Ngành Đường sắt Việt Nam với kỷ niệm về Hồ Chủ Tịch

Hồ Công Thiết

21/10/2021 17:14

Theo dõi trên

Ngày 21/10/1946 đáng nhớ ấy đã đi vào lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam và được cán bộ công nhân viên Đường sắt Việt Nam chọn làm ngày truyền thống của ngành.

duong-sat-vn-1634811106.jpg

: Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chuyến tàu ngày 21/10/1946

 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp về nước sau khi dự Hội nghị Phôngtennơblô (Fontainebleau). Chủ tịch sẽ về bằng tàu biển, cặp cảng Hải Phòng rồi về Hà Nội trên tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội.

Do điều kiện kỹ thuật, tàu hỏa từ Hải Phòng chỉ đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến ga Hải Dương. Từ Hải Dương, sẽ có tàu đưa tiếp về ga Hàng Cỏ Hà Nội.

Tàu lúc đó toàn chạy bằng hơi nước. Than chạy tàu khan hiếm do vận chuyển từ Quảng Ninh về bị ách tắc.  Các lái tàu phải cố dè xẻn, tính toán chi li, cho than cháy âm ỉ, đủ cung cấp hơi nước cho đầu máy chạy không tải từ Hà Nội về đến Hải Dương. Dù biết tàu sẽ chạy chậm do thiếu áp lực hơi nước đẩy các pít tông, nhưng họ vẫn cố giữ nguyên mức cung cấp than cho lò, đảm bảo chuyến về ga Hàng Cỏ Hà Nội vẫn đủ nhiên liệu chạy tàu.

Kíp lái trên chiếc đầu tàu Pa-ci-vic P300 hôm đó có ông Sự, phụ trách. Ông Nguyễn Đức Thiện lái chính và ông Lê Luân lái phụ. Kíp lái hôm đó không được phổ biến sẽ đón ai. Họ chỉ biết là một nhân vật quan trọng vì hôm trước khi đi, họ đã phải thực hành dừng đỗ thành thạo tại điểm dừng cố định trên sân ga. Kế hoạch lái tàu sẽ do cán bộ công an đi theo tàu phổ biến.

Từ Hà Nội, tàu đi chậm vì kíp lái tàu đốt nhỏ lửa tiết kiệm than nên áp suất nồi hơi rất thấp. Vậy mà đến ga Hải Dương, tàu vẫn phải chờ hơn một tiếng đồng hồ tàu từ Hải Phòng mới lên. Thời điểm đó công ty hỏa xa Hải Phòng vẫn thuộc quyền ông chủ người Pháp. Mãi đến lúc đấy kíp lái tàu mới biết đoàn tàu từ Hải Phòng lên chở Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa từ bên Pháp về. Tàu qua các ga đều dừng đỗ để Chủ tịch Hồ Chí Mình chào đồng bào ra đón nên đi chậm hơn dự kiến.

Tàu về tới ga Hải Dương, thấy Hồ Chủ tịch nhanh nhẹn tươi cười bước xuống ga nói chuyện với đồng bào, kíp lái tàu hôm đó ai cũng vinh dự, tự hào khi được chính phủ tin tưởng, giao cầm lái chuyến tàu đặc biệt.

Chiếc đầu tàu Pa-xi-vic P300 được lắp thêm 4 toa hành khách, chở phái đoàn và chở cả một lượng lớn cán bộ công an theo bảo vệ đoàn.

Tàu khởi hành. Đến tận ga Lạc Đạo (Văn Lâm – Hưng Yên), tàu mới đạt áp suất 12 kg hơi. Cả kíp xúm vào mở sup lơ, thêm nước, thêm than để đạt tới mức 14 kg, đủ áp suất để đầu tàu dễ dàng kéo thêm 4 toa hành khách. Qua ga Như Quỳnh, ga Gia Lâm. Đến Long Biên tàu phải lên dốc cầu. Khi toa cuối cùng lên hết trên cầu Long Biên, kíp lái mới thở phào và chuẩn bị các thao tác để đưa tàu vào ga Hàng Cỏ. Lái chính Nguyễn Đức Thiện chăm chú nhìn các vệt tiêu bên đường, giảm dần áp suất hơi và rà phanh để khi tàu dừng, cửa buồng lái tàu sánh ngang với biển đề chữ Đ trên sân ga. Cửa lên xuống của đoàn tàu khi đấy cũng trùng khớp với tấm thảm đỏ trải sẵn trên sân ga.

Nhìn người dân vẫy cờ hoa trên sân ga đón Hồ Chủ tịch, kíp lái tàu phấn khởi khi hoàn thành nhiệm vụ. Họ không biết rằng công việc của các chiến sĩ công an vẫn còn tiếp tục.

duong-sat-vn1-1634811106.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu TP Hải Phòng sau khi Người từ Pháp trở về, ngày 21.10.1946

Trước đó Nha công an Việt Nam nhận tin báo các đảng phái đối lập và cả những kẻ cực đoan mưu toan ám sát Hồ Chủ tịch khi Người về tới Việt Nam. Ngay lập tức Nha công an đã cùng Việt Minh các địa phương dọc tuyến đường sắt lên phương án để bảo vệ Hồ Chủ tịch, bảo vệ đoàn tàu. Trong kế hoạch bảo vệ có cả phương án cho người đóng giả Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi trên chuyến tàu khác để về Hà Nội. Các họa sĩ được trưng dụng để hóa trang cho nhân vật thế vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi hóa trang xong, ai cũng công nhận trông rất giống Hồ Chủ tịch.

 Nha công an đã chuẩn bị hết sức chi tiết và kỹ lưỡng phương án bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việt Minh các địa phương dọc đường tàu qua, cử người tham gia ngay hàng đầu những đám đông quần chúng hoan nghênh Hồ Chủ tịch. Bộ phận trên tàu mỗi khi thấy tàu dừng đỗ, lại nhanh chóng tiếp cận Chủ tịch.

Nhưng trái với dự kiến, lượng người tham gia nghênh đón Hồ Chủ tịch quá đông khiến các cán bộ công an như lọt thỏm giữa rừng người. Hàng vạn đồng bào Hải Phòng đã đón Hồ Chủ tịch khi Người gặp nhân dân Hải Phòng trong cuộc mít tinh do thành phố tổ chức. Chính hàng vạn đồng bào Hải Phòng đã là bức tường thành bảo vệ vững chắc Hồ Chủ tịch kính yêu. Tàu qua các ga, hàng biển người đứng kín hai bên đường vẫy cờ hoa nghênh đón Hồ Chủ tịch. Tình cảm của nhân dân đã làm những kẻ mưu toan ám sát Hồ Chủ tịch phải chùn tay. Qua sự việc này, lực lượng công an càng thấm thía lời dạy của Hồ Chủ tịch : “ Phải biết dựa vào quần chúng nhân dân. Được nhân dân ủng hộ thì khó khăn nào cũng vượt qua”.

Ngày 21/10/1946 đáng nhớ ấy đã đi vào lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam và được cán bộ công nhân viên Đường sắt Việt Nam chọn làm ngày truyền thống của ngành.

duong-sat-vn2-1634811106.jpg
Ông Nguyễn Đức Thiện (phía trái) và ông Lê Luận tại nhà ông Thiện năm 1997

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Ngành Đường sắt Việt Nam với kỷ niệm về Hồ Chủ Tịch" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn