Lý do của bài thơ “Em đã đốt thơ tình anh tặng”

Hoàng Việt Hằng

04/10/2021 10:00

Theo dõi trên

Đêm đó tôi thức trắng đêm viết bài “Em đã đốt thơ tình anh tặng” như vừa ngoảnh lại thời tóc đen môi thắm, như vừa chạm tới đống tàn tro, không hề nguội lạnh, mà đang âm ỉ, bốc lửa về ký ức xưa, cũ; cũng như vừa mới đây nhớ lại chồng mình đã sang thế giới bên kia; anh đi rồi để lại em với bàn tay trắng, không nghề nghiệp.

em-da-dot-tho-tinh-anh-tang-1633316274.jpg
 

Một lần thật tình cờ tôi nghe được một nhà văn nữ kể chuyện trong một chuyến đi thực tế ở Thái Nguyên; bạn nhà văn ấy nói:Cả đời mình có duy nhất một lần hý hửng, ngỡ được anh chàng nhạc sỹ nọ tặng thơ tình viết cho mình, ai ngờ khi ghé tai chàng hỏi nhỏ có phải viết cho em không?” thì  chàng lại lắc đầu: “Không, không phải”,  “mình như người thở hụt hơi, thế có chán không?”.

Tôi đọc trong ánh mắt nỗi thất vọng của nàng, khát vọng được tỏ tình bằng thơ. Thơ có gì mà huyền diệu đến vậy? Nó chưng cất lên thứ rượu bằng chữ, viết cho con tim khi nức nở, và day dứt đắm say của con tim, ấy là khi người ta còn trẻ. Khi cơ thể tràn đầy năng lượng để yêu. Một ý nghĩ lóe lên khi ngồi du thuyền trên sông, tôi mới lục lại đời mình, sực nhớ thuở trẻ, mình có được tặng nhiều thơ tình, có chàng nhà thơ, nhạc sỹ tặng hẳn cả một tập thơ gồm 25 bài, khi đó tôi mới sang 25 tuổi; còn 5 năm trước đó, khi  20 tuổi tôi cũng từng được một chàng nhà văn nọ tặng, không nhớ bao nhiêu bài thơ nữa…Tôi từng giữ gìn rất cẩn thận mỗi bài thơ tình. Nhưng trước khi lấy chồng, tôi thức trắng đêm đọc lại những bài thơ tình chàng tặng một lần rồi quyết định đốt đi. Đốt đi, để khi sống chung hai người, tránh những hiểu lầm, tranh luận, tránh những đề phòng nhau, biết đâu đấy, hiểu lầm còn dẫn đến đổ vỡ hôn nhân ấy chứ? Chồng tôi, một nhà văn vừa sâu sắc, vừa cả nghĩ, tôi không muốn anh buồn. Đốt thơ tình của người yêu mình nhưng  trong lòng vẫn đắm đuối tiếc.

Năm đó, tôi đem kể với bạn là họa sỹ Đặng Thu Hương, thì bạn bảo: “Sao cậu không đem đến chỗ mình, mình giữ cho!” - “Ừ nhỉ, thế mà không nghĩ ra”. Mà thôi, mình cũng có thuộc đôi câu chàng viết cho mình, vì thấy hay: “Ngõ nhỏ chờ em anh đợi/ dẫu sấm sét xé toang đêm tối/ anh và em trong ánh chớp tìm nhau/ trong ánh chớp, anh và em bền vững/ bốn bàn chân trên mặt địa cầu.” Còn chàng nhà văn, thì viết:Em là viên ngọc lặn sâu đáy biển/ anh ngụp lặn tìm kiếm/khư khư ôm giữ như hơi thở ”, bạn là họa sỹ nghe xong chỉ cười cười không nói gì…

Đêm đó tôi thức trắng đêm viết bài “Em đã đốt thơ tình anh tặng” như vừa ngoảnh lại thời tóc đen môi thắm, như vừa chạm tới đống tàn tro, không hề nguội lạnh, mà đang âm ỉ, bốc lửa về ký ức xưa, cũ; cũng như vừa mới đây nhớ lại chồng mình đã sang thế giới bên kia; anh đi rồi để lại em với bàn tay trắng, không nghề nghiệp. Năm 2000, có lẻ, làm dân thường khổ lắm ai ơi; từ việc vào bệnh viện đến đi xin giấy tờ sức khỏe để đi làm hơp đồng. Ai cũng có quyền hạch sách, đủ thứ, đến  ngay cả cô ý tá trong bệnh viện lớn cũng có quyền quát nạt khi mình không còn trẻ: Bà có biết chữ không? Không  biết chữ thì điểm chỉ vào giấy nằm viện.”. Khi xếp hàng rồng rắn ở bệnh viện Việt Đức chờ mổ tĩnh mạch, xếp hàng đủ thứ, mới được nộp tiền nằm viện. Rồi đi viết báo tự do, không muốn để một kẻ nào đó muốn đạp mình xuống đất, đến viết thuê cũng phải ký tên đỗ xanh đỗ đỏ đỗ vàng, vì đủ lý do chua xót khác, vì sự tỵ hiềm của cánh đàn bà với nhau; ngoảnh lại cũng chỉ do cái danh hão, vì bát cơm manh áo mà khốn khổ. Nếu muốn yên thân, thì đều phải lấy chữ nhẫn làm điều để gắng gỏi nuôi con. Khi  làm mẹ đơn thân, tôi mới hiểu, họ rất cần sự can đảm, và tôi muốn gói sự can đảm trong câu thơ “em cũng như rêu không cho mình phận bạc”. Và cũng mong muốn sau này nhiều bạn phụ nữ như tôi, luôn bình thản đối mặt với kẻ ác “dẫm” lên mình. Sau 5 năm, tôi chọn in tập thơ “Em đã đốt thơ tình”,  mấy bạn trẻ ở nhà XB Phụ Nữ lại bảo: “Cháu ghen với cô quá cơ, đời cháu chả có chàng nào tặng cho một câu thơ, nên có biết thơ tình là gì đâu?”. Một bạn khác:Con đang ga tô với u, làm sao mà u dại dột thế, có thể đốt đi những câu thơ tình hay xế cơ chứ?”, và, “U ơi con cũng được thằng chồng nó tặng thơ tình, con kiên quyết không đọc, con thuận tay định ném xuống sông Hồng, lúc đó cả hai đứa đang đi xe máy, con xuống xe nhào ném tờ thơ tình viết trên giấy A4, vo lại ném xuống sông Hồng kiên quyết không đọc, thế mà “nó” tưởng con nhảy sông tự tử,  nó vồ lấy con đấy u ạ; con đã nghĩ “làm sao mà anh ngu thế, không đọc thơ, chứ ai dại gì mà nhảy sông”. Không ngờ nó vồ con đến bây giờ sinh ra hai thằng cu nữa, thế là ba con hổ của thơ tình vồ con. Có khổ không? .

 “Con nữa. Con cũng không có đến nửa câu thơ tình được chồng tặng. chồng con còn bảo: “Dở hơi mà viết thơ tình à? anh là chỉ có nhìn em thôi, thơ phú gì cho mệt”. Vâng mệt lắm ạ, em không thích đọc thơ nhưng nghề biên tập thơ, có câu thơ hay cũng nâng đỡ mình vô hình đó ạ.”.

 Lý do khác nữa, khi nhà nghiên cứu phê bình văn học Cao Hồng ở tận Thái Nguyên, viết phê bình tập thơ của tôi, một nhà văn có hạng, phán: “Lại có thứ đàn bà đốt thơ tình thì còn gì để nói nữa”. Nghe Cao Hồng đối thoại, tôi bình thản cười: Đốt thơ tình  mà câu chữ vẫn giữ lại trong tim thì cũng là một cách giữ. Tro ở trong tim còn nóng hơn tro tàn ngoài đời. Việc đốt thơ tình để bảo vệ hạnh phúc của mình thì hiên tại, đâu phải là chuyện đúng hay sai? Thơ đi vào lòng người đọc mỗi người có một cách cảm thụ riêng, tùy ở  sự từng trải của bạn, tùy ở  mối cơ duyên của bạn, tùy ở  cách ứng xử văn hóa ở nhiều góc độ khác nhau trong đời sống, và tôi luôn trân trọng những người đọc thơ, yêu thơ, cách giữ gìn thơ tình theo nhiều lý do khác của mỗi phận người trong cõi tạm này.

Nhạc sĩ Phạm Việt Long đã phổ nhạc cho bài thơ này, với một sự đồng cảm sâu sắc.

Em đã đốt thơ tình anh tặng - Thơ: Hoàng Việt Hằng, Nhạc: Phạm Việt Long, Hát: Hiền Anh

 

Bạn đang đọc bài viết "Lý do của bài thơ “Em đã đốt thơ tình anh tặng”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn