Một thời để nhớ (truyện ký): Ngôi mộ kết

Trinh Duy Sơn

13/12/2021 10:50

Theo dõi trên

Ấp Bàu Sỏi nằm ở ven bờ biển miền Nam Trung bộ, đến nay mới có trên hai trăm hộ dân nhưng đời sống nhân dân thì đã khấm khá gấp cả chục lần so với ngày mới giải phóng.

trinh-duy-son-1639367419.jpg

 

Cách nay 45 năm, khi cả nước không còn tiếng bom đạn, ấp Bàu Sỏi chỉ là một bãi chiến trường tan hoang với những hố bom lở lói và những bức tường nhà đổ, gạch ngói ngổn ngang. Những xác xe tăng, xe quân sự, những khẩu pháo to nhỏ của cả các bên tham chiến bị cháy nằm chổng trơ trên đất, bị cỏ và các cây dây leo che phủ gần kín. Nấp dưới đám cỏ và dây leo ấy là vô số những vỏ đạn, mảnh bom, mảnh pháo và những viên đạn đủ các loại chưa kịp đưa vào nòng súng. Dưới lớp đất bề mặt nham nhở còn có các loại mìn chống tăng, mìn sát thương chẳng hiểu của bên nào bỏ lại. Nhìn vào đâu người ta cũng chỉ thấy sự chết chóc rình rập. Đêm ngày vang lên tiếng bìm bịp, tiếng quạ kêu và tiếng côn trùng rả rích. Những ngôi mộ vừa được chôn cất có khi chưa kịp xanh cỏ trong nghĩa trang chung của ấp. Không ai phân biệt mộ người dân có tín ngưỡng khác nhau hay mộ binh lính của hai chế độ khác nhau. Mùi xú uế của chiến tranh cũng còn sót lại không mấy dễ chịu. Mãi sau này người ta mới tạo ra nghĩa trang theo từng tôn giáo khác nhau hay nghĩa trang Liệt sỹ, nghĩa trang dòng tộc…Chuyện di dời phần mộ từ nghĩa trang này sang nghĩa trang khác là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi gia đình hoặc tổ chức khác nhau, không mấy ai can thiệp.

    Khi chưa xảy ra cuộc chiến tranh chống Mỹ, Bàu Sỏi cũng đã có ngót nghét một trăm gia đình. Cuộc sống tuy chưa giầu nhưng dựa vào thế có rừng, có ruộng lại có biển nên bà con ở đây có cuộc sống khá sung túc. Cảnh sống thanh bình của một làng quê ven biển thật thơ mộng. Đến mức chỉ có người dân ở nơi khác đến ngụ cư chứ không có cảnh dân bỏ làng ra đi.

     Thế rồi sau năm 1954, một phần trai làng ra miền Bắc tập kết; một phần trai làng đầu quân làm sĩ quan, binh lính của chế độ Ngô Đình Diệm; một phần trai làng rút lên rừng tổ chức lực lượng để kháng chiến lâu dài, nhằm đẩy lùi sự can thiệp của ngoại bang và lật đổ chính quyền tay sai, (số thanh niên này ra khỏi làng nhưng vẫn thường xuyên bí mật về làng tổ chức tuyên truyền cho nhân dân kiên trì bám trụ để đấu tranh với Ngụy quân, Ngụy quyền); một phần trai làng ở lại với gia đình, vợ con, bám lấy đồng ruộng và biển cả để mưu sinh, mong thoát được cảnh binh đao chết chóc. Trong số thanh niên bám trụ tại ấp Bàu Sỏi có anh Bẩy Hiếm, khi ấy mới ngoài 20 tuổi. Không hiểu từ nguồn nào mật báo, nhưng khi có binh lính của ông Diệm ập đến bắt lính thì Bẩy Hiếm đã trốn ra khỏi làng từ bao giờ. Còn khi phía Cách mạng đến vận động anh ra đầu quân thì anh một mực năn nỉ từ chối.

      - Các anh thông cảm, tôi không phải là người không yêu nước nhưng hoàn cảnh của tôi có 2 bố mẹ già, 1 con thơ, vợ thì vụng dại. Tôi không nỡ để họ chết đói mà đi theo các anh. Hơn nữa tôi rất sợ tiếng súng đạn, rất sợ máu đổ. Mong các anh tha cho tôi. Tôi ở lại hậu phương làm ra lúa gạo, đi biển đánh cá bán có tiền, Cách mạng cần gì tôi sẵn sàng giúp đỡ…

       Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, sau cuộc đồng khởi ở Bến Tre, chiến tranh cứ mỗi ngày một lan ra, dữ dội hơn, khốc liệt hơn, đau thương hơn…Đã không ít lần dân làng Bàu Sỏi nhận được hung tin. Khi thì thằng Mãnh con nhà dì Tư thuộc đơn vị lính dù của quân đội Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng trong một trận càn ở Tây Ninh, khi thì thằng Chiến con chú Tám theo cách mạng lên R bị bom chết không tìm thấy xác. Dù hung tin người của phía bên này hay phía bên kia tử trận thì ở cái ấp nhỏ bé này cũng thành tin dữ, cũng bao trùm lên bầu không khí tang tóc, tiếng kêu khóc và trắng khăn tang khắp cả xóm làng.

      Rồi đêm đêm bộ đội và du kích về làng bàn cách bức hàng đồn địch này, tiêu diệt đồn kia. Rồi từng đơn vị quân Việt Nam Cộng hòa với sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, dùng xe tăng, thiết giáp về lùng sục từng bụi tre, khóm chuối tìm hầm bí mật của Việt cộng, bắt bớ thanh niên vào lính, bắt người già và phụ nữ đi làm phu, bắt gà vịt hoặc bất cứ thứ gì chúng muốn.

      Vào một buổi sáng trung tuần tháng 4 năm 1966, có một trung đội lính Việt Nam Cộng hòa do một tổ cố vấn Mỹ chỉ huy hành quân bộ tiến vào ấp Bàu Sỏi, có 2 xe tăng yểm trợ. Mọi kế hoạch của địch đã bị người của cách mạng cài cắm trong hàng ngũ địch mật báo. Ngay từ nửa đêm hôm ấy ta đã lên phương án đánh địch rất tỷ mỷ. Đã bố trí lực lượng đào hầm bí mật trong ruộng lúa và nằm phục sẵn, chờ khi nào bọn địch càn quét xong quay ra, tới một điểm định sẵn ta mới nổ súng. Khi địch càn quét vơ vét xong ra về thì xuất hiện một tình huống ngoài dự kiến của ta. Bọn địch bắt mấy người dân đi vào giữa hàng quân để làm con tin. Tình huống này ta không lường trước nên khi thấy địch đến điểm quy định thì tiếng súng của ta nổ rộ lên. Bị tấn công bất ngờ, bọn địch chống trả yếu ớt rồi bỏ chạy thục mạng. Một tên cố vấn Mỹ bị thương được đưa lên xe Zép chạy tháo thân. Ngay lập tức hành trăm quả pháo Mỹ bắn bao trùm lên trận địa và bắn cả vào ấp Bàu Sỏi. Ấp Bàu Sỏi bỗng chìm trong lửa khói và ngay tối hôm ấy bà con phải bỏ làng gồng gánh nhau lên rừng chạy loạn. Khoảng 10 giờ đêm, Bảy Hiếm mới dám lần ra cách đồng nơi ban ngày có cuộc giao tranh. Dưới ánh trăng thượng tuần, anh lần mò cả tiếng đồng hồ mới tìm ra thi thể của anh Bình thuộc lính Cộng hòa, nằm bên khẩu AR15 và thi thể anh Tâm là người nông dân rất hiền lành của ấp. Lần sang trận địa của phía bên cách mạng, Hiếm tìm thấy thi thể anh Minh nằm gục bên khẩu B40, do bị mảnh pháo Mỹ găm vào đầu nên máu chảy lênh láng cả một vùng đất. Lúc này Bảy Hiếm giường như kiệt sức. Anh ngồi bệt xuống ruộng lúa sắp đến ngày thu hoạch và ngẫm nghĩ: “Thì ra chiến tranh là vậy, dù là lính của phía bên này hay phía bên kia cũng đều là người ấp mình cả. Thằng Mỹ chỉ bị thương mà vội bỏ chạy rồi câu pháo tới, bất kể rơi trúng bên nào, còn mình thì không thể bỏ xác người lính bên này hay bên kia, bởi tất cả hai người lính ở hai phía đối đầu và người nông dân đều là người của ấp Bàu Sỏi, đều liên quan máu mủ ruột già với nhau từ bao đời nay. Hai người lính và một nông dân chết đi thì đã yên phận rồi, nhưng còn tứ thân phụ mẫu của họ, người già gần đất xa trời, người kiếm miếng ăn lay lắt… bây giờ biết trông cậy vào ai. Lại còn cô Quê vợ anh Bình đang ôm thằng cu Việt đỏ hỏn kêu khóc từ chiều tới giờ. Chỉ cách nhà Quê vài trăm mét, bên nhà anh Minh, cô vợ trẻ tên Hương cũng ôm con bé Nam đang gào thét ngất xỉu”.

     Nghĩ vậy nên Bảy Hiếm gắng hết sức lê bước về nhà lấy cuốc xẻng ra cánh đồng đào một hầm huyệt đủ để chôn cất 3 thi thể. Xong xuôi, anh lần lượt cõng từng thi thể đưa xuống nằm ngay ngắn trong hầm huyệt. Tuy không có quan tài nhưng Hiếm đã có ý thức đặt thi thể người lính Cánh mạng nằm bên trái, người nông dân nằm giữa và người lính Cộng hòa nằm bên phải. Anh còn cố gắng tìm được cả 2 khẩu súng đặt nằm bên cạnh 2 người lính rồi mới lấp đất, với suy nghĩ:

“Tao chôn cả 2 khẩu súng xuống để không còn ai lấy được súng này mà bắn nhau nữa. Nếu ở cõi âm có ngoại xâm thì chúng mày có sẵn súng mà đánh địch, nhưng chớ có bắn giết lẫn nhau, tội nghiệp lắm”.

     Những ngày mới hòa bình hầu hết người dân ấp Bàu Sỏi đã trở về tìm mảnh đất của cha ông tiên tổ để dựng tạm những túp lều che mưa nắng đồng thời họ ra sức tìm mồ mả người thân để tôn tạo kẻo thất lạc. Riêng ngôi mộ chôn chung anh Minh, anh Bình, anh Tâm thì không biết từ bao giờ, người dân mỗi lần đi qua đây đều tự đắp lên một cục đất, cục gạch hoặc một viên đá...Từ đó ngôi mộ cứ to và cao lên dần.

     Cũng đã có đôi lần người trong gia đình anh Bình, anh Minh, anh Tâm đến gặp Bảy Hiếm nhờ ông chỉ để khai quật ngôi mộ chung nhằm tìm lại phần xương cốt riêng của từng người, nhưng ông Bảy đều lắc đầu can ngăn:

- Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi, người nằm xuống dù là ở phía bên

nào thì nay cũng đã mồ yên mả đẹp. Hơn nữa dù là người bên thắng cuộc hay bên thua cuộc thì cũng đều là bà con cùng dòng họ phi nội tất ngoại và là người của thôn ấp minh cả. Các ông bà không thấy ngôi mộ phát lên từng ngày à. Nếu ông bà cố tình đào bới ngôi mộ lên coi chừng bị xúi quẩy đó.

    Nghe ông Bẩy Hiếm khuyên có tình có lý, cả ba gia đình đã cùng nhau góp tiền xây ngôi mộ thật trang nghiêm. Trên bia mộ có ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh, ngày mất, gắn di ảnh từng người và có bát nhang riêng…Hàng năm không ai hẹn trước nhưng cả 3 gia đình đều chủ động hương khói và quét dọn quanh phần mộ chu đáo, sạch sẽ.

     Năm tháng cứ qua đi, ấp Bàu Sỏi cũng thay da đổi thịt từng ngày. Những nghĩa trang lớn nhỏ của Bàu Sỏi và ngôi mộ tập thể 3 người cũng được các thế hệ con cháu họ tôn tạo khang trang hơn. Cháu Việt con anh Bình chị Quê, cháu Nam con anh Minh chị Hương đều lớn nhanh như thổi. Hai cháu cùng học chung từ lớp mẫu giáo rồi dần lên học cấp 1, cấp 2…Tới trường cùng học với nhau, về nhà cùng chơi với nhau. Cùng chia nhau bánh kẹo và cả cơm ăn, áo mặc nữa. Những ngày lễ tết cả hai em lại cùng được mẹ dẫn đi thắp nhang cho phần mộ của hai người bố. Chúng gắn bó với nhau tự nhiên như hít thở khí trời.

                                                     II

     Chuyện sẽ không có gì cần nói thêm nếu không có sự kiện: Nhà nước có chủ trương quy tập mộ liệt sỹ về nghĩa trang riêng, nơi Tổ quốc ghi công. Đó là sự quan tâm chính đáng đối với những người đã hy sinh thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chính quyền địa phương đã đề nghị gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Minh hợp tác với địa phương đưa hài cốt Minh về nghĩa trang liệt sỹ của huyện. Nhưng muốn có được hài cốt của Minh thì phải khai quật phần mộ chôn chung 3 người. Gia đình anh Tâm không muốn đụng chạm tới hài cốt người thân khi đã mồ yên mả đẹp; Gia đình anh Bình thấy ngôi mộ đang kết bây giờ đào lên sẽ “động” nên thẳng thừng phản đối; Còn gia đình anh Minh thì tiến thoái lưỡng nan, đào mộ anh lên đưa hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ thì không được tự ý đào. Việc động đến mồ mả là động đến quyền tự do tín ngưỡng nên không ai có quyền can thiệp thô bạo.

     Dù việc di chuyển hài cốt mới chỉ là một chủ trương đang được bàn cãi chưa ngã ngũ nhưng nó đã dần ăn sâu vào tâm hồn của hai đứa trẻ vốn lâu nay trong như tờ giấy trắng. Lần đầu tiên Việt nghe người ta nói bố mình là lính ngụy: Lần đầu tiên Nam nghe nói bố mình là liệt sĩ, là bộ đội Cách mạng.

    Những ngày cuối của năm học lớp 12, Việt và Nam đã bước sang lứa tuổi đẹp nhất của một đời người. Ngoài sự lớn lên từng ngày về thể xác, các em cũng không ngừng lớn lên về tâm hồn. Một tình yêu nam nữ đã manh nha trong tâm hồn hai em và mỗi ngày một cháy bỏng hơn. Các em tự hứa hẹn cùng nhau thi vào học ngành  Sư phạm để sau này ra trường sẽ về dạy đàn em nhỏ tại chính ngôi trường các em đã được đào tạo.

    Những năm mới hòa bình ngoài trình độ học vấn thì ban tuyển sinh còn hết sức chú ý tới thành phần, lý lịch gia đình của thí sinh. Bởi vậy Việt rớt không được vào đại học là điều không phải bàn cãi nhiều. Không đỗ đại học, Việt tự thấy tương lai của mình không còn gì. Nam cũng buồn như cắt da thịt. Ngày tiễn Nam vào trường đại học cũng là ngày Việt từ giã quê hương để theo con thuyền của người bà con ra biển đánh cá… Tin tức cuối cùng về Việt, Nam cũng chỉ được nghe người ta đồn rằng: Con thuyền có Việt tham gia đi đánh cá đã tổ chức vượt biên vào một đêm động trời. Có tới hàng trăm thuyền viên chen chúc nhau. Ra tới hải phận Quốc tế thuyền bị chết máy nên trôi tự do trên biển mấy ngày trời. Cũng may có một tàu buôn phát hiện đã cứu sống được một số người và đưa vào trại tị nạn của nước Malaisia…Nam cũng không hiểu Việt có được nằm trong số người may mắn thoát chết không?. Những ngày được tin con thuyền của ấp Bàu Sỏi vượt biên gặp tai nạn, cả ấp chìm trong tang thương chẳng khác nào cách nay 15 năm ấp bị chiến tranh tàn phá. Nam không khóc thành tiếng nhưng tròng mắt cô lúc nào cũng sưng húp bới xót thương Việt.

     Đằng đẵng 17 năm sau kể từ ngày Việt vượt biên mất tích, Mùa xuân năm 2000 Việt cùng vợ con bay từ Mỹ về Việt Nam trong sự mừng vui khôn tả của cả ấp Bàu Sỏi. Đến lúc này cả dân làng mới tận mắt thấy Việt và nghe anh kể về những khó khăn gian khổ, nguy hiểm của anh và bà con trong những ngày vượt biên lênh đênh trên biển cả, cũng như gần 20 năm bươn trải mưu sinh ở xứ người. Hơn ai hết Nam là người nhất mực thương yêu Việt nhưng đến nay thì tuổi xuân của họ đều qua lâu rồi. Nam đã lập gia đình riêng với người chồng cùng trong ngành giáo dục và họ đã được một thằng cu kháu khỉnh tên Hậu đang học lớp 3. Còn Việt, anh cũng có một cô vợ làm bác sĩ và một đứa con gái xinh ngoan tên Duệ, đang học lớp 3. Cháu Duệ chỉ nói được vài từ tiếng Việt ngọng nghịu lơ lớ nhưng được ba má và cô Nam cùng đưa thằng Hậu ra thăm ngôi mộ chung. Hai đứa trẻ  9 tuổi cùng dòng máu Việt, không hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng cũng tự sáp vào chơi với nhau và cùng nhau nhận cây nhang của người lớn đưa cho, kính cẩn vái lậy hương hồn ông nội, ông ngoại trước sự xúc động của hàng chục người đứng quanh ngôi mộ tập thể nghi ngút khói nhang

                                                              III

     Lại 15 năm nữa trôi qua. Thật đúng như người ta nói “Thời gian trôi nhanh như dòng thác”. Mùa xuân năm 2015, đất nước Kỷ niệm 40 năm ngày hòa bình, thống nhất hai miền Nam Bắc. Riêng đối với dân ấp Bàu Sỏi còn  Kỷ niệm 49 năm ngày xảy ra vụ càn quét làm thiệt mạng 1 người dân và 2 người lính thuộc hai chế độ khác nhau. Đây cũng là ngày ấp Bàu Sỏi bị bom đạn của Mỹ làm cửa tan nhà nát. Còn với hàng chục gia đình ở ấp Bàu Sỏi có người thân vượt biên năm 1983 (trong đó có Việt) thì nay là lần Kỷ niệm thứ 32 năm. Bất cứ người dân Bàu Sỏi nào mỗi khi tới ngày Kỷ niệm đất nước Hòa bình là họ lại nghĩ ngay đến hai ngày Kỷ niệm lịch sử của địa phương mà đời đời con cháu họ sẽ lưu truyền và không thể phai mờ trong tâm trí họ.

   Khác hẳn với bao lần Kỷ niệm của những năm trước. Mùa xuân 2015, sau khi cháu Hậu học tốt nghiệp khoa Kinh tế ở một trường đại học nổi tiếng của Mỹ và cháu Duệ vừa tốt nghiệp khoa Hóa trường đại học cũng ở Mỹ, cả hai cháu đã xin hai gia đình cho về Việt Nam tổ chức Lễ thành hôn. Trước khi ra Thánh đường làm lễ cưới, Hậu và Duệ đã tay trong tay đi cùng cha mẹ hai bên ra dâng hương hoa trước ngôi mộ của hai người ông kính yêu và bác nông dân cùng mất trong một ngày đau thương nhất của người dân ấp Bàu Sỏi.

          Đã 45 năm qua, chưa bao giờ người dân ấp Bàu Sỏi được chứng kiến một đám cưới trang trọng và vui mừng đến thế. Tất cả những hoạt động trong những ngày trọng đại này hầu hết mọi người dân Bàu Sỏi đều tham dự và đặc biệt chưa bao giờ vắng mặt cụ Bảy Hiếm.

    Trước khi về Việt Nam Hậu và Duệ đã chuẩn bị sẵn một bộ tài liệu: Dự án đầu tư. Hai cháu dự định sau Lễ thành hôn sẽ xin phép chính quyền địa phương cho xây dựng một nhà máy chế biến hải sản tại bờ biển ấp Bàu Sỏi để tạo công ăn việc làm cho bà con trong vùng.

Theo Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Một thời để nhớ (truyện ký): Ngôi mộ kết" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn