Mùa gặt

Tản văn của Ngô Đức Hành

16/05/2021 09:06

Theo dõi trên

Đây là lần đầu tiên, sau 44 năm xa quê, tôi được ra đồng giữa vụ gặt. Dẫu bây giờ ruộng nhà không còn, bố mẹ cũng đã đi về cõi mênh mông, nơi chỉ có sương khói, không vất vả lo no dồn đói góp, thiên tai, lụt bão...

         

mua-gat-3-1621130689.jpg
 

          Tôi là người sinh ra từ nông thôn. Như mọi đứa bé khác, tuổi thơ lớn lên từ gốc rạ, thơm mùi bùn đất. Thế nhưng, là đứa bé còi cọc, khó nuôi, được chăm bẵm, việc duy nhất của tôi là đèn sách. Tôi thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa, ít biết về công việc đồng áng như cày, bừa, cấy, hái...Thi thoảng, tôi được đẩy hòn đá – cách mà người nông dân xưa dùng để trục lúa những đêm trăng sáng, sau khi học bài xong.

Trục lúa là gì nhỉ? Lúa gặt về, người nông dân rải từng lớp dày trên sân, xong kéo hòn đá, tròn, to như cột nhà, rất nặng theo từng vòng, phía sau có người đẩy để thóc rụng ra khỏi bông lúa. Sau khi trục đến công đoạn rũ rơm cho hạt lúa rơi xuống sân, xúc vào thúng, hoặc bao bì. Thời hợp tác xã, có thể họ kết lại hai hòn cho trâu hoặc bò kéo. Nông dân Hà Tĩnh thường làm thế, không đập như nông dân phía Bắc. Thời đó, chưa có máy tuốt lúa.

Rồi tôi ra Hà Nội học. Những năm còn là sinh viên, thường nghỉ hè thì vụ xuân hè đã gặt xong. Tôi nhớ 5 năm học Đại học, chỉ duy nhất một hè, về đến quê còn được tham gia đẩy xe kéo lúa đã gặt từ ruộng về nhà.

Đây là lần đầu tiên, sau 44 năm xa quê, tôi được ra đồng giữa vụ gặt. Dẫu bây giờ ruộng nhà không còn, bố mẹ cũng đã đi về cõi mênh mông, nơi chỉ có sương khói, không vất vả lo no dồn đói góp, thiên tai, lụt bão...

               

mua-gat-2-1621130690.jpg
 

          Làng quê nơi tôi sinh ra, là trung tâm hành chính của huyện nên không được nhiều ruộng cho lắm. Phía ngoài làng là cánh đồng, sau lưng làng là núi. Tôi còn nhớ, những cánh đồng cỏn con, mang đậm chất quê khi được xướng tên. Có thể kể như Chà bày trong, Chà bày ngoài, Uôi, Cồn cự...Bây giờ ruộng đất những cánh đồng này đã phải “nhường” cho đô thị; trở thành nơi xây dựng công sở các cơ quan của huyện, khu dân cư mới, sân bóng... Làng chỉ còn những cánh đồng xa.

          Ngày xưa, từ làng ra đồng đồng, từ gần đến xa có một con đường thẳng tắp mang tên Dân sinh. Hai bên đường xanh mướt phi lao. Ngày ấy, đường rải sỏi, được đào từ rú Nghèn. Bây giờ, con đường ấy đã được thảm nhựa bê tông. Ngày ấy, cứ sáng đến sau khi có tiếng kẻng hợp tác xã thì người già, trẻ con ra đồng. Người lớn cày, bừa, cấy, hái; trẻ con đi chăn trâu, cắt cỏ, đơm cá, cất rớ...Bây giờ, công việc nhà nông đã được giải phóng. “Phần lớn thuê hết. Có ruộng làm nhưng gần như là mua gạo giá rẻ hơn thị trường, bởi chi phí từ thuê máy làm đất, máy gặt, phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật đều cao”, chú em tôi giải thích. Ngày ấy, nông dân ra đồng đi bộ; bây giờ cưỡi xe máy, xe đạp điện. Ngày ấy, trẻ mục đồng khát thì vụ nước ruộng uống. Bây giờ hãi, thuốc bảo vệ thực vật không cho phép con người, ngay người chủ ruộng đồng liều lĩnh. Thậm chí con đường Dân sinh, các bờ vùng, bờ thửa trở thành những nơi đổ rác.

          Đi trên con đường Dân sinh, thơm lúa vừa chín tới, như mùi da con gái quê đến độ trăng tròn, tôi không sao quên được bài thơ “Hoa chanh” của nhà thơ Nguyễn Bao.

 

          “ Năm xưa hai đứa chúng mình

Rủ nhau đánh bò lên núi

Để mình em chăn, anh đi tìm ổi

Nón em quả chín thơm vàng,

Hun hút gió lùa những buổi chiều đông

Em thổi nùn rơm chín hồng đôi má”

mua-gat-1621130690.jpg

          Quê tôi không khác gì với quê nhà thơ Nguyễn Bao. Có núi, có sông, có cánh đồng...Tuổi thơ tôi, có những năm tháng “rủ nhau đánh bò lên núi”. Biết bao nam thanh, nữ tú gặp nhau trên cánh đồng mà thành đôi lứa. “Đường cày tinh sương / Môi ấm miếng trầu / Têm vội đêm qua / Em trao chẳng nói!”. Cánh đồng, mùa nào cũng vậy, không chỉ rợp cánh én khi xuân về, rợp cánh cò bay sau vụ gặt mà còn là khoảng trời kỷ niệm của nhiều đôi lứa. Tôi không có hạnh phúc như các anh, các chị; các bạn ở lại cùng cánh đồng thơm thảo. Mười bảy tuổi hơn tôi đã ra Hà Nội, làm trai “lưu lạc phố”.

             Dẫu vậy, nhưng trong ký ức luôn có cánh đồng. Có vụ gặt như thời khắc bây giờ. Bây giờ đang giữa hè, người nông dân thường ra đồng vào lúc sáng sớm, buổi chiều thường 15h để tránh nắng. Vụ thu hoạch chờ máy gặt đập, nên có gia đình phải 23 giờ mới từ cánh đồng về nhà. Ngày xưa còn phải mang rơm rạ về nhà làm thức ăn cho trâu bò ngày mưa bão, giá rét. Bây giờ trâu, bò không còn nên rơm được đốt ngay trên đồng. Máy gặt đập đã đóng sẵn thóc vào bao, có xe công nông chở về tận từng gia đình. Đúng là “sao trời nhập thể thắp đèn / đồng quê rộn rã buông rèm đợi khuya / thương nhau biết mấy cho vừa / dẻo thơm gạo mới đong đưa một thời”, (Mời em về vụ gặt, thơ Ngô Đức Hành).

Sẽ đến lúc không còn ruộng nữa. Nghề chiếu đã mất. Nghề nông không còn, không biết người nông dân về đâu”, chú em hàng xóm than thở với tôi ngay trên cánh đồng. Quê tôi ngày xưa có nghề dệt chiếu, thêm thu nhập lúc nông nhàn. Bây giờ chiếu tre, chiếu trúc, nhà có điều kiện thì giường nệm, dùng điều hòa bốn mùa. Nghề chiếu Nam Sơn vì thế biến mất. Dẫu, bây giờ nhiều hộ dân đã đổ xô ra mặt đường buôn bán, thêm nhiều nghề khác trong dân, nhưng làng quê tôi cơ bản vẫn là nông nghiệp. Tốc độ đô thị hóa của thị trấn Nghèn – quê tôi quá nhanh, ngày càng thu hẹp cánh đồng. Sẽ đến một ngày, chắc không xa, cỡ 5 – 10 năm nữa, làng quê hết ruộng.

Vẫn biết, cuộc sống sẽ điều chỉnh, tuy nhiên, thật khó hình dung. Mùa gặt năm nay được mùa. Phía trước tôi, bên phải, bên trái đều có những máy gặt, đập hoạt động. Tiếng cười chan trong hương lúa. Dẫu thế nào, ký ức về cánh đồng, ký ức về mùa gặt không mất đi. “Ngày xưa tôi sống trong làng/ bây giờ làng sống trong tôi”, (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh), chắc chắn những người nông dân quê tôi đang vô tư trên cánh đồng cũng sẽ như vậy. Lúa chín thổi vào tôi từng lọn gió thảo thơm./.

 

Bạn đang đọc bài viết "Mùa gặt" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn