Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 20)

Phạm Việt Long

04/09/2022 20:55

Theo dõi trên

Cùng với “Đất nước”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn có nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian, như “Qua sông”, “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn”, “Bài ca không quên”, “Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh)”, “Dấu chân phía trước” (thơ Hồ Thi Ca), “Khát vọng” (ý thơ Đặng Viết Lợi), “Mùa xuân từ những giếng dầu”...

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
Chú thích ảnh

 

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có ca khúc Viếng lăng Bác, phổ thơ Viễn Phương:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

 Đã thấy trong sương, hàng tre bát ngát

Ơi! hàng tre...xanh xanh Việt Nam...

Giông tố mưa xa đứng thẳng hàng

 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày dòng người...đi trong thương nhớ...

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín...mùa xuân

 

Bác nằm trong lăng, giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền

Dẫu rằng trời xanh biếc là mãi mãi

Dẫu rằng biển xanh biếc là mãi mãi

Mà sao nghe nhói...ở trong tim...!

 

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Mai về miền Nam nhớ Bác khôn nguôi

Muốn làm con chim ca hót quanh năm

Muốn làm bông hoa hương tỏa đâu đây

Muốn làm cây tre... trung hiếu... chốn đây... “

Bài hát viết ở nhịp 2/4, sau đó chuyển sang nhịp 6/8 dập dìu, êm dịu, lời lẽ giản dị, đằm thắm, thể hiện tình cảm thắm thiết đối với Bác, khiến cho tác phẩm dễ thấm sâu vào lòng người.

Nhạc sĩ Thuận Yến viết ca khúc “Miền Trung nhớ Bác”, cũng nói lên nỗi niềm thương nhớ của nhân dân đối với Bác Hồ, đồng thời nhắc tới con đường cách mạng mà Bác tìm ra, dẫn dắt cả dân tộc cùng đi:

“Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt

Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc tới miền Trung

Để sớm nay con đi giữa đoàn quân

Trong gió biển chan hoà đi theo dấu chân Bác.

 

Đường miền Trung non xanh nước biếc

Xin hỏi đường nào Bác đã qua đây

Khi Bác tìm đường cứu nước ai hay

Trời miền Trung mưa tuôn nắng cháy

Đất quê tôi đưa Bác suốt dặm đường

Để bây giờ đất gọi nỗi nhớ thương.

 

Trái tim phương Nam luôn hướng về ngoài Bắc,

Ở đó Bác Hồ Người gọi : Ơi Miền Nam!

Đường cách xa bao la đất miền Trung,

Không biết hồi bây giờ quê ta trong tim Bác.

 

Trời Bình Khê trong xanh bát ngát.

Lưu luyến một chiều Bác đến thăm cha

Chia sẻ ngọt lành trước lúc đi xa.

Biển Phan Thiết đêm đêm sóng hát.

Lúc tiễn đưa lưu luyến bến nhà Rồng,

Để bây giờ hát mãi nỗi nhớ thương”

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý  có bài hát Dáng đứng Bến Tre đậm đà chất dân ca Nam Bộ, gợi tôi nhớ tới bài “Ru con Nam Bộ” mà tôi đã nói ở phần đầu. Lần này, lại một ca sĩ không chuyên tạo ấn tượng mạnh mẽ với tôi và tôi nghĩ rằng chị, Thu Nở, là người hát hay nhất bài này, vượt xa nhiều ca sĩ chuyên nghiệp:

“Hò ơ hớ ơ ơ... Tóc dài ai bỏ ngang vai

Phải người con gái, hò ơ ớ ơ... phải người con gái Mỏ Cày Bến Tre.

 

Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió

Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre

(Con gái của Bến Tre)

Năm xưa đi trong đạn lửa đi như nước lũ tràn về

Ôi những con người làm nên đồng khởi

Ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê

Ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre

Ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre

 

Mỗi lúc đi xa dừa ơi ta nhớ lắm nghe

Vườn trái trái sum suê, biển khơi tôm cá đầy ghe

Nhớ con sông dài Hàm Luông bến ta quen ghé

Lại nhớ tóc ai dài còn mang dáng đứng Bến Tre

Lại nhớ tóc ai dài còn mang dáng đứng Bến Tre”

Bài hát nói lên tình yêu quê hương tha thiết qua hình tượng người phụ nữ tóc dài, đặc biệt là nói lên được tinh thần đồng khởi, vùng lên giành độc lập, tự do của đồng bào Bến Tre nói riêng, Nam bộ nói chung. Có một điểm đặc biệt, ấy là, thông thường, khi hát cải lương, dù là người Nam hay Bắc, đều phải hát giọng Nam mới hay, còn khi hát tân nhạc, thì ngược lai, phải hát giọng Bắc. Vậy mà riêng bài “Dáng đứng Bến Tre”, một sáng tác mới, được Thu Nở hát đặc sệt giọng Nam Bộ, lại khiến ca khúc ngọt ngào lạ kỳ, thẩm thấu vào tận mi li huyết quản người nghe.

Hình tượng người phụ nữ được nhiều nhạc sĩ tiếp tục xây dựng qua các ca khúc, nhưng, tiêu biểu nhất, tôi nghĩ, đó là Đất nước của Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Tạ Hữu Yên:

“1. Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu,

Nghe dịu nỗi đau của mẹ

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ,

Các anh không về mình mẹ lặng im.

Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi !

Từ thuở còn nằm nôi

Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa

Lao xao trưa hè một giọng ca dao,

Lao xao trưa hè một giọng ca dao.

Xin hát về người đất nước ơi !

Xin hát về mẹ Tổ Quốc ơi, suốt đời lam lũ..

Thương lũy tre làng bãi dâu bến nước,

Yêu trọn tình đời muối mặn gừng cay..

Xin hát về người đất nước ơi !

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi, mấy mùa không ngủ

Ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc .

Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con.

2. Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu,

Nghe dịu nỗi đau của mẹ

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ,

Các anh không về mình mẹ lặng im..

Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi

Từ thuở còn nằm nôi,

Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa

Lao xao trưa hè một giọng ca dao,

Lao xao trưa hè một giọng ca dao...

 

Xin hát về người đất nước ơi .

Xin hát về mẹ Tổ Quốc ơi, tảo tần chung thủy

Như những câu hò lắng trong tiếng sáo .

Êm lại dặt dìu tiếng mẹ ru con

Xin hát về người đất nước ơi .

Xin hát về mẹ Tổ Quốc ơi.. vẫn còn gian khổ

Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói .

Ta vẫn vẹn tình đắng ngọt cùng vui..

Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi !

Sáng ngời muôn thuở

Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ.”

Tôi được nghe bài hát này nhiều lần, qua đài TNVN cũng như qua biểu diễn tại rạp hát, nhưng ấn tượng nhất lại là lần nghe nghệ sĩ Thế Hiển hát tại Hội diễn do Bộ Văn hóa tổ chức ở Hà Nội.

Đây là một bài hát rất hay, cả về âm nhạc và ca từ. Nhạc sĩ đã vượt khỏi khuôn mẫu thông thường của một bài chính ca, bứt phá, tạo nên những điểm nhấn gây ấn tượng mạnh mẽ. Nghệ sĩ Thế Hiển, bằng chất giọng mộc mộc, là lạ, đã thể hiện tài tình đủ mọi sắc thái của bài hát, khi thì thủ thỉ, êm đềm, khi thì trào lên mãnh liệt, lúc lại lắng xuống xót xa. Bài hát nói về người mẹ, tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam, và hơn thế nữa, tượng trưng cho Tổ quốc Việt Nam, người mẹ đau thương, chịu nhiều hy sinh mất mát, song đã vượt lên tất thảy để “vẫn vẹn tình”. Bài hát là một bài học sâu sắc giúp người nghe nhận thức đúng đắn về đất nước mình, từ đó xác định trách nhiệm dựng xây đất nước của mỗi công dân. Câu hát “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” được bàn cãi rất nhiều. Tại sao lại ba lần tiễn, hai lần khóc thầm? Có người bảo rằng do tiễn đi ba lần nhưng hai lần nhận tin con hi sinh. Người khác lại bảo tác giả muốn nói tới ba cuộc chiến tranh (chống Pháp, Mỹ, Biên giới), hai người con hy sinh, còn một người chưa rõ tung tích. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn lý giải: Mẹ trong bài "Đất nước" là hình tượng lớn... chứ không riêng một bà mẹ nào cụ thể.

Cùng với “Đất nước”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn có nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian, như “Qua sông”, “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn”, “Bài ca không quên”, “Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh)”, “Dấu chân phía trước” (thơ Hồ Thi Ca), “Khát vọng” (ý thơ Đặng Viết Lợi), “Mùa xuân từ những giếng dầu”... Tôi có dịp được đi công tác sang Lào cùng nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nhận thấy anh là một người hiền hậu, cởi mở, chân thành, rất đáng kính và đáng mến. Tham gia cách mạng sớm, có tác phẩm nổi tiếng và được giải thưởng cao quý sớm, khi còn rất trẻ, vậy mà anh khiêm tốn, không hay nói về mình. Nhưng tôi biết, anh vẫn chôn chặt nỗi đau mất mát vì chiến tranh, bởi anh đã mất đứa con 4 tháng tuổi trong chiến trường Nam bộ, và anh đã chiến đấu như một chiến sĩ cầm súng thật sự bằng chính khả năng âm nhạc của mình. Những ca khúc mà anh viết, đều có nguồn cội từ cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc mà vợ chồng anh cùng tham gia, xuất phát từ con tim cháy bỏng tình yêu đất nước, yêu con người, yêu đồng đội của anh, cho nên nó có sức biểu cảm mạnh mẽ, thu phục nhân tâm lớn lao.

Tôi tin rằng, những ca khúc kể trên của Phạm Minh Tuấn, cùng những ca khúc tiêu biểu của các nhạc sĩ Hoàng Việt, Hoàng Vân, Đỗ Nhuận, Doãn Nho, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Phan Huỳnh Điểu... có giá trị giáo dục chính trị hơn nhiều bài giảng chính trị, có sức mạnh hơn nhiều binh đoàn, có tác động tích cực vào muôn ngàn công dân, cổ vũ họ hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước.

Tôi bỗng nhớ tới những nhạc sĩ đã trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc ở chiến trường miền Nam: Nhạc sĩ Hoàng Việt đã tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông hy sinh tại chiến trường Nam Bộ, để lại bản tình ca bất hủ “Tình ca”. Nhạc sĩ Văn Cận, với những tác phẩm đáng nhớ như “Đánh giặc tăng gia”, “Lửa”, “Giữ trọn tình quê”... đã sớm vào chiến trường Trung Trung bộ và hi sinh anh dũng trong khi cùng đoàn văn công Quảng Nam chuẩn bị chương trình biểu diễn phục vụ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tuổi không còn trẻ, sức không còn khỏe, vẫn vượt Trường Sơn vào chiến trường Trung Trung bộ, từ đó viết ra nhiều ca khúc giàu tính chiến đấu với giai điệu đẹp, hay, như “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (thơ Dương Hương Ly), “Hành khúc ngày và đêm” (thơ Bùi Công Minh)...

Thỉnh thoảng, tôi nghĩ vẩn vơ: Nhà thơ, nhà văn có nhiều trường hợp tự viết về minh. Họa sĩ cũng vậy, tự họa. Thế nhưng, nhạc sĩ thì tôi chưa từng thấy ai tự viết bản nhạc hay ca khúc về mình. Phải chăng, nhạc sĩ đã hóa thân vào chính những tác phẩm của mình, phục vụ cuộc sống và được công chúng nhận ra chân dung mình qua chính những tác phẩm đó.

Bạn đang đọc bài viết "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 20)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn