Nghệ nhân, đồng thầy Phạm Thị Nhi – Cái tâm sáng của người con xứ Thanh trong sự nghiệp bảo tồn nét đẹp thờ Mẫu

Nguyễn Hương

29/12/2021 17:16

Theo dõi trên

Nghệ nhân Phạm Thị Nhi sinh năm 1964 – Thủ nhang Thiên Tiên Phủ, Thanh Hóa, là một trong những nghệ nhân đã có gần 30 năm gắn bó và lưu truyền với nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của dân tộc – Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ của người Việt.

6169ad97f360393e6071-1640853915.jpg

Nghệ nhân - đồng thầy Phạm Thị Nhi nhận bằng khen của Hội Di Sản Văn Hóa Việt Nam

Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm dựng n­ước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứ Thanh được ví đại diện cho hình ảnh của Việt Nam thu nhỏ, nơi chứng kiến và in dấu nhiều sự kiện lịch sử và văn hóa trọng đại của dân tộc. Thiên nhiên hào phóng và khéo sắp đặt đã tạo cho miền đất này hội tụ đủ các địa hình sinh thái: Núi, trung du, đồng bằng và biển cả. Thanh Hóa được xem như miền đất “Địa linh nhân kiệt”. Vùng đất thanh bình đẹp đẽ, những con người chịu thương chịu khó, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng lâu đời, phong phú và đa dạng, đồng hành với lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Nhân quả và duyên nghiệp làm con nhà Thánh

Về tới xã Hà Châu, Hà Trung, Thanh Hóa, nhắc tới nghệ nhân Phạm Thị Nhi thì không ai không biết. Bà sinh ngày 5 tháng 3 năm 1964 - Chủ tịch chi hội Bảo tồn và Phát huy đạo Mẫu huyện Hà Trung. Cuộc đời hành đạo của bà cũng như quá trình bén duyên với đạo Mẫu được xem như một bức tranh buồn đầy gian nan và thử thách, cho tới ngày hôm nay bà nghiệm ra rằng đó chính là số mệnh của mình. Bà có căn duyên nối nghiệp phụng thờ của mẹ, tuy nhiên mẹ bà mất sớm - khi bà mới lên 9 tuổi, bà trải qua một tuổi thơ dữ dội với bốn lần chết hụt. Chia sẻ về cuộc đời mình cũng là một đôi dòng hoài niệm về những gì bà đã trải qua cũng như sự truân chuyên của hết thảy những thủ đền thủ điện, thanh đồng đạo quan trên con đường tu thờ thánh đạo.

Bà nhớ lại quãng thời gian tuổi trẻ của mình còn vất vả khi nhà Ngài thử thách đồng. Bản thân bà phải một mình cáng đáng cuộc sống và chăm sóc con nhỏ, chồng bà là một bộ đội chuyên nghiệp vì vậy ít có thời gian ở nhà, bố chồng bà lại là công an tỉnh. Thời gian đầu bà gặp rất nhiều khó khăn khi ra hầu Ngài, bà bị cả gia đình nhà chồng nghĩ là bị bệnh tâm thần và muốn đưa đi chữa bệnh cho khỏi, sau đấy sẽ lo cho bà vào học theo ngành công an để nối nghiệp bố chồng. Tuy nhiên chỉ có bà là hiểu bản thân mình, vì vậy bà không chịu và vẫn quyết tâm ra hầu Thánh và phụng sự Thánh. Chính vì điều ấy bà bị cả gia đình nhà chồng và chồng phản đối sau đấy là từ mặt, khi đó bà một mình với 3 đứa con nhỏ, bà nén lại những nỗi buồn đứng lên một mình gánh chịu nuôi dạy các con và một lòng phụng sự Thánh không thay đổi, may thay có nhà Ngài gia hộ nên bà cũng đã vượt qua được, sau đấy khoảng hai năm thì gia đình nhà chồng đã hiểu được công việc của bà và đã có cái nhìn khác về bà.

Sinh kiếp truân chuyên của một người con Thánh nếu viết một vài trang sách cũng không thể lý giải được hết. Liệu có một sự ứng hợp trong cuộc đời và số phận của con người hay không? Phải chăng đó là sự ứng nghiệm của Mẫu? Có lẽ chúng ta không ai có thể khẳng định được, chỉ chắc rằng nhân quả và tâm linh hướng thiện, giúp đời giúp người chính là phương thuốc huyền diệu và kì bí nhất đưa con người ta vượt qua hoạn nạn. Chính bởi lẽ đó bà luôn tin nhân quả và tin theo phật Thánh, hết lòng vì sự phụng dựng và phát triển văn hóa Đạo Mẫu. Tâm đã định, chí đã thành. Những hạt giống mà bà gieo trồng ngày hôm qua, cuối cùng cũng mang đến cho bà những trái ngọt mà ở độ tuổi ngũ thập bất kỳ ai cũng đều ước vọng.

Cái tâm sáng của người con xứ Thanh trong sự nghiệp bảo tồn nét đẹp văn hóa thờ Mẫu

Với sự thành tâm và khát vọng hướng tới cái đẹp cao cả trong tín ngưỡng đã trở thành động lực để bà vượt lên mọi khó khăn để thành công. Tâm thành của người con Mẫu đã là nguồn sức mạnh to lớn để bà vượt qua những trở ngại về khoảng cách địa lý gắn kết đời sống văn hóa tâm linh giữa mọi vùng miền, mọi người, mọi nhà. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, đến nay bà và gia đình có một cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt. Nhận thức cuộc sống tốt đẹp hôm nay có được là nhờ lộc Thánh, nên bà và gia đình một lòng nỗ lực, ý thức tu dưỡng, bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật của Đạo Mẫu Tam, Tứ Phủ. Với niềm tin và sự nhất tâm hướng về đạo Mẫu của mình, đã giúp bà vượt qua được khó khăn, từ đó thể hiện cho mọi người thấy quyền được tự do tín ngưỡng. Trên hành trình xây đời dựng đạo, bà nguyện phát tâm trọn đời gìn giữ, bảo tồn và nhân rộng mãi đạo Mẫu. Bà đã truyền dạy cho rất nhiều học trò trên khắp mọi miền tổ quốc về việc thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu. Hàng năm, bà vẫn từ Nam ra Bắc tham gia diễn xướng hầu đồng vào các dịp lễ lớn như lễ tiệc cô Chín vào tháng 9 hầu ở Đền Chín Giếng, Phủ Dầy Nam Định, hay như hầu Quan Đệ Tam ở Đền Lãnh Giang, Đền Mẫu Sòng, Đền Bái Trăm, giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc..... Với những đóng góp của bản thân trong công việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nghệ nhân, đồng thầy Phạm Thị Nhi nhận được nhiều giải thưởng và giấy khen, bằng khen của đảng, nhà nước từ trung ương tới địa phương điển hình đó là: Bảng vàng vinh danh của hội Di Sản Tỉnh Thanh Hóa , bằng khen của Hội Di Sản Văn Hóa Việt Nam, giấy khen hầu tại Phủ Dầy.... và nhiều bằng khen giấy khen khác.

Ngoài ra bà còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội của địa phương và trên cả nước. Bà và các đệ tử của mình luôn ý thức bảo tồn, công đức xây dựng, tôn tạo đình, đền chùa tại địa phương và các tỉnh thành trên cả nước như bà tham gia ủng hộ từ thiện và đi trao quà cùng Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam Dioxin - Việt Nam, tích cực giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh những con nhang đệ tử khó khăn.... Cho đến hiện tại đồng thầy Phạm Thị Nhi vẫn luôn dốc sức mình thờ Mẫu, gìn  giữ và phát huy tín ngưỡng văn hóa dân gian này. Cũng như nhiều giá trị tinh thần khác, tín ngưỡng thờ Mẫu giúp con người có được chỗ dựa tinh thần, hiểu biết thêm về nhiều truyền thuyết và lịch sử nguồn gốc của dân tộc mình. Từ đó, thêm lòng tin yêu quê hương, đất nước, hàng ngày làm việc tu thân tích đức và sống cuộc sống lương thiện. 

cea7d2c850e499bac0f5-1640854004.jpg
Nghệ nhân - Đồng thầy Phạm Thị Nhi (đứng thứ 5 từ phải qua) đi trao quà cùng trung ương Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam Dioxin -  Việt Nam.

Ở độ tuổi ngũ thập, trải qua bao lần vào sinh ra tử chúng tôi vẫn nhận thấy rõ tấm lòng bao la, nhiệt thành trong con người bà. Suốt gần 30 năm gắn bó đời mình với văn hóa Đạo Mẫu, chia sẻ chuyện đời chuyện nghiệp bà cho biết mỗi lần được trình diễn hầu đồng, làm việc thiện, công đức dường như bà thấy tâm hồn mình thật sự thanh thản, hy vọng sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhờ ánh hào quang của Mẫu dẫn đường đưa lối cho con nhà Ngài kiên tâm bền trí vượt lên đời thường để trở thành thanh đồng đạo quan tu dưỡng quên mình dẫn dắt con nhang đệ tử trên con đường thánh thiện và phát dương quang đại đạo Mẫu Việt Nam. Xin chúc bà và gia đình sức khỏe hạnh phúc để tiếp tục gánh vác trên vai nhiệm vụ cao cả của người con xứ Thanh trong sự nghiệp bảo tồn nét đẹp thờ Mẫu.