Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 15 )

Phạm Việt Long

29/08/2022 14:18

Theo dõi trên

Mùa xuân năm 1975 đến với chúng tôi, đem theo không khí tấn công, nổi dậy và chiến thắng khắp nơi.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

 

“Trong Nam Bộ, tình hình phát triển tốt quá. Ta đã giải phóng tỉnh lỵ Phước Long - lần đầu tiên tiêu diệt được cả tiểu khu quân sự địch. Chắc Trung Bộ cũng sắp đánh.

Chúng tôi đi Trà Mi vào đầu năm 1975. Vẫn mưa. May có đường ô tô nên khỏi phải vượt nhiều suối sâu. Đường lép nhép, đỏ quạch. Đến sông Tranh, nước lên lớn quá, mấy vị lái đò không chịu chở. Cà rà tán mãi mà chẳng ăn thua. Bên kia bờ, có mấy người đứng, gọi tên anh lái đò ầm ĩ. Anh ta càu nhàu: “Qua đây, ai biết tên tôi mà chẳng cố nhớ mà kêu!”. Mãi sau, nhận ra người quen, anh mới lấy thuyền ra bến.

Thuyền cao su bơm căng hơi, chở được 4 người, kể cả lái. Anh lái thuyền to, mập, khoẻ mạnh. Ra giữa dòng, nhìn nước chảy chóng cả mặt. Anh lái quạt mạnh mái chèo, mũi thuyền vừa hơi quay ngược với dòng nước thì đã tạo ra một con sóng lớn muốn chồm vào thuyền. Anh bảo: “Cứ ngồi im”. Thuyền tiến vào bờ, cập đúng bến. Anh chèo khoẻ thật, chỉ trôi chừng mấy mét thôi.” (Bê trọc)

Khi ngồi trên thuyền, nhìn dòng nước cuốn băng băng, tôi cũng chỉ mong cho thuyền chóng vào bờ. Nhưng, khi lên bờ rồi, nhìn lại người lái đò, tôi chợt nhớ tới bài hát Người lái đò trên sông Po Kô  của nhạc sĩ Cầm Phong, lời phỏng thơ Mai Trang, qua giọng hát của nhiều nghệ sĩ, nhưng tôi thích nhất là bản do nghệ sĩ Tường Vi thể hiện: 

“Hỡi Pôkô ơi!

Dòng sông mênh mông.

Đôi bờ cây xanh biếc,

Nước chảy xiết sâu thẳm.

Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết

Anh lái đò tên gọi A Sanh? A Sanh…

 

Ngày đêm anh lái đò trên sông

Dù gian nguy vẫn vững tay chèo

Đò anh đưa bao người đi đánh Mỹ bao năm ròng

Chiến tuyến đây thầm lặng nhịp chèo lập công.

Giữa sông sâu đẩy lùi sóng dữ

Mắt sáng ngời ngọn lửa căm thù

Mỗi chuyến đò một trận chiến thắng

A Sanh ơi đẹp mãi chiến công.

 

Dòng Pôkô sáng ngời tên anh

Làng buôn ca hát gợi tên anh

Dù sông kia có cạn

Dù non kia có khi mòn

Tấm gương anh không mờ, đời đời rực sáng.

Những tháng ngày gội mưa tắm nắng

Với con đò một lòng đánh giặc

Đôi tay chèo cùng sông kháng chiến.

Nước mênh mông lời thề A Sanh.

Non cao đâu bằng, sông sâu đâu sánh

Hờn căm như chất nặng tim anh

Thề quyết giữ núi rừng Tây Nguyên.

 

Hỡi Pôkô ơi

Dòng sông mênh mông

Đôi bờ cây xanh biếc

Nước chảy xiết sâu thẳm

Qua tháng ngày hỏi sông ơi nhớ hết

Bóng dáng người lái đò A Sanh…A Sanh..A Sanh…”

Trên giải Trường Sơn này, tôi cùng đồng đội đã vượt qua biết bao nhiêu con sông, trong đó có biết bao nhiêu chuyến đò đã chở chúng tôi băng qua sóng nước, cập bến an toàn. Các tác giả bài hát tài tình ở chỗ bắt nhanh được một điển hình, nêu bật lên, vừa có nét cá biệt, vừa có tính chung, cho nên bài hát trở thành tượng đài ghi nhớ công lao của biết bao chiến sĩ giao thông thời chiến, những người lập nên những chiến công thầm lặng nối liền mạch máu giao thông, nối liền con đường tiến công để đi tới thắng lợi hoàn toàn. Từ sau khi bài hát ra đời và được lan tỏa nhanh chóng trong đời sống, cái tên A Sanh, nhân vật trong bài hát, đã trở thành tên gọi chung cho tất cả những người lái đò ở chiến trường miền Nam thời ấy.

Có một bài hát khá dài, hát rất khó vì âm vực quá rộng, do nghệ sĩ Trung Kiên trình bày, tuy chúng tôi không thể hát theo được, nhưng anh em rất yêu thích, vì nó phản ánh chân thực và sinh động về những chiến sĩ Trường Sơn, trong đó có chúng tôi. Đó là bài hát Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công sáng tác của nhạc sĩ Chu Minh, do nghệ sĩ Trung Kiên trình bày:

“1. Băng đèo vượt dốc ta đi

Vượt mưa bom bão lửa đánh Mỹ ta không chia mùa

Trường Sơn thân yêu ta ơi!

Đây những trái tim nóng bỏng lời thơ

Ôi những ước mơ Bác còn (dặn đây)

Vượt Trường Sơn ta bước tiếp

Đường rộng mở chiến công gọi chiến công.

 

Trường Sơn ơi! Hỡi Trường Sơn ơi!

Rực cháy trong tôi sáng lên niềm tin

Bước tiếp đường 9 tỏa đi (nơi nơi)

Đây những tâm hồn của Trường Sơn qua những con đường dài.

Vì miền Nam bao yêu thương

băng ngàn suối trăm đèo, men đỉnh núi cheo leo

Đường ta băng qua muôn vàn khó khăn

Đường mang tên Bác Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh

Rừng Trường Sơn cất cao tiếng hát….

 

2. Ngàn xưa có ai hay rằng Trường Sơn

Giờ đây mỗi một dốc ngược đèo mây

Đều dội vang những chiến thắng

Đều rực đỏ chiến công gọi chiến công

 

Trường Sơn ơi! Hỡi Trường Sơn ơi!

Còn nhớ hôm nao phát cây, bạt núi ta đi mở lối rừng hẹn cùng người

Xây đắp con đường về miền Nam gian khó ta nào sờn

Trường sơn nay đã thức giấc, đang rực cháy căm hờn

Đang hòa tiếng ca vang, đường Trường Sơn đang vang dội bước chân

Đường Trường Sơn đang ngời sáng chiến công, ngời sáng chiến công.

 

Trường Sơn ơi! Hỡi Trường Sơn ơi!

Rực cháy trong tôi sáng lên niềm tin

Bước tiếp đường 9 tỏa đi (nơi nơi)

Đây những tâm hồn của Trường Sơn qua những con đường dài

Vì miền Nam bao yêu thương.

Băng ngàn suối trăm đèo, men đỉnh núi cheo leo

Đường ta băng qua muôn vàn khó khăn

Đường mang tên Bác Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh

Rừng Trường Sơn cất cao tiếng hát…”

Bài hát này, về âm nhạc mang âm hưởng lãng mạn, bay bổng, về ca từ, có tính khái quát cao: Không nói về một cung đường cụ thể, một chiến sĩ Trường Sơn cụ thể, mà nói tới toàn thể con đường và tất cả những người trên giải Trường Sơn hùng vĩ đã và đang chiến đấu vì miền Nam yêu thương. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều tự thấy một phần bản thân mình được phản ánh trong ca khúc đó, thêm tự hào, thêm nghị lực vượt lên giành những chiến công mới.

“TỪ 8/3//1975

Suốt mấy hôm nay không khí chung cũng như cơ quan thật sôi động. Chuẩn bị một đoàn công tác gồm nhiều bộ môn để xuống vùng mới giải phóng.

Ngày 4, ta đánh, cắt đứt đường 19.

Ngày 8, ta giải phóng quận Thuận Mẫn (Đắc Lắc)

Ngày 9, ta giải phóng quận Đức Lập (Đắc Lắc)

Sớm 10/3, đánh Phước Lâm, Tiên Phước, diệt 17 điểm chốt xung quanh. Chiếm 2 đường phố của thị xã Buôn Mê Thuột. Các thị xã Kon Tum, Plâycu nằm chơ vơ, không còn đường bộ tiếp tế. Trong khi đó, các sư 3, 2, 22 nguỵ đang rải ra ở đồng bằng (Quảng Đà, Quảng Ngãi, Bình Định). Việc điều bọn này đi ứng chiến đâu phải chuyện dễ.

NGÀY 10/3/1975

Tôi được phân công tham gia chiến dịch: làm Phó trưởng đoàn đội quân tuyên truyền khu xuống vùng mới giải phóng làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng, ổn định tình hình.

Đoàn chúng tôi có 72 người, do anh Nguyễn Văn Bình làm trưởng đoàn. Cùng đi, có 2 đoàn Dân ca và Tuồng của Khu. Nhà văn Phan Tứ được Thường vụ Khu ủy cử cùng đi với đoàn chúng tôi.” (Bê trọc).

Mùa xuân năm 1975, có thể nói là giai đoạn hào hùng về âm nhạc. Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột 10/3, nhạc sĩ Vĩnh Cát kịp thời sáng tác ca khúc “Ta đang sống những ngày đẹp nhất”, được hai nghệ sĩ Quang Thọ, Quang Huy song ca, phát trên Đài TNVN.  Ca khúc có những câu mang tính tổng kết, tiên đoán, thể hiện sự nhạy cảm chính trị của nhạc sĩ “Mấy mươi năm sức ta dồn lại mấy chục ngày”, “Mấy mươi năm quyết tâm giành toàn thắng trận này” (khi này, vì bí mật, ý đồ chiến lược, chiến thuật của lãnh đạo chưa được phổ biến rộng rãi cho dân chúng, nhưng nhạc sĩ đã tiên đoán như vậy). Suốt tháng tư năm 1975, hầu như không ngày nào đài TNVN không phát trên sóng “Ta đang sống những ngày tươi đẹp nhất”, vang dội khắp đất nước, cổ vũ quân dân giành chiến thắng toàn vẹn:

“1.  Đồng bào ơi! Đồng chí ơi!

Chúng đang sống những ngày đẹp nhất đời

Đồng bào ơi! Đồng chí ơi!

Mấy mươi năm sức ta dồn lại mấy chục ngày

Cở Giải phóng dậy khắp nơi

Vang vang những tiếng kèn đồng khởi

Ta xốc tới, quân thù sụp đổ

Miền Nam ơi! Việt Nam ơi!

Có mùa xuân nào đẹp hơn xuân này!

2, Đồng bào ơi! Đồng chí ơi!

Sức chúng ta sức Phù Đổng đuổi đánh giặc

Đường hành quân giục bước chân xốc tới mau

chúng ta nhằm thẳng hướng kẻ thù

Đường giải phóng rộn tiếng ca

Ta đi tới không gì cản nổi

Như cơn lốc, gió cuồn cuộn thổi

Miền Nam ơi! Vượt lên nhanh

Nắm thời cơ mà giành lấy chính quyền

3. Đồng bào ơi! Đồng chí ơi!

Chúng ta đang sống những ngày đẹp nhất đời

Cùng Miền Nam vượt khó khăn

Mấy mươi năm quyết tâm giành toàn thắng trận này

Trời Tổ quốc lộng gió xuân

Chân vui bước dài lịch sử

Khi lớp lớp quân thù sụp đổ

Mền Nam ơi, Việt Nam ơi

Có mùa xuân nào đẹp hơn xuân này!”

Sau này, trên vov.vn, có bài viết của nhạc sĩ Dân Huyền nói rõ tình hình khi ấy như sau:

“Với tinh thần "Kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất…”, các nhạc sĩ trong và ngoài quân đội lúc bấy giờ đã dõi theo từng bước tiến quân, từng trận đánh để “kịp thời nhất, nhanh chóng nhất” có những bài hát hừng hực khí thế chuyển ra mặt trận, phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), cổ vũ, động viên kịp thời quân và dân trên từng chặng đường chiến dịch. Cho đến nay, đó vẫn là những ký ức đẹp về một thời đã qua và còn sống mãi trong tâm hồn của nhiều thế hệ.

Ngày 11/3/1975, quân đội ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Đến ngày 24/3, toàn bộ vùng Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn dân được giải phóng. Hàng loạt bài hát đã ra đời, như: Những tiếng ca vang trên đất này (Nguyễn Đức Toàn), Tây Nguyên giải phóng (Kpapúi và Tôn Thy), Hát mừng Tây Nguyên giải phóng (Cầm Phong), Tây Nguyên lại bừng lên tiếng hát (Nguyễn Mạnh Thường), Sông Đăkrông mùa xuân về (Tố Hải)… Những bài hát với âm thanh rộn ràng, hùng tráng, vang vọng như tiếng cồng chiêng trong những ngày lễ hội của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đất đỏ.

Ngày 25/3, Bộ Chính Trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5/1975). Quân và dân ta triển khai chiến dịch Huế - Đà Nẵng, và đến ngày 26/3 sư đoàn 1 lính ngụy bị ta  tiêu diệt, thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên được giải phóng. Thời điểm này lại vang lên những bài hát mới sáng tác kịp thời: Gửi Huế giải phóng (Nguyễn Văn Thương), Huế của ta ơi (Thanh Phúc), Mùa xuân trên thành phố Huế (Nguyễn Viêm). Tiếp đó là: Các anh về giữa Huế thân yêu (Vũ Thanh), Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương (Văn An)…với những âm điệu mang đậm sắc dân ca - dân nhạc của Trị Thiên Huế, dịu ngọt, da diết, nhưng thúc giục lòng người lập chiến công, xây chiến thắng.

Tiếp đến ngày 28/3, quân ta chia làm 5 cánh, đồng loạt tiến công vào Đà Nẵng phối hợp với các lực lượng tiến công và nổi dậy từ trong lòng địch và đến 15h ngày 29/3/75, Đà Nẵng - một căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mỹ đã bị tiêu diệt, thành phố được hoàn toàn giải phóng.

Cùng với chiến thắng vang dội ấy, hàng loạt ca khúc đã ra đời, giàu sức cổ vũ, động viên: Chào Đà Nẵng giải phóng (Phạm Tuyên), Đà Nẵng ơi! Chúng con lại về (Phan Huỳnh Điểu), Hát về Đà Nẵng kiên cường (Cao Việt Bách), Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi (Nguyễn Đức Toàn), Chào Đà Nẵng, dũng sĩ bên bờ biển Đông (Nguyễn An), Sông Hàn vang tiếng hát (Huy Du)… Các bài hát vào thời điểm sôi động này có sức mạnh thông tấn lớn, là tiếng kèn xung trận có tiếng vang mạnh mẽ trong trái tim từng người dân, từng chiến sĩ.

Các tỉnh Bình Định với thành phố Quy Nhơn, Phú Yên với thị xã Tuy Hòa, Khánh Hòa với thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh được giải phóng. Các địa danh này cũng kịp thời vang vọng trong các bài hát như: Bình Định quê ta (Trần Hữu Pháp), Mùa  xuân Quy Nhơn, Mùa xuân Bình Định (Dân Huyền), Quảng Ngãi quê em sáng xuân nay (Ánh Dương), Chào Nha Trang giải phóng (Hoàng Hà), Nha Trang mùa xuân nay biển hát (Thịnh Trường), Những thành phố bên bờ biển cả (Phạm Đình Sáu)...”

Trong số những bài hát trên, gây ấn tượng mạnh mẽ, đọng lại mãi trong tôi là  Sông Đăkrông mùa xuân về  của nhạc sĩ Tố Hải, do nghệ sĩ Kiều Hưng trình bày: 

“Chim Kơtia bay tới nghiêng cánh chào Đăkrông

Pơ-lang khoe sắc thắm gió đưa hương đôi bờ

Tây nguyên ta uống nước

Một nguồn nước Cách mạng, một nguồn nước Bok-Hồ

Ê... ấy.

Ta gọi mùa Xuân tới cho tiếng ca rộn vang

Ta gọi mùa Xuân tới cho tiếng chiêng rộn ràng

Ta nghe trong lòng núi những bước chân Trường Sơn

Của đoàn quân giải phóng mang mùa Xuân chiến thắng.

Đăkrông ơi, Tây nguyên ơi

Tôi hát cho dòng sông Đăkrông mau chảy xiết

Tôi hát cho nhà rông đêm ngày thêm đỏ lửa

Cho tiếng đànT'rưng vang, vang nhiều bên dòng suối

Đăkrông ơi dòng sông thương nhớ …

* *

Như sao bay trên núi theo bước đoàn quân đi

Qua con sông con suối vẫn nhớ về buôn làng

Cây Kơ-nia bóng mát, con suối hát tháng ngày

Cờ giải phóng phất cao

Ê... ế.

Xuân về đẹp vai áo cô gái của Trường Sơn

Xuân về nhịp chân bước quân đi nghe rộn ràng

Ánh sao của mặt đất ánh sáng của lòng ta

Soi về bao đỉnh núi bay thẳng về phương Nam.

Đăkrông ơi, Tây nguyên ơi

Cái suối đổ về sông, cái sông ra biển lớn

Ta nối tấm lòng dân bằng tình yêu của Đảng

Đi suốt Trường Sơn xanh nghe dòng sông chảy mãi

Đăkrông ơi dòng sông xanh thắm

Nối đôi bờ mùa Xuân...”

Bài hát do nghệ sĩ Kiều Hưng, một giọng nam cao khỏe khoắn mà lại mượt mà, thể hiện,  có hai đoạn đơn - đoạn một dàn trải, vẽ bằng âm thanh cánh chim đang bay lượn bao quát cả vùng Tây Nguyên hùng vĩ, đoạn hai dồn dập, đảo phách liên tục, thể hiện bước đường cách mạng tuy gập ghềnh nhưng luôn tiến về phía trước, và kết, chỉ hai câu, trở lại dàn trải, mênh mông, như tương lai trải rộng trước mắt. Phần nhạc của bài hát mang âm hưởng dân ca Tây nguyên, kết hợp với cấu trúc cổ điển quốc tế, tạo sự cuốn hút mạnh mẽ. Phần ca từ, đối với tôi, thật là tuyệt vời. Bài hát nói về dòng sông Dăkrông, để liên tưởng tới dòng sông cách mạng luôn luôn cuộn chảy. Bài hát nói về đường Trường Sơn, để cho thấy con đường cách mạng tuy gập ghềnh, gian nan, nhưng rộng mở, tươi sáng, trên đó, những đoàn quân Giải phóng rầm rập tiến bước, đem mùa xuân tới cho đất nước. Câu hát “Cái suối đổ về sông, cái sông ra biển lớn” mộc mạc, nhưng sâu thẳm ý nghĩa. Tôi vẫn hằng nghĩ, từng đơn vị trong lực lượng cách mạng như từng con suối nhỏ, luôn chảy cùng một hướng để dồn lại thành sông, từ đó đổ ra biển cả - tới ngày chiến thắng. Chỉ với một khúc hát, nhạc sĩ đã thể hiện chính xác nhưng có hình tượng suy nghĩ ấy của tôi: “Cái suối đổ về sông, cái sông ra biển lớn/Ta nối tấm lòng dân bằng tình yêu của Đảng/Đi suốt Trường Sơn xanh nghe dòng sông chảy mãi/Đăkrông ơi dòng sông xanh thắm/Nối đôi bờ mùa Xuân...”

Có một bài hát mà nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác trước đó, từ năm 1965, nhưng lại phù hợp với tình hình phát triển như trào dâng thác đổ bây giờ, đó là bài https: Mỗi bước ta đi  : 

“Đồng chí ơi người chiến sĩ giải phóng quân miền Nam anh hùng thành đồng tổ quốc

Anh đi về đâu từ Quy Nhơn đến Biên Hoà

Vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng

 

Anh đi trước hàng quân, tiến về giải phóng nông thôn

Tiến về thành phố thân yêu đạp trên xác thù

Anh đang hành quân ra tiền tuyến, mang theo tình yêu giai cấp trong tim.

 

Mỗi bước ta đi vùi thây quân giặc cướp nước

Mỗi bước ta đi diệt tan bao bốt đồn thù

Theo bàn chân ta nơi nơi vùng lên

Mỗi bàn chân ta ghi thêm một chiến công, sáng soi muôn đời sau.

Ha hà ha ha, hà ha ha, hà ha ha!

 

Mỗi bước ta đi trên đường quê tiếng ca thêm rộn ràng

Ánh dương đang bừng lên bóng đêm đang lùi xa

Mỗi bước ta đi giặc Mỹ tan tành sợ hãi

Nhưng lực lượng ta mỗi ngày một lớn lên

Vinh quang thay người chiến sĩ giải phóng quân, miền Nam anh hùng...”

Bài hát được nghệ sĩ Trần Thụ hát bằng giọng nam trung ấm áp, vững vàng, phản ánh bước tiến mạnh mẽ của lực lượng cách mạng, đồng thời tiên đoán ở ngày chiến thắng ắt sẽ đến.

Bài hát Sài gòn quật khởi của nhạc sĩ Hồ Bắc do tốp nữ đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương như hồi kèn xung trận giành thắng lợi cuối cùng:

“Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài-gòn

Khi con chim én báo mùa Xuân về, tin vui chiến thắng bay từ quê nhà

Sài-gòn ơi ta đang bước trên đường chiến thắng.

Thề diệt hết lũ ác ôn, tiêu diệt giặc Mỹ bạo tàn

Nhân dân yêu nước đã cùng xuống đường

Bên bao binh sĩ đêm ngày mong chờ

Cùng vùng lên súng chiến công vang mùa Xuân.

Sài-gòn ơi, trong lửa đạn vẫn kiên gan hướng về Mặt trận sáng ngời

Sài-gòn ơi, đây thành phố anh hùng đã từng lập bao chiến công

Vì tự do đây hồi kèn tiến quân đang thúc giục miền Nam tiến lên.

Ta đang sống những ngày lịch sử

Ta xốc tới bước trên đầu thù

Ta phất cao lá cờ thắng lợi trên Sài-gòn.

Sài-gòn đó quê ta ơi trong biển lửa vẫn ngời ngời

Ta đi như sóng căm hờn dâng trào xô lên trên xác quân thù hung bạo

Giành một mùa Xuân tươi sáng khắp miền Nam”.

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 15 )" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn