Mối tình thầm lặng của "Người con gái Việt Nam"

Vân Mai Mai (sưu tầm & tổng hợp).

22/10/2022 10:15

Theo dõi trên

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi hay không có tuổi? Mái tóc em đây, là mây hay là suối? Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông. Thịt da em hay là sắt là đồng?” – Những câu thơ gây xúc động lòng người trong bài thơ “Người con gái Việt Nam” của nhà thơ Tố Hữu viết tặng người anh hùng Trần Thị Lý vào tháng 12-1958, khi ông đến thăm chị.

dvh2ab1-1666408187.jpg
- Bác Hồ với chị Trần Thị Lý gần Tết năm 1967. (Ảnh Tư liệu).

 

Trần Thị Lý tên thật là Trần Thị Nhâm. Chị được kết nạp Đảng năm 18 tuổi. Sau hai lần bị địch bắt mà không khai thác được gì, chúng buộc phải trả tự do cho chị. Tháng 6/1957, trên đường đi công tác, chị Nhâm bị bọn mật thám theo dõi và chúng đã bắt chị đưa về giam tại các nhà lao: Vĩnh Điện, Hội An, Kho đạn Đà Nẵng, Huế. Trong lần bị bắt này, chúng phát hiện chị giữ tài liệu phát động “học tập tinh thần bất khuất của đồng chí Trần Thị Nhâm bảo vệ cơ sở đến cùng, thà chết không khai báo đồng chí mình” nên kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn tàn bạo để tra tấn, khủng bố hòng khuất phục chị Nhâm, nhưng chúng không lay chuyển được tinh thần của chị.

Tháng 9/1958, sau lần tra tấn cuối cùng, địch cho rằng chị không thể sống được nữa nên đem vứt ra ngoài nhà lao Vĩnh Điện. Chị được cơ sở cách mạng đưa về vùng Gò Nổi - quê chị, chạy chữa các vết thương. Vào lúc sức khỏe chị ngày một suy sụp, các vết thương bị nhiễm trùng nặng, tháng 10/1958, chị được Tổ chức bố trí đưa chị ra Bắc trong một hành trình đầy gian nguy từ Điện Bàn tới Hưng Lợi rồi đi bằng nhiều phương tiện, với nhiều chặng đường sang Campuchia. Tại đây, chị được bà con Việt kiều và nhân dân Campuchia tận tình chăm sóc chu đáo. Một gia đình Việt kiều yêu nước quê gốc Nghệ An đã làm giấy tờ giả, đưa chị lên máy bay ra Hà Nội để chữa trị và tố cáo tội ác tày trời của Mỹ - Diệm. Thời gian này, bọn địch phát hiện ra chị vẫn còn sống và được tổ chức bí mât cứu thoát, chúng ra sức lùng sục gắt gao hòng thủ tiêu chị cho bằng được, nhưng thất bại. Sau khi ra miền Bắc, chị mang tên Trần Thị Lý.

Khi biết tin chị Trần Thị Lý từ nhà tù Mỹ-Diệm, từ cõi chết trở về. Tối ngày 14/11/1958, Bác Hồ vào thăm chị tại bệnh viện Việt - Xô. Nhìn thấy chị trong cơn mê sảng, Bác không cầm được nước mắt. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các đồng chí cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc đã đến thăm chị. Mỗi khi nhìn thấy chị, mọi người đều vô cùng xúc động.

dvh2ab2-1666408269.jpg
- Bác sĩ đang chăm sóc vết thương cho chị Trần Thị Lý, năm 1958. (Ảnh tư liệu).

 

Tình yêu thầm lặng bên án tử.

Năm 1957, Lê Quang Vịnh vào Sài Gòn học đại học, anh bắt mối tổ chức tham gia hoạt động công khai trong phong trào học sinh sinh viên. Một lần ra cứ họp, anh được chị Trần Thị Lý là giao liên dẫn đường, thế là hai người quen biết nhau.

Chỉ một thời gian ngắn gặp mặt, chị Lý đem lòng quý mến Lê QuangVịnh, người thanh niên nổi tiếng về hoạt động đấu tranh trong giới trí thức trẻ ở Sài Gòn. Ngày 23/5/1962, anh bị địch kết án tử hình và đưa ra Côn Đảo.

dvh3ab3-1666408107.jpg
- Chị Trần Thị Lý trên giường bệnh với bó hoa của thi sĩ Liên Xô An-tô Côn-sky. (Ảnh tư liệu).

 

Sau này, trong một lần gặp gỡ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chị Lý có khoe với Thủ tướng tấm hình chân dung Lê Quang Vịnh và nói: “Đây là người con thương”. Phía sau tấm hình ấy ghi: “Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh - Đạo Tĩnh”. Đạo Tĩnh là biệt hiệu của Trần Thị Lý khi hoạt động ở Củ Chi. Thời gian chị đề câu ấy vào tấm ảnh là tháng 12-1963, lúc đó anh Vịnh đã bị đày ra Côn Đảo. Một người con gái dám đề câu “Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh”, chứng tỏ tình yêu sâu đậm lắm. Tình yêu thương ấy bất chấp án tử hình dành cho người trai trẻ. Bản thân anh Vịnh hoàn toàn không biết gì cả.

Sau khi Côn Đảo được giải phóng, anh Vịnh về làm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh. Năm 1975, anh được chọn là 1 trong 100 đại biểu tiêu biểu của đoàn miền Nam ra thăm miền Bắc. Một lần, Lê Quang Vịnh được mời nói chuyện về đề tài Côn Đảo - hòn đảo địa ngục.

Cuộc nói chuyện do Trung ương Đoàn tổ chức. Hội trường chật ních trên hai ngàn người nghe. Trong số người đến dự nghe hôm đó có một người phụ nữ xinh đẹp.

Khi ban tổ chức vừa giới thiệu người nói chuyện là “Giáo sư Lê Quang Vịnh, tử tù Côn Đảo vừa mới trở về”, người con gái ấy bỗng nhiên tái xám mặt mày, rồi ngất xỉu.

Cuộc nói chuyện phải dừng lại. Ban tổ chức xin lỗi diễn giả Lê Quang Vịnh, rồi bế người con gái ra phía hậu trường, xoa dầu, bấm huyệt. Khi tỉnh lại, điều chị nói làm mọi người vô cùng ngạc nhiên: “Tôi là Trần Thị Lý và người nói chuyện là Lê Quang Vịnh, người yêu của tôi! Ôi, người yêu tôi đã về!”. Rồi nước mắt giàn giụa, chị lại ngất xỉu. Sự việc làm mọi người ngơ ngác, ngạc nhiên!

Đó là một “cú sốc” lớn đối với Lê Quang Vịnh. Anh không ngờ mình gặp lại “người quen biết cũ” trong hoàn cảnh này, và vào lúc đã có vợ sắp cưới! Chuyện hi hữu đó xảy ra khi chị Lý cũng đã có người yêu tên là Tuấn.

Tấm hình đặc biệt.

Sau khi Lê Quang Vịnh và các đồng đội bị tòa án ngụy quyền Sài Gòn tuyên án tử hình, các báo ở Hà Nội tới tấp đăng bài phản đối bản án, tố cáo ngụy quyền Sài Gòn đàn áp trí thức, sinh viên học sinh. Nhưng các báo đều không có một tấm ảnh nào của giáo sư Lê Quang Vịnh cả. May thay, lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới nhớ ra là người nữ chiến sĩ Trần Thị Lý đang chữa bệnh ở Hà Nội đã có lần khoe với mình tấm ảnh Lê Quang Vịnh. Nhờ có chị Lý giữ tấm ảnh, và nhờ trí nhớ tuyệt vời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các báo đến chỗ chị Lý mượn ảnh. Ảnh Lê Quang Vịnh được đăng lên báo, minh chứng một việc thật, người thật, làm xúc động người đọc cả miền Bắc và trên thế giới.

Câu chuyện được xem như “giai thoại” kháng chiến xung quanh bức hình nhỏ này. Bức ảnh ấy là ảnh anh Vịnh chụp cuối những năm 50 thế kỷ trước để làm thẻ sinh viên. Một lần ra bưng họp, Lê Quang Vịnh có mang theo tập ảnh gia đình trong người, trong đó có bức ảnh ấy. Anh Vịnh có đưa cho các bạn gái trong bưng xem. Tấm ảnh đó đã bị một người “ém nhẹm” cho riêng mình mà anh không hay.

Không hiểu bằng cách nào đó, bức hình lại có trong tay của chị Trần Thị Lý, một cô gái tận sông Thu Bồn. Mãi sau này anh mới biết chị Lý luôn mang theo tấm hình ấy bên mình như một báu vật của đời. Lê Quang Vịnh nói, có thể bức hình ấy được trao về cho các anh cán bộ của Lý, và vì có nhiệm vụ kết nối với Lê Quang Vịnh, phải tìm được chính xác người cần kết nối mà chị Lý có tấm hình ấy.

Sau này, qua nhiều năm tù đày, lưu lạc, anh Lê Quang Vịnh chỉ biết tới tình cảm của “Người con gái Việt Nam” dành cho mình khi anh đã đính hôn với chị Trần Thị Kim Khánh, một cô gái đồng hương, là em gái của bạn tù Côn Đảo. Bản thân chị Lý cũng đã kể hết tâm tình, nỗi lòng mình với vợ chưa cưới của anh Lê Quang Vịnh lúc ấy. Nói về tình cảm này, Lê Quang Vịnh tới giờ vẫn bùi ngùi cảm động về sự chân thành, thuần khiết của một cô gái hồn hậu, mạnh mẽ dành cho mình.

Về chị Lý, trong thời gian dưỡng bệnh ở Hà Nội, chị có tình cảm với một thương binh đồng hương là thầy giáo Nguyễn Viết Tuấn, Tháng 3 năm 1978, hai người có một đám cưới giản dị, được tổ chức tại quê hương Đại Lộc. Do bị nhiều cuộc hành hình, tra tấn khắc nghiệt, chị mất khả năng sinh nở nên có nhận một người con gái nuôi.

Tình yêu là chuyện riêng của trái tim mỗi người, nhưng nó cũng là chuyện của đất nước một thời. Thời của một thế hệ tuổi trẻ Việt nam đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, dấn thân vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

P/s: Có lẽ cũng ít người biết được Trần Thị Lý chính là cháu nhà cách mạng Trần Cao Vân, người đã nhiều lần mưu toan chống Pháp và bị đi đày ở Côn Đảo 6 năm. Năm 1916, Trần Cao Vân cùng Thái Phiên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Quang Phục hội. Khởi nghĩa thất bại, 2 ông bị bắt và bị chém ở cố đô Huế.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Mối tình thầm lặng của "Người con gái Việt Nam"" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn