con gái cho tôi!!!

Trước Tết, vào một đêm đã khuya ông gọi điện cho tôi và dặn: "... Pa biết mình không còn sống được lâu nữa! Bây giờ Pa dặn con, khi Pa mất, con mang Pa đi hoả táng, sau đó mang cốt của Pa về làng Hiếu Lễ, Trùng Khánh, Cao Bằng... Con nhớ để mộ Pa phía dưới mộ ông bà...".

Quả thực, khi ấy tôi vẫn nghĩ bố vợ mình buồn việc gì đó nên nói vậy. Tôi còn đùa lại rằng: "Nhà thơ chưa chết được đâu, còn phải viết xong cuốn hồi ký, rồi còn phải về làng Hiếu Lễ sống cỡ chục năm nữa mới về với tổ tiên được...".

Tôi biết tính Y Phương, chỉ cần đùa một lúc thì nhà thơ sẽ cười... nhưng hôm đó nhà thơ im lặng, không cười... tôi còn nghe rõ ông khóc!

Tôi đã giấu kín chuyện này vì sợ điềm gở xảy ra... Khi về  quê ăn Tết tôi còn quay video cho ông xem căn nhà sàn của ông, cho ông xem nơi mà dự định anh em tôi chuẩn bị để ông về sống nếu ông thích... Tôi thấy ông cười rất tươi và không mang một dấu hiệu gì của người sắp rời cõi tạm...

Thế mà... đêm nay, khi tôi đến thì ông đã ra đi, ông nằm như đang ngủ, bác sỹ đến và họ kết luận Pa chúng tôi đã mất!!!

Gia đình chúng tôi buồn, nhưng không đau đớn! Bởi Pa chúng tôi đã sống một cuộc đời chọn vẹn: tài năng, khiêm nhường, tình cảm và cống hiến hết mình cho thơ ca!

Với con cháu Pa đã yêu thương chúng tôi vô điều kiện! Với bạn bè, đồng nghiệp Pa chúng tôi luôn được biết đến là người vui vẻ, dễ gần...

Pa! Con xin cúi đầu trước hương hồn Pa!

Con cảm ơn Pa đã yêu con, tin tưởng con, gả đứa con gái duy nhất cho con!

Con luôn tự hào về Pa - ông bố vợ tuyệt vời - nhà thơ Tày tuyệt vời - ông nội, ông ngoại tuyệt vời!!!

Tạm biệt Pa! Nếu kiếp sau, còn đủ duyên con vẫn muốn làm con rể của Pa! Con vẫn muốn Pa là nhà thơ, con là hoạ sỹ... Pa con mình vẫn là người Tày... Cùng hát mãi bài ca "Khảm Hải", cùng đưa nghệ thuật của người Tày vang mãi trên thế gian!!!

Yên nghỉ Pa nhé!

tin-buon-y-phuong-1644501119.jpg
 
 

Tham khảo trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Y Phương (nhà văn)

 

Y Phương (24 tháng 12 năm 1948 - 9 tháng 2 năm 2022) là một nhà văn Việt Nam, có tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước và là một người dân tộc Tày, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi.

Tiểu sử

Theo nhiều tài liệu khác nhau, ông sinh ngày 24 tháng 12 năm 1948, quê quán tại làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, mang tên Hứa Vĩnh Sước. Vì vậy, ông còn có tên là Người trai làng Hiếu Lễ. Ông đã rất may mắn khi được chào đời ở đúng cái nôi của xứ Tày. Cuộc đời nhà thơ Y Phương "dù không cay đắng nhưng cũng nhiều nỗi muộn phiền", và chính những nỗi phiền muộn đã là nỗi ám ảnh trong cuộc đời và tuổi thơ ông. Sinh trưởng trong một gia đình dân tộc Tày, ông cụ thân sinh là Hứa Văn Cường - một thầy tào chữa bệnh cho nhiều người. Mẹ ông là Nông Thọ Lộc - một phụ nữ đảm đang. Thuở nhỏ, Y Phương có mơ ước học được những phép thuật của cha, những bài thuốc cứu người… để sau này nối nghiệp cha làm thầy mo, chữa bệnh. Thế nhưng ông cụ thân sinh biết Sước không hợp với nghề này nên không mặn mà truyền nghề. Y Phương biết những bài cúng, bài than, học chữ từ cha. 9 tuổi, Y Phương mới bắt đầu học trường cấp một thị trấn Trùng Khánh và tập nói tiếng Kinh. Niềm đam mê văn chương đã có trong ông từ rất sớm. Bạn bè thời ấu thơ của ông là sách. Mỗi sáng được mẹ cho 5 xu để ăn quà, ông đã dành dụm số tiền ít ỏi này mua sách đọc. Cải cách ruộng đất diễn ra, mặc dù sau đó đã được sửa sai nhưng để lại không ít chuyện đau buồn cho người dân. Y Phương cũng là một nạn nhân của cuộc cách mạng ấy, gia đình bị quy kết thành phần, tất cả những người có chữ, nhất là chữ Pháp, đều bị gọi đi làm cỏ vê (làm khổ sai, cải tạo). Dù học chưa hết cấp III, Y Phương đã ý thức "lí lịch" không đẹp đẽ của gia đình, ông quyết tâm làm lại cuộc đời bằng việc xung phong đi bộ đội. Là con một, Hứa Vĩnh Sước đã trải qua cuộc đời người lính đặc công, và đến với thơ ca thật tình cờ.

Những bài thơ đầu tiên được in báo năm 1973 là "Bếp nhà trời", "Dáng một con sông" khiến Y Phương có cảm giác hạnh phúc và sung sướng. Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ quân đội đến năm 1981 thì chuyển về công tác tại Sở Văn Hoá-Thông tin Cao Bằng.  Ông bắt đầu thực hiện giấc mơ hồi trẻ là được đi học, trước hết học Trường Điện ảnh Việt Nam từ 1976 đến 1979, rồi học khóa II (1982-1986) Trường Viết văn Nguyễn Du. Năm 1986 về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng và từ 1991 là Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin. Từ 1993 đến năm 2008, ông là Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật Cao Bằng, Uỷ viên BCH, Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI. Ông qua đời ngày 9 tháng 2 năm 2022 tại Hà Nội.

Quan niệm nghệ thuật

Cao Bằng - quê hương Y Phương - xưa kia vào thế kỉ XV là kinh thành của nhà Mạc. Đây là một vùng đất kì lạ, các ngọn núi từ thấp đến cao đều lao vút lên, nhọn hoắt. Theo Tạ Duy Anh nơi đó "giữa bình minh và hoàng hôn là cuộc sống sôi sục. Nó vừa bí ẩn, buồn chết đi được, vừa đầy cám dỗ. Có một chất thơ dịu ngọt cứ thấm dần vào tâm hồn bạn - bất cứ ai sinh ra ở đấy đều ít nhiều là một nhà thơ". Có thể khẳng định núi non Cao Bằng góp phần tạo nên chất nghệ sĩ dồi dào trong con người Y Phương. Nhập ngũ từ năm 1968, Y Phương là một chiến sĩ đặc công. Con đường đến với thơ ca của ông thật ngẫu nhiên. Từng thể nghiệm qua nhiều nghề, nhưng cuối cùng: "Tất cả sự thể nghiệm ấy chỉ cho ông câu trả lời diễu cợt: nếu không trở thành nhà thơ thì ông sẽ chẳng thành gì hết!". Và từ đó, Y Phương ở hẳn lại với thơ. Y Phương là một nhà thơ có phong cách riêng bởi khi sáng tác ông luôn đi tìm cái mới, cái độc đáo. Thực tế, trong văn chương nghệ thuật không mới, không độc đáo thì khó lòng tạo được ấn tượng, thu hút được độc giả và không có chỗ đứng trong thế giới nghệ thuật.

Thế giới nghệ thuật là một "khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tác nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng được sáng tạo ra theo các nguyên tắc tư tưởng, khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lí của con người mặc dù nó phản ánh các thế giới ấy. Thế giới nghệ thuật có không gian riêng, thời gian riêng, có quy luật tâm lí riêng, có quan hệ xã hội riêng, quan niệm đạo đức, thang bậc giá trị riêng… chỉ xuất hiện một cách có ước lệ trong sáng tác nghệ thuật". Với Y Phương điều quan trọng nhất là phải biết sống và giữ gìn khuôn phép, kể cả trong thơ và đời sống thực. Ông từng tâm niệm: "Cuộc đời tôi sống và viết như tờ giấy này, có thể nhàu nát và rách nhưng không mất lề". Y Phương trong cuộc sống đời thường và Y Phương trong thơ là một, người đọc dễ tìm thấy ở ông một tiếng nói chung, đồng cảm. Với một cách nói thật khiêm tốn, nhà thơ thổ lộ: "Những gì mình làm được đấy là của ông bà cả thôi". Văn chương với Y Phương là một trò chơi ngôn ngữ phục vụ cho chính bản thân nhà thơ và cho người đọc. Ông cho rằng: "Cho đến bây giờ tôi vẫn cho văn chương là một thứ chơi. Chơi cho mình thích và cho người ta thích". Tác phẩm của Y Phương gắn với chiều sâu thế giới nội tâm của ông. Những vần thơ của Y Phương được khơi nguồn từ sự sống, từ cuộc đời cụ thể, những trải nghiệm của ông. Khi cuộc sống đã trải qua biết bao thăng trầm thì tác phẩm của Y Phương thể hiện triết lí với nhiều trăn trở và suy ngẫm. Quan niệm văn chương của ông hiện rõ điều này: "Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình".

Trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật, Y Phương luôn quan sát, chiêm nghiệm cuộc sống từ nhiều phương diện khác nhau. Cuộc sống đa dạng, phong phú nhiều chiều ấy đã tác động đến tâm trạng Y Phương vì thế quan niệm về văn chương, về thơ của ông cũng phong phú, sống động và nhiều ý nghĩa. Và kết tụ trong quan niệm về ngôn từ của nhà thơ "theo dòng chữ được hình thành trên cơ sở tự ý thức rất cao, có hạt nhân khoa học chứ không phải chỉ là những ý nghĩ cảm tính".

y-phuong4-1644500727.jpg
 

Tác phẩm

Nói với con (1980)

Người núi Hoa (1982)

Tiếng hát tháng giêng (1986)

Lửa hồng một góc (1987)

Lời chúc (1991)

Đàn then (1996)

Thơ Y Phương (2002)

Thất tàng lồm (Ngược gió, 2006) tập thơ song ngữ

Chín tháng (trường ca)

Đò trăng (trường ca)

Vũ khúc Tày (2015), tập thơ song ngữ

Giải thưởng

Y Phương đã được Giải cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng loại A của Hội Nhà văn Việt Nam (1987) với tập thơ Tiếng hát tháng giêng, Giải A của Hội đồng Văn học dân tộc – Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Lời chúc, Giải B của UBTQ liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tập trường ca Chín tháng (2001), Giải B của Bộ Quốc phòng với trường ca Chín tháng (2001).  Ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vào năm 2007.

y-phuong-1644500727.jpg
 

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhà thơ Y Phương qua đời" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn